Chuyển đổi số, thúc đẩy hiệu quả việc đổi mới phương thức hoạt động Hội
(PNTĐ) - Sáng 18/5, Hội thảo quốc gia về “Chuyển đổi số trong hoạt động của Hội LHPN Việt Nam” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức đã khai mạc tạị Trụ sở cơ quan Trung ương Hội LHPN Việt Nam (39 Hàng Chuối, Hà Nội) và trực tuyến tới 62 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố.
Chào mừng kỷ niệm 134 Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2024) và Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam, ngày 18/5/2024, Hội LHPN Việt Nam tổ chức chuỗi hoạt động “Ngày hội Phụ nữ trên hành trình chuyển đổi số”.
Đây là hoạt động thiết thực nhằm góp phần cụ thể hóa Nghị quyết số 52-NQ/TƯ ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghệ lần thứ tư; thực hiện Khâu đột phá “Đổi mới phương thức hoạt động Hội, trọng tâm là ứng dụng công nghệ thông tin" trong Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII và chủ đề năm 2024 “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động Hội”.

Sáng 18/5, Trung ương Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương và Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội thảo quốc gia với chủ đề “Chuyển đổi số trong hoạt động của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam”
Phát biểu tại chương trình khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương cho biết: Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách quan trọng nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trên mọi lĩnh vực như Nghị quyết số 52-NQ/TƯ, ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 v.v. Có thể nói Việt Nam là một trong những quốc gia sớm có chương trình, chiến lược về chuyển đổi số, có nhận thức về chuyển đổi số song hành cùng nhiều nước phát triển trên thế giới.
Phụ nữ chiếm một nửa dân số, phân nửa lực lượng lao động, vì vậy chuyển đổi số sẽ chỉ thực sự thành công khi phụ nữ tích cực tham gia vào tất cả các trụ cột của chuyển đổi số là Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, đồng thời họ cần được thụ hưởng lợi ích do chuyển đổi số mang lại. Sự tham gia bình đẳng của phụ nữ vào quá trình chuyển đổi số không chỉ là vì mục tiêu bình đẳng giới mà còn mang lại lợi ích kinh tế và hiệu quả cho chuyển đổi số khi quá trình này có được quan điểm, kinh nghiệm của tất cả các nhóm đối tượng trong xã hội.
Xác định là tổ chức tiên phong vì bình đẳng và phát triển của phụ nữ, Hội LHPN Việt Nam ý thức được trách nhiệm và vai trò của mình trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) hướng tới chuyển đổi số nhằm thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chính trị của mình, đồng thời hỗ trợ hội viên, phụ nữ hiệu quả vào tham gia quá trình chuyển đổi số quốc gia.
Chiến lược phát triển Tổ chức Hội LHPN Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định “lấy việc ứng dụng công nghệ làm cơ sở, điều kiện, tiền đề để Hội đổi mới mạnh mẽ tổ chức và hoạt động”; Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII xác định khâu đột phá: “Đổi mới phương thức hoạt động Hội, trọng tâm là ứng dụng công nghệ thông tin”. Các chương trình mục tiêu quốc gia mà Hội tham gia cũng như các Đề án của Chính phủ giao Hội chủ trì thực hiện đều đặt ra các yêu cầu, giải pháp nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin hướng tới chuyển đổi số trong tổ chức hoạt động.
Gần đây, Hội đã ký kết Chương trình phối hợp với C06 Bộ Công an để bổ sung các nội dung hỗ trợ phụ nữ tham gia chuyển đổi số trong Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” cũng như nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử dùng chung về công tác phụ nữ và bình đẳng giới; ký kết Chương trình phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ giai đoạn 2024-2026 trong đó có các hoạt động hỗ trợ phụ nữ ứng dụng công nghệ thông tin.

Cùng với Trung ương, các cấp Hội cũng có nhiều hoạt động thúc đẩy chuyển đổi số trong tổ chức Hội như: nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ Hội ở cơ sở về ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai hoạt động của Hội, đặc biệt trong công tác tuyên truyền và quản lý hội viên; thí điểm mô hình thu hút, tập hợp phụ nữ trên không gian mạng; vận động nguồn lực để trang bị máy tính cho 100% cơ sở Hội để có thể sử dụng các phần mềm để phục vụ công tác Hội. Bên cạnh đó, cán bộ Hội còn tham gia tích cực vào các tổ chuyển đổi số cộng đồng; tổ chức nhiều hoạt động nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng cho hội viên, phụ nữ về tham gia các sàn thương mại điện tử; sử dụng các dịch vụ công trực tuyến; sử dụng mạng xã hội an toàn, phòng chống lừa đảo trên không gian mạng;
Đặc biệt năm 2024, Hội LHPN VIệt Nam đã chọn chủ đề công tác năm là “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động Hội” với nhiều hoạt động phong phú ở tất cả các cấp Hội. Đặc biệt Cuộc thi “Ứng dụng CNTT trong tổ chức sinh hoạt Hội” đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các cấp Hội cùng đông đảo cán bộ, hội viên, phụ nữ trên cả nước. Con số hơn 3.500 bài dự thi của 66 tỉnh/thành, đơn vị, với sự tham gia của gần 5.900 cán bộ Hội, gần 1.000 hội viên, trong đó hội viên danh dự là nam giới tham gia đã cho thấy khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong của cán bộ Hội ở cơ sở, và đây là tiền đề cho nhiều hoạt động chuyển đổi số trong tương lai.
Tuy nhiên, việc thực hiện chuyển đổi số của các cấp Hội còn đang gặp không ít khó khăn. Cho đến nay, Hội mới đang trong quá trình xây dựng Đề án hỗ trợ phụ nữ chuyển đổi số đến năm 2030 để trình Chính phủ phê duyệt nên còn thiếu cơ chế để thực hiện chuyển đổi số; năng lực cán bộ các cấp chưa đồng đều, nhận thức về chuyển đổi số chưa đầy đủ, cơ sở vật chất hạn chế.
Hội thảo là diễn đàn để các nhà lãnh đạo, quản lý, nhà khoa học, hoạt động thực tiễn, chia sẻ, trao đổi thông tin xoay quanh hai chủ đề chính gồm: Những vấn đề lý luận và bối cảnh chung của chuyển đổi số hiện nay; Chuyển đổi số trong hoạt động Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; những mô hình thực tiễn, các giải pháp nhằm thúc đẩy việc hỗ trợ phụ nữ tham gia chuyển đổi số.
Đặc biệt, Hội thảo tập trung cung cấp các thông tin quan trọng cả về lý luận và thực tiễn để Hội xây dựng Đề án hỗ trợ phụ nữ chuyển đổi số đến năm 2030 trình Chính phủ phê duyệt, góp phần thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia.


Tại không gian diễn ra chuỗi sự kiện Ngày hội Hành trình phụ nữ tham gia chuyển đổi số tại Trụ sở cơ quan Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (39 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, Tp Hà Nội), Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức triển lãm trưng bày 50 sản phẩm xuất sắc tham gia Cuộc thi và một số sản phẩm công nghệ của các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ khác.