Trung Quốc, Lào, Campuchia cùng diễu binh tại lễ kỷ niệm 30/4: Biểu tượng tình đoàn kết quốc tế
(PNTĐ) - Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, người phát ngôn Phạm Thu Hằng đã thông tin chính thức về lễ diễu binh, diễu hành trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).
Điểm đặc biệt của sự kiện lần này là sự góp mặt của các đoàn quân đội đến từ Trung Quốc, Lào và Campuchia – ba quốc gia láng giềng có mối quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời với Việt Nam. Đây là lần đầu tiên các lực lượng quốc phòng nước ngoài cùng tham gia diễu binh tại một lễ kỷ niệm lớn của Việt Nam, thể hiện sự ủng hộ, đồng hành và hợp tác chặt chẽ giữa các nước trong khu vực.

Phát biểu tại họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Phạm Thu Hằng cho biết: “Lễ kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là sự kiện vô cùng quan trọng, đặc biệt quan trọng, không chỉ đối với nhân dân Việt Nam, mà còn có ý nghĩa đặc biệt với bạn quốc tế đã đồng hành, ủng hộ và giúp đỡ Việt Nam trong cuộc kháng chiến dành độc lập dân tộc. Đặc biệt, Trung Quốc, Lào và Campuchia là ba quốc gia láng giềng có quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời với Việt Nam. Chúng tôi rất vui mừng sự tham gia của các đoàn đại biểu đến từ Lào, Campuchia và Trung Quốc trong hoạt động diễu binh kỷ niệm, thể hiện tình đoàn kết, hợp tác, hữu nghị ngày càng bền chặt giữa Việt Nam và các nước”.
Sự kiện diễu binh sẽ là một điểm nhấn quan trọng trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, khẳng định vị thế ngày càng lớn mạnh của Việt Nam trên trường quốc tế, đồng thời gửi đi thông điệp về tinh thần đoàn kết, hòa bình và phát triển khu vực. Không chỉ là dịp để tôn vinh quá khứ anh hùng, lễ kỷ niệm còn là dịp để Việt Nam và các nước bạn thể hiện cam kết cùng nhau gìn giữ những giá trị hòa bình, hợp tác toàn diện và phát triển bền vững.

Việt Nam lên án mạnh mẽ vụ khủng bố tại Ấn Độ, sẵn sàng bảo hộ công dân
Cũng tại họp báo, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã đưa ra phản ứng chính thức trước vụ khủng bố nghiêm trọng xảy ra tại Ấn Độ vào ngày 22/4. Tại họp báo thường kỳ, bà Phạm Thu Hằng nhấn mạnh: “Việt Nam lên án mạnh mẽ vụ tấn công khủng bố vừa xảy ra tại Ấn Độ. Chúng tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc tới Chính phủ, nhân dân Ấn Độ và gia đình các nạn nhân. Những hành động khủng bố phải bị trừng trị nghiêm khắc”.
Người phát ngôn cũng thông tin thêm rằng ngay sau khi xảy ra vụ việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gửi điện chia buồn tới Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Đồng thời, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ theo dõi sát tình hình, phối hợp với cơ quan sở tại. “Cho đến thời điểm hiện tại, chưa ghi nhận công dân Việt Nam nào bị ảnh hưởng bởi vụ việc. Các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam phối hợp cùng các cơ quan chức năng của Ấn Độ sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến và sẵn sàng thực hiện các biện pháp bảo hộ công dân khi cần thiết”, bà Phạm Thu Hằng nhấn mạnh.
Theo thông tin từ truyền thông quốc tế, đặc biệt là India Today, vụ tấn công xảy ra tại khu du lịch đồng cỏ Baisaran, gần thị trấn Pahalgam, vùng Kashmir do Ấn Độ kiểm soát. Vào ngày 22/4, một nhóm tay súng đã xả súng vào đám đông khách du lịch tại khu vực này, khiến ít nhất 26 người thiệt mạng, bao gồm 25 công dân Ấn Độ và một người Nepal – cùng 17 người khác bị thương. Vụ việc đã làm rúng động dư luận Ấn Độ và cộng đồng quốc tế.
Trước tình hình khẩn cấp, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã lập tức cắt ngắn chuyến thăm hai ngày tới Ả Rập Saudi và trở về New Delhi vào sáng ngày 23/4 để chỉ đạo xử lý vụ việc. Đồng thời, Bộ trưởng Tài chính Nirmala Sitharaman cũng đã rút ngắn chuyến công tác đến Mỹ và Peru để quay về nước.
Vụ khủng bố tại khu vực Kashmir, vốn luôn tiềm ẩn nhiều bất ổn, là lời nhắc nhở đáng buồn về những hiểm họa an ninh đang rình rập tại các khu vực tranh chấp và những thách thức mà các quốc gia trong khu vực phải đối mặt trong việc bảo đảm an toàn cho người dân và du khách. Sự lên án mạnh mẽ từ phía Việt Nam, cùng hành động ngoại giao khẩn trương, đã thể hiện rõ lập trường nguyên tắc của Việt Nam trong việc chống lại mọi hành vi khủng bố và bảo vệ lợi ích công dân ở nước ngoài.
Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ tiếp tục phát triển mạnh mẽ
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc tờ New York Times đưa tin chính quyền Trump cấm các quan chức Mỹ dự lễ kỷ niệm 30/4 của Việt Nam, bà Phạm Thu Hằng cho biết, chưa biết tính chính xác của thông tin này.
Người phát ngôn khẳng định: "Chiến thắng 30/4 là chiến thắng của lương tri, chính nghĩa, chấm dứt mất mát đau thương, không chỉ cho nhân dân Việt Nam mà còn biết bao gia đình người dân Mỹ".
Những năm qua đã chứng kiến nỗ lực to lớn của nhiều thế hệ người dân Việt Nam và Hoa Kỳ để quan hệ hai nước phát triển được như ngày nay. Kỷ niệm ngày 30/4 là dịp để tôn vinh giá trị bất diệt của lòng vị tha, của hòa bình, hòa giải, hàn gắn, của tinh thần gác lại quá khứ hướng tới tương lai.
Từ chỗ là cựu thù, Việt Nam và Hoa Kỳ đã bình thường hóa, thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1995 và xác lập quan hệ Đối tác Toàn diện vào năm 2013, và gần đây nhất là nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững.
Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ tiếp tục phát triển mạnh mẽ là phù hợp với lợi ích và nguyện vọng chung của nhân dân hai nước và đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực cũng như trên thế giới.

Việt Nam gửi lời chia buồn sâu sắc đến Tòa Thánh
Phản ứng của Việt Nam trước việc Giáo hoàng Francis qua đời, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nêu rõ: "Ngay sau khi nhận được tin Giáo hoàng Francis qua đời, thay mặt Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, Chủ tịch nước Lương Cường, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã gửi lời chia buồn đến Tòa Thánh Vatican".
Việt Nam gửi lời chia buồn sâu sắc đến Tòa Thánh, cộng đồng Công giáo trên toàn thế giới và toàn thể Giáo hội Công giáo Việt Nam trong và ngoài nước.
Việt Nam trân trọng vai trò của Giáo hoàng Francis trong việc thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam và Vatican, cũng như trong các chỉ dẫn, khuyến nghị, khuyến khích chức sắc, tu sĩ, đồng bào Công giáo Việt Nam đồng hành cùng dân tộc, đóng góp vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam.