Chung tay xây dựng Hà Nội đẹp hơn, phát triển hơn, xứng đáng hơn với vai trò, vị thế Thủ đô của cả nước
(PNTĐ) - Dự kiến, Đại hội Đảng bộ thành phố sẽ diễn ra vào giữa tháng 10. Khoảng giữa tháng 8, Bộ Chính trị sẽ làm việc và duyệt Đại hội Đảng bộ thành phố, trong đó có văn kiện Đại hội…”, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ cho biết và đề nghị các đại biểu đóng góp sâu sắc, cụ thể để thành phố hoàn thiện dự thảo Văn kiện Đại hội XVIII của Đảng bộ trong tháng 7/2025, gửi xin ý kiến các cơ quan Trung ương và Bộ Chính trị. Chính vì thế, thành phố Hà Nội mong muốn các đại biểu đóng góp ý kiến giúp xây dựng văn kiện đảm bảo chất lượng và yêu cầu đặt ra, xứng đáng là văn kiện của Đảng bộ Thủ đô - Đảng bộ lớn nhất cả nước.
Báo cáo chính trị thể hiện tinh thần mới, sắc thái mới, khẳng định vị thế, vai trò của Thủ đô
Tại hội nghị lấy ý kiến góp ý của đại diện chức sắc tôn giáo, văn nghệ sĩ, các nhà khoa học, bí thư đảng ủy, hiệu trưởng, chủ tịch hội đồng các trường đại học, cao đẳng, học viện trên địa bàn thành phố vào Dự thảo văn kiện Đại hội XVIII Đảng bộ thành phố, nhiệm kỳ 2025-2030, góp ý vào Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội trình Đại hội lần thứ XVIII Đảng bộ thành phố, các chuyên gia, nhà khoa học đánh giá cao chất lượng nội dung và hình thức của Dự thảo, cơ bản thể hiện được sự công phu, khoa học của đội ngũ soạn thảo.

GS Lê Anh Tuấn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Đại học Bách Khoa chia sẻ về mục tiêu, giải pháp để thu hút nhân tài, gắn với hệ sinh thái sáng tạo Thủ đô, ông Tuấn cho rằng, cần đưa vào báo cáo chính trị vấn đề đầu tư và kết nối đầu tư một số trung tâm đổi mới sáng tạo trong trường đại học vì Hà Nội muốn thu hút nhân tài không chỉ ở trong nước mà cả ở nước ngoài thì cần phải có trung tâm như vậy.
“Các ngành mới như bán dẫn, công nghệ ứng dụng cần gắn với phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu xuất sắc thì mới tạo ra được những sản phẩm có tính thực tiễn, có giá trị. Nguồn đầu tư không phải chỉ ở ngân sách Nhà nước mà còn từ sự phối hợp, hợp tác giữa TP Hà Nội và các trường đại học”, GS.TS Lê Anh Tuấn nhấn mạnh.
Ngoài ra, ông Tuấn cũng đề xuất nội dung xây dựng các trung tâm chế thử tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, đồng thời thúc đẩy cơ chế đồng tài trợ cho các nhà khoa học ở nước ngoài. “Hà Nội có thể áp dụng cơ chế đồng hướng dẫn. Ví dụ ở Thái Lan đã làm rất tốt giải pháp này. Cứ một người hướng dẫn giảng viên đại học thì sẽ có người đồng hướng dẫn”, ông nói.
Bên cạnh đó, ông Tuấn cũng đề xuất đưa vào báo cáo vấn đề xây dựng các ký túc xá (KTX) sinh viên có hạ tầng tốt, giao cho các trường đại học trên địa bàn Hà Nội vận hành thay vì đặt mục tiêu di dời 50% các cơ sở giáo dục đại học ra khỏi Hà Nội.

Theo chuyên gia này, đây là bài học được rút ra từ việc TP đã từng xây dựng những công trình làm KTX cho sinh viên nhưng thiếu hạ tầng, giao thông nên hiện nay đã phải chuyển sang mục đích làm nhà ở xã hội.
GS.TS Hoàng Văn Cường, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, cho rằng, trong nhiệm kỳ mới, Hà Nội nhất định phải đột phá về đô thị, môi trường, cảnh quan, bởi thực tế đang đặt ra yêu cầu cấp thiết về những vấn đề này. Nếu thành phố tạo đột phá về cải tạo đô thị, cải tạo chung cư cũ, khu phố cổ... thì không những cải thiện được cảnh quan, mà đây còn trở thành nguồn lực to lớn cho Thủ đô phát triển.
