Với Đảng, mãi trọn niềm tin yêu

BẮC VĂN
Chia sẻ

(PNTĐ) - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng khẳng định “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Chúng ta tự hào về truyền thống vẻ vang của một Đảng chân chính, cách mạng đã lãnh đạo toàn dân làm nên những thắng lợi vĩ đại, xây dựng đất nước ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Song để hoàn thành sứ mệnh mà lịch sử giao phó, từng tổ chức Đảng, đảng viên phải đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Như thế, Đảng mới xứng đáng và làm tốt vai trò người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.

Như trái tim DanKo soi đường

Đảng ta ra đời (3/2/1930) là một bước ngoặt lịch sử lớn nhất của cách mạng Việt Nam. Sự kiện trọng đại ấy mang đến cho dân tộc ta một niềm tin mới mãnh liệt, như nắng ban mai bừng lên, xua tan đêm tối và sự khủng hoảng về đường lối mà bao sĩ phu yêu nước đã tìm tòi nhưng không thành.

Nói về người dẫn đường, lại nhớ đến chàng trai Danko trong truyện Bà lão Idecghin của nhà văn Nga Marxim Gorki. Trước sự bế tắc, hoài nghi của bộ tộc, anh đã xé toang lồng ngực, dứt trái tim ra và giơ cao trên đầu, cháy rực như mặt trời, đưa cả đoàn người bị bộ tộc khác xua đuổi, chiếm đất, băng qua đêm đen và rừng thẳm, đến nơi chan hòa ánh sáng và tươi xanh màu cỏ, một cuộc sống tốt đẹp đang chờ. Trái tim Danko trở thành biểu tượng của lòng dũng cảm, tin vào sức mình, bất chấp hiểm nguy, sẵn sàng hy sinh bản thân vì mọi người, dẫn đường cho họ tiến lên.

Với Đảng, mãi trọn niềm tin yêu - ảnh 1
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: PV

Trong đêm dài nô lệ, dân tộc ta luôn khát khao tìm ra con đường đi mới, nhưng không có “trái tim Danko” và thiếu người dẫn lối đúng hướng. Chỉ khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tìm ra con đường cứu nước cứu dân; thành lập Đảng Cộng sản, thì cách mạng Việt Nam mới thoát khỏi bế tắc về đường lối. Đảng ra đời, nhân dân ta như có “trái tim Danko” vĩ đại, soi đường; làm nên sức mạnh phi thường bởi niềm tin, ý chí bất khuất và kiên cường của một dân tộc anh hùng được nhân lên gấp bội.

Có Đảng lãnh đạo, dân tộc ta cả triệu người như một, làm nên cách mạng tháng Tám năm 1945; đánh đuổi thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược; tiến hành thắng lợi công cuộc đổi mới. Từ một đất nước không có tên trên bản đồ thế giới, đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 193 nước, trong đó quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với nhiều nước có tiềm lực kinh tế, chính trị hàng đầu thế giới.

Trên mỗi bước đường đi lên, nhất là khi cách mạng chưa giành được chính quyền, có biết bao đảng viên đã ngã xuống tô thắm thêm màu đỏ tươi cho cờ Đảng. Đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên, bị địch bắt, tra tấn dã man, đã hy sinh tại nhà thương Chợ Quán (Sài Gòn), năm 1931, khi mới 27 tuổi. Nghe tin đồng chí mất, anh chị em chính trị ở khám lớn Sài Gòn, làm bài thơ viếng, trong đó có câu: Tuy anh đã thác gương còn sáng/Thác được như anh sáng suốt đời.

Tổng Bí thư thứ 2 của Đảng là Lê Hồng Phong, trút hơi thở cuối cùng tại nhà tù Côn Đảo đúng ngày sinh nhật thứ 40 (6/9/1942). Vợ đồng chí là Nguyễn Thị Minh Khai cũng bị địch kết án tử hình và bắn chết khi mới 31 tuổi. Ngô Gia Tự trong khi hoạt động tại Sài Gòn, cũng bị địch bắt và kết án tử hình rồi đầy ra Côn Đảo. Đồng chí được Chi bộ nhà tù cử cùng một số chiến sĩ khác vượt ngục vào đất liền để hoạt động, nhưng chẳng may bị mất tích trên biển khi mới 26 tuổi... Còn biết bao đồng chí khác cũng đã hy sinh anh dũng như thế. Chết chưa phải là hết mà còn là một cống hiến, để chiến đấu cho Đảng, bảo vệ Đảng và sự nghiệp cách mạng của nhân dân. Dù đã hy sinh, nhưng hình ảnh của những người cộng sản ấy vẫn rực sáng như trái tim Danko.

Với Đảng, mãi trọn niềm tin yêu - ảnh 2
Tổng Bí thư gặp gỡ cử tri đơn vị bầu cử số 1 thành phố Hà Nội. Ảnh: Lê Hải 
 

Bản anh hùng ca đang phải viết tiếp

Trong bài nói tại lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần nhắc “Đảng ta thật là vĩ đại”. Lịch sử 94 năm của Đảng một lần nữa khẳng định điều ấy. Trước bao thách thức mới, Đảng luôn kiên định, sáng suốt, đưa cách mạng tiến lên, đặc biệt là gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới đề ra từ Đại hội VI, năm 1986.

Nhờ có đường lối đổi mới đúng đắn, chúng ta đã chiến thắng sự bao vây, cấm vận của các thế lực thù địch; chiến thắng nghèo nàn và lạc hậu. Chưa bao giờ đất nước ta đàng hoàng như ngày nay, nhân dân có cuộc sống khá giả như ngày nay. Trong khi nền kinh tế toàn cầu đang bị bao phủ một màu xám vì dịch bệnh, vì xung đột vũ trang, thì kinh tế Việt Nam vẫn là một điểm sáng; đất nước ta vẫn là một điểm đến hấp dẫn. Chỉ mấy tháng cuối năm nay, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình; Tổng thống Mỹ Joe Biden và nhiều nguyên thủ quốc gia khác đã sang thăm Việt Nam, đưa quan hệ, hợp tác giữa hai bên lên tầm cao mới.

Thành tựu gần 40 năm đổi mới đất nước như một bản anh hùng ca mang hơi thở tươi vui, rộn ràng của mùa xuân mới, nhưng tiếc thay, vẫn còn lẩn khuất đâu đó mấy “nốt nhạc” trầm, lạc điệu, cần thanh lọc. Đó là tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; tình trạng tham nhũng, tiêu cực vẫn còn gây nhiều bức xúc trong nhân dân. Mọi căn nguyên ở đây đều do đạo đức công vụ đang bị mai một mà chưa ngăn chặn được.

Với Đảng, mãi trọn niềm tin yêu - ảnh 3
Chương trình nghệ thuật “Mãi mãi niềm tin theo Đảng”. Ảnh: PV 
 

Vấn đề đạo đức, tư cách một người cách mạng đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu trong tập bài giảng được in thành sách mang tên Đường cách mệnh từ năm 1927. Chỉ sau hơn một tháng cách mạng giành chính quyền, trong Thư gửi ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng (ngày 17/10/1945), Người lại nhắc nhở không được “Cậy thế mình ở trong ban này ban nọ, rồi ngang tàng phóng túng, muốn sao được vậy, coi khinh dư luận, không nghĩ đến dân;... lấy của công dùng vào việc tư, quên cả thanh liêm, đạo đức...”. Sau này, Người thường xuyên cảnh báo vấn đề đạo đức của cán bộ, đảng viên; Người đã bác đơn xin tha tội chết đối với Đại tá, Cục Trưởng Cục Quân nhu Trần Dụ Châu vì tội biển thủ công quỹ (năm 1950). Theo Người, mọi hư hỏng của cán bộ đều do chủ nghĩa cá nhân mà ra, nó nguy hiểm, kéo người ta xuống dốc không phanh.

Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII đã chỉ ra 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; Kết luận 21, khóa XIII khẳng định phải làm quyết liệt hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Chỉ từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, có 91 cán bộ diện Trung ương quản lý bị thi hành kỷ luật, trong đó có 17 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 23 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang (tăng gần hai lần so với nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội XII).

