Đấu tranh phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết 35-NQ/TW của Đảng
Bài 1: Nhận diện các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa“
(PNTĐ) - Trước các hoạt động chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch, phản động cùng những biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, ngày 22/10/2018, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW về "Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới" (Nghị quyết 35).

Nghị quyết 35 khẳng định: Bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch là một nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân.
Nghị quyết số 35- về bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, đồng thời tăng cường công tác nắm bắt dư luận xã hội để góp phần giữ vững sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận xã hội và niềm tin của nhân dân với Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ; làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động trong tình hình mới; góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, bảo vệ vững chắc Tổ quốc.
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng là bảo vệ Ðảng, Cương lĩnh chính trị, đường lối của Ðảng; bảo vệ nhân dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Ðó là nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng; là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Ðảng, toàn quân, toàn dân, là công việc tự giác, thường xuyên của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp; của từng địa phương, cơ quan, đơn vị, của cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu.
Một trong những nội dung, nhiệm vụ trọng tâm đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch góp phần quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết 35 của Đảng là phải nhận thức đúng, đủ và phòng chống có hiệu quả tình trạng “Tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”, trong nội bộ ta.
“Tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”, là thuật ngữ lần đầu tiên được sử dụng trong nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng: “Chủ động phòng ngừa, đấu tranh, phê phán những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ ta; khắc phục sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên” [[1]]
Đây là nhóm thuật ngữ có nhiều tranh luận và cách tiếp cận khác nhau, nhưng “tự diễn biến” nói chung chỉ sự vận động bên trong của mọi sự vật, hiện tượng. Quá trình “tự diễn biến” chịu sự tác động và chi phối của cả nhân tố khách quan và chủ quan, trong đó nhân tố chủ quan là chủ yếu. Thông thường, khi nói đến “tự diễn biến”, người ta thường đề cập đến cả hai khuynh hướng của quá trình vận động, theo xu hướng tiến bộ và tích cực, hoặc theo xu hướng tiêu cực, tan rã và thoái trào. “Tự diễn biến” trong trường hợp này là nói với ý nghĩa tiêu cực.
Thực chất thì “tự diễn biến” là một trong nhiều thủ đoạn cực kỳ nguy hiểm nhưng khó nhận diện trong chiến lược “ Diễn biến hòa bình” đồng thời nó cũng là là hậu quả của chiến lược “ Diễn biến hòa bình” . Lợi dụng tâm lý tình cảm trong nội tâm con người luôn có sự biến động của những đối tượng có bản lĩnh chính trị không vững vàng, dễ tha hóa biến chất, cùng với các thủ đoạn khác các thế lực thù địch tác động, tuyên truyền xuyên tạc dẫn đến sự thay đổi từ bên trong mỗi cán bộ, đảng viên, người dân.. dẫn đến một bộ phận đã “tự diễn biến” như vậy “tự diễn biến” do cả yếu tố bên trong và bên ngoài nhưng yếu tố bên trong mỗi con người vẫn là quyết định để có bị “tự diễn biến” hay không.
Ở góc độ chung nhất ta có thể hiểu: “Tự diễn biến” là quá trình đấu tranh giữa các mặt tích cực và tiêu cực, giữa tư tưởng xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa trong nội tâm người cán bộ, đảng viên trước những tác động phức tạp của tình hình trong nước và quốc tế. Trong đó, yếu tố tiêu cực dần dần tăng lên; yếu tố tích cực, cách mạng, tư tưởng xã hội chủ nghĩa phai nhạt dần. Đây là quá trình biến đổi từ bên trong chủ thể, đến một thời điểm nhất định, đến “độ” nhất định, sự biến đổi này sẽ chuyển sang hành động của chủ thể.
“Tự chuyển hoá” là sự nối tiếp của quá trình “tự diễn biến”. Khi sự biến đổi về chất đã làm thay đổi quan điểm tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên sẽ dẫn đến hành động chống lại chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Như vậy,“tự chuyển hóa”là sự nối tiếp của quá trình “tự diễn biến”, nhưng ở cấp độ cao hơn. Đó là sự thay đổi, khiến cho cán bộ, đảng viên không còn là chính mình nữa, chẳng những đánh mất vai trò tiên phong, gương mẫu mà có khi trở thành kẻ phản bội, chống lại Đảng và Nhà nước, thậm chí chuyển sang hàng ngũ kẻ thù.
