11 triệu thuê bao sẽ được hỗ trợ thế nào khi tắt sóng 2G?

LÊ HÙNG
Chia sẻ

(PNTĐ) - Đó là một trong những nội dung chính được nêu ra trong Tọa đàm “Tắt sóng 2G, người dân cần chuẩn bị gì?” do Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông - TT&TT) và Báo VietNamNet phối hợp tổ chức ngày 18/7 vừa qua. Dự tọa đàm có đại diện lãnh đạo nhiều đơn vị của Bộ TT&TT như Cục Viễn thông, Cục Tần số Vô tuyến điện, Vụ Kinh tế số và Xã hội số…; Đại diện các doanh nghiệp viễn thông, đơn vị phân phối, nhà sản xuất smartphone cùng hơn 60 phóng viên đại diện cho các cơ quan báo chí trên toàn quốc.

11 triệu thuê bao sẽ được hỗ trợ thế nào khi tắt sóng 2G? - ảnh 1
Quang cảnh Tọa đàm

Tắt sóng 2G từ ngày 16/9/2024

Công nghệ 2G đã 30 năm và 3G là gần 20 năm, đều là những công nghệ lỗi thời và cần được hiện đại hóa. Việc duy trì vận hành quá nhiều công nghệ song song như 2G, 3G, 4G đồng thời sẽ tốn chi phí rất lớn và khai thác không hiệu quả. Vì vậy, cần tắt sóng công nghệ cũ để tối ưu hóa vận hành và dành nguồn lực, băng tần số vô tuyến điện cho công nghệ mới, đáp ứng mục tiêu phát triển của nhà mạng và quốc gia. Việc tắt công nghệ cũ như 2G, 3G là xu hướng chung của thế giới. Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà cung cấp di động toàn cầu (GSMA), tất cả các nước trên thế giới đều lên kế hoạch dừng công nghệ 2G và 3G vào năm 2030. Tính tới tháng 6-2024, có khoảng 37 quốc gia đã tắt hoàn toàn mạng 2G. Đại đa số các nước đã tắt 2G là các quốc gia tiên tiến, với 63% ở châu Âu và hơn 20% ở châu Á. Nhiều quốc gia đã tắt 2G từ lâu như Mỹ, Singapore từ năm 2017 và năm 2018 là Australia.

11 triệu thuê bao sẽ được hỗ trợ thế nào khi tắt sóng 2G? - ảnh 2
Hàng chục triệu điện thoại "cục gạch" sẽ không còn sử dụng được từ ngày 16/9/2024

Tại Việt Nam, cả 2 công nghệ 2G và 3G đều đã được xây dựng kế hoạch dừng. Công nghệ 2G thực hiện dừng theo 2 giai đoạn 2024 và 2026 còn 3G sẽ dừng vào năm 2028. Cụ thể, theo thông báo từ Bộ TT&TT, kể từ ngày 16/9/2024, các nhà mạng viễn thông sẽ dừng cung cấp dịch vụ cho các thiết bị đầu cuối chỉ hỗ trợ tiêu chuẩn GSM (2G). Việc dừng công nghệ 2G theo 2 pha cụ thể như sau: pha 1, tháng 9/2024 dừng phục vụ thuê bao sử dụng máy điện thoại chỉ sử dụng công nghệ 2G (2G only); pha 2, tháng 9/2026 dừng hệ thống 2G. Như vậy tới thời điểm tháng 9/2024, điện thoại di động chỉ sử dụng công nghệ 2G sẽ không thể hòa mạng, đồng nghĩa với việc không còn liên lạc được.

Theo thống kê của Cục Viễn thông, tính đến tháng 5/2024, mặc dù với việc triển khai các giải pháp thúc đẩy tắt sóng 2G, số lượng thuê bao 2G only đã giảm đáng kể nhưng ở thời điểm hiện tại vẫn còn tới 11 triệu thuê bao 2G hoạt động (tương đương 11%) trên tổng số thuê bao của 5 nhà mạng viễn thông, trong đó nhà mạng Viettel chiếm số lượng nhiều nhất với gần 7 triệu thuê bao.