Chống tham nhũng, tiêu cực quyết liệt như vậy, nhưng vẫn chưa đẩy lùi được vấn đề bức xúc này. Phải chăng vì nó là “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực? Không ít cán bộ vẫn lạm dụng chức quyền để tham nhũng, có khi trắng trợn. Trong các vụ án liên quan “chuyến bay giải cứu” đưa công dân về nước trong đại dịch Covid-19, một thư ký của Thứ trưởng nhận hối lộ hơn 42 tỷ đồng; trong các vụ việc liên quan Ngân hàng SCB, một Cục trưởng thuộc Ngân hàng Nhà nước bị cáo buộc nhận hối lộ 5,2 triệu USD, tương đương 118 tỷ đồng. Không tưởng tượng nổi lòng tham của họ thế nào.

Với Đảng, mãi trọn niềm tin yêu - ảnh 4
Ảnh minh họa.

Vấn nạn tham nhũng đã làm giảm niềm tin của nhân dân đối với  “công bộc” của dân. Nếu không sớm ngăn chặn, thì nguy cơ mất niềm tin đối với Đảng, chế độ là rất lớn. Trong khi đó, kinh tế còn nhiều khó khăn, nhiệm vụ xây dựng đất nước đang rất nặng nề, như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định: Đến năm 2025, nước ta là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Để bản anh hùng ca về công cuộc đổi mới được viết tiếp, một trong những việc phải làm quyết liệt đó là phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đây là mong đợi của nhân dân, là nhiệm vụ mà Đảng đã làm nhiều năm nay và phải quyết liệt hơn nữa để xứng đáng với niềm tin yêu của nhân dân.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng:

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc thực thi công vụ; nâng cao đạo đức, văn hoá, tính chuyên nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức. Kiên trì, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực gắn với việc đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách để “không thể, không dám, không muốn tham nhũng”. Đồng thời, chấn chỉnh, đấu tranh loại bỏ tư tưởng bàn lùi, lo ngại rằng nếu đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực quá mạnh sẽ cản trở sự phát triển, làm nhụt chí, làm “cầm chừng”, “phòng thủ”, “che chắn”, giữ “an toàn”, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức nào đó, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

(Phát biểu tại Hội nghị Trung ương sơ kết giữa nhiệm kỳ khóa XIII)

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tăng cường cung ứng hàng hóa, cam kết bình ổn giá phục vụ người dân

Tăng cường cung ứng hàng hóa, cam kết bình ổn giá phục vụ người dân

(PNTĐ) - Để đồng hành cùng người dân sau bão lũ và cung ứng đầy đủ hàng hóa phục vụ người tiêu dùng, hệ thống siêu thị WinMart và cửa hàng WinMart+/WiN đã chủ động nguồn hàng dự trữ và phương án cung ứng kịp thời, cam kết không tăng giá và triển khai hàng loạt chương trình khuyến mại và giảm giá sâu.
Những người “truyền lửa” tại tọa đàm “Tiếp nối truyền thống-Vững bước tương lai”

Những người “truyền lửa” tại tọa đàm “Tiếp nối truyền thống-Vững bước tương lai”

(PNTĐ) - Sáng ngày 25/9, báo Tuổi trẻ Thủ đô phối hợp với Thành đoàn Hà Nội, UBND quận Hoàn Kiếm tổ chức chương trình tọa đàm, giao lưu gặp mặt nhân chứng lịch sử “Tiếp nối truyền thống - Vững bước tương lai”. Đây là hoạt động ý nghĩa hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024), đồng thời là dịp để các thế hệ hôm nay bày tỏ lòng tri ân đối với sự hy sinh của thế hệ cha anh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Hơn 1.300 học sinh Trường THCS Bùi Quang Mại được tuyên truyền ATGT

Hơn 1.300 học sinh Trường THCS Bùi Quang Mại được tuyên truyền ATGT

(PNTĐ) - Thực hiện Tuần lễ an toàn giao thông tại Khu công nghiệp Thăng Long và trên địa bàn các xã giáp ranh năm 2024, ngày 24/9, Công an huyện Đông Anh phối hợp với Công ty TNHH Khu công nghiệp Thăng Long và Trường THCS Bùi Quang Mại tổ chức chương trình tuyên truyền ATGT cho hơn 1.300 học sinh và giáo viên nhà trường.