Cuộc hội ngộ sau 54 năm “ở Việt Nam trong hòa bình”

Chia sẻ

PNTĐ-Giữ lời hẹn năm 1965 “một ngày nào đó sẽ gặp nhau ở Việt Nam, trong hòa bình”, nguyên Phó Chủ tịch Nước Nguyễn Thị Bình và nữ luật sư người Mỹ Nancy Hollander đã có cuộc gặp xúc động.

 
Giữ lời hẹn năm 1965 “một ngày nào đó sẽ gặp nhau ở Việt Nam, trong hòa bình”, nguyên Phó Chủ tịch Nước Nguyễn Thị Bình và nữ luật sư người Mỹ Nancy Hollander đã có cuộc gặp xúc động vào ngày 7/3/2019 tại Hà Nội.
 
Lời hẹn "sẽ gặp lại nhau khi hòa bình"
 
Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam vừa tổ chức buổi tiếp nhận hiện vật của luật sư Nancy Hollander - thành viên Phái đoàn Phụ nữ Hoa Kỳ tham gia cuộc gặp mặt với phụ nữ hai miền Nam, Bắc Việt Nam tại Jakarta, Indonesia năm 1965. Sự kiện cũng là dịp gặp gỡ sau 54 năm xa cách giữa nữ luật sư người Mỹ với những người bạn Việt Nam - là thành viên của Phái đoàn Phụ nữ Việt Nam trong cuộc gặp mặt tại Indonesia năm ấy, trong đó có trưởng đoàn - bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch Nước.
 
Hiện vật đầu tiên bà Nguyễn Thị Bình cầm lên xem là Bản Tuyên bố chung có chữ ký của 8 đại diện phái đoàn Phụ nữ Việt Nam và 10 đại diện phái đoàn Phụ nữ Mỹ tại cuộc gặp ở Indonesia. Bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch Nước xúc động: “Cảm ơn bà vì đã lưu lại tài liệu quý này và mang đến Việt Nam”.
 
Cơ duyên của cuộc gặp gỡ lần này đến từ năm 2018, nhân kỷ niệm 50 năm cuộc tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 tổ chức tại Hà Nội, một phái đoàn Mỹ sang Việt Nam gặp nguyên Phó Chủ tịch Nước Nguyễn Thị Bình.
 
Cuộc hội ngộ sau 54 năm “ở Việt Nam trong hòa bình” - ảnh 1
Nguyên Phó Chủ tịch Nước Nguyễn Thị Bình và bà Nancy Hollander gặp lại nhau sau 54 năm

 
Trong dịp này, nhà văn Mỹ Lady Borton, thành viên của phái đoàn, người dành nhiều năm nghiên cứu về lịch sử Việt Nam đã tặng cho mỗi người trong phái đoàn Mỹ cuốn sách “Nguyễn Thị Bình - gia đình, bạn bè và đất nước”. Đây là cuốn sách mà bà đã chọn dịch sang tiếng Anh. 
 
Trong phái đoàn có ông James W.Russell, sau khi nhận cuốn sách đã tìm thấy trong đó tấm hình một người bạn của ông chụp cùng với nguyên Phó Chủ tịch Nước Việt Nam ở Jakarta, Indonesia năm 1965. Người bạn đó chính là luật sư Nancy Hollander và ông James lập tức viết email cho bà Nancy. Họ cùng kết nối với nhau để hỏi thăm về người bạn chung là nguyên Phó Chủ tịch Nước Nguyễn Thị Bình.
 
Bà Nancy cho biết bà còn giữ một số tài liệu, hiện vật của phái đoàn Việt Nam mang đến hội nghị ở Jakarta năm 1965 và một số tài liệu gửi theo đường bưu điện, bà Nancy muốn tặng lại nhưng không biết tặng cho ai. Và bà Lady gợi ý hãy giao cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Bà Lady Borton đồng thời là người đã vận chuyển khối tài liệu, hiện vật này từ Mỹ sang Việt Nam, đồng hành với cán bộ của Bảo tàng bước đầu nghiên cứu, phân loại, lập danh mục, xác minh nội dung lịch sử của hiện vật, tư liệu.
 
Hàng trăm tài liệu quý được bà Nancy giữ cẩn thận suốt mấy chục năm qua. Dù đã chuyển nhà một vài lần, bà Nancy bỏ lại những thứ đồ đạc khác nhưng những tài liệu này bà nhất quyết mang theo. “Tôi tin rằng, một ngày nào đó, tôi sẽ đưa chúng trở về Việt Nam. Và tôi hy vọng những kỷ vật tôi mang theo đây có thể giúp mọi người hiểu thêm về một thời kỳ gian khổ mà Việt Nam đã trải qua để ngăn cản những điều tương tự tái diễn một lần nữa” - bà Nancy lý giải. 
 
