Thảo luận Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Xem xét các mục tiêu, không để xa rời thực tiễn

HOÀNG LAN
Chia sẻ

(PNTĐ) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 2, ngày 07/01, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung Phiên họp.

Xem xét các mục tiêu, không để xa rời thực tiễn - ảnh 1
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh, Đoàn ĐBQH Bình Định

Mở đầu phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh, Đoàn ĐBQH Bình Định đóng góp ý kiến về một số mục tiêu phấn đấu đạt cao được nêu trong Nghị quyết như dịch vụ xã hội chất lượng cao hơn, tốc độ phát triển cao, tính kết nối cao, khả năng cạnh tranh quốc tế cao. Theo đại biểu, đây là những mục tiêu chưa định lượng, như vậy thì sẽ khó chọn được giải pháp để thực hiện.

Về mục tiêu phát triển đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và tầm nhìn đến năm 2050 là nước phát triển thu nhập cao, đại biểu cho rằng, khác nhau dễ thấy giữa nước đang phát triển và nước phát triển là chất lượng sản phẩm hàng hóa và dịch vụ. Đất nước đang phát triển thì vẫn còn suy nghĩ tiền nào của nấy, các nước phát triển thì làm cái nào chất lượng ra cái đó. Nếu sản phẩm trên thị trường mà không cạnh tranh bằng chất lượng thì không chỉ người tiêu dùng bị thiệt hại mà những người làm ra sản phẩm chất lượng cũng bị cạnh tranh không lành mạnh, như bị giả thương hiệu, bị bán phá giá, làm cho các ngành sản xuất trong nước đi xuống. Vì vậy, theo đại biểu, trong quy hoạch cần bổ sung nội dung phát triển hệ thống các trung tâm cơ sở kiểm định chất lượng sản phẩm tầm cỡ khu vực, có lộ trình hoàn thiện pháp luật về quy chuẩn, tiêu chuẩn tiệm cận với các nền kinh tế mà chúng ta muốn đưa sản phẩm đến với họ.

Xem xét các mục tiêu, không để xa rời thực tiễn - ảnh 2
Phiên thảo luận sáng 7/1/2023

Bên cạnh đó là vấn đề văn hóa. Theo đại biểu, chúng ta muốn văn hóa phải đặt ngang tầm với kinh tế, để phát triển kinh tế thì chúng ta đã có rất nhiều nhà kinh tế, còn hiện nay chúng ta chưa có đủ đội ngũ các nhà văn hóa để phát triển văn hóa, chứ không chỉ là các công trình nhà văn hóa. Vì vậy, trong quy hoạch này cũng cần có nội dung phát triển đội ngũ các nhà văn hóa trong giai đoạn mới.

Đại biểu Khang Thị Mào, Đoàn ĐBQH Yên Bái cơ bản tán thành với các quan điểm về tổ chức không gian phát triển, trong đó có đặt ra yêu cầu sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, nhất là tài nguyên đất, tài nguyên nước, tài nguyên rừng và các loại khoáng sản, bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, bảo vệ môi trường và chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Trên cơ sở quy hoạch tổng thể quốc gia sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ hai này, đại biểu đề nghị Chính phủ sớm hoàn thiện lập quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành liên quan đến tài nguyên nước theo Kết luận số 36 ngày 23/6/2022 của Bộ Chính trị.

Xem xét các mục tiêu, không để xa rời thực tiễn - ảnh 3
Đại biểu Khang Thị Mào, Đoàn ĐBQH Yên Bái

Bên cạnh đó, theo đại biểu, cần thực hiện có kế hoạch đầu tư dài hạn của ngân sách nhà nước đối với công tác bảo vệ, kiểm soát nguồn nước, hệ thống đê điều, hệ thống thủy lợi, hệ thống cung cấp nước sạch. Bên cạnh nguồn lực từ ngân sách nhà nước cần thực hiện cơ chế thị trường đối với giá dịch vụ nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất theo nguyên tắc Nhà nước và Nhân dân cùng làm, từng bước tính đủ theo quy định của Luật Thủy lợi về giá nước phục vụ sản xuất và đời sống. Ngoài ra, cần tăng cường công tác bảo vệ và nâng cấp chất lượng rừng, đặc biệt là rừng phòng hộ đầu nguồn.

Đại biểu Trần Quốc Tuấn, Đoàn ĐBQH Trà Vinh đánh giá cao nội dung của dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia trình Quốc hội, tuy nhiên đề nghị không để một số nội dung quy hoạch xa rời thực tiễn. Đại biểu đề nghị cần nghiên cứu, lập quy hoạch bổ sung thêm các nội dung quan trọng, những định hướng cơ bản đã được nêu trong các nghị quyết của Bộ Chính trị trong thời gian gần đây, đặc biệt là các nghị quyết về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh của 6 vùng kinh tế trọng điểm của cả nước và các nghị quyết về phát triển các thành phố lớn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để nội dung quy hoạch này phù hợp với quan điểm, mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nhưng cũng vừa đảm bảo tính khả thi, phù hợp với điều kiện, tiềm năng phát triển của đất nước và đặc biệt là không xa rời thực tiễn.

Xem xét các mục tiêu, không để xa rời thực tiễn - ảnh 4
Đại biểu Trần Quốc Tuấn, Đoàn ĐBQH Trà Vinh

Đại biểu cũng đề nghị cần dự báo ở mức độ chính xác cao nhất để không gặp phải những hệ lụy về sau. Điển hình như trong quy hoạch định hướng xây dựng và phát triển các vùng kinh tế động lực, nếu chúng ta không dự báo tốt về mức độ di dân đến các vùng kinh tế này hoặc không có chính sách phát triển đồng bộ các vùng kinh tế, vùng đô thị vệ tinh, chắc chắn chúng ta sẽ gặp phải những khó khăn và đối mặt với những nguy cơ về mật độ dân cư đông cục bộ, kéo theo hệ lụy gây tắc nghẽn giao thông hay ngập úng đô thị trong tương lai là điều không thể tránh khỏi.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Xã Dương Xá đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì và khai mạc Lễ hội truyền thống Đền - Chùa Bà Tấm 2024

Xã Dương Xá đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì và khai mạc Lễ hội truyền thống Đền - Chùa Bà Tấm 2024

(PNTĐ) - Tối 28/3, Đảng ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Dương Xá, huyện Gia Lâm long trọng tổ chức Lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì và khai mạc Lễ hội truyền thống Đền - Chùa Bà Tấm năm 2024, chào mừng kỷ niệm 980 năm Ngày sinh Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan (07/3/1044 - 07/3/2024)
 Bộ Công Thương chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm về hóa đơn điện tử bán lẻ xăng dầu

Bộ Công Thương chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm về hóa đơn điện tử bán lẻ xăng dầu

(PNTĐ) -Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên vừa ký ban hành Công điện gửi Tổng cục Quản lý thị trường và các Cục Quản lý thị trường tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu.