Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường:

Thu hồi đất phải tạo mặt bằng sản xuất kinh doanh cho người có đất bị thu hồi

VÂN NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) - Sáng 15/1, góp ý về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho rằng, nếu thu hồi đất nông nghiệp, người dân bị thu hồi đất không thể chuyển đổi nghề nghiệp sang làm việc trong khu công nghiệp hoặc khu đô thị thì trong phương án thu hồi, bồi thường phải quy hoạch diện tích đất dịch vụ để xây nhà cho thuê hoặc làm nơi bán hàng, kinh doanh dịch vụ nhằm giúp người bị mất đất có việc làm và thu nhập.

Không thể bắt nhà đầu tư trúng đấu thầu, đấu giá tự đi thỏa thuận với người dân về đất

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường đánh giá cao nỗ lực các cơ quan soạn thảo và thẩm tra, cho rằng về cơ bản, nội dung Dự thảo Luật đã khá hoàn chỉnh, có thể thông qua tại kỳ họp này. Tuy nhiên, theo đại biểu có một số điểm cần cân nhắc, điều chỉnh thêm.

Thu hồi đất phải tạo mặt bằng sản xuất kinh doanh cho người có đất bị thu hồi - ảnh 1
Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) trả lời báo chí

Thứ nhất, phải quy định lại Khoản 27 Điều 79 cho phù hợp với quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 126 và yêu cầu của Nghị quyết 18. 

Cụ thể, Điểm a, Khoản 1, Điều 126 quy định: Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất thông qua đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất trong các trường hợp sau: a) Dự án quy định tại khoản 27 Điều 79 của Luật này mà được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định việc giao đất, cho thuê đất thông qua đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất. Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định các tiêu chí để quyết định thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Theo đại biểu, việc Quy định như trên là rất phù hợp với tinh thần của Nghị quyết 18: Thực hiện việc giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất. Tuy nhiên, Khoản 27 Điều 79 lại quy định: Thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu đô thị có công năng phục vụ hỗn hợp, đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội với nhà ở theo quy định của pháp luật về xây dựng.

Như vậy, nếu quy định như Khoản 27 của Điều 79 thì “Chỉ có dự án đầu tư xây dựng khu đô thị có công năng phục vụ hỗn hợp, đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội với nhà ở theo qui định về pháp luật về xây dựng” mới phải đấu thầu chọn nhà đầu tư. Vậy các dự án đầu tư xây dựng các khu đô thị không thỏa mãn như Khoản 27 điều 79, hoặc các dự án xây dựng nhà ở mà nguồn gốc đất không phải là đất ở theo Điểm b, Khoản 1, Điều 127 cũng không được thỏa thuận. Vậy những dự án này sẽ thực hiện theo phương thức nào? 

Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, việc Quy định như Khoản 27 điều 79 như dự thảo Luật làm giới hạn chỉ còn một loại dự án phải đưa ra đấu thầu chọn nhà đầu tư là trái với tinh thần của Nghị Quyết 18.

Hơn nữa, chúng ta không thể bắt những nhà đầu tư đã trúng đấu thầu dự án hoặc trúng đấu giá quyền sử dụng đất tự đi thỏa thuận với người dân về đất. Những dự án đã trúng đấu thầu thì không thể bắt buộc. Do vậy, ông đề nghị sửa Khoản 27, Điều 79 là: Các dự án sử dụng đất thuộc đối phải đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu chọn nhà đầu tư theo quy định của các cấp có thẩm quyền.

Sau khi thu hồi đất, người dân phải có chỗ ở, bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ

Thứ hai, về nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất phải cụ thể hóa được yêu cầu của Nghị quyết 18 là phải có quy định cụ thể về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để sau khi thu hồi đất thì người dân có đất bị thu hồi phải có chỗ ở, bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.

Đại biểu Hoàng Văn Cường rất đồng tình với quy định rất cụ thể về tiêu chuẩn hạ tầng kỹ thuật của khu tái định cư tại Điểm a, Khoản 2, Điều 110 là: Hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư đạt tiêu chuẩn nông thôn mới đối với khu vực nông thôn, đạt tiêu chuẩn đô thị đối với khu vực đô thị. Đại biểu đề nghị, đây là tiêu chuẩn tối thiểu đối với khu tái định cư. Nếu nơi nào có điều kiện có thể xây dựng khu tái định cư khu vực nông thôn nhưng đạt chuẩn của khu đô thị mới thì càng khuyến khích chứ không giới hạn.

Vì vậy, đại biểu đề nghị thêm: Hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư không thấp hơn tiêu chuẩn nông thôn mới đối với khu vực nông thôn, không thấp hơn tiêu chuẩn khu đô thị mới đối với khu vực đô thị.

Đại biểu Hoàng Văn Cương rất đồng tình với quy định về ưu tiên lựa chọn địa điểm của khu tái định cư tại Khoản 3, Điều 110 là địa điểm tái định cư được lựa chọn theo thứ tự ưu tiên: a) Tại địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất thu hồi; b) Mở rộng trên địa bàn quận, huyện, thị xã, thành phố; c) Tại địa bàn khác có điều kiện tương đương.

