Kỷ niệm 78 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9:
Vai trò của Thủ đô Hà Nội trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945
(PNTĐ) - Tháng 8/1945, thời cơ “ngàn năm có một” của cách mạng Việt Nam đã đến. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân cả nước tiến hành Tổng khởi nghĩa thắng lợi, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), mở ra kỷ nguyên mới của đất nước - Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Trong cuộc cách mạng “long trời, lở đất” đó, khởi nghĩa giành chính quyền ở Thủ đô Hà Nội có ý nghĩa quyết định đối với thắng lợi của Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 trên toàn quốc và để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu.

Quân và dân Thủ đô Hà Nội dũng cảm chớp thời cơ giành chính quyền thắng lợi
Giữa tháng 8/1945, phát xít Nhật đầu hàng quân đồng minh làm cho quân đội của chúng ở Đông Dương như “rắn mất đầu”, Chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim hoang mang, tê liệt. Thời cơ “ngàn năm có một” của cách mạng Việt Nam xuất hiện và chỉ diễn ra từ ngày 14-28/8/1945. Trước tình hình đó, từ ngày 13-15/8/1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào (Tuyên Quang) đã quyết định thành lập Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc, ra bản Quân lệnh số 1 và phát động Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên toàn quốc. Chiều 16/8/1945, Quốc dân Đại hội Tân Trào họp và nhất trí phát động Tổng khởi nghĩa…
Đáp ứng yêu cầu cách mạng, tối 14 và ngày 15/8/1945, Xứ ủy Bắc Kỳ họp tại làng Vạn Phúc (Hà Đông), quyết định tiến hành khởi nghĩa trong 10 tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Thực hiện chỉ đạo của Xứ ủy Bắc Kỳ, Thành ủy Hà Nội triệu tập Hội nghị Quân sự bất thường ngay tối 15/8/1945 tại Chùa Hà (Dịch Vọng) bàn về kế hoạch chuẩn bị khởi nghĩa. Tiếp đó, sáng ngày 16/8/1945, Thành ủy Hà Nội triệu tập hội nghị cán bộ mở rộng thông báo Quân lệnh số 1 của Ủy ban khởi nghĩa, thành lập Ủy ban Quân sự cách mạng (tức Ủy ban khởi nghĩa Hà Nội).
Chiều 17/8/1945, tại quảng trường Nhà hát Lớn, Tổng hội viên chức tổ chức cuộc mít-tinh hô hào nhân dân ủng hộ chính quyền bù nhìn Trần Trọng Kim. Nắm bắt kế hoạch từ trước, Đảng bộ Hà Nội đã bí mật huy động quần chúng trong các tổ chức cứu quốc ở nội, ngoại thành đến tham dự, biến cuộc mít-tinh thân Nhật thành cuộc mít-tinh ủng hộ Việt Minh, sau đó biến nó thành một cuộc biểu tình tuần hành qua các phố, có cờ đỏ sao vàng dẫn đầu, vừa hô vang các khẩu hiệu “Ủng hộ Việt Minh”, “Đả đảo bù nhìn”, “Việt Nam độc lập”… Cuộc biểu tình tuần hành diễn ra sôi động, lôi kéo thêm hàng vạn quần chúng xuống đường với khí thế cách mạng chưa từng thấy. Quân đội Nhật “án binh bất động”.
Trước khí thế cách mạng của quần chúng và tình hình của địch, tối 17/8/1945, Ủy ban Quân sự cách mạng Hà Nội họp hội nghị mở rộng, bàn cụ thể kế hoạch khởi nghĩa. Thực hiện kế hoạch của Thành ủy và Ủy ban Quân sự cách mạng Hà Nội, ngày 18/8/1945, không khí sửa soạn khởi nghĩa bao trùm khắp Hà Nội. Đến ngày 19/8/1945, ngay từ sáng sớm, Thủ đô Hà Nội đỏ rực màu cờ cách mạng. Hàng vạn nông dân, dân nghèo, với các vũ khí thô sơ từ Láng, Mọc kéo ra chiếm đại lý Hoàn Long, tuyên bố thành lập chính quyền cách mạng khu vực Ngã Tư Sở, mở đầu cho cuộc khởi nghĩa ở nội thành.