Hé lộ những thông tin quan trọng
 
450 tài liệu hiện vật bao gồm thư từ, báo cáo, tạp chí… bà Nancy trao cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã hé lộ những thông tin quan trọng về cuộc ngoại giao nhân dân đầu tiên giữa Việt Nam và Mỹ thông qua nước thứ 3, được thực hiện bởi những người phụ nữ.
 
Sáng kiến cho buổi gặp mặt đến từ Tổ chức phụ nữ đấu tranh vì hòa bình (WSP) từ mùa thu năm 1961. Thực hiện nghị quyết tại hội nghị nhóm WSP ở thành phố Philadelphia, Mỹ vào tháng 11/1964, hai thành viên nữ của nhóm WSP, người đã tham dự buổi lễ kỷ niệm ngày kết thúc chiến tranh thế giới lần thứ 2, đã đề xuất cuộc gặp mặt giữa Đại sứ quán miền Bắc Việt Nam và các cơ quan của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Đề xuất đã được thông qua và kế hoạch được thực hiện bởi tình hình cấp bách của cuộc chiến tranh do Mỹ gây ra ở Việt Nam. 
 
Tại cuộc gặp, nhiều vấn đề được đưa ra thảo luận để sau cùng, 3 bên ra Tuyên bố chung, trong đó có đoạn viết: “Hiệp định Geneva cần được thực hiện ngay lập tức. Điều đó có nghĩa rằng quân đội Mỹ cần rút khỏi miền Nam Việt Nam, cuộc chiến ở miền Bắc Việt Nam phải được chấm dứt, và người dân Việt Nam được toàn quyền quyết định cuộc sống của họ mà không bị ép buộc bởi bất kỳ quốc gia nước ngoài nào… Là những người phụ nữ, chúng ta không thể ngơi nghỉ cho đến khi trẻ em Việt Nam và trẻ em Mỹ, tất cả trẻ em có thể tự do lớn lên trong nền hòa bình và an toàn”.
 
Sau 54 năm, từ cuộc gặp gỡ lịch sử tại Indonesia, vào dịp kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, những người phụ nữ yêu chuộng hòa bình của Việt Nam và Mỹ từng tham gia cuộc gặp gỡ ấy đã hội ngộ tại Việt Nam, trong thời bình. 
 
 
Bảo Anh

Tin cùng chuyên mục

Tổng Bí thư Trần Phú - Chiến sĩ Cộng sản kiên trung, bất khuất, ưu tú của dân tộc Việt Nam

Tổng Bí thư Trần Phú - Chiến sĩ Cộng sản kiên trung, bất khuất, ưu tú của dân tộc Việt Nam

(PNTĐ) - Nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh của Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024), tại thành phố Hà Tĩnh, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương và Tỉnh ủy Hà Tĩnh vừa tổ chức Hội thảo khoa học “Tổng Bí thư Trần Phú - Chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam”.
Đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng

Đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng

(PNTĐ) - Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Trần Phú ngời sáng một nhân cách lớn, một tấm gương chiến đấu và hy sinh trọn đời cho đất nước và nhân dân. Nhân cách ấy được hình thành và hun đúc nên từ một gia đình yêu nước, một quê hương giàu truyền thống cách mạng, một dân tộc anh hùng. Chính từ truyền thống của quê hương, gia đình và thời đại lịch sử đã tạo nên Trần Phú - Người chiến sỹ cách mạng, lãnh tụ vẻ vang của Đảng và dân tộc.
Không khí linh thiêng ngày chính lễ Giỗ Tổ Hùng Vương

Không khí linh thiêng ngày chính lễ Giỗ Tổ Hùng Vương

(PNTĐ) - Sáng sớm 18/4, mặc dù trời mưa lớn nhưng từ khắp các ngả đường, dòng người đông đúc tiến về Khu di tích lịch sử đặc biệt Quốc gia Đền Hùng, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ để dự Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng, mùng 10/3 âm lịch.
Tăng cường tần suất công tác thông tin, tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

Tăng cường tần suất công tác thông tin, tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

(PNTĐ) - Việc triển khai các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô được thực hiện với tinh thần chủ động, đổi mới, sáng tạo. Các hoạt động hướng về cơ sở, bắt đầu từ cơ sở, làm tốt công tác chăm lo đời sống, văn hóa tinh thần của người dân, chăm lo cơ sở vật chất đối với người có công, đặc biệt là các gia đình khó khăn về nhà ở. Bên cạnh đó, các cơ quan, địa phương tập trung bảo đảm an sinh, xã hội, đầu tư cơ sở hạ tầng (giáo dục, y tế, giao thông, văn hóa…).