Tiếp tục đề cao giá trị dân chủ, pháp quyền

Chia sẻ

Tại phiên bế mạc kỳ họp thứ 2, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Quốc hội khóa XV sẽ tiếp tục các giá trị dân chủ, pháp quyền, đề cao và tôn trọng quyền con người, quyền công dân theo đúng tinh thần của bản Hiến pháp đầu tiên trong lịch sử nước nhà.

Rút ngắn thời gian nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, đúng quy định

Phát biểu tại phiên bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết: Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV được tổ chức thành 2 đợt, kết hợp giữa họp trực tuyến và họp tập trung. Đây là một kỳ họp được chủ động rút ngắn so với các kỳ họp cuối năm của Quốc hội những khóa gần đây nhưng vẫn bảo đảm chất lượng, hiệu quả, đúng quy định. Quốc hội đã đổi mới cách thức tổ chức Kỳ họp theo hình thức trực tuyến như: Chia tổ thảo luận cả ở Nhà Quốc hội và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, thử nghiệm biểu quyết điện tử, bố trí thảo luận tổ, tổng hợp kết quả thảo luận tổ…

Đã có 2.927 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu tại 8 phiên thảo luận tổ và 498 lượt đại biểu Quốc hội thảo luận tại 16 phiên họp toàn thể tại hội trường. Có thể nói, thành công của Kỳ họp lần này tiếp tục khẳng định những bước tiến quan trọng trong việc xây dựng một Quốc hội “Chủ động, Trí tuệ, Đoàn kết, Đổi mới và Trách nhiệm”, một Quốc hội ngày càng dân chủ, công khai, minh bạch, gắn bó mật thiết với cử tri, nhân dân; Đồng thời là hiện thân của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội đã thông qua 2 luật, 12 Nghị quyết; Cho ý kiến về 5 dự án luật khác; Tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn các thành viên Chính phủ…

Quốc hội đã nghe báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV; Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV; Xem xét nhiều báo cáo quan trọng về: Công tác phòng, chống dịch Covid-19 và việc thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội; Tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội; Việc quản lý, sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế năm 2020 và việc thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân trong 2 năm 2019-2020; Công tác tư pháp, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, thi hành án, phòng, chống tham nhũng năm 2021.

Thông tin thêm về phiên chất vấn tại kỳ họp, ông Bùi Văn Cường - Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội chia sẻ: Phiên chất vấn của kỳ họp đã tiến hành thành công tốt đẹp, được cử tri, nhân dân đánh giá cao.

“Có thể nói, kết quả phiên chất vấn là tiền đề quan trọng để nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, đặc biệt hoạt động giám sát tối cao thông qua hình thức chất vấn, trả lời chất vấn. Quốc hội sẽ tiếp tục hoàn thiện, để đảm bảo thích ứng linh hoạt, đảm bảo đạt yêu cầu và có đổi mới, để thấy Quốc hội bắt được nhịp hơi thở cuộc sống để thực hiện tốt nhiệm vụ mà cử tri, nhân dân cả nước giao phó cho Quốc hội Việt Nam” - Tổng Thư ký Quốc hội khẳng định.

Các đại biểu tham gia biểu quyết tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XVCác đại biểu tham gia biểu quyết tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV (Ảnh: QH)

Không dừng lại ở kết luận, Nghị quyết

Một trong những điểm nhấn của kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV là không khí sôi động, dân chủ, trách nhiệm tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Theo đánh giá của các đại biểu và cử tri, Chủ tịch Quốc hội đã điều hành các phiên chất vấn rất linh hoạt, sắc bén, tạo không khí sôi nổi và tinh thần trách nhiệm trước những vấn đề lớn của đất nước, thậm chí còn gợi mở, chỉ rõ cho Bộ trưởng “gốc tích” vấn đề ở đâu, dẫn dắt các đại biểu Quốc hội chất vấn đúng, trúng và theo đuổi đến cùng nhiều vấn đề “nóng” mà cử tri, nhân dân quan tâm.

Có thể kể đến các nội dung về: Công tác phòng, chống dịch Covid-19, chiến lược vắc-xin thời gian tới, vấn đề bảo hiểm y tế, vi phạm trong mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế; Chính sách thu hút lao động quay trở lại làm việc, hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhất là phụ nữ và trẻ em; Công tác dạy và học trực tuyến, giảm tải chương trình, chất lượng sách giáo khoa, bảo đảm hiệu quả, công bằng trong việc tiếp cận điều kiện giáo dục của học sinh các vùng miền; Giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế trong điều kiện thích ứng linh hoạt, an toàn với dịch bệnh Covid-19, các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh để phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh…

Các bộ trưởng, trưởng ngành cũng đã làm rõ trách nhiệm và đưa ra phương hướng, giải pháp khắc phục, và đưa ra nhiều cam kết cụ thể, mạnh mẽ. Tuy nhiên, Quốc hội xác định rõ: Trách nhiệm, cam kết và thời hạn cụ thể thực hiện cam kết là thành công bước đầu, phiên chất vấn và trả lời chất vấn chỉ thực sự hiệu quả khi những kết luận, cam kết, lời hứa sớm được triển khai thực hiện nghiêm túc trên thực tế; Qua đó, sớm tháo gỡ, giải quyết hàng loạt vấn đề nóng bỏng thực tiễn đang đặt ra, nhất là những nội dung cấp bách liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 hiện nay.