Các thuê bao 2G only được hỗ trợ thế nào?

Chuyển bị cho lộ trình tắt 2G, Bộ TT&TT đã đề nghị các nhà mạng di động phải triển khai hạ tầng mạng 4G đảm bảo có vùng phủ thay thế được các trạm thu phát vô tuyến 2G đã tắt tại tất cả khu vực thực hiện tắt sóng; chú trọng phát triển hạ tầng tại các vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo, cụ thể triển khai kế hoạch phát triển hạ tầng viễn thông đảm bảo đến năm 2025, đạt 100% thôn bản đang lõm sóng và đã có điện lưới quốc gia được phủ sóng băng rộng di động 4G theo Quyết định số 816/QĐ-BTTTT ngày 18/5/2024 về ban hành kế hoạch phát triển hạ tầng viễn thông Việt Nam giai đoạn 2024-2025. Bộ đã chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông di động ngoài việc thực hiện giải pháp hỗ trợ thuê bao 2G Only phải xây dựng kế hoạch truyền thông cụ thể tới những khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; cá thể hóa công tác truyền thông và hình thức hỗ trợ để phù hợp với các thuê bao thuộc các hộ nghèo, cận nghèo thực hiện chuyển đổi sang sử dụng điện thoại công nghệ 4G trở lên.

Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ TT&TT cho biết, chính sách dừng công nghệ 2G đã được các doanh nghiệp viễn thông tham gia xây dựng từ nhiều năm nay. Thời điểm này đã là giai đoạn cuối, còn những tháng cuối cùng trước khi ngừng cung cấp dịch vụ 2G cho người sử dụng. Để thực hiện lộ trình dừng công nghệ 2G, Bộ TT&TT đã đề nghị các nhà mạng di động triển khai hạ tầng mạng 4G đảm bảo có vùng phủ thay thế trạm thu phát vô tuyến 2G tại khu vực tắt sóng; chú trọng phát triển hạ tầng tại vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo, đảm bảo đến năm 2025, tất cả thôn bản đang lõm sóng và đã có điện lưới quốc gia được phủ sóng băng rộng di động 4G. Đồng thời, tất cả các nhà mạng đều đã có giải pháp cụ thể hỗ trợ người dùng hiện đang sử dụng 2G, trong đó có việc cung cấp điện thoại thế hệ mới giá cực rẻ cho người dùng. 

11 triệu thuê bao sẽ được hỗ trợ thế nào khi tắt sóng 2G? - ảnh 3
Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông phát biểu tại Tọa đàm

Theo ông Lê Đắc Kiên, Phó Tổng Giám đốc VNPT VinaPhone, nhà mạng này đã chuẩn bị sẵn lộ trình cho việc này từ sớm. Hiện trên hệ thống của nhà mạng này còn khoảng 1,5 triệu thuê bao 2G. VinaPhone cam kết đến tháng 9/2024 sẽ chuyển đổi toàn bộ số khách hàng này sang thuê bao 3G, 4G. Để chuẩn bị cho việc chuyển đổi, về hạ tầng mạng lưới, VinaPhone đã tăng cường phủ sóng 4G để thay thế vùng phủ 2G và chủ động mua sắm các thiết bị đầu cuối smartphone giá rẻ, feature phone 3G, 4G để hỗ trợ chuyển đổi cho người sử dụng.

11 triệu thuê bao sẽ được hỗ trợ thế nào khi tắt sóng 2G? - ảnh 4
Ông Lê Đắc Kiên - Phó Tổng Giám đốc VNPT VinaPhone tại Tọa đàm

Ông Nguyễn Trọng Tính, Phó Tổng Giám đốc Viettel Telecom cho biết, Viettel có số lượng thuê bao 2G cũng lớn nhất. Trong 6 tháng đầu năm 2024, Viettel đã chuyển đổi hơn 2 triệu thuê bao. Đến ngày 1/7, Viettel không cung cấp dịch vụ mới cho bất kỳ thuê bao nào dùng máy 2G only. Chính sách này giúp số lượng thuê bao 2G vào đầu năm nay chỉ còn 1/5 so với các năm trước. Viettel cũng đưa ra những chính sách hỗ trợ rất mạnh như giảm giá máy từ 30-50%...