Hàng vạn quần chúng nhân dân ngoại thành, từ các huyện Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên, Hoài Đức, Đan Phượng (Hà Đông), Gia Lâm (Bắc Ninh) mang theo cờ Việt Minh, gậy gộc, mã tấu, dao phát bờ, câu liêm tiến vào nội thành với sức mạnh như thác đổ. Tất cả đều tập hợp trước Nhà hát Lớn dự cuộc mít-tinh lớn do Mặt trận Việt Minh tổ chức. Đại biểu Việt Minh đọc tuyên ngôn, chương trình của Việt Minh và kêu gọi nhân dân đứng dậy giành chính quyền. Cuộc mít-tinh nhanh chóng chuyển thành biểu tình, chia ra nhiều đoàn đi chiếm các công sở của chính quyền bù nhìn. Trước khí thế quần chúng khởi nghĩa, quân Nhật không dám chống lại…
Tối 19/8/1945, trước hơn 20 vạn người tập trung trước Nhà hát Lớn, Ủy ban Khởi nghĩa đọc lời kêu gọi khởi nghĩa. Sau đó cuộc mít tinh biến thành cuộc biểu tình vũ trang giành chính quyền. Quần chúng cách mạng có các đơn vị vũ trang tự vệ dẫn đầu chia thành hai khối lớn đi chiếm các vị trí trọng yếu: Phủ Khâm sai, Sở Bưu điện, Sở Cảnh sát... Trước sức mạnh áp đảo của cách mạng, hầu hết các công sở chính quyền địch đều nhanh chóng về tay nhân dân. Khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội giành thắng lợi hoàn toàn với sự ra đời của Ủy ban Nhân dân cách mạng Hà Nội vào ngày 20/8/1945.
Ngọn cờ đầu và vai trò quyết định thắng lợi
Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội ngày 19/8/1945 có ý nghĩa quyết định đối với thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 trên toàn quốc. Vì suốt hơn nửa thế kỷ, trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Hà Nội là thủ phủ của xứ Đông Dương thuộc Pháp, đại diện triều đình nhà Nguyễn, Bộ Chỉ huy quân Nhật ở Việt Nam và Chính phủ (thân Nhật) Trần Trọng Kim với hơn 1 vạn quân Nhật chiếm đóng, đông nhất so với các thành phố, thị xã ở Bắc Kỳ… Hà Nội cũng là nơi tập trung đông đảo các tầng lớp nhân dân, thanh niên, sinh viên, trí thức… Do đó, khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở Hà Nội có ý nghĩa tượng trưng cho sự sụp đổ của chế độ thực dân ở Việt Nam đồng thời là một đòn chí mạng giáng vào chính quyền tay sai Nhật ở hầu khắp cả nước, đẩy chúng đến chỗ hoàn toàn tuyệt vọng, tan rã và đầu hàng cách mạng.
Thắng lợi của cuộc cách mạng tháng 8/1945 ở Hà Nội như một tiếng bom vang dội mở đầu và nhanh chóng lan nhanh khắp cả nước. Ngay khi chiếm được Phủ Khâm sai, đồng chí Ủy viên Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ đã gọi điện cho Thị trưởng, Tỉnh trưởng các tỉnh Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh, Hà Nam, Nam Định báo tin cách mạng đã thành công ở Hà Nội và ra lệnh cho chúng phải nhanh chóng trao chính quyền cho Việt Minh địa phương. Do đó, tin khởi nghĩa thắng lợi ở Hà Nội được truyền nhanh khắp nơi, làm rung động toàn bộ hệ thống cai trị của phát xít Nhật, chính quyền tay sai và làm nức lòng đồng bào cả nước, nhất là ở Huế, Sài Gòn… vùng lên khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi.
Thắng lợi ở Hà Nội còn tạo điều kiện để Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh chuyển đại bản doanh về Hà Nội, từ đó chỉ đạo cuộc Tổng khởi nghĩa trong cả nước đi đến thắng lợi hoàn toàn. Tiếp theo Hà Nội, các tỉnh, thành phố trong cả nước đã nhất tề vùng lên khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi đưa đến sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội) và đưa Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới - Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Từ đây, Hà Nội chính thức trở thành Thủ đô của nước Việt Nam mới, trở thành thành trì đấu tranh bảo vệ nền độc lập, tự do vừa mới giành được và gấp rút chuẩn bị các điều kiện đón tiếp quân Đồng minh…
Đồng chí Trường Chinh, nguyên Tổng Bí thư của Đảng khẳng định: “Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa ở miền Bắc gồm cả Hà Nội, Huế là thắng lợi có tính chất quyết định của cuộc khởi nghĩa. Thắng lợi của miền Bắc tạo điều kiện và cổ vũ nhân dân ở Nam Bộ và những vùng chưa giải phóng nổi dậy giành chính quyền không chậm trễ được nữa". Khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở Hà Nội đã thúc đẩy phong trào cách mạng của cả nước phát triển và dựng lên một thành trì vững chắc để nhân dân Việt Nam tiếp tục đấu tranh bảo vệ những thành quả cách mạng vừa giành được trong giai đoạn về sau. Hà Nội xứng đáng là ngọn cờ đầu và có vai trò quyết định trong Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945.