Cần giải quyết dứt khoát chứ không phải là “đá ném ao bèo”.

Chia sẻ

PNTĐ-Bạn đọc đã gửi rất nhiều ý kiến đến Báo PNTĐ thể hiện thái độ quyết liệt chống đạo văn, đòi hỏi các cấp hữu quan nghiêm túc xử lý làm trong sạch môi trường khoa học,giáo dục đào tạo.

 
Vụ việc GS.TS Nguyễn Đức Tồn đạo văn, rồi dùng chính các công trình khoa học đạo văn (của hàng chục tác giả/ nguồn) ấy để làm hồ sơ xin phong GS! "Thành công" trong đạo văn của ông Tồn đã có "truyền nhân" là học trò của ông - TS Vũ Thị Sao Chi - Phó Tổng biên tập phụ trách tạp chí Ngôn ngữ (thuộc Viện Ngôn ngữ học) cũng đạo văn! Bạn đọc đã gửi rất nhiều ý kiến đến Báo PNTĐ thể hiện thái độ quyết liệt chống đạo văn, đòi hỏi các cấp hữu quan nghiêm túc xử lý làm trong sạch môi trường khoa học, giáo dục đào tạo.
  

Cần giải quyết dứt khoát chứ không phải là “đá ném ao bèo”.  - ảnh 1
Ông Tồn và bà Sao Chi “đạo văn” đến bao giờ mới bị xử lý?

Tăng Ngọc Ánh: “Loạt bài thể hiện quyết tâm vào cuộc vì lẽ phải của Báo”
 
Từ lâu, báo Phụ nữ Thủ đô đã trở thành món ăn tinh thần của tôi và gia đình. Gần đây, thực sự tôi cảm nhận thấy rất rõ tờ báo thân thuộc của mình đã có một sự “lột xác” tuyệt vời khiến tôi không thể trì hoãn việc viết thư này.
 
Đặc biệt nhất trong số đó là quý Báo đã dành khá nhiều kỳ để viết rất sâu về vụ đạo văn mang tên Nguyễn Đức Tồn và gần đây là “truyền nhân” Vũ Thị Sao Chi đang làm rúng động dư luận trong nước và khiến giới khoa học phải ngậm ngùi xấu hổ thay. Những bài viết ấy đã thể hiện quyết tâm vào cuộc thực sự vì lẽ phải của quý Báo. Đã đến lúc quý Báo nên hướng thêm tới những bài viết phỏng vấn những người có trách nhiệm trước vấn nạn đạo văn này. Liệu vụ việc này sẽ đi đến đâu? Cấp nào sẽ phải xử lí vụ việc này? Cơ quan chức năng đang nợ dư luận một câu trả lời dứt khoát. Bởi không thể để những cá nhân như ông Tồn cứ ung dung ngồi trên dư luận. 
 
Rất mong quý Báo tiếp tục đột phá, mang lại những bài viết có hàm lượng để bạn đọc như chúng tôi tin tưởng vào công lí sẽ được thực thi chứ không phải là “đá ném ao bèo”. 
 
Phương Minh: “Loạt bài là hồi chuông cảnh tỉnh đối với xã hội”
 
Vừa qua, loạt bài chống đạo văn của Báo lại gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh đối với xã hội. “Vì sao “đạo văn” mà vẫn được phong Giáo sư?” là câu hỏi nhức nhối, lay tỉnh xã hội. Xã hội đã quá mất cảnh giác, để cho kẻ đạo văn kéo dài, có hệ thống, đạo văn nhiều kiểu, từ tinh vi đến trắng trợn là Nguyễn Đức Tồn luồn lách, leo cao, lại còn đi rao giảng đạo đức, ngồi trong các hội đồng chấm luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ!
 
Chưa hết, thầy đạo văn đào tạo trò đạo văn, việc quý Báo phát hiện đưa ra công luận TS Vũ Thị Sao Chi, học trò được ông Tồn hướng dẫn Tiến sỹ và sau khi bảo vệ đã đưa ngay về tạp chí Ngôn ngữ, cũng học cách đạo văn như thầy cô ta, đã cho thấy một sự thực: Cái xấu không bị lên án sẽ như khối u di căn, tàn phá xã hội. Đừng nói là hiện tượng sửa điểm thi ở Hà Giang, Sơn La vừa qua không có liên quan gì đến hành vi đạo văn như của Nguyễn Đức Tồn, Vũ Thị Sao Chi.
 
Tôi mong Báo tiếp tục sự nghiệp chống đạo văn, cũng là hoạt động thiết thực làm theo Nghị quyết của TW4 về chống thoái hóa, biến chất, trong đó có sự thoái hóa, biến chất trong giáo dục và nghiên cứu khoa học.
 
Trần Thị Hoài: “Mong vụ việc sớm được giải quyết”
 
Tôi là một cán bộ khoa học, nay đã nghỉ hưu tại Sóc Sơn. Tôi thường xuyên theo dõi Báo thông qua Chi hội Phụ nữ của khu dân cư. Gần đây, tôi thấy Báo đã dành nhiều công sức để viết về vụ việc đạo văn của Giáo sư Nguyễn Đức Tồn. Là một phụ nữ làm khoa học, chúng tôi thực sự bị sốc trước những thông tin này và mong muốn vụ việc sớm được giải quyết để trả lại sự công bằng cho các chị em phụ nữ bị tước đoạt kết quả lao động trí óc.
 