11 triệu thuê bao sẽ được hỗ trợ thế nào khi tắt sóng 2G? - ảnh 5
Ông Nguyễn Trọng Tính, Phó Tổng Giám đốc Viettel Telecom

Ông Bùi Sơn Nam, Phó Tổng Giám đốc MobiFone chia sẻ, tỷ lệ người dùng 2G đã giảm rất nhanh ở MobiFone, giờ còn khoảng dưới 5% khách hàng. MobiFone đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ khách hàng chuyển đổi lên smartphone, hỗ trợ gói cước, tham gia cùng các chuỗi bán lẻ thiết bị để hỗ trợ chuyển đổi; triển khai các chương trình hỗ trợ máy feature phone 4G. Khi khách hàng chuyển đổi từ 2G lên 4G, các dịch vụ thiết yếu theo yêu cầu đều sử dụng được mà không bị ảnh hưởng. Nhà mạng cũng thực hiện chủ trương của Bộ TT&TT, tối ưu và tắt dần trạm 2G; tăng cường đầu tư trạm, vùng phủ sóng 4G. Hiện 100% SIM 2G đã chuyển đổi và toàn bộ khách hàng của MobiFone đều đang có SIM 4G. Vì thế, khách hàng chỉ cần có thiết bị đầu cuối hỗ trợ 3G, 4G là có thể sử dụng mà không cần đổi SIM... 

11 triệu thuê bao sẽ được hỗ trợ thế nào khi tắt sóng 2G? - ảnh 6
Ông Bùi Sơn Nam, Phó Tổng Giám đốc MobiFone: Hiện 100% SIM 2G đã chuyển đổi và toàn bộ khách hàng của MobiFone đều đang có SIM 4G

Sẽ tắt sóng 3G vào năm 2028

Cũng như việc tắt sóng 2G, tắt sóng công nghệ 3G có mục đích để dành tài nguyên cho công nghệ mới. Theo hãng nghiên cứu ABI Research, các nhà mạng châu Á - Thái Bình Dương và châu Đại Dương sẽ dẫn đầu về tắt mạng  3G. Trong giai đoạn năm 2019 đến 2030, ước tính 13 hãng viễn thông trong khu vực tắt mạng 3G. Đứng sau châu Á là châu Âu với 4 nhà mạng, châu Phi và Nam Mỹ 2 và Bắc Mỹ 1.

Ông Đoàn Quang Hoan, Phó Chủ tịch Hội Vô tuyến - Điện tử Việt Nam cho rằng, bên cạnh việc tắt sóng 2G với hạn chót là ngày 15/9/2024 thì vấn đề tắt sóng 3G cần được đặt ra, bởi nhiều quốc gia cũng đã thực hiện tắt sóng công nghệ này. Ông Đoàn Quang Hoan đưa ra dẫn chứng tại Việt Nam, nhà mạng cũng đã thực hiện tắt sóng 3G để đảm bảo hiệu quả vận hành mạng lưới và dành tài nguyên cho công nghệ mới.

11 triệu thuê bao sẽ được hỗ trợ thế nào khi tắt sóng 2G? - ảnh 7
Ông Đoàn Quang Hoan: Bên cạnh việc tắt sóng 2G thì vấn đề tắt sóng 3G cần được đặt ra

Tại tọa đàm, đại diện Cục Viễn thông cho biết, sau khi tắt sóng 2G, dự kiến, đến tháng 9/2028 sẽ tắt sóng 3G tại Việt Nam để dành tài nguyên cho các công nghệ mới.

