Thu phí phương tiện cá nhân phải phát triển giao thông công cộng
Sở GTVT Hà Nội vừa có Tờ trình UBND TP thẩm định đề án “Thu phí phương tiện cơ giới đường bộ đi vào một số khu vực nhằm giảm ùn tắc giao thông”, trong đó, đề xuất thu phí xe cơ giới vào một số khu vực nội đô có nguy cơ cao ùn tắc giao thông (UTGT) và ô nhiễm môi trường.
Sẽ đặt trạm thu phí tại 68 vị trí và 87 trạm thu phí
Theo Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội Vũ Văn Viện: Đối tượng thu phí là các xe ô tô di chuyển từ bên ngoài vào trong khu vực thu phí có nguy cơ ùn tắc giao thông (trừ các phương tiện được miễn phí: Xe ưu tiên theo quy định hiện hành, xe công an, quân đội, xe cứu thương, xe cứu hỏa, xe công vụ, xe buýt công cộng, xe ô tô vận tải hàng hóa...); Các phương tiện được miễn phí có điều kiện và các đối tượng được giảm phí...
Theo đề án, những khu vực thu phí gồm: Khu vực có nguy cơ ùn tắc giao thông; Khu vực có thể tổ chức giao thông thuận tiện cho các phương tiện giao thông không cần đi vào khu vực thu phí có điều kiện thuận lợi để vòng tránh và đi qua địa bàn thành phố một cách thuận lợi; Khu vực có điều kiện để tổ chức xây dựng, lắp đặt các trạm thu phí, ít ảnh hưởng đến giao thông và hạn chế gây ùn tắc giao thông tại điểm thu phí.
Giám đốc Sở GTVT Vũ Văn Viện cho biết, căn cứ kết cấu hạ tầng giao thông và mật độ giao thông, dự kiến phạm vi thu phí giới hạn bởi các đường: Vành đai 3 - cầu Thanh Trì - Pháp Vân - Mai Dịch - Phạm Văn Đồng - trục Tây Thăng Long - Võ Chí Công - cầu Nhật Tân - đường Hoàng Sa - đường Trường Sa - đường Lý Sơn - đường Nguyễn Văn Linh và khép kín vào Vành đai 3. Với vành đai thu phí như trên, dự kiến sẽ đặt trạm thu phí tại 68 vị trí và 87 trạm thu phí. Phạm vi thu phí này có điều kiện để xe ô tô các tỉnh, thành phố không cần thiết đi qua khu vực thu phí có điều kiện đi ra ngoài khu vực thu phí.
Khung mức thu được đề cập trên cơ sở khái toán kinh phí đầu tư và chi phí vận hành bảo trì hệ thống thu phí và lưu lượng xe thu phí (được xác định dựa trên số liệu thu phí của Tổng cục Đường bộ và đếm lưu lượng, dự kiến số lượng không đi vào khu vực thu phí…).
Dự kiến mức thu phí thấp nhất đủ bù đắp chi phí đầu tư và chi phí quản lý, vận hành khoảng 50.000 đồng. Theo nguyên tắc mức phí đủ tác động điều chỉnh hành vi trên cơ sở thực tế về mức thu các điểm đỗ xe trong khu vực trung tâm thành phố. Mức thu phí được đề nghị ở mức hợp lý để có tác dụng điều chỉnh hành vi người điều khiển phương tiện, khoảng 100.000 đồng/ lượt?
Điều kiện về công nghệ thu phí sẽ theo quy định về số hóa phương tiện giao thông trên phạm vi cả nước, đồng bộ hệ thống cơ sở dữ liệu và chia sẻ dữ liệu về phương tiện giao thông trên toàn quốc gắn với cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia để có thể thực hiện được thu phí không dừng và xử lý vi phạm bằng hình ảnh (phạt nguội) đảm bảo không ùn tắc giao thông tại khu vực thu phí...
Dự kiến HĐND TP sẽ thông qua Đề án tại kỳ họp cuối năm 2021 về loại phí và khung phí. Đến năm 2024 sẽ trình HĐND TP ban hành mức thu phí cụ thể và tổ chức thực hiện sau khi HĐND TP chính thức quyết định.
Trước đó, thực hiện Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐND của HĐND TP thông qua Đề án "Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố (TP) Hà Nội, giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030", đến nay, UBND TP đã triển khai 28/37 nhiệm vụ.
Tuy nhiên, đánh giá về thực trạng hạ tầng giao thông Hà Nội dù đã được đầu tư theo quy hoạch, song kết cấu hạ tầng giao thông vận tải chưa đồng bộ, các tuyến vành đai 1-2-3 chưa được đầu tư hoàn chỉnh. Tuyến vành đai 4, vành đai 5 chưa được đầu tư.
Các tuyến đường sắt đô thị đều chậm tiến độ. Tỷ lệ vận tải hành khách công cộng chưa đạt theo yêu cầu đề ra. Tình trạng ùn tắc giao thông vẫn diện biến phức tạp, đặc biệt vào giờ cao điểm. Vì vậy, giải pháp thu phí phương tiện xe cơ giới đường bộ nhằm hạn chế ùn tắc giao thông được xem là giải pháp hết sức cần thiết.
Với vành đai thu phí như trên, dự kiến Hà Nội sẽ đặt 87 trạm thu phí tại 68 vị trí. (Ảnh: Int)
Thu phí phương tiện cá nhân phải đi kèm phát triển giao thông công cộng
Vấn đề thu phí phương tiện xe cơ giới đường bộ ngay lập tức nhận được sự quan tâm trên nghị trường Quốc hội. Trao đổi với phóng viên báo Phụ nữ Thủ đô, ông Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng trường đại học Kinh tế quốc dân, đại biểu Quốc hội khóa XV, đoàn Hà Nội cho rằng: Lộ trình thu phí vào năm 2021-2025 phù hợp hay không phụ thuộc vào vấn đề phát triển hệ thống hạ tầng công cộng của Hà Nội.
