Việt Nam “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”!

TS.Nguyễn Minh Phong - N.T. Quỳnh Hương
Chia sẻ

(PNTĐ) -Cách mạng Tháng 8 năm 1945 đã lật đổ ách thống trị của chế độ thực dân phong kiến, thiết lập nên Nhà nước dân chủ đầu tiên ở Đông Nam Á, mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử của dân tộc Việt Nam: Kỷ nguyên Độc lập - Tự do. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là kết quả đấu tranh lâu dài của nhân dân Việt Nam chống đế quốc thực dân, với sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt khôn khéo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin trong điều kiện lịch sử cụ thể của nước ta.

Việt Nam “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”! - ảnh 1
Công nghiệp chế biến chế tạo ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế, với mức đóng góp GDP tăng từ 13% năm 2010 lên 16,7% năm 2020 Ảnh: Int

Luồng gió đổi mới
Từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh, nạn đói và nạn lũ lụt lớn, rồi hạn hán kéo dài; nửa tổng số ruộng đất không canh tác được của những năm đầu lật đổ ách thống trị của thực dân Pháp, Việt Nam đã từng bước thực hiện công cuộc đổi mới. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI năm 1986 đã lần đầu tiên xóa bỏ tư duy bao cấp, từng bước chuyển sang mô hình quản lý kinh tế theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN). Chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp sang nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, hoạt động theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước và định hướng XHCN. 

Cơ chế khoán gọn đến hộ nông dân, thừa nhận hộ nông dân là đơn vị kinh tế tự chủ ở nông thôn đã đánh dấu sự mở đầu của thời kỳ đổi mới trong nông nghiệp và nông thôn nước ta. Ngành nông nghiệp đã giải quyết vững chắc vấn đề lương thực, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, đưa Việt Nam từ nước thiếu lương thực trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới. Năm 2000, tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 34,5 triệu tấn, gấp 2,1 lần năm 1986; lương thực có hạt bình quân đầu người đạt 444,8kg, gấp 1,6 lần; xuất khẩu gạo đạt 3.477 nghìn tấn, gấp hơn 26 lần.

Sản xuất công nghiệp đi dần vào thế phát triển ổn định với tốc độ tăng bình quân mỗi năm trong thời kỳ 1986-2000 đạt 11,09%. Sản lượng điện năm 2000 gấp 4,7 lần so với năm 1986; sản lượng xi măng gấp 8,7 lần; thép cán gấp 25,6 lần; thiếc gấp 3,6 lần. Sản lượng dầu thô đã tăng từ 41 nghìn tấn năm 1986 lên 16,3 triệu tấn năm 2000. 

Giai đoạn 1986-2000, tổng sản phẩm trong nước bình quân mỗi năm tăng 6,51%; trong đó: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,72%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,06%; khu vực dịch vụ tăng 6,66%. Năm 2000, tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 24,53% GDP, giảm 13,53 điểm phần trăm so với năm 1986; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 36,73%, tăng 7,85 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ chiếm 38,74%, tăng 5,68 điểm phần trăm.

Đặc biệt, siêu lạm phát từng bước được kiềm chế và đẩy lùi. Giá bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng từ mức tăng 3 chữ số mỗi năm trong 3 năm, 1986-1988, hai chữ số mỗi năm trong thời kỳ 1989-1992, đã giảm xuống chỉ còn tăng một chữ số trong thời kỳ 1993-2000. So với tháng 12 năm trước, chỉ số giá tiêu dùng năm 1988 tăng 349,4%; năm 1992 tăng 17,5% và năm 2000 giảm 0,6%.

Sự nghiệp văn hóa, giáo dục, y tế và các lĩnh vực xã hội khác được củng cố và tăng cường. Tại thời điểm 1/4/1999, cả nước có 90% số trẻ em 14 tuổi tốt nghiệp tiểu học; 94% dân số trong độ tuổi 15-35 biết chữ. Sau 10 năm nỗ lực phấn đấu, đến giữa năm 2000, cả nước hoàn thành chương trình mục tiêu chống mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học. Thu nhập bình quân đầu người một tháng của dân cư tăng từ khoảng 1.600 đồng năm 1986 lên đến 295.000 đồng năm 1999. Thu nhập tăng nhanh góp phần làm cho công cuộc xóa đói giảm nghèo của nước ta trong giai đoạn này đạt được những kết quả đáng kể. Nếu như năm 1993, tỷ lệ nghèo chung của Việt Nam tính theo phương pháp của Ngân hàng Thế giới là 58,1%, thì đến năm 1998 tỷ lệ nghèo này giảm xuống còn 37,4%.

Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 150 của WTO từ ngày 11/1/2007. Sự kiện lớn này đã để lại nhiều dấu ấn tích cực trên hành trình đổi mới và hội nhập quốc tế của Việt Nam. 

Việc tham gia WTO và hội nhập quốc tế là góp phần đổi mới tư duy chính sách và hoàn thiện chuẩn mực quản lý nhà nước, cũng như quản trị doanh nghiệp, định hình khung khổ pháp lý và các chuẩn mực phát triển các thể chế kinh tế-thương mại, tạo cơ sở pháp lý vững chắc làm cầu nối và xung lực tích cực để Việt Nam từng bước mở cửa, mở rộng quy mô thị trường hàng hóa và dịch vụ, cải thiên cơ cấu và nâng cao hiệu quả hoạt động thương mại quốc tế theo các thỏa thuận đa phương và song phương mà Việt Nam đã cam kết.

Nền kinh tế có độ mở cao 
Đến năm 2020, Việt Nam có 30 đối tác chiến lược và đối tác chiến lược toàn diện; có quan hệ ngoại giao với 189/193 nước (so với 11 nước năm 1954) và quan hệ kinh tế với 160 nước và 70 vùng lãnh thổ; 79 nước đã công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Đặc biệt, WTO cùng với hơn 500 hiệp định song phương và đa phương trên nhiều lĩnh vực, trong đó có 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia (16 hiệp định đã ký kết, có hiệu lực và 1 hiệp định đang đàm phán) là những cánh cửa lớn và đa chiều để Việt Nam định hướng hoàn thiện khung khổ thể chế phát triển kinh tế thị trường và tự tin hội nhập toàn cầu ngày càng sâu, rộng, đầy đủ và hiệu quả hơn.

Dấu ấn WTO được ghi nhận rõ nét trong việc đưa Việt Nam trở thành một nền kinh tế có độ mở cao, tới 200% GDP và cải thiện cán cân thương mại hàng hóa chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu 6 năm liên tục từ 2016 đến nay (dù vẫn nhập siêu dịch vụ).

Theo Tổng cục Thống kê, đến năm 2021, tổng kim ngạch XNK hàng hóa đạt tới 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 336,25 tỷ USD, tăng 19% so với năm trước; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 247,54 tỷ USD, tăng 21,1%, chiếm 73,6% tổng kim ngạch xuất khẩu. Cả nước có 35 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 93,8% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 8 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 69,7%); kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 332,25 tỷ USD, tăng 26,5% so với năm trước và có 47 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm 94,1% tổng kim ngạch nhập khẩu. Tỷ trọng hàng công nghiệp chế biến tăng từ 80,3% kim ngạch xuất khẩu năm 2016 lên mức 85,1% năm 2019 và 85,2% trong năm 2020. Số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD tăng dần và lên 31 mặt hàng năm 2020. Báo cáo rà soát thống kê thương mại thế giới năm 2020 của WTO đã ghi nhận trong số 50 nước có nền thương mại hàng hóa lớn nhất thế giới, Việt Nam có mức tăng trưởng lớn nhất khi dịch chuyển từ vị trí thứ 39 vào năm 2009 lên vị trí thứ 23 vào năm 2019 và lọt vào Top 20 năm 2021. 