Đại biểu đề nghị bổ sung thêm một điểm là: Ưu tiên khu đất được quy hoạch đất ở có vị trí thuận lợi nhất ở địa bàn được lựa chọn làm khu tái định cư. Cần thiết phải bổ sung quy định này để tránh tình trạng có địa phương dành quỹ đất được quy hoạch đất ở có vị trí thuận lợi nhất cho đấu giá để thu tiền, còn khu xa, khó khăn không ai muốn mua thì bố trí khu tái định cư.

Một bài học thực tế là các dự án tái định cư đường vành đai 4 Hà Nội đang thực hiện dành vị trí thuận lợi nhất cho tái định cư và xây dựng hạ tầng khu tái định cư ở nông thôn, ngoại thành nhưng như tiêu chuẩn khu đô thị mới nên người dân phải di dời chỗ ở rất đồng tình ủng hộ.

Đại biểu đánh giá cao quy định tại Khoản 4, Điều 91, thể hiện rất rõ trách nhiệm của Nhà nước đối với người có đất bị thu hồi là: Nhà nước có trách nhiệm hỗ trợ cho người có đất bị thu hồi, chủ sở hữu tài sản để tạo điều kiện cho người có đất bị thu hồi, chủ sở hữu tài sản có việc làm, có thu nhập, ổn định đời sống, sản xuất.

Phương án hỗ trợ tốt nhất, bền vững nhất không phải là đưa tiền cho người dân mà phải tạo không gian, mặt bằng làm nơi sản xuất kinh doanh. Nếu thu hồi đất đang là nhà xưởng sản xuất kinh doanh thì trong phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư phải có phương án tạo lập mặt bằng mới cho các hoạt động sản xuất kinh doanh phải di dời đến các vị trí thuận lợi nhất, có thể tái lập hoạt động sản xuất kinh doanh.

Theo đại biểu, nếu thu hồi đất nông nghiệp, người dân bị thu hồi đất không thể chuyển đổi nghề nghiệp sang làm việc trong khu công nghiệp hoặc khu đô thị thì trong phương án thu hồi, bồi thường phải quy hoạch diện tích đất dịch vụ để xây nhà cho thuê hoặc làm nơi bán hàng, kinh doanh dịch vụ nhằm giúp người bị mất đất có việc làm và thu nhập.

Trong quy định về các đối tượng thu hồi đất mới chỉ có quy định về thu hồi đất cho khu tái định cư, chưa có qui định về thu hồi đất để tạo mặt bằng sản xuất kinh doanh cho người bị thu đất. Vì vậy, đại biểu đề nghị bổ sung thêm vào Khoản 21, Điều 79 là: Thu hồi đất phải tạo mặt bằng sản xuất kinh doanh cho người có đất bị thu hồi.

Tin cùng chuyên mục

10 điểm nổi bật trong công tác Mặt trận Thủ đô năm 2024

10 điểm nổi bật trong công tác Mặt trận Thủ đô năm 2024

(PNTĐ) - Năm 2024 đang dần khép lại, điểm lại công tác Mặt trận thủ đô có nhiều điểm mới, nổi bật như: Tổ chức thành công nhiều sự kiện nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn; các hoạt động vì người nghèo được triển khai hiệu quả; tập trung đẩy mạnh các hoạt động giám sát, phản biện xã hội, phát huy dân chủ, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân… Dưới đây xin giới thiệu 10 điểm mới, nổi bật của công tác Mặt trận Thành phố trong năm 2024.
Sun Group cam kết hoàn thành xây dựng sân bay Gia Bình trong 12 tháng

Sun Group cam kết hoàn thành xây dựng sân bay Gia Bình trong 12 tháng

(PNTĐ) - Sáng 10/12, phát biểu tại Lễ khởi công dự án xây dựng sân bay Gia Bình (tỉnh Bắc Ninh), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, sân bay đã hoàn thiện thủ tục pháp lý và giải phóng mặt bằng nhanh, được xây dựng theo tiêu chí “3 nhất”: “thi công nhanh nhất, chất lượng tốt nhất, giá thành rẻ nhất”. Đại diện nhà thầu - Tập đoàn Sun Group cam kết “sẽ hoàn thành xây sân bay trong 12 tháng theo ba tiêu chí mà Thủ tướng Chính phủ giao”.
Hội LHPN Hà Nội vinh dự nhận Cờ dẫn đầu phong trào thi đua năm 2024

Hội LHPN Hà Nội vinh dự nhận Cờ dẫn đầu phong trào thi đua năm 2024

(PNTĐ) - Trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành TƯ Hội LHPN Việt Nam khóa XIII diễn ra chiều 13/12 tại Hà Nội, Ban Chấp hành TƯ  Hội LHPN Việt Nam khóa XIII đã tiến hành công tác Thi đua, khen thưởng năm 2024. Hội LHPN Hà Nội vinh dự là một trong 8 tỉnh/thành được tặng Cờ dẫn đầu phong trào thi đua và thực hiện nhiệm vụ công tác Hội.
Nhìn từ VPBank Commandos để thấy “chất” VPBank

Nhìn từ VPBank Commandos để thấy “chất” VPBank

(PNTĐ) - “Ngủ trong đêm mưa rừng, trekking 40km, ngồi máy cày trên con đường lầy lội, là những trải nghiệm mình sẽ không bao giờ quên được” - Một VPBanker chia sẻ khi vừa kết thúc hành trình 48h tại Tà Năng - Phan Dũng trong chuỗi hoạt động VPBank Commandos Ultra 2024.