Ứng cử viên đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri tại huyện Hoài Đức

Chia sẻ

(PNTĐ) - Sáng 14/5, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội phối hợp với Ủy ban MTTQ huyện Hoài Đức tổ chức hội nghị tiếp xúc giữa cử tri với người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026 với cử tri huyện Hoài Đức.

Quang cảnh hội nghịQuang cảnh hội nghị

Có 5 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026 tại đơn vị bầu cử số 5 - huyện Hoài Đức. Cụ thể: Bà Vũ Thúy Hiền, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng nghiên cứu Văn hóa - Xã hội, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội; ông Vũ Tiến Lộc, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; ông Bùi Hoài Sơn; Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch); ông Nguyễn Hải Trung, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, Bí thư Đảng ủy, Trung tướng, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội; bà Nguyễn Ngọc Yên, Phó phòng Quản lý Giáo dục - Nuôi dưỡng, Trung tâm Bảo trợ xã hội III Hà Nội.

Tại hội nghị, các cử tri đã nghe Thư ký hội nghị trình bày tóm tắt tiểu sử của các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Ứng cử viên Vũ Thúy Hiền trình bày chương trình hành độngỨng cử viên Vũ Thúy Hiền khẳng định sẽ phát huy kiến thức chuyên môn tham gia xây dựng, phản biện chính sách.

 Trình bày tại hội nghị, ứng cử viên Vũ Thúy Hiền, khẳng định sẽ phát huy kiến thức chuyên môn về luật học, hành chính học cố gắng nghiên cứu, tích cực tham gia công tác xây dựng, phản biện chính sách, pháp luật nói chung, chính sách pháp luật của Hà Nội nói riêng như: Tổng kết, đánh giá, kiến nghị sửa đổi Luật Thủ đô; Cơ chế, chính sách thực hiện đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị.

Tôi sẽ cố gắng tìm hiểu, nắm bắt thực tiễn để có những đóng góp cụ thể, thiết thực, cùng Quốc hội và các cơ quan của Thành phố giải quyết các vấn đề bức xúc trong lĩnh vực văn hóa - xã hội hiện nay như: Cải cách chính sách tiền lương; Chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp với cơ cấu kinh tế; giảm thiểu tác động tiêu cực, phát huy tác động tích cực của di dân tự do; Bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa trong quá trình đô thị hóa; Phát triển toàn diện giáo dục - đào tạo; Nâng cao chất lượng công tác khám, chữa bệnh; Quản lý, khai thác hiệu quả tài nguyên đất… góp phần phát triển kinh tế - xã hội toàn diện và bền vững.

Bà Hiền quan tâm tới công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, xây dựng gia đình đầm ấm, hạnh phúc, chăm lo, nuôi dạy thế hệ trẻ; thúc đẩy bình đẳng giới một cách thực chất, trước hết là đảm bảo tỷ lệ nữ Đại biểu quốc hội. “Là người phải gánh chịu hậu quả nặng nề từ thiên tai, lũ lụt mà nguyên nhân sâu xa là biến đổi khí hậu, tôi đặc biệt quan tâm tới công tác bảo vệ môi trường; phòng, chống lụt bão cũng như công tác an sinh xã hội, bảo trợ xã hội, xóa đói giảm nghèo nhằm giảm thiểu tối đa hậu của thiên tai”- bà Hiền nhấn mạnh. 

Ứng cử viên Vũ Tiến Lộc trình bày chương trình hành độngỨng cử viên Vũ Tiến Lộc cho biết sẽ góp ý, xây dựng, thực hiện quy hoạch phát triển huyện Hoài Đức theo hướng đô thị sinh thái thân thiện với môi trường.

Ứng cử viên Vũ Tiến Lộc cho biết sẽ tham gia góp ý vào xây dựng và thực hiện các quy hoạch phát triển huyện theo hướng xây dựng khu đô thị sinh thái thân thiện với môi trường, văn minh, hiện đại. Về cơ cấu kinh tế phải coi phát triển kinh tế thương mại, du lịch, dịch vụ là trọng tâm, phát triển các dịch vụ có chất lượng cao như y tế, giáo dục, tài chính ngân hàng là đột phá, kết hợp hài hoà với các cụm công nghiệp sạch và làng nghề truyền thống, nông nghiệp đặc sản kết hợp với du lịch sinh thái, khuyến khích phong trào mỗi làng một sản phẩm theo phát động của Trung ương.

Bên cạnh đó, vận động, đưa các nhà đầu tư chiến lược, các doanh nghiệp lớn, các con sếu đầu đàn về huyện để tạo ra các trung tâm liên kết bền vững kết nối doanh nhiệp nhỏ và vừa, các hộ kinh doanh, các làng nghề để vươn ra thị trường trong nước và quốc tế. Về nâng cấp kết cấu hạ tầng thì vấn đề “đầu tiên, tiền đâu” là trọng. Cứ trông chờ vốn ngân sách của Trung ương, của thành phố thì không biết bao giờ làm được, mà phải huy động vốn từ xã hội nên đề nghị thúc đẩy cơ chế đối tác công ty để góp sức vấn đề này.

