Tuyên truyền phổ biến Luật Thủ đô năm 2024 và một số chính sách mới

HẢI NAM
Chia sẻ

(PNTĐ) - Luật Thủ đô năm 2024 được Quốc hội thông qua với nhiều nội dung mới cùng nhiều giải pháp chính sách đặc thù, vượt trội là định hướng và tiền đề để phát triển Thủ đô Hà Nội trong giai đoạn mới. Việc tuyên truyền, phổ biến sâu rộng, đưa Luật vào cuộc sống không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan chức năng mà còn là nội dung thiết thực đối với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến, truyền thông chính sách năm 2024

Sáng 30/10, Báo Lao động Thủ đô phối hợp với Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội tổ chức buổi đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến, truyền thông chính sách năm 2024 với chuyên đề “Tuyên truyền phổ biến Luật Thủ đô năm 2024 và những chính sách mới liên quan đến người lao động”.

Tham dự buổi Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến, truyền thông chính sách có các đại biểu: Ông Nguyễn Huy Khánh - Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội; ông Kiều Thanh Hùng - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo thành phố Hà Nội; ông Nguyễn Đức Nghĩa - Phó Phòng Báo chí xuất bản, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội và đại diện các ban, ngành, người lao động…

Tham gia giải đáp các vấn đề mà đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động quan tâm có các khách mời: bà Phạm Thị Thanh Hương - Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội; bà Dương Thị Minh Châu - Trưởng phòng Truyền thông Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội; Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Văn Hà - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội.

Tuyên truyền phổ biến Luật Thủ đô năm 2024 và một số chính sách mới - ảnh 1
Các đại biểu tham dự chương trình

Phát biểu khai mạc buổi Đối thoại - Giao lưu trực tuyến - Truyền thông chính sách năm 2024 chuyên đề 18 với chủ đề “Tuyên truyền, phổ biến Luật Thủ đô năm 2024 và các chính sách mới liên quan đến người lao động”, Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô Đinh Tuấn Anh cho biết: Luật Thủ đô năm 2024 được Quốc hội thông qua với nhiều nội dung mới cùng nhiều giải pháp chính sách đặc thù, vượt trội là định hướng và tiền đề để phát triển Thủ đô Hà Nội trong giai đoạn mới. Việc tuyên truyền, phổ biến sâu rộng, đưa Luật vào cuộc sống không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan chức năng mà còn là nội dung thiết thực đối với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh Thủ đô đang ngày càng phát triển, tốc độ đô thị hóa nhanh, Nhà nước cũng như Thành phố thường xuyên điều chỉnh, bổ sung các quy định, chính sách cho phù hợp với thực tiễn. Đối với ngành Xây dựng, là một ngành đặc thù, công việc khó khăn, vất vả, rủi ro cao thì các chính sách, chế định để bảo đảm quyền lợi và an toàn sức khỏe luôn là vấn đề thời sự, cần được người lao động quan tâm.

“Nhằm cập nhật kịp thời những chính sách, kiến thức pháp luật mới, bảo vệ tốt nhất quyền lợi cho CNVCLĐ; đồng thời nâng cao trách nhiệm của đơn vị, doanh nghiệp về việc bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người lao động, trong buổi Đối thoại - Giao lưu trực tuyến - Truyền thông chính sách hôm nay, chúng tôi lựa chọn chủ đề “Tuyên truyền, phổ biến Luật Thủ đô năm 2024 và các chính sách mới liên quan đến người lao động” là nội dung thiết thực. Tham gia chương trình, các chuyên gia là những nhà hoạch định chính sách, những nhà quản lý vừa am hiểu sâu sắc kiến thức pháp luật vừa có nhiều kinh nghiệm thực tiễn, sẵn sàng trả lời, giải đáp những vấn đề mà đoàn viên, người lao động quan tâm”, Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô nhấn mạnh.

Để chương trình mang lại hiệu quả cao nhất, Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô đề nghị đoàn viên, CNVCLĐ tham dự hãy mạnh dạn, thẳng thắn nêu nhiều câu hỏi để cập nhật được những thông tin, kiến thức hữu ích nhất cho mình; tích cực tương tác, trao đổi các vấn đề, nội dung mình quan tâm để được giải đáp trực tiếp từ các chuyên gia. Những vấn đề được nêu ra và giải đáp tại đây sẽ có sức lan tỏa, sẽ không chỉ dừng lại ở không gian hội trường này, với những con người đang ngồi đây, mà còn có thể lan tỏa đến nhiều công nhân lao động theo dõi, tương tác qua hệ thống trực tuyến của báo Lao động Thủ đô.

