Tư tưởng của Bác thấm nhuần cả đời tôi

HỒNG NHUNG
Chia sẻ

(PNTĐ) -Đó là tâm niệm của ông Nguyễn Ngọc Bào (sinh năm 1934, trú tại xã Võng La, huyện Đông Anh, Hà Nội). Ông Bào vinh dự được gặp Bác Hồ 6 lần trong cuộc đời mình. Ông luôn ghi nhớ, xem lời dạy của Bác là “kim chỉ nam” trong công tác và cống hiến cho Tổ quốc, quê hương.

Mỗi lần gặp Bác là một cảm xúc khó quên

Ông Bào kể, trong suốt cuộc đời mình, ông vinh dự được gặp Bác Hồ 6 lần, mỗi lần với ông là một cảm xúc đặc biệt đan xen. Lần thứ nhất là vào cuối năm 1955, nhân sự kiện Tổng thống Ấn Độ sang thăm miền Bắc nước ta, ông Bào biết tin nên quyết chí đi bộ hàng chục cây số vào nội thành Hà Nội để được nhìn thấy Bác. Mới 6 giờ sáng, dòng người các nơi đổ về và đã đứng ngồi chật hai bên đường. “Bác Hồ ngồi trên xe, vẫy tay chào mọi người. Bác mặc bộ kaki bàng bạc, khỏe mạnh nhưng hơi gầy, đôi mắt sáng long lanh, chòm râu lơ thơ bay trước gió, miệng nở nụ cười. Ai cũng xúc động khi nhìn thấy Bác” – ông Bào bồi hồi nhớ lại. 

Sau lần gặp đó, ông Bào được gặp Bác thêm 5 lần nữa. Lần nào, ấn tượng về Bác cũng là vị lãnh tụ giản dị, dễ gần và thương dân như con. Lần thứ hai, giữa năm 1962, tại Quảng trường Ba Đình, ông cùng học viên trường Trung ương Đoàn tham dự lễ mít tinh đón tiếp lãnh đạo nước bạn sang thăm Việt Nam và được nghe Bác Hồ phát biểu.

Lần thứ ba, Bác đến dự đón Tết Trung thu do Đoàn Thanh niên Lao động Thủ đô Hà Nội tổ chức, ông được nghe Bác kể chuyện, dặn dò. Lần thứ tư, đầu năm 1963, ông lại được gặp Bác tại Đại hội Đại biểu Đoàn Thanh niên Lao động Thủ đô Hà Nội. Lúc đó, ông là trưởng đoàn đại biểu của Huyện đoàn Thanh niên Đông Anh. Cũng vào cuối năm 1963, tại Hội nghị cán bộ của Đoàn Thanh niên Lao động Thủ đô Hà Nội, ông Bào tiếp tục được gặp Bác và nghe lời dạy của Bác…

“Ấn tượng nhất với tôi là lần gặp Bác Hồ vào năm 1965. Đó là lần cuối cùng tôi được gặp Bác, được gần với Bác nhất và vinh dự tham gia Tết trồng cây cùng với Bác” - ông Bào xúc động. Lần đó, hưởng ứng Tết trồng cây do Bác Hồ phát động, Huyện đoàn Đông Anh (Hà Nội) tổ chức lực lượng tập trung vào 2 ngày 31/1 và 1/2/1965 để trồng cây hai bên đường gần khu vực đền Cổ Loa. 7 giờ sáng ngày 1/2, Bác Hồ từ trên xe bước xuống khiến ông cùng mọi người vô cùng ngạc nhiên, vui sướng, xen lẫn xúc động, vì không ngờ Bác lại về trồng cây với lãnh đạo huyện và bà con nơi đây. 

Ông Bào được cùng một số cán bộ huyện và chị em phụ nữ được đứng cạnh phục vụ Bác vun gốc và tưới nước. Lúc này, người dân trong làng Tiên Hội biết tin Bác Hồ về trồng cây ngay trước cửa làng mình nên đã chạy ra hưởng ứng. “Bác bảo: “Bác trồng cây này để mai sau các cháu có bóng mát. Các cháu hãy chăm bón cây cho mau lớn để có chỗ vui chơi”. Ai cũng xúc động vì Bác luôn lo lắng cho thế hệ trẻ và người dân từ những việc làm nhỏ nhất.