Về lộ trình tắt sóng 2G vào ngày 16/9 tới, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông nhấn mạnh, tắt sóng 2G là chủ đề quan trọng, mong muốn báo chí đồng hành cùng Bộ TT&TT, nhà mạng để truyền thông chính sách này. Cùng với các giải pháp truyền thông, để người sử dụng hiểu dịch vụ tường tận trước khi tham gia, nhất là ứng dụng trên smartphone, đề nghị các nhà mạng hướng dẫn, kênh bán hàng, doanh nghiệp cung cấp thiết bị đầu cuối, có hình thức truyền thông đơn giản, dễ hiểu các nguy cơ khi sử dụng ứng dụng trên smartphone, tránh trường hợp gặp khó khăn, khúc mắc trong quá trình sử dụng khiến người dùng khó tiếp cận...
Về mạng lưới, Bộ TT&TT đã sẵn sàng về mặt tài nguyên cho các nhà mạng trong việc cấp phép lại băng tần 900MHz, 1800MHz, 2100MHz vào tháng 9 này với điều kiện nghiêm khắc: Nếu nhà mạng còn thuê bao 2G trên mạng, không có kế hoạch cụ thể dừng hết thuê bao 2G thì không được cấp phép.

Các nhà mạng đang thực hiện quyết liệt việc đầu tư nâng cấp mạng lưới 4G, có chất lượng, đảm bảo vùng phủ cho người sử dụng. Các cam kết của nhà mạng về chất lượng dịch vụ, về mặt kỹ thuật, kinh doanh, phối hợp với các kênh chuỗi bán hàng, cung cấp dịch vụ đầu cuối... sẽ đảm bảo tính sẵn sàng cho người sử dụng mong muốn chuyển đổi.
Từ góc độ quản lý nhà nước, mục tiêu của Bộ TT&TT là cùng Chính phủ xây dựng xã hội số, Chính phủ số, đưa người dân lên môi trường mạng. Bộ TT&TT sẽ tiếp tục lắng nghe các ý kiến đóng góp của người sử dụng, doanh nghiệp để hoàn thiện chính sách và cam kết tiếp tục truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua cơ quan báo đài, phương tiện thông tin cơ sở để chung tay cùng các doanh nghiệp truyền thông việc này đến người sử dụng.
 Đại diện Cục Viễn thông cũng nêu sáng kiến là khi dừng công nghệ 2G, mong người dùng xử lý rác thải điện tử văn minh, đề nghị doanh nghiệp bán thiết bị đầu cuối thu hồi, xử lý rác thải công nghiệp, rác thải điện tử để góp phần bảo vệ môi trường...

11 triệu thuê bao sẽ được hỗ trợ thế nào khi tắt sóng 2G? - ảnh 8
Các nhà mạng tích cực hỗ trợ người dùng trước khi tắt sóng 2G

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Huyện Gia Lâm đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao

Huyện Gia Lâm đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao

(PNTĐ) - Sáng 15/1, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài đã tới dự buổi lễ công nhận Huyện Gia Lâm đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023. Đây là niềm vinh dự và tự hào của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trên địa bàn huyện.
 Trao “cần câu”, không chỉ trao “con cá”!

Trao “cần câu”, không chỉ trao “con cá”!

(PNTĐ) - Những ngày giáp Tết nguyên đán Ất Tỵ, trong không khí lạnh se sắt của miền sơn cước, khi núi rừng vẫn còn chưa thức giấc, đoàn công tác của Hội LHPN Hà Nội với sự đồng hành của Hội LHPN tỉnh Nghệ An đã lên đường đến với những bản làng xa xôi để trao tận tay bà con những phần quà Tết, những nguồn tiền hỗ trợ xây mái ấm, trao sinh kế ấm áp tình cảm của chị em phụ nữ Thủ đô.
Thủ tướng chủ trì Hội nghị Hội đồng vùng Đồng bằng sông Hồng và công bố Quy hoạch Hà Nội

Thủ tướng chủ trì Hội nghị Hội đồng vùng Đồng bằng sông Hồng và công bố Quy hoạch Hà Nội

(PNTĐ) - Sáng 14/1, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị lần thứ 5 Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng và công bố Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Trình cấp có thẩm quyền phương án dự kiến giảm 8 bộ, cơ quan thuộc Chính phủ

Trình cấp có thẩm quyền phương án dự kiến giảm 8 bộ, cơ quan thuộc Chính phủ

(PNTĐ) -  Tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ về "tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TƯ Trung ương khoá XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" vừa chủ trì Phiên họp thứ chín của Ban Chỉ đạo.