Bí thư Thành ủy Hà Nội kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai 2 huyện Chương Mỹ và Quốc Oai

NHẬT NAM
Chia sẻ

(PNTĐ) - Bí thư Thành ủy Bùi Thị Minh Hoài yêu cầu, khi nước rút, hai huyện Chương Mỹ và Quốc Oai khẩn trương chỉ đạo ổn định sớm cuộc sống cho người dân; quan tâm công tác vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh. Hai huyện phân công lực lượng chức năng ứng trực 24/24 để xử lý kịp thời các sự cố do mưa lũ, không bị động trước các tình huống.

Chiều 29/7, đồng chí Bùi Thị Minh Hoài, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cùng Đoàn công tác của thành phố đi thăm, động viên và kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn 2 huyện Chương Mỹ và Quốc Oai.

Tham gia Đoàn có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến, Phó Bí thư Thành ủy - Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền; đại diện lãnh đạo các đơn vị liên quan của thành phố và 2 huyện.

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Chương Mỹ, do ảnh hưởng của bão số 2, từ 7 giờ ngày 22/7 đến 11 giờ ngày 29/7, lượng mưa đo được trên địa bàn là gần 374 mm.

Mưa lũ đã khiến hơn 5,5 km đê thuộc địa bàn 11 xã (Hồng Phong, Quảng Bị, Phú Nghĩa, Tốt Động, Thanh Bình, Thủy Xuân Tiên, Tân Tiến, Nam Phương Tiến, Hoàng Văn Thụ, Hữu Văn, Trần Phú) bị ngập; 37 m đê bị sạt lở… 24 thôn, xóm bị ngập, trong đó có 1.239 hộ dân bị ngập từ 0,5 - 2 m, 1.231 hộ bị ngập lối đi; hơn 2.000 m tường bao bị đổ.

Bí thư Thành ủy Hà Nội kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai 2 huyện Chương Mỹ và Quốc Oai - ảnh 1
Bí thư Thành uỷ Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài cùng lãnh đạo thành phố nghe Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Nguyễn Anh Đức báo cáo công tác ứng phó với lũ lụt trên địa bàn. Ảnh: Hữu Thắng.

Diện tích lúa bị thiệt hại từ 30% đến trên 70% là 1.123 ha. Diện tích cây ngô, rau màu các loại bị thiệt hại trên 70% là 327 ha. Diện tích cây ăn quả bị ngập từ 30% đến trên 70% là 213 ha. Diện tích thủy sản bị thiệt hại trên 70% là 1.022 ha; bị thiệt hại từ 30 - 70% là 162 ha. Ngoài ra, hơn 77.100 mét vuông chuồng trại bị ngập; gần 187.000 gia súc, gia cầm bị ảnh hưởng.

Về công tác cứu trợ và khắc phục hậu quả, lực lượng chức năng đã huy động hơn 4.700 người và 199 phương tiện tham gia. Tổ chức cấp phát hơn 1.500 bình nước uống (loại 20 lít) và 50 thùng mì tôm tại các vùng ngập nặng; lắp đặt téc và cung cấp nước sạch tập trung tại 10 điểm; bố trí 1 trạm y tế lưu động trên địa bàn xã Nam Phương Tiến...

Tại huyện Quốc Oai, tổng lượng mưa do ảnh hưởng của cơn bão số 2 từ ngày 22 đến 29-7 là 479mm. Đến 11 giờ ngày 29-7, trên địa bàn huyện có 789ha diện tích cây trồng nông nghiệp bị ngập. Các tuyến đường vẫn trong tình trạng ngập gồm: Cầu Tân Phú, cầu Đại Thành vẫn ngập sâu 0,4m; tỉnh lộ 421B đoạn từ thôn Cấn Thượng đi Đông Yên ngập sâu 1m; tại cầu 72 II thuộc địa phận xã Cộng Hoà ngập sâu 0,5m. Ngày 24-7, tuyến đê hữu Đáy có 4 sự cố sạt trượt mái đê.