Nguyễn Nhật Nam: “Thật khó hiểu khi không một cơ quan nào xét xử công minh vụ việc”
Tôi là độc giả thường xuyên theo dõi và vô cùng thích thú loạt bài báo về vụ ông GS Nguyễn Đức Tồn đạo văn. Tôi lấy làm khó hiểu khi tại sao một vụ việc xấu hổ, liên quan đến văn hoá giáo dục của nước nhà đã được quý Báo phản ánh với những bằng chứng thuyết phục như thế mà ông Nguyễn Đức Tồn vẫn không hề hấn gì, nghĩa là không một cơ quan tổ chức nào xét xử công minh?
 
Gần đây nhất, quý Báo lại có bài viết “Khi “thầy” đạo văn lại đẻ ra “trò” đạo văn” cung cấp thông tin về học trò của ông Tồn là TS Vũ Thị Sao Chi đạo văn! Quả thật bài báo này khiến dư luận rúng động, vì thế thông tin được chia sẻ rộng khắp trên mạng xã hội. Điều đó chứng tỏ, sức hút của vụ việc ông Tồn đạo văn với những thông tin mà quý Báo cung cấp có giá trị như thế nào.
 
Vũ Phạm Hương Lê: “Mong quý Báo tiếp tục có những bài viết sâu về đề tài này”
(PhD student, Jagiellonian University, Poland)
 
Tôi rất quan tâm và theo dõi sát sao vụ việc lấy cắp sản phẩm trí tuệ người khác của ông Giáo sư Nguyễn Đức Tồn, Viện Ngôn ngữ học Việt Nam. Tôi thấy đây là một điều hết sức đáng lên án và mong quý Báo tiếp tục có những bài viết sâu về đề tài này để làm rõ sự thực. Tôi rất chờ đợi những bài báo mới của quý Báo.
 
TS Nguyễn Thị Tịnh: “Báo đã vì một nền học thuật trong sạch cho nước nhà”
 
Thời gian qua được đọc 17 kỳ báo mà quý Báo nhọc công chống tiêu cực về đạo văn, cụ thể là vụ đạo văn của ông Nguyễn Đức Tồn và bà Vũ Thị Sao Chi tại Viện Ngôn ngữ, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, chúng tôi thật sự cảm kích, hoan nghênh và cảm thấy quý Báo đã thật sự là những vị làm báo vì tâm vì đức vì nghề và vì một nền khoa học, học thuật trong sạch cho nước nhà. 
 
Lý do mà chúng tôi thật sự biết ơn và kính trọng việc chống đạo văn của quý Báo là vì chúng tôi là giảng viên, cũng từng học Nghiên cứu sinh ngành Ngôn ngữ học để trở thành TS chuyên ngành Ngôn ngữ học. Trong quá trình học tập, chúng tôi luôn trân trọng các thế hệ thầy cô và tiền bối trong ngành. Bởi họ là những người gây dựng, tiếp nối và phát triển để có chuyên ngành này, là tiếng nói tự tôn của dân tộc. Chúng tôi thiết nghĩ, việc nghiên cứu khoa học nói chung là sự kế thừa của các thế hệ đi trước và người làm khoa học tử tế phải ý thức được rằng việc trích dẫn hay kế thừa công trình nào đó đều phải ghi rõ nguồn gốc và tác giả, điều mà bất cứ cơ sở đào tạo nào trong và ngoài nước cũng có hướng dẫn cụ thể qua quyển Cẩm nang Sau đại học.
 
Chính vì lẽ đó, việc đạo văn của ông Tồn và bà Sao Chi thật sự gian manh, đáng lên án vô cùng, và nó phải được loại trừ khỏi giới học thuật càng sớm càng tốt.
 
Thật ra sau kỳ báo đầu tiên, chúng tôi chờ đợi và hy vọng ông Tồn sẽ thành tâm nhận lỗi và sửa chữa, khi ấy tôi chắc rằng những người làm khoa học chân chính và bản thân chúng tôi cũng sẽ thông cảm với ông. Vì dù sao ông ấy cũng đã già, từng là Viện trưởng Viện Ngôn ngữ, là người thầy giáo mà chính ông ta đã khoe giảng dạy và hướng dẫn nhiều học trò. Nhưng ông Tồn đã không nhận thức được, thậm chí còn gửi đơn lên tận Thủ tướng. Đó là lí do vì sao chúng tôi vô cùng cảm kích và ủng hộ Báo đã không quản gian khó để vẫn chuyên tâm viết về vụ việc này với những bằng chứng sắc bén vụ ông Tồn đã đạo văn của người khác.
 
Ông Tồn là thầy hướng dẫn cho bà Sao Chi, ông Tồn có bề dày kinh nghiệm và bí quyết đạo văn trường kỳ trong hàng chục năm qua, kinh nghiệm ấy truyền sang cho bà Chi? Vậy mà cả tuần nay, chúng tôi vẫn chưa thấy bà Chi giải trình hay xin lỗi việc làm sai trái của mình.
 