Theo đó, “tự diễn biến” và “tự chuyển hoá” là hai vấn đề, nhưng chúng nối tiếp nhau và có quan hệ chặt chẽ với nhau. “Tự diễn biến” là quá trình thẩm thấu từng ngày, từng hoạt động, còn “tự chuyển hoá” là đích đến, là hệ quả của sự “tự diễn biến”. Như vậy“tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” là một quá trình, diễn ra trong một thời gian nhất định. Thời gian dài hay ngắn phụ thuộc vào từng con người, từng tổ chức. Nó phụ thuộc vào độ vững vàng về lập trường, bản lĩnh chính trị của từng cán bộ, đảng viên và độ “liêm” về đạo đức, lối sống của họ.
Cũng cần tránh việc hiểu lầm “tự diễn biến”, và “tự chuyển hoá” ra đời cùng một lúc; đầu tiên khi bị tác động của các yếu tố tiêu cực, chủ thể không giữ được bản lĩnh vững vàng, không làm chủ được bị “tự diễn biến”, nếu không ngăn chặn kịp thời, khi tích đủ Lượng dẫn đến biến đổi về Chất sẽ dẫn tới “tự chuyển hoá”; trong đấu tranh phòng chống “tự diễn biến”,“tự chuyển hoá” cần nhận thức đầy đủ rằng: phòng, chống “tự diễn biến”, nếu phòng chống tốt, có hiệu quả thì không bị “tự chuyển hoá”; khi bị “tự chuyển hoá” rồi chúng ta chỉ còn chống mà thôi.
Đối tượng của “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” mà các thế lực thù địch nhằm tới là các tổ chức, cá nhân trong hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội, trong đó tập trung vào hệ thống tổ chức của Đảng, chính quyền, đoàn thể và đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nhà nước và lực lượng vũ trang. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng, ích kỷ, tham nhũng, lãng phí, tuỳ tiện, vô nguyên tắc của một bộ phận cán bộ, đảng viên có chức có quyền để các thế lực thù địch lợi dụng thúc đẩy quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”.
“Tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” của cá nhân nếu không được ngăn chăn kịp thời triệt để sẽ dẫn đến tổ chức bị suy thoái, tự tan rã. Khi “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” diễn ra ở tầm vĩ mô hoặc trong phần lớn cán bộ, đảng viên sẽ dẫn đến sự chuyển hoá từ chế độ Xã hội chủ nghĩa (XHCN) sang con đường Tư bản chủ nghĩa (TBCN). Như vậy “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” là hệ quả của “diễn biến hòa bình”, và là giai đoạn nối tiếp của “Diễn biến hòa bình”.
“Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ là sự suy thoái từ bên trong; là quá trình tự biến đổi về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên theo chiều hướng tiêu cực, làm mất dần các chuẩn mực của người cộng sản, dẫn đến xa rời những nguyên tắc, quan điểm Mácxít; suy giảm nghiêm trọng niềm tin vào chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đến khi những yếu tố cách mạng, tích cực bị phai nhạt, triệt tiêu, tư tưởng phi xã hội chủ nghĩa tăng dần, thắng thế, lúc đó sẽ dẫn đến sự “tự chuyển hóa” cán bộ, đảng viên từ người tốt trở thành phần tử chống đối Đảng, Nhà nước. “Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của cá nhân nếu không được ngăn chặn kịp thời, triệt để sẽ dẫn đến tổ chức bị suy thoái, tự tan rã. Khi “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” diễn ra ở tầm vĩ mô sẽ dẫn đến sự chuyển hóa từ chế độ xã hội chủ nghĩa sang phát triển theo con đường tư bản chủ nghĩa.
(còn nữa)
[1]Đảng Cộng sản Việt Nam (2011),Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
.