Việc khai thác, chế biến cần tính đến chế biến sâu, tinh, phục vụ các ngành công nghiệp
(PNTĐ) - Là trưởng ngành đầu tiên trả lời tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 4/6, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết,Bộ Tài nguyên và Môi trường là Bộ quản lý đa ngành, giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về 9 lĩnh vực: đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, địa chất, môi trường, khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu, đo đạc bản đồ, quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo, viễn thám.
Các nguồn tài nguyên đã được quản lý, tổng hợp, sử dụng hiệu quả
Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh: Các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ rất rộng, có vai trò quan trọng trong công tác phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước, có tầm ảnh hưởng toàn cầu. Nhiều lĩnh vực liên quan trực tiếp tới người dân, doanh nghiệp, có tính chất phức tạp, nhạy cảm nên luôn được cử tri, nhân dân và các đại biểu Quốc hội quan tâm. Ý thức được vai trò, trọng trách đó, trong thời gian qua, toàn ngành Tài nguyên môi trường đã luôn nỗ lực, cố gắng vượt qua khó khăn, thách thức để hoàn thành các nhiệm vụ được giao.
Các nguồn tài nguyên đã được quản lý, tổng hợp, sử dụng hiệu quả, đa mục đích, khai thác sử dụng tài nguyên biển đã đóng góp hiệu quả cho phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, đối ngoại và phát triển liên vùng. Chính sách pháp luật về quản lý tài nguyên nước được hoàn thiện, góp phần đảm bảo an ninh nguồn nước. Chất lượng dự báo, cảnh báo thời tiết, thiên tai ngày càng được nâng lên, dần tiệm cận trình độ của các nước phát triển…
Bên cạnh các kết quả đạt được, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế mà ngành cần tập trung khắc phục để thực hiện tốt hơn nữa chức năng, nhiệm vụ được giao, đáp ứng tin tưởng, mong đợi của cử tri, nhân dân cả nước.
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, với tinh thần trách nhiệm cao nhất, nghiêm túc, thẳng thắn, cầu thị, việc trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội là cơ hội để Bộ có thể trao đổi những vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách, thực trạng hiện nay, đồng thời nhìn rõ hơn những tồn tại, hạn chế, trách nhiệm của Bộ, ngành, đề ra những giải pháp để tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước, sử dụng hiệu quả tài nguyên khoáng sản, tài nguyên biển, đảm bảo an ninh nguồn nước, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Việc sử dụng vật liệu cát cho các dự án trọng điểm quốc gia
Chất vấn Bộ trưởng, đại biểu Đặng Bích Ngọc (Đoàn Hòa Bình) cho biết, thời gian qua, để giải quyết khó khăn trong khai thác khoáng sản, nhất là vật liệu san lấp các công trình giao thông trọng điểm, Quốc hội đã cho phép áp dụng cơ chế đặc thù để xử lý vấn đề này. Để giải quyết căn cơ vướng mắc trên, đại biểu Đặng Bích Ngọc đề nghị Bộ trưởng cho biết cần luật hóa nội dung này thế nào nhằm đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước, tạo sự thống nhất, chủ động cho chính quyền địa phương tổ chức thực hiện?
Trả lời câu hỏi của đại biểu Đặng Bích Ngọc về vật liệu san lấp, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng chính phủ, sự đồng lòng của các địa phương nên đến nay đã thực hiện cơ chế đặc thù về việc cấp vật liệu san lấp cho các dự án trọng điểm quốc gia, dự án cao tốc. Chính phủ cũng ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai; đồng thời chỉ đạo và Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành các hướng dẫn về vật liệu xây dựng cho các dự án, nhờ vậy đến nay, tiến độ của các dự án này đạt yêu cầu đề ra.
Bộ trưởng khẳng định, cơ chế đặc thù của Quốc hội cho phép đã được triển khai rất hiệu quả. Để luật hóa nội dung này, theo luật hiện hành quy trình cấp mỏ giống như kim loại quý và chưa được phân loại, phân nhóm. Để xử lý vấn đề này, Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chủ trì soạn thảo trình Chính phủ trình Quốc hội Luật Địa chất và khoáng sản, trong đó đã phân loại 4 nhóm khoáng sản: kim loại quý, vật liệu xây dựng cao cấp, vật liệu xây dựng thông thường và vật liệu đất đá sỏi. Trong đó, vật liệu đất đá sỏi sẽ được phân cấp cho các địa phương và không phải cấp phép mỏ nữa mà chỉ cần đăng ký, sau đó nộp nghĩa vụ thuế theo quy định.
Đại biểu Trần Kim Yến (Đoàn TP Hồ Chí Minh) cho biết, trong bối cảnh thiếu cát sông để thực hiện các dự án, nhất là các dự án đặc biệt quan trọng thì phương án dùng cát biển để thay thế là một hướng tìm kiếm. Tuy nhiên, việc thay thế có điều kiện khi mà chưa đáp ứng thì triển khai đại trà sẽ đánh cược với môi trường. Đại biểu Trần Kim Yến đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp trước mắt và lâu dài để có đủ nguyên vật liệu cho các dự án nhưng không làm ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, đảm bảo được an ninh nguồn nước?
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, việc sử dụng vật liệu cát cho các dự án trọng điểm quốc gia, đặc biệt là đường cao tốc rất khó khăn. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo bộ ngành liên quan nghiên cứu sử dụng cát biển. Hiện nay, dự án thí điểm của Bộ Giao thông vận tải trong tiến hành san lấp và xây dựng đường giao thông. Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao nhiệm vụ đánh giá trữ lượng khu vực để lấy cát biển.
Thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thành đánh giá trữ lượng khu vực Sóc Trăng, với trữ lượng có thể lấy ngay là 145 triệu mét khối. Bộ trưởng cho biết, trữ lượng rất lớn và hiện nay cát biển đã được sử dụng san lấp và sử dụng trong các khu kinh tế, khu công nghiệp và các dự án ven biển.
Về lo ngại của đại biểu về nguy cơ nhiễm mặn, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh khẳng định cần đánh giá tác động môi trường, tốt nhất sử dụng ở khu vực đã nhiễm mặn. Tùy theo công trình, dự án sẽ được đánh giá tác động, với nguyên tắc không được để ảnh hưởng đến nước mặt. Bộ Xây dựng sẽ có quy trình cụ thể về từng công trình xây dựng.
Đại biểu Trần Quang Minh (đoàn Quảng Bình) đề nghị Bộ trưởng cho biết rõ hơn về công tác khai khoáng, sử dụng và quản lý đất hiếm trong thời gian qua?
Trả lời câu hỏi của đại biểu về chiến lược khai thác, chế biến khoáng sản Việt Nam, Bộ trưởng khẳng định, Việt Nam có trữ lượng tương đối lớn, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang triển khai Đề án điều tra cơ bản, sau khi hoàn thành sẽ báo cáo Thủ tướng. Đồng thời khẳng định quan điểm, việc khai thác, chế biến cần tính đến chế biến sâu, chế biến tinh, phục vụ cho các ngành công nghiệp Việt Nam, nhất là công nghiệp chíp bán dẫn, hướng tới xuất khẩu.