Tư tưởng của Bác thấm nhuần cả đời tôi - ảnh 1
Ông Bào đang xem lại những bức ảnh tư liệu quý của mình

Suốt đời học và làm theo lời Bác

Ông Bào cho biết, mỗi lần gặp Bác Hồ ở một hoàn cảnh và cảm xúc khác nhau nhưng hình ảnh Bác hiện lên luôn là người cha ân cần, yêu thương, gần gũi và sẻ chia với tất cả mọi người. Những lời căn dặn của vị cha già kính yêu của dân tộc in sâu trong tâm trí, trở thành kim chỉ nam cho tư tưởng và lối sống của ông. 

Ông Bào cho biết, từ năm 15 tuổi, ông đã tình nguyện xung phong tòng quân vào Tỉnh đội Phúc Yên, làm thiếu sinh quân rồi chuyển sang làm chiến sỹ liên lạc. Từ đó đến năm 1981, ông sống và chiến đấu trong quân ngũ, trong đó có 6 năm tham gia kháng chiến chống Pháp từ 1949-1954, giữ chức vụ liên lạc, từng bị sốt rét, bị địch bắt tù đày, phải chịu đủ cực hình tra tấn “thừa chết thiếu sống” đến khi được trả tự do và đoàn tụ với gia đình.

Từ năm 1965, ông tái nhập ngũ, nhận nhiệm vụ ở Bộ Tư lệnh Đoàn 559. Đến năm 1981, ông mới được Bộ Quốc Phòng điều về làm Ủy viên thường trực kiêm Chánh văn phòng Ủy ban kiểm tra Đảng ủy Tổng cục Kỹ thuật, đóng tại Hà Nội cho đến khi nghỉ hưu. 

Trở về từ chiến trường, hơn 30 năm qua, ông Bào luôn gương mẫu, đi đầu trong các phong trào của địa phương. Ông luôn tích cực xây dựng cơ sở hạ tầng, công trình tri ân liệt sỹ, năng động tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao cho người cao tuổi, cựu chiến binh địa phương, đi đầu trong công tác từ thiện…

Gia đình ông nhiều năm liền được bằng khen là gia đình văn hóa, các con thành đạt, các cháu chắt ngoan ngoãn, lễ phép. Bản thân ông sống giản dị, tiết kiệm, gần gũi, được mọi người tôn trọng, ngưỡng mộ.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Biểu dương, tôn vinh 50 phụ nữ cao tuổi tiêu biểu của Thủ đô trong phong trào thi đua yêu nước

Biểu dương, tôn vinh 50 phụ nữ cao tuổi tiêu biểu của Thủ đô trong phong trào thi đua yêu nước

(PNTĐ) - Sáng 8/5/2024, tại Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Hội LHPN Hà Nội và Ban Đại diện Hội người cao tuổi Thành phố Hà Nội tổ chức chương trình gặp mặt, biểu dương 50 phụ nữ cao tuổi tiêu biểu trong các phong trào thi đua yêu nước thành phố Hà Nội giai đoạn 2019-2024. Đây là chương trình ý nghĩa thiết thực kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 -7/5/2024), 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2024), hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 -10/10/2024).
Những thành tựu mà Thủ đô Hà Nội đạt được sau gần 40 năm đổi mới rất to lớn và toàn diện

Những thành tựu mà Thủ đô Hà Nội đạt được sau gần 40 năm đổi mới rất to lớn và toàn diện

(PNTĐ) - Qua gần 40 năm đổi mới, Hà Nội đã thu được những thắng lợi quan trọng. Thủ đô đã vượt qua các thời kỳ khó khăn, liên tục đạt nhịp độ tăng trưởng cao. Nhiều chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, giáo dục... của TP Hà Nội đứng đầu cả nước.