Cộng đồng hãy lắng nghe, thấu hiểu và đồng cảm với nạn nhân bị quấy rối tình dục
(PNTĐ) - Ngày 28/7/2024, nhóm học sinh của dự án Magnolia đã công diễn vở kịch với tên gọi “Lặng” đề cập đến vấn nạn rất nhức nhối nhưng lại vô cùng nhạy cảm đó là “quấy rối tình dục” . Vở diễn nằm trong chuỗi hoạt động của sự kiện “Hoa Mộc Lan “ tổ chức tại Trung tâm Bảo trợ và Phát triển nghệ thuật APD (số 1 Lương Yên, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).
“Lặng” được biên kịch bởi nhóm biên kịch của dự án Magnolia và diễn bởi 5 tài năng trẻ tuổi từ 16-23, đến từ các trường khác nhau. Đó là các em: Dương Ngọc Bảo Linh, Vũ Phương An, Nguyễn Hiền Minh, Phạm Hữu Duy Văn, Phan Quang Vượng.

Vở kịch “ Lặng” thể hiện cảm giác bế tắc của rất nhiều nạn nhân của quấy rối tình dục, khi phần đời đằng sau thảm kịch của họ, như thể chẳng còn ý nghĩa với họ nữa - vì những ô nhục họ phải gánh chịu cho bản thân, những lời bình phẩm, sự dòm ngó từ người ngoài, hay những ánh mắt thương hại xoáy vào họ từ bạn bè, người thân và là lời kêu gọi cộng đồng lắng nghe, thấu hiểu và đồng cảm với những nạn nhân của quấy rối tình dục.
Các em học sinh trăn trở và băn khoăn liệu các nạn nhân bị quấy rối tình dục thì có nên: “Cứ lên tiếng nói về nó đi, rồi mọi chuyện sẽ được giải quyết,” có phải lúc nào cũng đúng đối với thảm kịch quấy rối tình dục? Thông qua nội dung vở kịch các em đã đưa ra thông điệp là hãy thật “lặng” để lắng nghe, thấu hiểu, và không bình phẩm hay trách móc. Cuối cùng, thứ các nạn nhân cần nhất vẫn chỉ là một bờ vai để dựa vào, một lời nhẹ nhàng “Bạn đã làm rất tốt rồi. Tôi luôn ở đây ủng hộ bạn”.
Sự kiện “Hoa Mộc Lan” không chỉ là một sự kiện nghệ thuật mà còn là một diễn đàn công khai để thảo luận về những vấn đề nhạy cảm và bị xã hội vì những lý do nào đó đã không đề cập một cách trực diện.
Dự án do các em học sinh của trường Trung học phổ thông Olympia và UWC Mahindra Ấn Độ thực hiện. Hai em Hiểu Linh, học sinh UWC Mahindra Ấn Độ và Châu Anh, học sinh Trung học phổ thông Olympia (Hà Nội) sáng lập và thực hiện với các bạn học với niềm quan tâm sâu sắc đến các vấn đề phụ nữ đang phải đối mặt đam mê với những loại hình nghệ thuật đương đại như kịch, chụp ảnh, và phim ngắn. Dự án Magnolia được các em khởi xướng từ tháng 1/2024.

Bên cạnh vở kịch “Lặng”, các em còn tổ chức cuộc triển lãm ảnh với chủ đề “Mộc”: Triển lãm ảnh về Tiêu chuẩn sắc đẹp cực đoan.
“Béo thế này chắc chẳng tập luyện bao giờ nhỉ? Không hiểu là mặt hay là bát cơm nữa!” “Tẩy trang là lại xấu như ma chứ gì?”.
Đây là mục tiêu thứ hai của sự kiện là phơi bày những tiêu chuẩn cứng nhắc về vẻ đẹp người phụ nữ qua buổi triển lãm nhiếp ảnh “Mộc.” Những tiêu chuẩn này đã đẩy phụ nữ vào các hành động ăn kiêng không lành mạnh và cảm giác tự ti trước những ánh nhìn của xã hội và người thân. Triển lãm “Mộc” trưng bày những bức ảnh và phim ngắn tôn vinh vẻ đẹp đa dạng và tiềm ẩn của người phụ nữ, và phơi bày những hậu quả phụ nữ phải gánh chịu từ những tiêu chuẩn cực đoan ấy.
Các tác giả của những bức ảnh trong triển lãm là những nhiếp ảnh gia của dự án từ độ tuổi cấp 3 đến đại học, gồm Nguyễn Ngọc Bảo Khanh, Nguyễn Đức Thịnh, và Ngô Tôn Hiếu. Những bức ảnh không chỉ là sự phản ánh chân thực về vẻ đẹp đa dạng của phụ nữ Việt Nam mà còn là một lời khẳng định rằng vẻ đẹp không nên bị đóng khung trong những tiêu chuẩn khắt khe và phi thực tế.
Hậu sự kiện: Thành công và những đóng góp cho cộng đồng
Sự kiện “Hoa Mộc lan” đã thu hút hơn 70 người tham dự. 70% số tiền bán vé được dành cho quỹ từ thiện của tổ chức Hopebox, một doanh nghiệp xã hội giúp đỡ những phụ nữ là nạn nhân của bạo hành giới. Sự kiện đã tạo nên một làn sóng trên mạng xã hội khi những người tham dự viết bài chia sẻ về góc nhìn và cảm thông của họ trước hai vấn đề mà dự án đã đề cập. Đề tài viết “Theo đuổi ‘Cái đẹp’ - Đâu là điểm dừng” dự án đã mở ra cũng nhận được nhiều bài bàn luận sôi nổi qua hashtag #diendanhoamoclan trên Facebook.

Dự án Magnolia đã thành công không chỉ trong việc tổ chức một sự kiện nghệ thuật ý nghĩa mà còn trong việc tạo ra một diễn đàn để cộng đồng thảo luận về những vấn đề nhạy cảm và bị bỏ qua. Những câu chuyện và hình ảnh từ sự kiện đã góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng, kêu gọi sự đồng cảm và hỗ trợ cho những nạn nhân của quấy rối tình dục và định kiến giới. Qua đó, Magnolia đã khẳng định được vai trò quan trọng của nghệ thuật trong việc thay đổi nhận thức xã hội và tạo ra một môi trường an toàn hơn cho phụ nữ Việt Nam.