Chị Nguyễn Thị Hồng (Urenco Hoàn Kiếm) hỏi: Xin chuyên gia cho biết, NLĐ làm việc hai nơi thì đóng BHXH, BHYT thế nào?

Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Trường hợp NLĐ đồng thời có từ 2 Hợp đồng lao động trở lên với nhiều đơn vị khác nhau thì đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp theo Hợp đồng lao động giao kết đầu tiên, đóng BHYT theo Hợp đồng lao động có mức tiền lương cao nhất, đóng bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp theo từng Hợp đồng lao động.

Tuyên truyền phổ biến Luật Thủ đô năm 2024 và một số chính sách mới - ảnh 2
Người lao động quan tâm đến các chế độ chính sách

Anh Phạm Duy Chùy (Công ty nước sạch Hà Nội) hỏi: Xin chuyên gia cho biết quy định mới về mức thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức, NLĐ của Hà Nội khi Luật Thủ đô (sửa đổi)có hiệu lực thi hành?

Chuyên gia Nguyễn Văn Hà: Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Quốc hội ban hành ngày 28/6/2024 với 54 điều và sẽ có hiệu lực thi hành ở 2 thời điểm là ngày 1/1/2025 và ngày 1/7/2025. Trong đó, có những điều quy định về chính sách đặc thù, vượt trội, thu hút nhân tài của Thủ đô Hà Nội.

Hiện nay, trong khi chưa có các văn bản chính thức hướng dẫn thi hành, và chưa đến thời điểm Luật có hiệu lực thi hành thì chúng tôi cũng chưa có những câu trả lời chính xác cho câu hỏi của bạn. Nhưng hiện các cơ quan của thành phố Hà Nội đang rà soát, căn cứ vào những chính sách thực định và căn cứ quy định về mức lương của Nhà nước thì lương cơ sở cũng đãn tăng từ 1/7/2023, căn cứ theo từng vị trí công việc, căn cứ vào quy định đặc thù, vượt trội của Luật thì thời gian tới thành phố Hà Nội. Cụ thể là Hội đồng nhân dân sẽ có những chính sách quy định cụ thể, rõ ràng hơn khi Luật có hiệu lực thi hành.

Chị Hoàng Thị Thu Bình (Công ty Nước sạch Hà Nội) hỏi: Trong quá trình mang thai, do sức khoẻ không đảm bảo, NLĐ phải nghỉ làm 1 tháng và không nhận lương. Vậy khi sinh con NLĐ có được hưởng đầy đủ chế độ thai sản không?

Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Theo quy định, điều kiện hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ sinh con là: Phải đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc lao động nữ đã đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng BHXH từ đủ 3 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.

Như vậy, nếu lao động nữ đáp ứng đủ điều kiện như trên thì sẽ được hưởng đầy đủ chế độ thai sản.

Chị Lê Thị Vân (Công ty Thoát nước Hà Nội) hỏi: Xin chuyên gia cho biết, NLĐ mới ký hợp đồng thử việc, nếu xảy ra tai nạn lao động thì NLĐ có được có được hưởng chế độ gì không?

Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Nếu hợp đồng thử việc của NLĐ nằm trong hợp đồng dài hạn và NLĐ thuộc đối tượng đóng BHXH bắt buộc thì vẫn sẽ được hưởng các chế độ trợ cấp nếu xảy ra tai nạn lao động. Tuy nhiên nếu hợp đồng thử việc tách rời ra khỏi hợp đồng lao động, chỉ có 2 tháng thử việc, NLĐ không thuộc đối tượng đóng BHXH thì sẽ không được hưởng chế độ trợ cấp tai nạn lao động.

Một bạn đọc hỏi: Do có việc riêng của gia đình, tôi muốn xin công ty cho nghỉ việc không hưởng lương 3 tháng có được không? Việc nghỉ của tôi có ảnh hưởng tới số ngày nghỉ hằng năm không?

Luật sư Nguyễn Văn Hà: Theo quy định, ngoài những ngày nghỉ theo Luật, việc NLĐ muốn nghỉ không lương trong thời gian 3 tháng như bạn nêu thì người lao động đó phải có sự thoả thuận với người sử dụng lao động. Nếu có sự đồng thuận giữa các bên dựa trên điều kiện cụ thể thì NLĐ được nghỉ.

Trong trường hợp NLĐ tự động nghỉ không có lý do chính đáng; không thông báo hoặc đã thông báo nhưng người sử dụng lao động không cho nghỉ, NLĐ cố tình nghỉ thì NLĐ sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật.

