Việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 2013 mở ra cơ hội lớn để đất nước phát triển bền vững hơn
(PNTĐ) - Bà Đinh Thị Phương Liên, Quận uỷ viên, Chủ tịch Hội LHPN quận Ba Đình, thay mặt cán bộ, hội viên Hội LHPN quận đã tham gia đóng góp ý kiến vào Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.
Vừa qua, Hội LHPN quận Ba Đình cũng đã tổ chức cho cán bộ, hội viên phụ nữ góp ý vào dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Nhìn chung, các ý kiến của cán bộ, hội viên phụ nữ đều khẳng định việc sửa đổi Hiến pháp 2013 là một yêu cầu khách quan và cần thiết trước chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy và sắp xếp lại đơn vị hành chính.
Tất cả đều thấy đây là việc vô cùng hệ trọng và có tác động đến hệ thống chính trị và xã hội sâu sắc, một cuộc cách mạng để đưa đất nước ta đủ tâm thế bước vào kỷ nguyên mới. Việc sửa đổi Hiến pháp có thể nói là “mở đường” cho việc sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế, sáp nhập tỉnh hợp lý mà còn mang yếu tố hội nhập mạnh mẽ; mở ra cơ hội lớn để đất nước phát triển bền vững hơn với các tầm nhìn dài hạn đưa dân tộc bước vào kỷ nguyên mới.

Dự thảo Nghị quyết đưa ra dự kiến sửa đổi 8 điều gồm điều 9, 10 (thuộc Chương 1 về Chế độ chính trị), điều 84 (thuộc Chương 5 về Quốc hội); các điều 110, 111, 112, 114, 115 (thuộc Chương 9 về Chính quyền địa phương).
Các ý kiến cán bộ hội viên phụ nữ tập trung quan tâm nhiều đến Chương 9 về chính quyền địa phương với các điều 110,111,112,114, 115 cơ bản đều nhất trí và đánh giá các nội dung trong Dự thảo đã gắn với thực tiễn, câu từ đưa ra chặt chẽ và logic.
Đa phần các ý kiến đều cho rằng việc sửa đổi Điều 9 của Hiến pháp đã thể hiện đầy đủ vị trí và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Thể hiện rõ nhiệm vụ hiệp thương với các tổ chức thành viên và Mặt trận Tổ quốc chủ trì các hoạt động của tổ chức thành viện
- Điều 10: Nhất trí với bổ sung về chức năng của Công đoàn Việt Nam là đại diện của người lao động ở cấp quốc gia trong quan hệ lao động và quan hệ quốc tế về công đoàn; như vậy mới phù hợp với việc hòa nhập quốc tế và bảo vệ người lao động trong sự phát triển toàn cầu hiên nay.
Bên cạnh đó có một số kiến nghị và mong muốn:
1/Với khoản 1, 2, Điều 9
Việc quy định vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội khác trong Hiến pháp để phát huy dân chủ và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc đã cụ thể hơn, chi tiết hơn và nhấn mạnh vai trò của Nhân dân và trong đó có bổ sung các chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (giám sát, phản biện xã hội, phản ánh ý kiến của Nhân dân...) là tích cực, nhưng cũng cần có quy định cụ thể hơn về cơ chế để đảm bảo các chức năng này được thực hiện hiệu quả. Đặc biệt khi xác định các tổ chức như Hội liên hiệp phụ nữ, Công đoàn, Đoàn Thanh niên… là "trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam", cần làm rõ: trực thuộc về tổ chức, hành chính hay chỉ về nguyên tắc phối hợp hành động để tránh hiểu nhầm hoặc gây tranh luận về tính độc lập của các tổ chức này theo luật chuyên ngành. Cụm từ “trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam” chưa thật sự phù hợp, vì các tổ chức như Hội Liên hiệp phụ nữ, Công Đoàn, … là thành viên, có tư cách pháp nhân độc lập, không phải cơ quan cấp dưới. Nên sửa thành “là các tổ chức chính trị - xã hội là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”. Cụm từ “các tổ chức xã hội khác” nên làm rõ là các tổ chức nào, có điều lệ thế nào thì được xem là nằm trong phạm vi này.
“Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh là các tổ chức chính trị xã hội trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam” nên điều chỉnh từ “trực thuộc” bằng cụm từ “thuộc thành viên” vì các tổ chức này hoạt động độc lập và có con dấu riêng.

Về các tổ chức chính trị - xã hội: Việc quy định các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ có tác động lớn đến tính độc lập tương đối của các tổ chức này.
Nguyên tắc “hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động dưới sự chủ trì của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam” là quan trọng, nhưng cần làm rõ hơn về cơ chế “chủ trì” của Mặt trận để tránh sự lạm quyền hoặc áp đặt.
Theo dự thảo sửa đổi thấy rõ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có thêm vai trò và quyền hạn trong việc thúc đẩy sự hợp tác với các tổ chức quốc tế và nâng cao vai trò đại diện của Mặt trận đối với cộng đồng quốc tế, mở rộng phạm vi hợp tác: Cùng với việc nâng cao quyền lực trong nước, Mặt trận còn thể hiện rõ hơn vai trò trong các vấn đề quốc tế, hợp tác với các tổ chức quốc tế và bảo vệ quyền lợi của công dân ở các lĩnh vực như dân tộc, tôn giáo... Đây là một sự thay đổi quan trọng, nhằm đưa tổ chức này hòa nhập tốt hơn vào các cơ chế quốc tế. Tuy nhiên, cần phải xác định rõ phạm vi quyền hạn trong các hợp tác quốc tế để tránh sự mơ hồ, đặc biệt là về các vấn đề liên quan đến quyền lợi quốc gia và bảo vệ lợi ích của người dân. Cần đưa ra những hướng dẫn rõ ràng về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ hợp tác như thế nào với các tổ chức quốc tế mà không ảnh hưởng đến chủ quyền và an ninh quốc gia.
2. Về sửa đổi, bổ sung Điều 10 (Công đoàn Việt Nam):
Hoàn toàn đồng tình với việc Hiến pháp tiếp tục khẳng định Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và người lao động, trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Việc bổ sung quy định về vai trò đại diện của Công đoàn Việt Nam ở cấp quốc gia và quốc tế là cần thiết bởi sẽ giúp công đoàn Việt Nam hoạt động hiệu quả hơn, đặc biệt là trong việc bảo vệ quyền lợi người lao động trong các ngành nghề mới hoặc khi có các yếu tố nước ngoài tác động. Tuy nhiên, điều quan trọng là các cải cách này cần được thực hiện sao cho Công đoàn vẫn giữ vững được tính độc lập và không bị chi phối bởi các yếu tố bên ngoài có thể làm suy yếu sức mạnh bảo vệ quyền lợi của người lao động. Cần có những quy định chi tiết về cách thức mà Công đoàn có thể thực hiện các hoạt động quốc tế mà không làm xói mòn quyền lợi của người lao động trong nước. Đồng thời, cần phải đảm bảo Công đoàn vẫn giữ được vai trò của mình trong việc bảo vệ quyền lợi lao động trong mọi điều kiện. Cần đảm bảo không hạn chế quyền của người lao động được thành lập các tổ chức đại diện khác theo quy định của pháp luật (như tinh thần của Bộ luật Lao động năm 2019).
3. Về sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 84 (quyền trình dự án luật, pháp lệnh):
Việc thu hẹp quyền trình dự án luật, pháp lệnh chỉ còn cho Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là hợp lý. Tuy nhiên cần cân nhắc kỹ về tính đại diện và khả năng nắm bắt đầy đủ các vấn đề của các tổ chức thành viên của Mặt trận khi giao quyền trình dự án luật, pháp lệnh cho Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Nên bổ sung cơ chế cụ thể để bảo đảm tiếng nói, sáng kiến lập pháp của các tổ chức thành viên vẫn được phản ánh đầy đủ qua Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tránh tình trạng "tập trung quyền nhưng không tăng hiệu quả". Cần quy định rõ trách nhiệm tiếp nhận, xử lý và phản hồi kiến nghị lập pháp của các tổ chức thành viên để tránh tình trạng hình thức, giảm tính phản biện xã hội.