Đối với thiệt hại về tài sản, có một công trình gồm nhà ở 1 tầng, diện tích khoảng 160m2, công trình phụ diện tích khoảng 230m2 của một hộ gia đình bị sập do sạt lở đất, không có thiệt hại về người. Hiện tại, các thành viên trong gia đình đã di dời đến nơi an toàn, UBND huyện đã hỗ trợ gia đình 30 triệu đồng. UBND xã, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn xã Phú Mãn đã huy động lực lượng ứng trực 24/24 giờ để đảm bảo an toàn trong khu vực, ứng phó kịp thời khi xảy ra sự cố tiếp theo.

Đối với công tác hỗ trợ, đảm bảo đời sống nhân dân, UBND huyện, MTTQ Việt Nam huyện Quốc Oai và các đoàn thể đã hỗ trợ 119 suất, mỗi suất gồm 10kg gạo, 5 thùng mỳ tôm, 5 thùng 20 lít nước uống.

Kiểm tra thực tế tại thôn Tân Tiến, xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ) và xã Cấn Hữu (huyện Quốc Oai), Bí thư Thành ủy Bùi Thị Minh Hoài biểu dương và đánh giá cao tinh thần chủ động chống lũ lụt của lãnh đạo các huyện cũng như các lực lượng chức năng trên địa bàn.

Đồng chí Bùi Thị Minh Hoài ghi nhận sự chủ động của hai huyện trong việc sơ tán người dân, gia súc, gia cầm nhằm hạn chế tối đa thiệt hại do lũ lụt gây ra. Hai huyện đã thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” cùng với sự tham gia chung sức của nhân dân để khắc phục hậu quả mưa lũ.

Đối với huyện Chương Mỹ, Bí thư Thành ủy Bùi Thị Minh Hoài nhấn mạnh, vẫn còn hơn 1.000 hộ dân đang ở trong vùng lũ nên huyện cần tính toán kỹ và tiếp tục sơ tán để bảo đảm tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân.

“Trường hợp không vận động được, phải báo cáo các sở, ban, ngành... Phải đặt tính mạng của người dân lên hàng đầu”, đồng chí Bùi Thị Minh Hoài nhấn mạnh.

Bí thư Thành ủy Hà Nội kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai 2 huyện Chương Mỹ và Quốc Oai - ảnh 2
Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài cùng các đồng chí lãnh đạo thành phố động viên các lực lượng làm nhiệm vụ tại vùng lũ xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai. Ảnh: Viết Thành

Theo đồng chí Bí thư Thành ủy, huyện Chương Mỹ đã chỉ đạo tốt, phát huy tinh thần “Lá lành đùm lá rách” để hỗ trợ các hộ dân vùng ngập úng. Tuy nhiên, về lâu dài, phải tính đến phương án đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chỗ ở, quan tâm đến người già, cô đơn, yếu thế, người tàn tật...

Đồng chí Bùi Thị Minh Hoài lưu ý, đối với 4,8km đê có nguy cơ suy yếu trên địa bàn huyện Chương Mỹ, lãnh đạo huyện phải khảo sát kỹ và báo cáo kịp thời lãnh đạo thành phố; đồng thời bám sát tình hình trên quan điểm “tính mạng người dân là trên hết” để tập trung chỉ đạo.

Bí thư Thành ủy Bùi Thị Minh Hoài yêu cầu, khi nước rút, hai huyện Chương Mỹ và Quốc Oai khẩn trương chỉ đạo ổn định sớm cuộc sống cho người dân; quan tâm công tác vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh. Hai huyện phân công lực lượng chức năng ứng trực 24/24 để xử lý kịp thời các sự cố do mưa lũ, không bị động trước các tình huống.

"Chiều 30/7, Thường trực Thành ủy sẽ họp với các ngành để có sự phối hợp, giúp các huyện Chương Mỹ, Quốc Oai khắc phục, giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ gây ra", đồng chí Bí thư Thành ủy cho biết.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng chỉ đạo tập trung khắc phục sự cố sập cầu Phong Châu

Thủ tướng chỉ đạo tập trung khắc phục sự cố sập cầu Phong Châu

(PNTĐ) - Ngày 9/9/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 89/CĐ-TTg yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung khắc phục sự cố sập nhịp cầu Phong Châu, tỉnh Phú Thọ và ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét tại các tỉnh miền núi, trung du Bắc Bộ.