Báo Phụ nữ Thủ đô 38 mùa xuân đổi mới
(PNTĐ) - Vào dịp kỷ niệm 41 năm Cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh 2/9, ngay trước thềm Đại hội VI mang tinh thần đổi mới của Đảng, Báo Phụ nữ Thủ đô - cơ quan ngôn luận của Hội LHPN Hà Nội đã xuất bản số đầu tiên vào ngày 19/8/1986.
Mang tinh thần và khát vọng “Đổi mới” ngay từ những ngày đầu tiên
Theo bà Phương Kim Dung - nguyên Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội, nguyên Tổng biên tập đầu tiên của Báo Phụ nữ Thủ đô (nay đã ngoài 90 tuổi), nhớ lại: Thời điểm những năm 1980, với mong muốn có một tờ báo dành cho phụ nữ của Thủ đô, là tiếng nói của giới nữ, chuyển tải phong trào Hội đến với chị em, cũng như diễn đàn cho phụ nữ nói lên tiếng nói của mình, mạnh mẽ hơn đóng góp vào sự nghiệp xây dựng Thủ đô và đất nước, Đảng đoàn Hội LHPN TP Hà Nội lúc đó rất quyết tâm ra bằng được tờ báo.
Quyết tâm có rồi, nhưng gặp vô vàn khó khăn của đất nước vừa bước ra khỏi chiến tranh, thời kỳ bao cấp kéo dài, kinh tế lạc hậu, thiếu thốn trăm bề. Rất may lúc đó các đồng chí lãnh đạo Thành ủy, UBND Thành phố rất ủng hộ. Hà Nội là Thủ đô, việc ra một tờ báo cho giới nữ là vô cùng cần thiết. Cả nước lúc đó chỉ mới có 2 tờ báo cho phụ nữ là Phụ nữ Việt Nam và Phụ nữ TP Hồ Chí Minh.
Thế là với tinh thần đổi mới, dám nghĩ dám làm, Báo Phụ nữ Thủ đô ra mắt số đầu tiên chào bạn đọc vào đúng ngày 19/8/1986. Với tinh thần của Cách mạng Tháng 8 và bước vào công cuộc đổi mới của Đảng, Báo Phụ nữ Thủ đô do Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội Phương Kim Dung kiêm Tổng biên tập, cùng với nhà báo -nhà văn Lý Thị Trung (năm nay 95 tuổi) - Trưởng ban biên tập và một vài cán bộ đã từng bước tự tin “tay không bắt giặc”, mạnh dạn vay nợ tiền giấy in, công in báo của Nhà in Báo Quân đội nhân dân (nay là Công ty In Quân đội 1), sau khi bán báo xong thì trả tiền giấy, tiền in.
Kỳ diệu là Báo Phụ nữ Thủ đô in bao nhiêu cũng bán hết ngay, số lượng in ngày càng tăng vọt, số trang in ngày càng dày hơn và kỳ báo cũng tăng nhanh, các ấn phẩm phụ của Báo cũng ra đời (Gia đình trẻ, đặc san Phụ nữ Thủ đô, Đời sống gia đình, Đang yêu, Phụ nữ và tri thức...), nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường báo in.
Đặc biệt hòa nhập tinh thần Đổi mới của Đảng, của Dân tộc, Báo mạnh dạn từ bỏ “bao cấp”, trở thành cơ quan báo duy nhất không nhận ngân sách Nhà nước, hoạt động tự hạch toán thu chi. Từ thời điểm đó cho đến bây giờ, Báo vẫn duy trì tư duy đó của các thế hệ lão thành đi trước truyền lại.
Bên cạnh tinh thần làm báo tốt, báo hay, đáp ứng nhu cầu thông tin của hội viên phụ nữ, của bạn đọc khắp cả nước, lúc bấy giờ Báo cũng nhanh chóng tổ chức nhiều hoạt động xã hội. Báo Phụ nữ Thủ đô là tờ báo đi đầu trong làng báo cả nước mở ra hoạt động từ thiện xã hội. Với “Quỹ vì phụ nữ trẻ em hoạn nạn”, gần 40 năm qua, Báo đã được bạn đọc, các doanh nghiệp ủng hộ nhiều tỷ đồng để trợ giúp, cứu chữa bệnh cho phụ nữ, trẻ em gặp hoạn nạn, cho các hộ phụ nữ nghèo vay vốn (không lấy lãi) làm kinh tế thoát nghèo. Với CLB Tâm Giao, hoạt động tư vấn tâm lý - hôn nhân gia đình, Báo đã tổ chức thường niên các cuộc “Du lịch tâm tình”, kết nối bạn đời cho nhiều lứa đôi hạnh phúc; tổ chức nhiều buổi nói chuyện chuyên đề, mở Văn phòng Tâm Giao tư vấn pháp luật, giải quyết mâu thuẫn, xây dựng và bảo vệ hạnh phúc cho rất nhiều gia đình.
Với tinh thần hòa nhập phong trào “Đổi mới” đó, Báo nhanh chóng đạt được nhiều thành quả quý ngay từ những năm đầu tiên ra đời: Báo vinh dự được đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba vào dịp kỷ niệm 5 năm thành lập (1991), và tự hào được đón Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đến trao; năm 1995 kỷ niệm 10 năm xuất bản số đầu tiên, Báo vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì, và tự hào được Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa trao tặng.
