Bộ Thông tin và Truyền thông tập huấn, phổ biến chính sách pháp luật về chủ quyền biển, đảo

VÂN NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) - Chiều 25/4, Bộ Thông tin truyền thông tổ chức Hội nghị Tập huấn chính sách, pháp luật về chủ quyền bảo, đảo.

Bộ Thông tin và Truyền thông tập huấn, phổ biến chính sách pháp luật về chủ quyền biển, đảo - ảnh 1
Phó Vụ trưởng vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông tin Hồ Hồng Hải phát biểu tại hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Vụ trưởng vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông Hồ Hồng Hải cho biết, Việt Nam có đường bờ biển kéo dài trên 3.260km, hơn 4.000 hòn đảo lớn nhỏ với hệ thống đảo tiền tiêu có vị trí đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh và kinh tế như quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, Bạch Long Vĩ… Đảng và Nhà nước ta từ lâu đã ý thức được tầm quan trọng và luôn coi việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tại Hội nghị Trung ương Tám (khóa XII), Đảng đã khẳng định, “biển là bộ phận cấu thành chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, là không gian sinh tồn, cửa ngõ giao lưu quốc tế, gắn bó mật thiết, ảnh hưởng to lớn đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Tuy nhiên, trong những năm qua, việc nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về chủ quyền biển đảo còn hạn chế; nhận thức của các cấp, các ngành, địa phương và người dân, doanh nghiệp về vai trò, vị trí của biển, phát triển bền vững kinh tế biển chưa đầy đủ…; công tác nắm tình hình, dự báo chiến lược về quốc phòng, an ninh có lúc chưa thật chủ động, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội…

Bộ Thông tin và Truyền thông tập huấn, phổ biến chính sách pháp luật về chủ quyền biển, đảo - ảnh 2
Quang cảnh hội nghị

Vì vậy, Đại hội XIII của Đảng tiếp tục đề ra một số chủ trương lớn để phát huy hơn nữa sức mạnh của toàn dân và của cả hệ thống chính trị trong bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo Việt Nam trong tình hình mới như: “Phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị kết hợp với sức mạnh thời đại, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ” và “Nỗ lực phấn đấu để ngăn ngừa xung đột, chiến tranh và giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế"…

Quán triệt các chủ trương của Đảng và Nhà nước tại các văn kiện trên, ngày 9.8.2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Quyết định số 1490/QĐ-BTTTT về việc ban hành Kế hoạch tuyên truyền về biển và hải đảo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông giai đoạn 2022 - 2025 nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về biển, đảo, nâng cao nhận thức của các cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là đối với các đối tượng là các nhà báo, phóng viên, biên tập viên - những người đóng vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách thông qua các sản phẩm báo chí, phóng sự của mình để để đưa các quan điểm, đường lối của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về công tác giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc đến mọi tầng lớp nhân dân, góp phần bảo vệ vững chắc đất nước.

 
Bộ Thông tin và Truyền thông tập huấn, phổ biến chính sách pháp luật về chủ quyền biển, đảo - ảnh 3
TS. Trần Công Trục, Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban biên giới quốc gia, Bộ Ngoại giao thông tin tại hội nghị

Tại hội nghị, TS. Trần Công Trục, Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban biên giới quốc gia, Bộ Ngoại giao trình bày về “Tình hình thực thi chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong những năm gần đây”. TS. Trần Công Trục lưu ý báo giới, truyền thông cần phân biệt rõ: “Lãnh thổ quốc gia trên biển” (“Territories in Sea”) là thuật ngữ dùng để chỉ các vùng biển, thềm lục địa và các hải đảo thuộc chủ quyền, quyền và quyền tài phán quốc gia; bao gồm: Các thực thể địa lý (quần đảo, đảo, đá, bãi cạn) ở giữa biển và các vùng biển và thềm lục địa của quốc gia ven biển, quốc gia quần đảo, quốc gia sở hữu.

Các vùng biển và thềm lục địa được gọi là “Lãnh thổ biển”(maritime territories); gồm 2 loại: các vùng biển (nội thủy, lãnh hải) thuộc chủ quyền quốc gia và các vùng biển (vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa) thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia.

Trên một số phương tiện thông tin báo chí vẫn sử dụng sai tên gọi Biển Đông mà Nhà nước ta đã chính thức công bố. Biển Đông là danh từ riêng, viết hoa cả 2 chữ, không phải viết là “biển Đông”.

Lưu ý, khi dịch ra tiếng nước ngoài, không dịch là “East Sea”, “Mer de L’Est”, mà phải là “BienDong Sea”, “Mer de BienDong”.

Các thuật ngữ “lãnh hải”, “vùng đặc quyền kinh tế”, “thềm lục địa” vẫn còn sử dụng sai, nhất là khi dịch ra tiếng nước ngoài, có thể gây sự hiểu lầm đối với lập trường đúng đắn của Việt Nam.

Bộ Thông tin và Truyền thông tập huấn, phổ biến chính sách pháp luật về chủ quyền biển, đảo - ảnh 4
TS. Trần Công Trục, Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban biên giới quốc gia, Bộ Ngoại giao giải đáp câu hỏi của các phóng viên

TS. Trần Công Trục cũng lưu ý khi truyền thông, chúng ta có đầy đủ bằng chứng pháp lý, lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Cần thận trọng khi sử dụng các tài liệu lịch sử, bản đồ có liên quan đến 2 quần đảo. Bởi không phải bất cứ tư liệu lịch sử và bản đồ nào cũng đều có giá trị pháp lý để chứng minh và khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo này. Chỉ có những tư liệu lịch sử và bản đồ có giá trị pháp lý (nghĩa là các tư liệu do hệ thống tổ chức Nhà nước có thẩm quyền ban hành) mới được là những chứng cứ pháp lý.

