Điều chỉnh giá nước sạch: Việc cần thiết và phù hợp

VÂN NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) - 10 năm qua (2023-2023), trong khi các chi phí cấu thành giá nước sạch sinh hoạt cơ bản đều tăng thì giá bán nước sạch chưa tăng. Nước sạch sinh hoạt là một trong những nhu cầu thiết yếu và tăng mạnh khi dân số gia tăng. Việc khai thác nguồn nước ngầm đang từng bước được chuyển sang sử dụng nguồn nước mặt cũng kéo theo các chi phí sản xuất tăng.

Điều chỉnh giá nước sạch: Việc cần thiết và phù hợp - ảnh 1
Nhiều gia đình ở xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn chưa có nước sạch, phải mua nước về sinh hoạt hằng ngày

Chuyển dần khai thác ngầm sang nước mặt

Tốc độ đô thị hóa, dân số tăng nhanh do sự gia tăng cơ học, đời sống của người dân Thủ đô được nâng cao cho nên yêu cầu về sản lượng và chất lượng nước sạch tăng theo. Nhằm đảm bảo cung cấp đủ nước sạch phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh của nhân dân, thời gian qua, UBND TP Hà Nội rất quan tâm đến chủ trương xã hội hóa phát triển hệ thống cấp nước.

Hệ thống sản xuất và phân phối nước sạch sinh hoạt trên địa bàn thành phố được đầu tư bằng nhiều nguồn vốn, như: Ngân sách nhà nước, vốn của doanh nghiệp nhà nước, nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách. Hệ thống đã đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về nước sạch, khắc phục cơ bản tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt của những năm trước. Nguồn nước sạch cũng đang từng bước chuyển từ khai khác nguồn nước ngầm sang sử dụng nguồn nước mặt, từng bước đảm bảo nguồn cung và nâng cao chất lượng nước sạch.

Tuy nhiên hiện nay, việc khai thác nguồn nước ngầm bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, do đó, tại Quyết định số 554/QĐ-TTg ngày 6/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó quan điểm lập điều chỉnh quy hoạch là ưu tiên nguồn nước mặt, khai thác hợp lý nguồn nước ngầm.

Vì vậy, UBND thành phố Hà Nội đã chủ trương bổ sung đơn vị cấp nguồn là Dự án nhà máy nước mặt sông Đà, Dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống, Dự án Nhà máy nước mặt sông Hồng. Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội đã đầu tư cải tạo chuyển đổi Nhà máy nước Bắc Thăng Long Vân Trì từ sản xuất nước ngầm sang lưu thông nước mặt.

Trong 4 dự án thì Dự án Nhà máy nước mặt sông Đà đã triển khai cấp nước từ năm 2009 để cấp nguồn nước cho khu vực phía Tây Hà Nội, đến nay dự án đã nâng công suất từ 220.000 m3/ngày đêm lên 300.000 m3/ngày đêm; dự án Nhà máy nước Bắc Thăng Long Vân Trì đã đi vào hoạt động với công suất đạt 150.000 m3/ngày đêm; dự án Nhà máy nước mặt sông Hồng hiện trong giai đoạn triển khai dự án.

Từ tháng 1/2019, Dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống đã đi vào hoạt động và bổ sung nguồn cấp cho Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội, Công ty Cổ phần Nước sạch số 2 Hà Nội và Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông, đến nay Dự án đã hoàn thành phân kỳ 2 giai đoạn 1 với công suất đạt 300.000 m3/ngày đêm.

Với 3 nhà máy sản xuất nước sạch từ nguồn nước mặt thì công suất đến thời điểm năm 2022 đạt 750.000 m3/ngày đêm, chiếm 49% sản lượng nước sạch cung cấp cho thành phố. Như vậy, việc bổ sung nguồn nước mặt sông Đuống, sông Đà, sông Hồng vào hệ thống cấp nước của các đơn vị lưu thông để cấp nước cho thành phố sẽ thực hiện theo lộ trình giảm dần lượng khai thác nước ngầm theo quy hoạch.

Như vậy, cơ cấu nguồn nước mặt tăng lên để bổ sung nguồn cấp cho các đơn vị, giảm khai thác và dần thay thế nguồn nước ngầm không đảm bảo chất lượng. Điều đó sẽ dẫn đến giá thành sản xuất và lưu thông nước sạch tăng do chi phí sản xuất nước mặt cao hơn chi phí sản xuất nước ngầm, làm giá thành sản xuất nước sạch tăng.

Điều chỉnh giá, mỗi hộ chi thêm khoảng 15.270 đồng/tháng

Điều chỉnh giá nước sạch: Việc cần thiết và phù hợp - ảnh 2
Nhiều gia đình ở xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn phải chi phí hơn 1 triệu đồng mỗi tháng để mua từng thùng nước về sinh hoạt

Trong khi 10 năm nay giá bán nước sạch vẫn chưa được điều chỉnh thì các chi phí cấu thành giá nước sạch cơ bản đều tăng, như: Tiền lương tối thiểu vùng tăng từ 2.350.000 đồng/tháng (năm 2013) lên 4.680.000 đồng/tháng (bằng 199,14%), mức lương cơ sở tăng từ 1.150.000 đ/tháng lên 1.490.000 đ/người/tháng (bằng 129,56 %). Chi phí điện năng tăng, giá điện bình quân từ 1.437 lên 1.864 đồng/kwh (tăng 129,7%).