Tiếp sau đó, Báo vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, và nhiều Bằng khen của các bộ, ban, ngành (Ban Tuyên giáo TƯ, Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội, Hội LHPN Việt Nam, Thành ủy, UBND TP Hà Nội...); các cán bộ, phóng viên của Báo liên tục đoạt nhiều huân/huy chương, bằng khen các cấp, hàng trăm giải thưởng báo chí các cấp, các ngành…
Nhiều sự kiện không thể nào quên
Hòa mình trong phong trào “Đổi mới”, phát triển của đất nước, 38 năm qua, Báo Phụ nữ Thủ đô tự hào đã có nhiều sáng kiến, tích cực thực hiện nhiều hoạt động ý nghĩa, nhiều sự việc Báo làm đáp ứng yêu cầu công tác Hội Phụ nữ và bạn đọc, không thể nào quên.
Nhân các ngày lễ lớn của đất nước và Thủ đô, Báo đã tổ chức “Trình diễn Áo dài Hà Nội”, thi tiếng hát nữ công nhân lao động (CNLĐ). Báo đã tổ chức xây dựng nhiều điểm trường cho học sinh vùng sâu, xây tặng hàng chục ngôi nhà cho các hộ gia đình liệt sĩ, thương binh, phụ nữ nghèo. Báo tổ chức nhiều cuộc thi viết trên báo hết sức ý nghĩa: Viết về mẹ, viết về bảo vệ hạnh phúc gia đình, viết về an toàn giao thông và văn minh đô thị...
Đặc biệt, Cuộc thi " Viết về cuốn sách yêu thích của em” qua 13 năm tổ chức đã không chỉ giúp cho các thế hệ học sinh yêu đọc sách hơn, yêu môn văn hơn, học cách viết bình luận văn học, mà từ đó Báo đã nhân lên thành hoạt động xây dựng thư viện xanh, kêu gọi các doanh nghiệp trợ giúp cho nhiều trường ở vùng khó khăn; xây dựng được thư viện cho học sinh. Các hoạt động từ thiện của Báo đã đạt hàng chục tỷ đồng.
Uy tín của Báo Phụ nữ Thủ đô qua thời gian càng được nhân lên bởi các vụ việc “đứng về lẽ phải”, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của những người bị xâm hại. Rất nhiều vụ việc phóng viên của Báo đã theo đuổi 5 năm, 10 năm, 15 năm, 20 năm... thì mới đạt kết quả. Một trong những vụ kéo dài 21 năm, trải qua rất nhiều phiên tòa dân sự sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm..., Báo đã bảo vệ một gia đình nghèo (sinh sống bằng bán bánh mì vỉa hè quận Hoàn Kiếm; người vợ là em liệt sĩ, người chồng là thương binh và là cựu tù vượt ngục thời kháng chiến), lấy lại được căn nhà (bị người bán lật lọng chiếm đoạt) cho 4 thế hệ sinh sống. Sau khi nhận được quyết định nhà mang tên mình, chỉ có 10 ngày sau đó người CCB thương binh bước qua tuổi 80 đã tạ thế vì tuổi cao bệnh hiểm, ông trăng trối với vợ con “Suốt đời biết ơn Báo Phụ nữ Thủ đô”.
Nhiều sự việc liên quan đến bảo vệ sự chân thực của lịch sử dân tộc cũng được Báo tích cực tham gia. Một trong đó là sự kiện Trung tá Chính ủy Lữ đoàn Xe tăng 203 Bùi Văn Tùng soạn thảo Lời tuyên bố đầu hàng cho tướng Dương Văn Minh - Tổng thống chế độ Sài Gòn đọc trên đài phát thanh trưa ngày 30/4/1975. Phóng viên của Báo Phụ nữ Thủ đô đã cùng các đồng nghiệp các đài/báo bạn tìm kiếm các chứng cứ từ nhiều phía, để chứng minh sự chân thực của lịch sử. Thật vui mừng, người sĩ quan QĐND Việt Nam Anh hùng từng được Chủ tịch Tôn Đức Thắng ôm hôn biểu dương chiến công ngay sau ngày miền Nam giải phóng, trải qua gần 50 năm, tháng 10/2023, cố Chính ủy Bùi Văn Tùng đã được Đảng, Nhà nước ta truy phong Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân!
Câu chuyện đầy xúc động về liệt sĩ - bác sĩ Đặng Thùy Trâm, cô gái trí thức Hà Nội lên đường vào chiến trường chống Mỹ xâm lược, đã ngã xuống ở miền Nam để lại cuốn nhật ký lay động lòng người. Cuộc kiếm tìm quê hương và người thân của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm được một nữ nhà văn xúc động viết bài báo đầu tiên đăng trên Báo Phụ nữ Thủ đô. Từ bài báo đó đã đưa người thân, bạn bè của nữ liệt sĩ đến với công chúng. Sau này cuốn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm được xuất bản và được dịch ra nhiều thứ tiếng, đã in đậm trong lòng các thế hệ người Việt Nam và bạn bè quốc tế cũng như các cựu binh Mỹ. Năm 2014, Nhật ký Đặng Thùy Trâm được dịch sang tiếng Nga, và cụ bà thân mẫu Anh hùng Đặng Thùy Trâm - dược sĩ Doãn Ngọc Trâm, 90 tuổi, đã tự hào thay mặt con gái liệt sĩ sang Matxcơva dự lễ ra mắt sách trong tình cảm yêu mến kính trọng sâu sắc của mọi người...
Ra đời trong “Đổi mới”, phát triển cùng “Đổi mới”, với 38 năm xây dựng, cống hiến và trưởng thành, Báo Phụ nữ Thủ đô hôm nay hòa trong nhịp đập của giới báo chí cả nước, vẫn luôn nỗ lực vươn lên không ngừng, xứng đáng là tờ báo của giới phụ nữ Thủ đô, của các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội cũng như của bạn đọc yêu mến, trân trọng.