Việc sáp nhập quận Hoàn Kiếm, trong quá trình triển khai thực hiện Thành ủy sẽ xem xét thận trọng, kỹ lưỡng, toàn diện

NHẬT NAM
Chia sẻ

(PNTĐ) - Tại buổi đối thoại của Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng với Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam các cấp TP Hà Nội sáng 9/8/2023, nhiều câu hỏi, kiến nghị của các đại biểu đã được giải đáp thỏa đáng.

Từ điểm cầu quận Hoàn Kiếm, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Chương Dương Phạm Chi Linh cho biết, người dân Thủ đô rất quan tâm đến việc TP tiến hành các bước lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội. Trong tương lai, Hà Nội phải là thành phố xanh, thông minh, thịnh vượng và thanh bình với sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm. Từ đó, đại biểu đề nghị TP thông tin rõ hơn về tiến độ triển khai lập Quy hoạch và khi nào Hà Nội có quy hoạch về phát triển hai bờ sông Hồng.

Trả lời vấn đề này, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh cho biết: Về định hướng chung, điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Hà Nội sẽ được nghiên cứu điều chỉnh song song và đồng thời cùng với Quy hoạch Thủ đô cũng như Luật Thủ đô. Đây là 3 nội dung quan trọng để báo cáo Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ để đồng loạt phê duyệt, triển khai đồng thời trong thời gian tới.

Về định hướng chung, điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô sẽ được tập trung cho một số vấn đề: Xác định yếu tố văn hiến, văn minh, hiện đại cho Thủ đô (nội dung đã được xác định trong Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị); nghiên cứu để phát triển đồng bộ giữa đô thị và nông thôn trong bối cảnh sẽ nghiên cứu lại để phân bổ dân cư - nội dung rất quan trọng sau quá trình rà soát trước đây; thứ ba, đầu tư và phát triển 2 bên Vành đai 4 trong bối cảnh nghiên cứu phát triển đô thị chung cho Hà Nội với các khu vực 2 bên Vành đai 4, 2 thành phố trực thuộc Thủ đô cùng khu vực phát triển huyện lên quận.

Việc sáp nhập quận Hoàn Kiếm, trong quá trình triển khai thực hiện Thành ủy sẽ xem xét thận trọng, kỹ lưỡng, toàn diện - ảnh 1
Giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc Nguyễn Trọng Kỳ Anh trả lời câu hỏi của đại biểu liên quan đến Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội 

Đồng thời, nghiên cứu đối với 2 thành phố phía Bắc và Tây của Hà Nội, sẽ hình thành trên cơ sở thành phố phía Bắc gồm 3 đơn vị, khu vực Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn và thành phố phía Tây gồm: Khu vực Hòa Lạc và Xuân Mai để tạo dựng một cơ cấu mới trong tổ chức không gian của Hà Nội trước đây là thành phố trung tâm cùng với 5 đô thị vệ tinh sẽ hình thành cấu trúc mới, thành phố trung tâm, 2 thành phố trực thuộc và các đô thị vệ tinh tạo thành tổ chức không gian mới trong quy hoạch điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô.

Việc sáp nhập quận Hoàn Kiếm, trong quá trình triển khai thực hiện Thành ủy sẽ xem xét thận trọng, kỹ lưỡng, toàn diện - ảnh 2
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng và Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương chủ trì hội nghị

Về tiến độ, TP Hà Nội sẽ tổ chức lấy ý kiến cộng đồng dân cư có liên quan và các tổ chức, cá nhân, các bộ, ngành trong khoảng tháng 9 và nửa đầu tháng 10/2023; báo cáo Bộ Xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ dự kiến tháng 12/2023. Theo tiến độ này, trước khi báo cáo các cấp có thẩm quyền, sẽ kết hợp cùng điều chỉnh Luật Thủ đô, Quy hoạch Thủ đô để báo cáo Quốc hội trong kỳ họp tháng 10/2023 tới.