Ông Lộc cho biết, sẽ đưa các chương trình khởi nghiệp, phát triển bền vững, chuyển đổi số, thương mại điện tử, và các chương trình khác về huyện, sao cho sản phẩm dịch vụ của huyện ta đặc biệt là làng nghề truyền thống đến với người tiêu dùng. Cần thúc đẩy để trên 3.400 doanh nghiệp và hàng ngàn hộ kinh doanh ở huyện Hoài Đức phải lớn lên.

“Chúng tôi sẽ sát cánh với huyện trong việc lựa chọn và mời gọi các nhà đầu tư con sếu, đại bàng về làm ăn sinh sống ở quê mình”- ông Lộc nhấn mạnh. 

Ứng cử viên Bùi Hoài Sơn trình bày chương trình hành độngỨng cử viên Bùi Hoài Sơn tập trung cho một số vấn đề mang tính đột phá về phát triển văn hóa.

Ứng cử viên Bùi Hoài Sơn quan tâm tập trung cho một số vấn đề mang tính đột phá trong phát triển văn hóa Việt Nam trong những năm sắp tới, đặc biệt là xử lý mối quan hệ biện chứng giữa phát triển văn hóa và xây dựng con người, mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, giữa văn hóa với kinh tế, chính trị, xã hội và giáo dục, phát triển công nghiệp văn hóa và sáng tạo, văn hóa số.  Tôi sẽ góp sức sửa đổi một số luật quan trọng của ngành văn hoá như Luật Điện ảnh, Luật Di sản văn hoá. Việc sửa đổi các luật này có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo hành lang pháp lý, điều kiện để các ngành này phát triển hơn nữa trong thời gian sắp tới.

Ông Sơn bày tỏ: “Tôi nhận thấy mình có trách nhiệm phối hợp với các bộ, ban ngành trong việc thực hiện một số vấn đề cần phải hành động ngay trong nhiệm kỳ tới để tạo ra đột phá trong phát triển văn hoá như tổ chức diễn đàn văn hoá quốc gia để huy động trí tuệ các văn nghệ sĩ, trí thức, tổ chức văn hoá nghệ thuật đóng góp ý kiến cho việc phát triển văn hoá nghệ thuật, và xây dựng bộ chỉ số phát triển văn hoá quốc gia để định lượng và tạo sự cạnh tranh trong phát triển văn hoá ở các địa phương”.

Ông Sơn cho biết, sẽ tập trung vào vấn đề văn hóa then chốt của Thành phố như thực hiện thành công Chương trình hành động mà Thành phố cam kết với UNESCO cho danh hiệu Thành phố sáng tạo, từ đó để sáng tạo trở thành thành tố bao trùm cho mọi hoạt động của Thủ đô, để Hà Nội trở thành thành phố đáng sống từ những giá trị văn hoá nghệ thuật, lan toả những giá trị tốt đẹp của Hà Nội đi khắp cả nước.

Ông Sơn nhấn mạnh: “Tôi cũng góp sức vào việc thực hiện thành công những vấn đề liên quan đến văn hoá như xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá, làng nghề thủ công, nghệ thuật truyền thống, không gian sáng tạo... để những giá trị văn hoá tạo động lực phát triển bền vững cho Thủ đô”.

 Ứng cử viên Nguyễn Hải Trung trình bày chương trình hành độngỨng cử viên Nguyễn Hải Trung cho biết sẽ đầu tư trí tuệ, đóng góp với Quốc hội về xây dựng pháp luật đảm bảo tính minh bạch, ổn định, khả thi cao.

Ứng cử viên Nguyễn Hải Trung cho biết sẽ đầu tư trí tuệ, nghiên cứu, đóng góp với Quốc hội về xây dựng pháp luật, đảm bảo tính khoa học, minh bạch, ổn định, liên thông, đồng bộ, hệ thống và tính khả thi cao, tập trung thể chế hóa những vấn đề, lĩnh vực trong đời sống xã hội chưa được điều chỉnh bằng pháp luật; sửa đổi, bổ sung những luật còn chồng chéo, không phù hợp với thực tiễn cuộc sống. Đồng thời, đóng góp ý kiến với Quốc hội ban hành chủ trương, chính sách, pháp luật sát với tình hình kinh tế xã hội Thủ đô, nhất là các vấn đề về kinh tế, giáo dục, văn hóa, an ninh - quốc phòng; quy hoạch, quản lý quy hoạch đất đai, giải phóng mặt bằng; quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường; chỉnh trang, phát triển đô thị; đồng bộ hệ thống an sinh xã hội; tăng cường và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí...