Đỗ Phương Thúy: “Bài viết có sức nóng và lan tỏa lớn”
 
Tôi vừa được đọc một bài viết rất xuất sắc của phóng viên Nguyễn Minh Anh: Khi “thầy” đạo văn lại đẻ ra “trò” đạo văn. Bài viết sắc sảo, với dẫn chứng thuyết phục, khoa học, khiến người đọc phải thực sự suy ngẫm. Bài viết của Báo có sức nóng và sự lan tỏa lớn. Nó giúp cho sự thật được phơi bày. Nó mang tính răn đe, cảnh tỉnh đối với những người làm khoa học nói chung, phụ nữ làm khoa học nói riêng.
 
Bài viết đã thể hiện được sự vào cuộc thực sự của Báo chí. Với sự điểm mặt chỉ tên, với dẫn chứng rõ ràng mà bất kì ai cũng kiểm chứng được, bài viết đã góp phần lật mặt cái xấu vốn đang ẩn nấp trong vỏ bọc kín đáo để đưa ra ánh sáng. Chúng tôi mong mỏi và chờ đợi quý Báo tiếp tục khai thác theo hướng đi đột phá mới mẻ này để mang đến cho bạn đọc những bài viết sâu sắc, góp phần làm trong sạch nền khoa học nước nhà vốn đang bị một số “con sâu” làm hoen ố. 
 
Trần Thị Kim Hoa: “Không thể chấp nhận hành vi dối trá”
 
Tôi là một độc giả khá thường xuyên của Báo. Thời gian gần đây, Báo có loạt bài về vụ đạo văn của “Giáo sư” Nguyễn Đức Tồn rất công phu đã thu hút chú ý của tôi. Loạt bài lên án việc đạo văn một cách hệ thống của ông này, một hành động đánh cắp không thể chấp nhận được trong nghiên cứu khoa học và nhất là môi trường sư phạm. Đáng tiếc hơn cả là ông này vẫn lên bục giảng dạy dỗ học trò, rao giảng đạo đức. Thật không thể chấp nhận được và cần phải sớm chấm dứt!
 
 Loạt bài về đạo văn của quý Báo như một hồi chuông cảnh tỉnh giữ gìn đạo đức khoa học. Nelson Maldela đã từng nói: “Để phá hủy bất kỳ quốc gia nào, không cần phải sử dụng đến bom nguyên tử hoặc tên lửa tầm xa. Chỉ cần hạ thấp chất lượng giáo dục và cho phép gian lận trong các kỳ thi của sinh viên. Bệnh nhân chết dưới bàn tay của các bác sĩ là của nền giáo dục ấy. Các tòa nhà sụp đổ dưới bàn tay của các kỹ sư của nền giáo dục ấy. Tiền bị mất trong tay của các nhà kinh tế và kế toán của nền giáo dục ấy. Nhân loại chết dưới bàn tay của các học giả tôn giáo của nền giáo dục ấy. Công lý bị mất trong tay các thẩm phán của nền giáo dục ấy. Sự sụp đổ của giáo dục là sự sụp đổ của một quốc gia”. 
 
Chúng ta không thể chấp nhận hành vi dối trá trong khoa học và giáo dục, để kiến thức con cái chúng ta học được là thực chất, sau này ra trường còn làm được việc và cống hiến cho xã hội.
 
Nguyễn Minh Anh 

Tin cùng chuyên mục

“Điện Biên Phủ - Mốc vàng lịch sử” - tái hiện cuộc chiến đấu vì chính nghĩa

“Điện Biên Phủ - Mốc vàng lịch sử” - tái hiện cuộc chiến đấu vì chính nghĩa

(PNTĐ) - Chương trình nghệ thuật “Điện Biên Phủ - Mốc vàng lịch sử” là một trong những sự kiện lớn chào mừng đại lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ sẽ diễn ra lúc 20h10 ngày 6/5/2024 tại Quảng trường 7/5, TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên. Chương trình do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTTDL) và UBND tỉnh Điện Biên chủ trì thực hiện, được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1.
Ký ức Điện Biên năm xưa

Ký ức Điện Biên năm xưa

(PNTĐ) - 70 năm đã trôi qua song mỗi khi nhắc đến những trận đánh sân bay Mường Thanh, bảo vệ vùng trời Điện Biên trong Chiến dịch Điện Biên Phủ của lực lượng pháo binh, súng máy phòng không, ánh mắt Chiến sĩ Điện Biên Nguyễn Văn Chứa (hiện đang sống tại thôn C17, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên) lại sáng ngời.
Phụ nữ Thủ đô hướng về Điện Biên

Phụ nữ Thủ đô hướng về Điện Biên

(PNTĐ) - Hòa chung không khí cả nước kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, các cấp Hội LHPN Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động, trao tặng các công trình, phần việc ý nghĩa, tạo được sức lan tỏa tích cực trong cán bộ hội viên phụ nữ và người dân. Qua đó góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, giá trị lịch sử của Chiến thắng Điện Biên Phủ.