Việc tuân thủ các cam kết hội nhập cũng giúp Việt Nam cải thiện nhiều chỉ số xếp hạng quốc tế quan trọng khác. Theo đánh giá và xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), chỉ số Năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Việt Nam đã cải thiện, từ thứ hạng 68/131 vào năm 2007 lên thứ 78/140 năm 2018, tăng 12 bậc so với năm 2017 (trong đó, năm 2018 và 2019 đứng thứ 27/190 nước về Chỉ số tiếp cận điện năng), và tăng tiếp lên thứ 67/141 nền kinh tế vào năm 2019. Cũng trong năm 2019, trước khi dịch Covid-19 bùng phát trên thế giới, Việt Nam được coi là quốc gia có nền kinh tế ổn định và tăng trưởng nhanh tốp đầu khu vực và thế giới; là năm thứ 2 liên tiếp cả nước đạt toàn bộ 12 chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu, trong đó 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch, và được IMF đánh giá nằm trong số 20 nền kinh tế có đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng toàn cầu năm 2019. Đồng thời, Việt Nam cũng lọt vào Top 10/163 nước đáng sống nhất thế giới của HSBC Expat 2019; đứng thứ 83/128 nước trong Xếp hạng 2019 về các nước an toàn nhất và xếp thứ 128/192 nước giàu nhất thế giới do tạp chí Global Finance công bố. xếp hạng 94/156 nước trong bảng xếp hạng “Quốc gia Hạnh phúc” năm 2019, World Happiness Report, được Mạng lưới các giải pháp phát triển bền vững của LHQ công bố vào ngày 20/3/2019. Việt Nam thứ 84/161 nước trong Xếp hạng bảo vệ nhà đầu tư (Best Countries for Business) của Forbes năm 2019 (Anh số 1), với 15 chỉ số như sáng tạo, thuế, công nghệ, tham nhũng, hạ tầng, rủi ro chính trị, nhân lực, bảo vệ nhà đầu tư); Việt Nam xếp 39/80 nước trong xếp hạng các nước "tốt nhất thế giới" theo đánh giá của trang U.S. News & World Report…

Năm 2020, quy mô GDP Việt Nam đứng thứ 44 trên thế giới, đứng thứ 4 Đông Nam Á và bình quân GDP/đầu người đứng thứ 6. Đồng thời, Việt Nam là thương hiệu quốc gia tăng giá trị nhanh nhất thế giới trong năm 2020, khi tăng tới 29% so với năm trước, lên 319 tỷ USD; từ vị trí 42 lên 33 trong danh sách 100 thương hiệu quốc gia của Brand Finance (hãng định giá thương hiệu và tư vấn chiến lược độc lập hàng đầu của Anh).

Theo bảng xếp hạng về Chỉ số tự do kinh tế năm 2021 (Index of Economic Freedom 2021) mới công bố của Heritage Foundation (Mỹ), với điểm tổng thể của Việt Nam là 61,7 điểm (cao hơn mức trung bình của khu vực và thế giới). Việt Nam là nền kinh tế tự do đứng thứ 17/40 quốc gia ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và đứng thứ 90/184 nền kinh tế trên thế giới trong bảng xếp hạng điểm số tự do kinh tế của Heritage Foundation. Đây cũng là năm đầu tiên kinh tế Việt Nam bước vào nhóm các nền kinh tế có "tự do trung bình" (Moderately Free), tăng 15 bậc so với năm ngoái, từ nhóm được xem là hầu như không tự do kinh tế. 

Còn theo Báo cáo chỉ số quyền lực mềm toàn cầu (Brand Finance Global Soft Power Index Report) năm 2021, được Brand Finance - công ty tư vấn chiến lược và định giá thương hiệu độc lập hàng đầu thế giới, công bố tại “Hội nghị thượng đỉnh 2021 về quyền lực mềm toàn cầu” ngày 25/2/2021, Việt Nam là quốc gia duy nhất trong khối ASEAN được nâng hạng trong bảng xếp hạng quyền lực mềm toàn cầu. Cụ thể, vị trí của Việt Nam được cải thiện, tăng 2,5 điểm, thay đổi từ 50/60 lên 47/105 quốc gia được xếp hạng. Việt Nam được đánh giá là điểm sáng nhờ sự tăng hạng vượt bậc về thương hiệu quốc gia và những kết quả về kinh tế, xã hội đã đạt được trong năm qua. Theo đánh giá của Brand Finance, Việt Nam đã phát huy tương đối tốt mọi khía cạnh của quyền lực mềm, đặc biệt là sự hội nhập của Thương hiệu quốc gia Việt Nam và các thương hiệu sản phẩm hàng đầu. Uy tín quốc gia của Việt Nam trong năm qua đã tăng lên phần lớn nhờ chủ trương và phản ứng nhanh nhạy của Chính phủ, đặc biệt là sự chỉ đạo sát sao trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và quảng bá thương hiệu trong và ngoài nước cũng như sự năng động, nỗ lực của doanh nghiệp Việt Nam. “quyền lực mềm” Việt Nam không chỉ là sự kế thừa và phát huy nền tảng vốn có từ lịch sử dân tộc hào hùng, nền văn hiến, chính sách đối ngoại hòa bình… mà còn là sự phát triển, tận dụng cả những vị thế mới, lợi thế mới.  Trong nền kinh tế hiện đại và không ngừng phát triển, thương hiệu sản phẩm của quốc gia nào chiếm lĩnh thị trường quốc tế càng lớn thì quốc gia đó càng hùng mạnh…