Đánh giá về đề xuất của Sở GTVT Hà Nội, ông Hoàng Văn Cường cho rằng, đây là đề xuất hợp lý khi các đô thị lớn hạ tầng không đủ dẫn đến quá tải, mất cân đối giữa những người có phương tiện cá nhân với người không có.
"Tuy nhiên, cần tính đến việc triển khai thực hiện lộ trình này đặt trong bối cảnh nào. Ví dụ, khi thu phí thì chúng ta phải phát triển thêm hệ thống giao thông công cộng để cho người dân lựa chọn tốt hơn". Nếu Hà Nội muốn giải quyết vấn đề là thu phí để hạn chế phương tiện cá nhân, thì đi kèm theo đó là hệ thống công cộng phải phát triển.
Nếu có hệ thống công cộng đầy đủ thì hoàn toàn có thể xác định thời điểm đó là thời điểm để chúng ta áp dụng. Bên cạnh đó, trong thời điểm hiện tại, dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến doanh nghiệp, người dân nên việc thu phí phải cân nhắc. Tôi cho rằng, chưa nên nghĩ đến triển khai ngay ở thời điểm này, ít nhất để nền kinh tế phục hồi, sức khỏe của người dân, doanh nghiệp đỡ gánh nặng của đại dịch. Khi đó, đồng thời phát triển hệ thống giao thông hạ tầng, giao thông công cộng đi song hành thì thu phí phương tiện cá nhân" - đại biểu Cường nói.
Liên quan đến băn khoăn của nhiều người về việc "nếu thu phí vào nội đô như vậy, liệu người lao động có dồn vào nội thành sinh sống, dẫn đến ùn tắc càng trở nên nghiêm trọng", đại biểu Cường chia sẻ: "Chúng ta phải làm đồng loạt nhiều thứ, đồng bộ nhiều thứ chứ không phải đơn thuần chặn đường thu phí ngay.
Theo tôi, đi kèm thu phí phương tiện cá nhân thì phải triển các hệ thống giao thông công cộng, nếu người lao động không có thu nhập cao thì đương nhiên người ta không có phương tiện cá nhân đi ô tô, không phải vì 60.000đ đấy mà họ dịch chuyển vào nội đô mà vấn đề là phải được đáp ứng bằng các hệ thống giao thông công cộng. Nếu bây giờ "chặn đường", bất kể người nào cũng thu phí, kể cả xe máy, xe đạp đi qua cũng thu phí thì khi ấy sẽ cản trở toàn bộ những người tham gia giao thông bằng phương tiện cá nhân. Hiện có nhiều đề án về hệ thống giao thông công cộng chưa hoàn thành dù triển khai nhiều năm.
Tuy nhiên đại biểu Cường tin tưởng: "Các dự án có thể vướng ở những khâu nào đó, nhưng nếu có cách xử lý dứt điểm, tôi nghĩ trong 4 năm cũng không phải thời gian ngắn để thay đổi được hệ thống giao thông công cộng của Hà Nội".
Một vấn đề khác đặt ra đó là quỹ đất giao thông đô thị của Việt Nam nói chung hiện nay đang thấp, kể cả đường giao thông, đặc biệt là giao thông tĩnh. Chính vì thấp như vậy nên một mặt phải đầu tư để mở rộng thêm, nhưng mặt khác cũng phải có các yếu tố để đầu tư hạ tầng. Ví dụ, Hàn Quốc có kinh nghiệm đăng ký một xe ô tô đi trong nội đô thì phải đóng một khoản tiền, gọi là trái phiếu để đầu tư xây dựng đường tàu điện ngầm. Như vậy, đi ô tô thì phải bỏ tiền ra để đầu tư cho người dân đi tàu điện ngầm dưới đất, phải huy động nguồn lực để mở rộng thêm các không gian giao thông.
“Phí giảm ùn tắc giao thông” là một loại phí mới
Theo nội dung Đề án “Thu phí phương tiện cơ giới đường bộ đi vào một số khu vực nhằm giảm ùn tắc giao thông”, phí phương tiện xe cơ giới đi vào một số khu vực nhằm giảm ùn tắc giao thông” gọi tắt là “Phí giảm ùn tắc giao thông” là một loại phí mới chưa có trong Luật Phí và lệ phí được Quốc hội quy định.
Ngày 28/8/2018, UBND TP Hà Nội có văn bản số 3977/UBND-ĐT về đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định của pháp luật để phù hợp với tình hình thực tế làm cơ sở thực hiện. Ngày 16/10/2018, tại văn bản số 10040/VPCP-KTTH, Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho TP Hà Nội lập Đề án trình HĐND TP theo quy định. Ngày 19/06/2020, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 115/2020/QH14 ngày 19/06/2020 về "Thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội".
Phí giảm ùn tắc giao thông là một loại phí mà người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (ô tô) phải trả khi đi vào khu vực có nguy cơ ùn tắc giao thông, nhằm giảm lưu lượng xe ô tô đi vào góp phần giảm ùn tắc giao thông. Đây là một biện pháp kinh tế của cơ quan nhà nước nhằm điều chỉnh hành vi của người điều khiển phương tiện giao thông xe cơ giới đường bộ khi không cầ̀n thiết đi vào vùng thu phí, đồng thời khuyến khích việc sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng.
PHẠM HẰNG - THẢO HƯƠNG