GS.TS Trần Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường Đại học Mỏ - Địa chất cũng đồng ý với quan điểm trên, đồng thời đề nghị bổ sung một khâu đột phá trong nhiệm kỳ mới là đột phá về nâng cao chất lượng môi trường sống của Thủ đô với mục tiêu tạo ra một Thủ đô bền vững, không chỉ có môi trường sống tốt, mà còn có nền kinh tế sôi động, một xã hội thân thiện và hội nhập.
TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, Hà Nội luôn dẫn đầu cả nước ở các lĩnh vực. Văn kiện báo cáo lần này phải thể hiện được từ thời điểm này, vai trò, trách nhiệm đi đầu phải lớn hơn, cao hơn vì đất nước đang kỳ vọng vào Hà Nội.
“Chúng ta không được bỏ qua thời cơ cho Hà Nội lúc này. Khí phách, khí thế của Hà Nội phải được thể hiện ở những mục tiêu không thể “đồng nhịp” với địa phương khác mà phải hơn thế. Nhiệm vụ đặt ra cho Hà Nội hiện nay nặng nề chưa từng thấy, tăng trưởng GDP đạt 10 - 11%, khó nhưng phải thực hiện được. Lợi thế quan trọng nhất là con người, là trí tuệ sáng tạo nhưng trong dự thảo văn kiện chưa thấy đặt mục tiêu cao hơn các địa phương trong cả nước trong lĩnh vực này, do đó cần phải làm nghiên cứu thêm” - ông nói.
Ngoài ra, để đạt được mục tiêu tăng trưởng như dự thảo đề ra, chuyên gia này đề xuất 4 giải pháp để Hà Nội tập trung vào “Bộ tứ trụ” nghị quyết chiến lược của đất nước.
Thứ nhất là cần phải đặt ra mục tiêu việc xây dựng nền tảng trung tâm công nghệ cao, kinh tế số, xây dựng hệ thống đổi mới sáng tạo mang đến tác dụng cụ thể như thế nào.
Thứ hai, báo cáo phải khẳng định và làm rõ được Hà Nội là trung tâm hội nhập quốc tế. “Khu Công nghệ cao Hòa Lạc mở ra triển vọng kết nối toàn cầu. Nếu Hà Nội không dựa vào đây thì khó “bay cao” được. Đặc biệt là Hà Nội phải đi đầu trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực. Vì ở Khu Công nghệ cao Hòa Lạc hội tụ cả nhân lực cao, cả công nghệ cao và cả những đột phá về thể chế” - TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.
Thứ ba, TP Hà Nội là hình mẫu về chính quyền gương mẫu và phải dám thử nghiệm vai trò là “địa phương tự quyết, tự làm, tự chịu trách nhiệm” vì đã có Luật Thủ đô 2024 trao quyền.

Thứ tư, thành phố cần xây dựng chương trình phát triển doanh nghiệp Thủ đô. Doanh nghiệp phải là lực lượng nâng Hà Nội lên. Muốn vậy, TP phải có chương trình, đề án, có chủ trương xây dựng chuỗi sản phẩm Việt do tập đoàn Việt dẫn dắt. Khu CNC Hòa Lạc phải như một hình mẫu,mở ra được rât nhiều cơ hội.
“Dự thảo báo cáo lần này mang một sắc thái đặt biệt, thể hiện vai trò dẫn dắt, tiên phong của Thủ đô. Tôi tin với sự quyết tâm, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, Hà Nội sẽ làm tốt vai trò tiên phong, dẫn dắt, hội tụ, lan tỏa quốc gia” - ông Trần Đình Thiên khẳng định.
Thượng tọa Thích Chiếu Tuệ, Ủy viên Hội đồng trị sự, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Hoằng pháp Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hà Nội đề nghị, cùng với văn hóa, phải đề cao nhân tố đạo đức trong định hướng xây dựng và phát triển Thủ đô trong giai đoạn mới, gắn kết kinh tế và đạo lý, đưa vào hướng phát triển mô hình “kinh tế tuần hoàn - kinh tế thiện lành”, hướng tới xây dựng Hà Nội là “Thành phố nhân ái - thành phố từ bi” trong kỷ nguyên mới.
"Xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại, nhân dân hạnh phúc""
Kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong trân trọng tiếp thu và cảm ơn các đại biểu đã tham gia góp những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, rất sát, rất trúng với các vấn đề mà thành phố đang quan tâm.
“Chúng tôi còn cảm nhận được sự kỳ vọng, mong muốn của các đại biểu đối với Thủ đô trong giai đoạn mới, đòi hỏi sự bứt phá, quyết liệt hơn, xác định rõ vai trò đầu tàu, xác lập vị thế trong khu vực và quốc tế. Đây là sức ép không nhỏ đặt ra cho thành phố, nhưng là sức ép tích cực” - đồng chí Nguyễn Văn Phong nói.