Bên cạnh các chỉ số về kinh tế, theo khảo sát và đánh giá của Liên hợp quốc, chỉ số phát triển bền vững (SDG) của Việt Nam đã liên tục gia tăng từ vị trí 88 vào năm 2016 lên 57 vào năm 2018 và 49 vào năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 9,88% cuối năm 2015 xuống dưới 3% vào năm 2020, với mức giảm trung bình là trên 1,4% mỗi năm.   

Việt Nam đã đạt được sự tiến bộ trong xếp hạng của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) - cơ quan chuyên môn của Liên hợp quốc. Năm 2021, Việt Nam được WIPO xếp thứ 44 tức nằm trong khoảng tin cậy (từ khoảng 42 đến 47) của thứ hạng này. 
Theo công bố xếp hạng các nền kinh tế tốt nhất để đầu tư của Tạp chí U.S. News & World Report, Việt Nam xếp thứ 8 trong top 20 nền kinh tế tốt nhất để đầu tư năm 2019, tăng từ vị trí 23 của năm 2018. 

Theo dự báo mới nhất ngày 8/8/2022 của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam trong Báo cáo Điểm lại cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam ấn phẩm tháng 8 năm 2022 với tựa đề “Giáo dục để tăng trưởng”, năm 2022, Việt Nam sẽ tăng trưởng 7,5% GDP từ 2,6% trong năm 2021 lên 7,5% trong năm 2021 và lạm phát trung bình 3,8%.

Về tổng thể, sau 77 năm kể từ thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến nay, tuy vẫn còn tồn tại những hạn chế, nhưng nước ta đã đạt được những dấu ấn to lớn, toàn diện và có ý nghĩa lịch sử trên các mặt trận kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, làm thay đổi căn bản bộ mặt của đất nước. 

Những thành tựu đó là kết quả của quá trình dài nỗ lực, bền bỉ và kiên định thực hiện đồng bộ nhiều chính sách cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; sửa đổi các quy định pháp luật; thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng hiện đại, minh bạch, tạo sự cạnh tranh công bằng, bình đẳng cho doanh nghiệp và tiệm cận với chuẩn mực quốc tế theo yêu cầu của WTO và các FTA thế hệ mới mà Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục tham gia…

Đồng thời, thực tế cũng đòi hỏi cần tiếp tục phát huy tinh thần Cách mạng Tháng Tám, gia tăng những nỗ lực mới, nhận diện và giải quyết hiệu quả hơn các khó khăn, thách thức, tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị toàn cầu… tạo cộng lực và là động năng mạnh mẽ để giúp Việt Nam phát triển kinh tế bền vững, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh vĩ mô và vi mô, nâng cao đời sống người dân và đóng góp vào sự thịnh vượng chung của khu vực và thế giới trong thời kỳ mới.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Giải đáp những điểm mới về chế độ, chính sách cho người lao động

Giải đáp những điểm mới về chế độ, chính sách cho người lao động

(PNTĐ) -Ngày 24/4, Báo Lao động Thủ đô phối hợp với Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Đan Phượng tổ chức buổi Đối thoại - giao lưu trực tuyến, truyền thông chính sách năm 2024 với chủ đề "Những điểm mới về chế độ, chính sách cho người lao động"; với sự tham dự của hơn 300 cán bộ công đoàn, đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) huyện Đan Phượng.
Hơn 600 điểm cầu tổ chức tập huấn về Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

Hơn 600 điểm cầu tổ chức tập huấn về Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

(PNTĐ) - Sáng 23/4, Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở thành phố Hà Nội phối hợp với Ban Tổ chức Thành ủy tổ chức lớp tập huấn việc thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và các Nghị định liên quan bằng hình thức trực tuyến từ điểm cầu Thành ủy đến 610 điểm cầu cơ sở. Đồng chí Đỗ Anh Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Thành ủy, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở thành phố dự và phát biểu chỉ đạo.