Chuyên gia Dương Thị Minh Châu bổ sung: NLĐ nghỉ không lương thì không có bảo hiểm y tế và không tham gia được bảo hiểm y tế hộ gia đình dẫn đến tình trạng ngắt đóng BHXH, NLĐ nên lưu ý vấn đề này.

Nhiều lao động quan tâm tới Luật Thủ đô

Chị Hồ Thu Hằng (Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật thành phố Hà Nội) hỏi: Xin chuyên gia cho biết, trong Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định chính quyền địa phương ở thành phố Hà Nội và chính quyền địa phương ở phường tại Thành phố được quy định như thế nào?

Chuyên gia Phạm Thị Thanh Hương: Luật Thủ đô (sửa đổi) đã chỉnh lý nhiều quy định quan trọng, bảo đảm tổ chức chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Luật quy định chính quyền địa phương ở thành phố, quận, huyện, thị xã thuộc thành phố, xã, thị trấn là cấp chính quyền địa phương gồm Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân. Như vậy, Luật đã luật hóa quy định không tổ chức Hội đồng nhân dân cấp phường được quy định trong Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27/11/2019 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội.

Tuyên truyền phổ biến Luật Thủ đô năm 2024 và một số chính sách mới - ảnh 3
Chuyên gia trả lời câu hỏi của NLĐ

Một bạn đọc hỏi: Khi Luật Thủ đô sửa đổi có hiệu lực thi hành thì mức thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức, NLĐ của Hà Nội có thay đổi không?

Chuyên gia Phạm Thị Thanh Hương: Theo khoản 3 điều 15 Luật Thủ đô 2024, cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại các cơ quan sau đây sẽ được hưởng thu nhập tăng thêm theo năng lực, hiệu quả công việc: Cơ quan Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; Đơn vị sự nghiệp công lập được đảm bảo toàn bộ chi thường xuyên do Thành phố quản lý.

Theo khoản 1 Điều 35 Luật Thủ đô 2024, Hội đồng nhân dân Thành phố được thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn quyết định sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư sau khi đã bảo đảm đủ nguồn để thực hiện cải cách tiền lương cho cả thời kỳ ổn định ngân sách theo quy định của cấp có thẩm quyền và bảo đảm các chính sách xã hội, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội do trung ương ban hành để thực hiện chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức theo quy định tại khoản 3 Điều 15 của Luật này; tổng mức chi không vượt quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý của Thành phố.

Anh Dương Anh Quân (Công ty Nước sạch Hà Nội) hỏi: Trong Luật Thủ đô quy định về việc ngừng cấp điện, nước đối với công trình vi phạm là: dừng cấp "ngay", xin chuyên gia cho biết, thời gian ngừng cấp điện nước bắt đầu từ thời điểm nào?

Chuyên gia Nguyễn Văn Hà: Điện, nước là nhu cầu tất yếu của người dân, là quyền con người, quyền công dân và Thành phố phải đảm bảo cung cấp điện nước đáp ứng nhu cầu của người dân nhưng cũng sẽ có những trường hợp như các công trình vi phạm thì buộc phải ngừng cấp điện, cấp nước.

Khi đó thì sẽ phải thực hiện theo quy trình ví dụ như thông báo lần 1, lần 2… mà vẫn cố tình vi phạm thì sẽ ngừng cấp điện, nước. Trong Luật Thủ đô sử dụng từ “ngay” là để thể hiện quan điểm thực hiện triệt để quy định của pháp luật, tạo tâm lý cho ngưoi dân sống và làm việc theo hiến pháp pháp luật nhưng không có nghĩa là cắt ngay lập tức. Còn thời gian là bao nhiêu ngày sau khi thông báo thì khi có văn bản hứong dẫn thi hành Luật thì sẽ có những quy định cụ thể.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Thấu hiểu người tiêu dùng: Khi người Việt hiểu người Việt

Thấu hiểu người tiêu dùng: Khi người Việt hiểu người Việt

(PNTĐ) - Công nghệ và sự tiện lợi ngày càng trở thành mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng. Đón đầu xu hướng này, cam kết đổi mới sáng tạo và làm những điều khác biệt được thể hiện xuyên suốt trong từng sản phẩm, dịch vụ của Masan và các đơn vị thành viên trên hành trình phụng sự người tiêu dùng.
Phó Thủ tướng Chính phủ đề xuất giảm 10% đối với báo in và các loại báo khác

Phó Thủ tướng Chính phủ đề xuất giảm 10% đối với báo in và các loại báo khác

(PNTĐ) - Sáng 28/11, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đề xuất giảm 10% đối với báo in và các loại báo khác, giúp cho các cơ quan báo chí thực hiện nhiệm vụ chính trị.