Cấm ép buộc uống rượu, bia ở tất cả lứa tuổi, thành phần

Chia sẻ

PNTĐ-Tiếp tục chương trình kỳ họp, Quốc hội dành một buổi để thảo luận tại hội trường về dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

 
Trước những hậu quả to lớn do rượu, bia gây ra cho gia đình và xã hội, rất nhiều tiếng nói của các đại biểu Quốc hội (ĐB) đã cùng đồng tình với quan điểm cấp thiết xây dựng và ban hành Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.
 
Cấm ép buộc uống rượu, bia ở tất cả lứa tuổi, thành phần - ảnh 1
ĐBQH Trần Thị Phương Hoa đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia

 
Hậu quả lâu dài không thể đo đếm
 
Nhấn mạnh đến tác hại nghiêm trọng, hậu quả lâu dài không thể đo đếm của rượu, bia, ĐB Phạm Trọng Nhân, đoàn Bình Dương cho biết: Để nhích lên từng chút một cho tăng trưởng kinh tế, cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp phải vất vả nỗ lực như thế nào thì ở chiều ngược lại mỗi năm bia, rượu đã tổn thất ít nhất 1,3% GDP quý giá của quốc gia. Bia, rượu cũng là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh chấn thương và là nguyên nhân gián tiếp ít nhất 200 bệnh tật, nằm trong danh mục phân loại bệnh quốc tế, ảnh hưởng cả ba khía cạnh xã hội, môi trường và kinh tế.
 
“Hãy một lần đặt mình vào hoàn cảnh của những gia đình có người thân nghiện rượu, nợ nần chồng chất, bạo lực, bạo hành, hay thử một lần lắng nghe tiếng khóc của những người vợ mất chồng, con mất cha do bia, rượu gây ra, hay một lần đến chùa cầu siêu cho các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông có liên quan đến rượu, bia hẳn sẽ có sự sẻ chia nỗi đau thương với những người ở lại. Chúng ta bảo vệ sức khỏe của nhân dân hay chọn khoản thu 50.000 tỷ đồng mỗi năm từ bia rượu nhưng đừng quên rằng, tổn thất do nó để lại lên đến 65.000 tỷ. Như thế, có khác gì kéo lùi sự phát triển của đất nước” - ĐB Phạm Trọng Nhân nói. 
 
Đại diện cho các tầng lớp phụ nữ và trẻ em tại diễn đàn Quốc hội, ĐB Trần Thị Phương Hoa - Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội, ĐBQH đoàn Hà Nội khẳng định, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia ban hành nhằm nâng cao sức khỏe nhân dân, hạn chế tai nạn giao thông, bạo lực gia đình, giữ gìn an ninh trật tự và an toàn xã hội, mang lại lợi ích lớn về KTXH. Đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật, ĐB Trần Thị Phương Hoa cho rằng: “Dự thảo chỉ quy định trường hợp là cán bộ công chức, viên chức và người lao động có hợp đồng lao động trong cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đang trong thời gian làm việc, thời gian nghỉ giữa ca làm việc không được uống rượu.
 
Theo tôi, cần phải bổ sung các đối tượng khác như lực lượng vũ trang, học sinh, sinh viên trong thời gian học tập hoạt động tại trường, tại lớp thì không nên sử dụng rượu, bia. Tuy nhiên, học sinh, sinh viên hiện nay, nhất là tuổi sinh viên từ 18-22 uống rượu, bia nhưng không uống tại trường mà uống ở nơi khác, có thể uống ở các quán, nơi mình tạm trú, sau đó mới về đến trường thì đã ngấm rượu, bia và sẽ ảnh hưởng đến kết quả học tập”. ĐB Trần Thị Phương Hoa đề nghị bổ sung thêm quy định không nên uống rượu bia tại các địa điểm vui chơi, giải trí công cộng; các điểm có nhiều người qua lại như bến tàu, bến xe, nhà ga, sân bay không được bán rượu bia.
 
Những nơi này, nếu uống rượu, bia rất dễ xảy ra mất trật tự, ảnh hưởng đến những người xung quanh. Thực tế, đã có những trường hợp uống rượu, bia xong không làm chủ được bản thân, lên xe gây gổ với nhân viên, hành khách, phát ngôn thiếu văn hóa, sàm sỡ người bên cạnh. 
 
Ép người khác uống rượu, bia là thiếu văn hóa
 
Tại Khoản 4 Điều 5 của dự thảo Luật quy định, cấm ép buộc người dưới 18 tuổi sử dụng rượu bia. Theo ĐB Trần Thị Phương Hoa, quy định này dễ làm cho mọi người hiểu chỉ cấm ép buộc người dưới 18 tuổi sử dụng rượu, bia; còn trên 18 tuổi không cấm nên ép uống cũng không sao. Tuy nhiên, thực tế, từ 18 tuổi trở lên mới là đối tượng uống rượu, bia nhiều và tuổi đó mới ép nhau uống nhiều. Đã có những trường hợp ép nhau mà không uống bị cho là coi thường nhau dẫn đến ẩu đả, thù hằn và sát hại nhau cho hả giận. Đã có trường hợp bị ép uống đến say, say vì nể bạn mà uống, tối đêm về bị cảm lạnh, sáng hôm sau qua đời.
 
“Tôi cho rằng việc ép người khác uống rượu, bia là hành động thiếu văn hóa, phản cảm, gây nên những hậu quả không đáng có trong các mối quan hệ xã hội. Tôi đề nghị cần quy định cấm ép uống rượu, bia ở tất cả các thành phần, các lứa tuổi chứ không phải chỉ dưới 18 tuổi. Hiện nay, dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về phòng, chống tác hại của rượu, bia chưa thấy có xử phạt về việc cấm ép uống rượu. Tôi đề nghị đưa vào và trong đó có quy định xử phạt đối với trường hợp ép người dưới 18 tuổi thì xử phạt nặng hơn” - ĐB Trần Thị Phương Hoa phát biểu.
 
Phương Dung

Tin cùng chuyên mục

“Điện Biên Phủ - Mốc vàng lịch sử” - tái hiện cuộc chiến đấu vì chính nghĩa

“Điện Biên Phủ - Mốc vàng lịch sử” - tái hiện cuộc chiến đấu vì chính nghĩa

(PNTĐ) - Chương trình nghệ thuật “Điện Biên Phủ - Mốc vàng lịch sử” là một trong những sự kiện lớn chào mừng đại lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ sẽ diễn ra lúc 20h10 ngày 6/5/2024 tại Quảng trường 7/5, TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên. Chương trình do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTTDL) và UBND tỉnh Điện Biên chủ trì thực hiện, được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1.
Ký ức Điện Biên năm xưa

Ký ức Điện Biên năm xưa

(PNTĐ) - 70 năm đã trôi qua song mỗi khi nhắc đến những trận đánh sân bay Mường Thanh, bảo vệ vùng trời Điện Biên trong Chiến dịch Điện Biên Phủ của lực lượng pháo binh, súng máy phòng không, ánh mắt Chiến sĩ Điện Biên Nguyễn Văn Chứa (hiện đang sống tại thôn C17, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên) lại sáng ngời.
Phụ nữ Thủ đô hướng về Điện Biên

Phụ nữ Thủ đô hướng về Điện Biên

(PNTĐ) - Hòa chung không khí cả nước kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, các cấp Hội LHPN Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động, trao tặng các công trình, phần việc ý nghĩa, tạo được sức lan tỏa tích cực trong cán bộ hội viên phụ nữ và người dân. Qua đó góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, giá trị lịch sử của Chiến thắng Điện Biên Phủ.