Trao đổi làm rõ thêm các vấn đề đại biểu quan tâm, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội khẳng định, các ý kiến đại biểu nêu không chỉ được tiếp thu nhằm hoàn thiện Dự thảo Báo cáo chính trị, mà còn tiếp tục được đưa vào các chương trình, kế hoạch thực hiện trong thời gian tới với tinh thần trong kỷ nguyên mới, thời cơ lớn đã mở ra, mặc dù khó khăn, thách thức rất lớn, nhưng Hà Nội phải quyết tâm và không thể bỏ qua.
Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong, vừa qua, Hà Nội đã tiến hành sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp xã, từ 526 xã, phường, thị trấn còn 126 xã, phường - tỷ lệ giảm cao nhất cả nước. Tuy nhiên, Hà Nội không sắp xếp cơ học, mà dựa trên định hướng của Trung ương, Bộ Chính trị, sắp xếp dựa trên các quy hoạch chiến lược, tạo không gian phát triển; trong đó, xác định 53 xã, phường vào nhóm trọng điểm. Sau hơn 2 tuần bộ máy mới đi vào vận hành, cơ bản không xảy ra bất kỳ vấn đề gì lớn, phức tạp, nổi cộm, chỉ có những khó khăn, vướng mắc mang tính kỹ thuật.
Đề cập vấn đề phát triển văn hóa mà các đại biểu quan tâm, đồng chí Nguyễn Văn Phong cho biết, thời gian qua, Hà Nội đã tập trung mạnh cho phát triển văn hóa, đưa công nghiệp văn hóa, du lịch văn hóa trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp vào GRDP ngày càng cao hơn. Chưa bao giờ thành phố quan tâm, đầu tư vào phát triển văn hóa mạnh mẽ và to lớn như nhiệm kỳ vừa qua. Đến nay, Hà Nội cũng là cấp ủy cấp tỉnh đầu tiên và duy nhất đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hóa. Thành phố cũng quán triệt rõ tinh thần, không đánh đổi văn hóa, môi trường lấy tăng trưởng, phải phát triển bền vững; đồng thời, phát triển văn hóa gắn với công nghiệp văn hóa.
Đối với vấn đề phát triển sông Hồng, đồng chí Nguyễn Văn Phong cho biết, vừa qua, khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, Hà Nội đã thành lập phường Hồng Hà trải dài khu vực hai bên sông Hồng như hình con cá chép dài 16km nhằm tăng cường quản lý và hiện thực hóa phát triển đô thị hai bên sông Hồng, trước hết tập trung cho đoạn từ cầu Nhật Tân đến cầu Vĩnh Tuy; Thực hiện quan điểm chỉ đạo mang tính lịch sử của Bộ Chính trị trong định hướng phát triển Thủ đô, chuyển từ quay lưng ra sông Hồng trước đây thành quay mặt ra sông, phát triển mạnh hai bên bờ sông Hồng.
Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, trong giải quyết những vấn đề đặt ra như ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông..., thành phố xác định các giải pháp phải rất thực tế và biện chứng, trong đó có những vấn đề được xác định giải quyết không chỉ trong một nhiệm kỳ. Đối với vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường, thành phố đang triển khai quyết liệt. Trước mắt, từ nay đến cuối năm, thành phố xử lý dứt điểm ô nhiễm sông Tô Lịch, tiếp đến là hệ thống các sông nội đô như sông Lừ, sông Sét, còn ở phía Bắc là sông Cầu Bây gắn với hệ thống Bắc Hưng Hải. Những nội dung này đều đã có kế hoạch gắn với các dự án cụ thể.
“Đúng như các đại biểu đề cập, phát triển Thủ đô không chỉ là vấn đề môi trường, mà còn là văn hóa, lịch sử và nhiều yếu tố khác. Nhưng thành phố xác định sẽ làm sạch các dòng sông, trước mắt làm sạch sông Tô Lịch. Đây là cam kết của lãnh đạo thành phố với nhân dân, một sản phẩm cụ thể để chứng minh rằng, tất cả mọi hoạt động của hệ thống chính trị đều vì mục tiêu nâng cao đời sống người dân về mọi mặt. Chính vì thế, tiêu đề của Báo cáo chính trị có nội dung "xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại, nhân dân hạnh phúc"", đồng chí Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội bày tỏ hy vọng, để đạt được mục tiêu lớn này, thành phố tiếp tục nhận được sự chia sẻ, ủng hộ, góp ý, đồng hành của các chuyên gia, nhà khoa học, văn nghệ sĩ, chức sắc tôn giáo, lãnh đạo các trường trên địa bàn thành phố, cùng chung tay xây dựng Thủ đô của chúng ta đẹp hơn, phát triển hơn, xứng đáng hơn với vai trò, vị thế là Thủ đô của cả nước.