Cùng với các loại thuế, phí điều chỉnh tăng trong 10 năm qua như thuế Tài nguyên, cụ thể năm 2013 thuế tài nguyên khai thác nước ngầm quy định là 3% đến nay là 5%.

Chất lượng nước tại các nhà máy sản xuất nước ngầm, nước mặt của Hà Nội đều đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Bộ Y tế. Tuy nhiên, quá trình lưu thông được vận hành trên mạng lưới, đường ống, qua các bể chứa, trạm bơm đến các khu dân cư cũ như Thành Công (Ba Đình); Thanh Xuân Bắc (Thanh Xuân)… có hệ thống đường ống cấp nước được lắp đặt từ vài chục năm trước đã hư hỏng, xuống cấp. Vì vậy, nguồn nước sạch cấp đến các khu vực này thường có tỷ lệ thất thoát và nguy cơ không đảm bảo chất lượng.

Còn tại nhiều khu đô thị, chung cư cao tầng, do mạng lưới nội bộ được các chủ đầu tư tự thi công, đơn vị cung cấp nước sạch chỉ có nhiệm vụ đấu nối đến hàng rào. Nhiều khu vực mạng nội bộ không được đầu tư đúng mức, không đủ công suất cấp đến toàn bộ dân cư, hoặc bể chứa, trạm bơm không được vận hành, duy tu, duy trì theo quy trình kỹ thuật chặt chẽ, dẫn đến ô nhiễm nước sinh hoạt.

Trên cơ sở đó, dự thảo phương án điều chỉnh giá nước sạch sinh hoạt trên địa bàn thành phố đã thực hiện đúng quy định về xây dựng phương án giá, lộ trình điều chỉnh giá phù hợp với quy định, đảm bảo sự đồng thuận của các doanh nghiệp, hạn chế ảnh hưởng tới người dân và đối tượng sử dụng nước sạch có liên quan. Cần có chính sách chỉ đạo kiểm tra chất lượng nước sạch và cơ chế hỗ trợ người dân thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách.

Sở Tài chính đang chủ trì cùng các Sở, ngành và doanh nghiệp xây dựng phương án điều chỉnh giá nước sạch sinh hoạt trên địa bàn thành phố.

Dự kiến lộ trình áp dụng trong năm 2023 và năm 2024, mức giá dự kiến tăng hàng năm được áp dụng cho các nhóm khách hàng: Hộ dân cư; Cơ quan hành chính sự nghiệp; đơn vị sự nghiệp, phục vụ công ích; doanh nghiệp sản xuất kinh doanh dịch vụ.

Trong đó dự kiến, đối với các hộ dân cư với nhu cầu tiêu dùng nước thực tế tại Hà Nội ở khu vực nội thành đang ở mức đến 10m3 thì số tiền phải chi thêm khoảng 15.270 đồng/tháng.

Đối với các nhóm khách hàng có hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ thì mức giá nước tăng khoảng 20%, chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trên tổng chi phí.

Tại dự thảo phương án giá nước sạch đã đánh giá các tác động của việc điều chỉnh giá nước sạch đối với các đối tượng sử dụng, trong đó việc điều chỉnh giá nước sạch xuất phát từ những nhu cầu thực tiễn, phù hợp với chủ trương của nhà nước về đẩy mạnh công tác quản lý cấp nước và tiêu thụ nước sạch và chủ trương xã hội hóa công tác sản xuất kinh doanh nước sạch.

Tính toán của liên ngành, phương án điều chỉnh giá nước nếu tính đến tác động đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) thì tăng khoảng 0,17%, không tác động lớn đến giá các loại hàng hóa, dịch vụ có liên quan.

Như vậy, việc xây dựng phương án điều chỉnh giá nước sạch sinh hoạt trên địa bàn thành phố hiện nay là cần thiết, phù hợp với quy định của pháp luật, phù hợp với yêu cầu thực tế, khuyến khích sử dụng nước sạch tiết kiệm và chủ trương của nhà nước trong việc quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh nước sạch.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp với trọng tâm thảo luận về kinh tế số

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp với trọng tâm thảo luận về kinh tế số

(PNTĐ) - Sáng nay 24/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (Ủy ban), chủ trì phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban, với trọng tâm thảo luận về kinh tế số. Phiên họp kết nối trực tuyến toàn quốc từ trụ sở Chính phủ tới trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tổng Thư ký ASEAN: Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực

Tổng Thư ký ASEAN: Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực

(PNTĐ) - Trong khuôn khổ Diễn đàn Tương lai ASEAN, Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn khẳng định, Việt Nam có tầm nhìn xa, trông rộng và với vị thế là thành viên chủ chốt của ASEAN, Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực, Diễn đàn Tương lai ASEAN có thể phát huy vai trò tiên phong trên nhiều cấp độ.