Ông Trung nhấn mạnh: “Trong điều kiện, khả năng trên cương vị là Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an thành phố, tôi sẽ nỗ lực cùng với hệ thống chính trị của Thành phố tổ chức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố với mục tiêu đến năm 2025, xây dựng Đảng bộ Thành phố có năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu cao, trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu; phát triển Thủ đô toàn diện và bền vững trở thành thành phố "xanh - thông minh - hiện đại"; là thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế theo Nghị quyết Đại đội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội đã đề ra”.

Trên lĩnh vực an ninh, trật tự, giữ vững ổn định an ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong mọi tình huống, không để bị động, bất ngờ, không để xảy ra bạo loạn, khủng bố, hình thành điểm nóng về ANTT và các tổ chức chính trị đối lập trên địa bàn Thành phố. Đồng thời, tạo chuyển biến mạnh mẽ, thực sự rõ nét trong xây dựng đội ngũ cán bộ Công an Thành phố thực sự trong sạch, vững mạnh toàn diện, liêm chính, trọng dân, gần dân, vì nhân dân phục vụ, xây dựng hình ảnh đẹp của người cán bộ, chiến sĩ Công an Thủ đô.

Ứng cử viên Nguyễn Ngọc Yên trình bày chương trình hành độngỨng cử viên Nguyễn Ngọc Yên khẳng định sẽ quan tâm đến cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển các làng nghề truyền thống đi đôi với bảo vệ môi trường. 

Ứng cử viên Nguyễn Ngọc Yên quan tâm đến các cơ chế chính sách phù hợp nhằm thúc đẩy phát triển các làng nghề truyền thống đi đôi với bảo vệ môi trường, tạo việc làm cho người lao động trên địa bàn, góp phần xây dựng và phát triển huyện Hoài Đức sớm trở thành quận ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

Bà Yên cũng quan tâm đến công tác chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân nhất là với người cao tuổi, phụ nữ và trẻ em, cũng như quan tâm hơn nữa đến các chế độ, chính sách ưu đãi cho người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, người nghèo, người yếu thế trên địa bàn, đảm bảo không để ai ở lại phía sau, góp phần phát triển công tác an sinh xã hội Thủ đô nói chung và huyện Hoài Đức nói riêng.

Bà Yên cũng chú trọng công tác giáo dục hình thành nhân cách trẻ, hướng nghiệp nghề cho các cháu đến tuổi trưởng thành, đảm bảo các tiêu chuẩn, chế độ, chính sách cho các cụ, các cháu theo quy định. Đồng thời, đề xuất tiếp tục hoàn thiện sớm cơ chế, chính sách trợ giúp xã hội, hỗ trợ kịp thời nhu cầu cơ bản của người dân và cộng đồng khi gặp thiên tai, dịch bệnh kéo dài, những người có hoàn cảnh khó khăn, đồng bào vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Đảm bảo 100% đối tượng bảo trợ xã hội đủ điều kiện được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, góp phần phát triển công tác an sinh xã hội của đất nước và Thủ đô.

Cử tri Cao Văn Tâm đóng góp ý kiến với các ứng cử viênCử tri Cao Văn Tâm đóng góp ý kiến với các ứng cử viên

Tại hội nghị, có 3 cử tri bày tỏ niềm tin tưởng vào các ưng cử viên, đồng thời, góp ý kiến liên quan đến vấn đề giải quyết các vấn đề về kinh tế, xã hội, văn hóa, an ninh quốc phòng, an sinh xã hội, thu hút đầu tư để giải quyết việc làm cho lao động nông thôn…

Đại diện ứng cử viên, ông Vũ Tiến Lộc tiếp thu ý kiến, nguyện vọng của cử tri huyện Hoài Đức, đồng thời khẳng định các ứng cử viên sẽ đưa ý kiến lên Quốc hội và các cơ quan liên quan để giải quyết. Ông Lộc cũng giải đáp môt vài vấn đề về phát triển kinh tế tư nhân, an ninh trật tự, đẩy nhanh thực hiện dự án, xây dựng văn hóa du lịch làng nghề, nỗ lực phấn đấu, phát huy thế mạnh để phát triển kinh tế xã hội văn hóa để đưa Hoài Đức sớm lên quận.

VÂN NGA

Tin cùng chuyên mục

Thông qua 2 nghị quyết về mức thu học phí và thu dịch vụ hỗ trợ giáo dục

Thông qua 2 nghị quyết về mức thu học phí và thu dịch vụ hỗ trợ giáo dục

(PNTĐ) -Tại Kỳ họp thứ 15, ngày 29/3, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua 2 nghị quyết quan trọng để thúc đẩy phát triển giáo dục Thủ đô gồm: Quy định mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn thành phố Hà Nội từ năm học 2023-2024; Quy định danh mục các khoản thu và mức thu, cơ chế quản lý thu chi đối với các dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục, đào tạo tại cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập của thành phố.