Đối với Quy hoạch sông Hồng, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho biết, Quy hoạch phân khu sông Hồng đã được UBND TP phê duyệt năm 2021, với định hướng của sông Hồng sẽ nghiên cứu phát triển về mặt cảnh quan, văn hóa, giao thông và khai thác hiệu quả quỹ đất hai bên. Sông Hồng kết hợp với 5 trục: Hồ Tây- Ba Vì, Hồ Tây- Cổ Loa, Nhật Tân- Nội Bài và trục phía Nam Hà Nội sẽ trở thành 5 trục chính trong định hướng điều chỉnh quy hoạch tới đây và sông Hồng, trong thời gian tới sẽ trở thành sông nằm giữa đô thị phía Bắc – Nam Hà Nội, đi qua trung tâm của TP.

"Như vậy về mặt hình thái, đô thị của Hà Nội sẽ quay mặt vào sông - nội dung đã được Bí thư Thành ủy chỉ đạo cũng như truyền tải đến các chuyên gia trong tổ tư vấn để triển khai trong thời gian tới"- Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho biết.

Đồng thời, ông Nguyễn Trọng Kỳ Anh cũng thông tin: Dự kiến, cùng với tiến độ phê duyệt giai đoạn cuối năm 2023, đầu năm 2024 của quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, TP sẽ đồng loạt triển khai đối với các quy hoạch 2 bên sông Hồng và trong quá trình triển khai sẽ lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư và đặc biệt cần sự tham gia, phối hợp của MTTQ Việt Nam TP và các cấp. Ý kiến của MTTQ các cấp rất quan trọng trong vấn đề xác lập ý tưởng, định hướng trong thời gian tới trình duyệt hồ sơ và báo cáo các cấp có thẩm quyền.

Về câu hỏi của ông Phạm Chi Linh - Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm liên quan đến chủ trương, quan điểm của Thành phố trong việc sáp nhập quận Hoàn Kiếm, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng thông tin:

Thực hiện Kết luận số 48-KL/TW ngày 30/01/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030; Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 ngày 12/7/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị quyết số 117/NQ-CP ngày 30/7/2023 của Chính phủ về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030; Ban Thường vụ Thành ủy sẽ sớm ban hành trong tuần này Chỉ thị về việc triển khai sắp xếp này. Theo đó, quan điểm chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy là: Phải tổ chức quán triệt, thực hiện nghiêm các Kết luận, Nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ. Việc sắp xếp này là công việc quan trọng, nhạy cảm, có tác động lớn đến tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và tâm tư, tình cảm của nhân dân. Do đó, phải được tổ chức thận trọng, khoa học, kỹ lưỡng, nhất là phải xem xét cả các yếu tố về vị trí trọng yếu về quốc phòng, an ninh, đặc điểm truyền thống, lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục tập quán riêng biệt, tốc độ phát triển đô thị của Thành phố Hà Nội để đề xuất phương án phù hợp. Do vậy, cần phải có đánh giá tổng thể theo cả 3 tiêu chí, trong đó có 2 tiêu chí cứng về diện tích và dân số và 01 tiêu chí về các điều kiện đặc thù như nêu ở trên. Từ 2 tiêu chí cứng sẽ đưa ra được Danh sách các đơn vị cần sắp xếp, sau đó áp dụng tiêu chí 3 để đề xuất phương án cụ thể.

Do vậy, đối với câu hỏi của ông Phạm Chi Linh về việc sáp nhập quận Hoàn Kiếm, trong quá trình triển khai thực hiện, Thành ủy sẽ xem xét thận trọng, kỹ lưỡng, toàn diện; đặc biệt là về các yếu tố đặc thù về văn hóa, truyền thống lịch sử...; đây là Quận lâu đời và là trung tâm của Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Tin cùng chuyên mục

Hội nhập quốc tế cơ hội và thách thức

Hội nhập quốc tế cơ hội và thách thức

(PNTĐ) - Sáng 2/10, Sở Công Thương Hà Nội tổ chức Hội nghị ngành Công Thương 5 thành phố trực thuộc Trung ương lần thứ VI năm 2023 với chủ đề “Hội nhập quốc tế để thúc đẩy tăng trưởng xuất, nhập khẩu, công nghiệp, thương mại và dịch vụ giai đoạn 2023-2025". Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền dự hội nghị.