Vì thế, cùng với việc sẽ ban hành Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn làm cơ sở để tổ chức thực hiện và giám sát theo quy định, căn cứ tình hình thực tế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình tiếp tục tổ chức chất vấn tại phiên họp của UBTVQH, các cơ quan của Quốc hội trên cơ sở Nghị quyết về chất vấn; Tổ chức giám sát việc thực hiện những nội dung được đưa ra chất vấn; Chủ động tổ chức các phiên giải trình về những vấn đề bức xúc nổi lên thuộc lĩnh vực phụ trách…

Tại phiên bế mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh: “Để các Nghị quyết của Quốc hội đi vào cuộc sống, ngay sau kỳ họp này, Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, UBTVQH, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan trong bộ máy nhà nước từ Trung ương đến địa phương, các Đoàn đại biểu Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện tốt các luật, Nghị quyết vừa được thông qua; Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, chú trọng công tác giám sát, đánh giá để phát huy những mặt tích cực và khắc phục những bất cập, hạn chế”.

Chia sẻ về ấn tượng đối với kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, đại biểu Bùi Hoài Sơn (đoàn Hà Nội) cho biết: Có thể thấy những vấn đề lớn đã được Quốc hội thảo luận kỹ lưỡng và được thông qua. Những tranh luận, chất vấn tại nghị trường cũng nêu được các vấn đề “nóng” đang đặt ra trong thực tiễn. Từ đó thấy rằng, không chỉ trong bối cảnh dịch bệnh mà chúng ta luôn cần có sự lường trước, chủ động xây dựng kế hoạch dài hạn.

“Quốc hội đang đảm đương tốt vai trò của mình, thích ứng linh hoạt trong tất cả các hoạt động và tạo niềm tin trong nhân dân đối với hoạt động của Quốc hội. Tôi kỳ vọng những quyết sách lớn đã được Quốc hội thông qua trong kỳ họp này sẽ được triển khai ngay và có hiệu quả trong thực tiễn. Những tranh luận, chất vấn và cam kết từ các tư lệnh ngành sẽ trở thành hành động cụ thể để giải quyết tận gốc, thấu đáo những vấn đề mà các Bộ trưởng đã chỉ rõ và đã hứa trước đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước” - đại biểu Bùi Hoài Sơn khẳng định, đồng thời mong muốn có thêm thời lượng cho phiên chất vấn và trả lời chất vấn, đặc biệt là phiên chất vấn với Thủ tướng, để các đại biểu có thể nêu được hết những vấn đề thực sự bức xúc rất cần có những giải đáp từ Thủ tướng và các vị trưởng ngành.

Công tác bảo vệ quyền phụ nữ, trẻ em được Quốc hội quan tâm

Theo dõi diễn biến của kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV qua các phương tiện thông tin đại chúng, cử tri Nguyễn Mai Anh (Phó Chủ tịch Hội LHPN quận Hoàng Mai, Hà Nội) rất tâm đắc về việc nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ quan điểm, đề xuất giải pháp nhằm tăng cường công tác bảo vệ quyền trẻ em, đặc biệt là bảo trợ xã hội đối với trẻ em mồ côi do dịch Covid-19. Bên cạnh đó, trong Luật Thống kê (sửa đổi) được thông qua tại kỳ họp lần này đã bổ sung chỉ tiêu về tỷ lệ trẻ em nghèo đa chiều, tiếp tục lồng ghép quy định bình đẳng giới trong nhiều quy định... Việc bổ sung các chỉ tiêu này sẽ hỗ trợ mục tiêu phát triển bền vững, nhất là với nhóm phụ nữ, trẻ em. Nếu chỉ có tỷ lệ người nghèo đa chiều nói chung mà chưa có tỷ lệ trẻ em nghèo đa chiều thì sẽ bỏ sót 1,7 triệu trẻ em nghèo không sống trong các hộ nghèo.

Đồng thời, nhiều nội dung về việc làm, nhà ở cho lao động nữ, an toàn trường học, y tế học đường, vấn đề đảm bảo hiệu quả học tập khi học sinh học trực tuyến, tiêm chủng vắc-xin cho trẻ em... cũng đã được Quốc hội thảo luận, bàn bạc, nghiên cứu giải pháp và có định hướng để sớm triển khai hiệu quả.

 THẢO HƯƠNG

Tin cùng chuyên mục

17 tác phẩm xuất sắc được trao giải thưởng sáng tác tranh cổ động về Điện Biên Phủ và Bộ đội Trường Sơn

17 tác phẩm xuất sắc được trao giải thưởng sáng tác tranh cổ động về Điện Biên Phủ và Bộ đội Trường Sơn

(PNTĐ) - Tại Lễ tổng kết và trao giải thưởng cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ và 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn, Ban tổ chức đã trao giải cho 17 tác phẩm xuất sắc.