Bộ Thông tin và Truyền thông tập huấn, phổ biến chính sách pháp luật về chủ quyền biển, đảo - ảnh 5
Trung tá TS. Nguyễn Thanh Minh - Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ Cảnh sát biển, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển 

Thông tin tại hội nghị, Trung tá TS. Nguyễn Thanh Minh, Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ Cảnh sát biển, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển chia sẻ về “Vị trí, vai trò quan trọng của biển và đại dương, chính sách pháp luật của Việt Nam về biển và hải đảo, lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông”.

Trung tá TS. Nguyễn Thanh Minh nhấn mạnh, biển đảo ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với các quốc gia ven biển, quốc gia quần đảo trong khu vực và trên thế giới qua các phương diện cơ bản quốc phòng, an ninh, kinh tế biển và hợp tác quốc tế về biển.

Việt Nam đã có nhiều chính sách pháp luật về chủ quyền biển, đảo, có thể kể đến như: Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 khẳng định: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời” (Điều 1). Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý (Điều 53).

Việt Nam có Luật Biên giới quốc gia số 06/2003/QH11 quy định rõ biên giới quốc gia.

Luật Biển Việt Nam số 18/2012/QH13 ngày 21 tháng 6 năm 2012 quy định về đường cơ sở, nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, các đảo, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và quần đảo khác thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam; hoạt động trong vùng biển Việt Nam; phát triển kinh tế biển; quản lý và bảo vệ biển, đảo.

Luật Dầu khí năm 1993; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dầu khí số 19/2000/QH10 ngày 28/6/2000; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dầu khí số 10/2008/QH12 ngày 03/6/2008; Luật số 35/2018/QH14 ngày 20 tháng 11 năm 2018 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch.

Luật Thủy sản số 18/2017/QH14 ngày 21 tháng 11 năm 2017, quy định về hoạt động thủy sản; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động thủy sản hoặc có liên quan đến hoạt động thủy sản; quản lý nhà nước về thủy sản.

Bộ Luật Hàng hải Việt Nam số 95/2015/QH13 ngày 25 tháng 11 năm 2015. Bộ luật này quy định về hoạt động hàng hải, bao gồm các quy định về tàu biển, thuyền viên, cảng biển, luồng hàng hải, cảng cạn, vận tải biển, an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, bảo vệ môi trường, quản lý nhà nước về hàng hải và các hoạt động khác liên quan đến việc sử dụng tàu biển vào mục đích kinh tế, văn hóa, xã hội, thể thao, công vụ và nghiên cứu khoa học.

Luật Cảnh sát Biển Việt Nam số 33/2018/QH14 ngày 19 tháng 11 năm 2018, quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam; chế độ, chính sách đối với Cảnh sát biển Việt Nam; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Bên cạnh 7 đạo luật quan trọng có liên quan đến biển và hải đảo Việt Nam, nhà nước ta bn hành hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về biển như nghị định, thông tư… mang tính thống nhất, đồng bộ.

Đảng ta cũng đã ban hành một số nghị quyết về chiến lược biển Việt Nam. Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã thông qua Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9/02/2007 về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”.

Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 hội nghị lần thứ 8 ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045.

Bộ Thông tin và Truyền thông tập huấn, phổ biến chính sách pháp luật về chủ quyền biển, đảo - ảnh 6
Trung tá TS.Nguyễn Thanh Minh trao đổi với phóng viên 

Trung tá TS.Nguyễn Thanh Minh lưu ý, đây là những chính sách pháp luật quan trọng, cần thiết. Tuy nhiên muốn khai thác phát biển bền vững cần phải bảo vệ môi trường; gắn phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường.

Việt Nam là quốc gia biển, biển và hải đảo có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, đảm bảo quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế. Xuất phát từ vị trí, vai trò của biển và hải đảo, Nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử đều xây dựng và thực thi chính sách biển, có những giai đoạn chính sách biển đã thể hiện được sự đồng bộ và có hiệu quả, nhất là trong thời kỳ đổi mới. Đây là nội dung cần thiết đối với quá trình xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc, nhất là trong bối cảnh hiện nay.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

​  Cần phải “đi tắt, đón đầu” trong chuyển đổi số

​ Cần phải “đi tắt, đón đầu” trong chuyển đổi số

(PNTĐ) - Chuyển đổi số là hướng đi đúng, mang tính đột phá nhất, hiệu quả nhất, do đó, cần phải “đi tắt, đón đầu” trong chuyển đổi số. Làm sao để chuyển đổi số phải thẩm thấu vào từng công việc, từng con người. Cùng với việc đưa ra các dịch vụ công trực tuyến, cần hướng dẫn, tuyên truyền để người dân tham gia, thụ hưởng và cảm nhận được các tiện ích, lợi ích của chuyển đổi số.
Hà Nội chốt 3 môn thi vào lớp 10 năm học 2024-2025

Hà Nội chốt 3 môn thi vào lớp 10 năm học 2024-2025

(PNTĐ) - Để chuẩn bị triển khai công tác tuyển sinh lớp 10 năm học 2024-2025, Sở  Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã xây dựng tờ trình UBND thành phố Hà Nội về phương án thi và được UBND Thành phố chấp thuận. Theo đó, năm học 2024-2025, Hà Nội tổ chức tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập với ba môn gồm Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ.