Giao lưu trực tuyến “Huyền thoại Trường Sơn” và cuộc gặp gỡ của những “bông hồng thép”
(PNTĐ) - Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) và 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2025), 8h30 ngày 24/4/2025, Hội LHPN thành phố Hà Nội và Báo Phụ nữ Thủ đô tổ chức Chương trình giao lưu “Huyền thoại Trường Sơn” gặp mặt các nhân chứng lịch sử gồm: Đại đội nữ lái xe Trường Sơn, nữ cựu thanh niên xung phong và vợ thương binh nặng tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước”.
Đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, anh hùng cách mạng của phụ nữ Việt Nam; tôn vinh, tri ân những đóng góp to lớn của phụ nữ trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Chương trình được tổ chức trang trọng, ý nghĩa, trực tiếp tại Hội trường trụ sở Hội LHPN Hà Nội (số 7 Tôn Thất Thuyết, Cầu Giấy) và trực tuyến trên báo Phụ nữ Thủ đô điện tử tại địa chỉ: Http://baophunuthudo.vn và fanpage Hội LHPN thành phố Hà Nội.
Tham dự trực tiếp chương trình có gần 100 đại biểu là lãnh đạo Trung ương và Thành phố: Hội LHPN Việt Nam; Ban Phụ nữ Quân đội, Tổng Cục chính trị QĐND Việt Nam; Lãnh đạo Thành uỷ, HĐND, UBND thành phố Hà Nội; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố; Hội Cựu chiến binh Thành phố Hà Nội; Cục chính trị Bộ Tư lệnh Thủ đô; Hội Trường Sơn đường Hồ Chí Minh thành phố Hà Nội; Đại đội nữ lái xe Trường Sơn; đại diện vợ thương binh nặng tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước; Lãnh đạo Hội LHPN các quận, huyện và đơn vị trực thuộc trên địa bàn Thành phố.
Cách đây tròn 50 năm, ngày 30/4/1975, đại thắng mùa xuân đã làm thất bại hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược và ách thống trị thực dân mới của đế quốc Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, kết thúc vẻ vang cuộc chiến tranh cứu nước lâu dài nhất, khó khăn nhất và vĩ đại nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của nhân dân ta. Từ đây, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tập trung sức lực và trí tuệ hàn gắn vết thương chiến tranh xây dựng cuộc sống mới; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Chiến thắng lịch sử 30/4/1975 không chỉ là thành quả của ý chí quật cường, tinh thần chiến đấu quả cảm, anh dũng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, mà còn là biểu tượng của lòng yêu nước bất diệt, trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam; là sự hi sinh to lớn của hàng triệu người con ưu tú của dân tộc từ Bắc chí Nam, trong đó có những người phụ nữ Việt Nam giàu đức hy sinh, anh dũng, ngoan cường, quả cảm trong chiến đấu.

Trung đội nữ lái xe Trường Sơn huyền thoại. Ảnh tư liệu
Với ý nghĩa đó, Chương trình đã trân trọng mời 7 nhân chứng lịch sử tiêu biểu, là nữ chiến sĩ lái xe Trường Sơn, cựu thanh niên xung phong, vợ thương binh, liệt sĩ - những người đã trực tiếp tham gia chiến đấu trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại và đã bỏ một phần xương máu nơi chiến trường, góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại 30/4/1975.
Đó là Trung tá Nguyễn Thị Hòa, nguyên chính trị viên Đội lái xe, Trưởng ban liên lạc Đại đội nữ lái xe Trường sơn; bà Bùi Thị Vân - người từng được ví là Hoa khôi của Đại đội nữ lái xe Trường Sơn huyền thoại. Đây là 2 trong số 45 nữ chiến sĩ lái xe Trường Sơn, đại đội nữ lái xe duy nhất của Quân đội Nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, được thành lập ngày 18/12/1968 với nhiệm vụ vận chuyển bộ đội, vũ khí, trang bị, hậu cần - kỹ thuật ra chiến trường và chuyển thương binh nặng về tuyến sau qua những trọng điểm đánh phá ác liệt của Không quân Mỹ.
Là bà Hoàng Thị Kim Vinh, cựu thanh niên xung phong, vợ liệt sĩ, người đã để lại con thơ để dấn thân vào tuyến lửa. Bà đại diện cho những tấm gương sáng ngời của lớp lớp thanh niên Việt Nam, những người không tiếc tuổi thanh xuân, máu xương vì hòa bình, độc lập của Tổ quốc.
Là tấm gương của các bà Đào Thị Thạc, vợ thương binh nặng 1/4 Lê Đức Thuận, hiện là Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân; là bà Phan Thị Kim Song, vợ thương binh nặng Cao Văn Thành... đại diện cho những phụ nữ Hà Nội giản dị, nhưng giàu đức hi sinh, nghị lực, tình nguyện kết duyên với thương binh trở về từ cuộc chiến để được chăm sóc, đem lại hạnh phúc, bù đắp những tổn thương mà chiến tranh gây ra cho những người lính. Chương trình cũng có sự hiện diện của thương binh nặng Cao Văn Thành để nghe ông chia sẻ về những dấu ấn không phai mờ trong chiến tranh và tình cảm trân trọng ông dành cho người bạn đời tần tảo của mình.
Đó cũng là nhân chứng lịch sử như Đại tá, nhà văn Vũ Thị Hồng, nguyên là phóng viên Tạp chí Văn nghệ quân giải phóng Trung Trung Bộ thời kháng chiến chống Mỹ, nguyên Trưởng ban Công tác phụ nữ quân đội đầu tiên. Bà đã dùng ngòi bút của mình để viết về chiến tranh với những đau thương, mất mát nhưng vượt lên tất cả chính là lối sống cao đẹp, dám hy sinh cho lý tưởng cách mạng của những thanh niên cùng thế hệ.
Trong không khí xúc động, hào hùng, vẹn nghĩa tri ân, chương trình đã đưa người nghe đến với những chiến công hiển hách của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đồng thời càng thêm trân trọng những mất mát, hy sinh, khắc ghi những đóng góp to lớn của thế hệ cha anh, trong đó có những người tượng đài phụ nữ Việt Nam bình dị mà phi thường, can trường, quả cảm trong chiến đấu và dựng xây đất nước trong thời bình, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.
- 24/04/2025 08:00
Từ 8h sáng, các đại biểu là những nữ cựu chiến sĩ lái xe Trường Sơn trong Đại đội nữ lái xe Trường Sơn, cựu thanh niên xung phong và các cô, các bác là mẹ, vợ liệt sĩ… cùng đông đảo cán bộ, hội viên phụ nữ Hội LHPN TP Hà Nội đã có mặt ở hội trường để tham gia chương trình giao lưu, gặp gỡ “Huyền thoại Trường Sơn”.
Những nữ cựu chiến sĩ thuộc Đại đội nữ lái xe Trường Sơn - tiền thân là Trung đội lái xe Nguyễn Thị Hạnh đã có mặt từ sớm tại chương trình.Vợ chồng cô Phan Thị Kim Song và chú Cao Văn Thành - thương binh nặng tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Cô Song đã chờ đợi chú Thành suốt những tháng năm chiến tranh đến khi chú trở về thì bị thương nặng, mù hai mắt, nhưng cô vẫn ở bên cạnh cùng chú đắp xây cuộc sống hạnh phúc bền bỉ.
- 24/04/2025 08:30
Cách đây tròn 50 năm, ngày 30/4/1975 đã trở thành một dấu mốc thiêng liêng – ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước trọn niềm vui thống nhất. Đó không chỉ là chiến thắng của quân và dân ta, mà còn là bản hùng ca bất diệt của lòng yêu nước, của ý chí quật cường và khát vọng độc lập - tự do của cả dân tộc Việt Nam. Âm hưởng của ngày toàn thắng ấy vẫn vang vọng mãi trong tim mỗi người con đất Việt - như một niềm tự hào, một lời nhắc nhở thiêng liêng để chúng ta hôm nay phải sống xứng đáng với quá khứ hào hùng và dựng xây tương lai đất nước tươi sáng hơn.
Các đại biểu tham gia chương trình.Trong bản anh hùng ca bất diệt, trong âm hưởng của ngày toàn thắng vang vọng mãi của dân tộc ấy, chúng ta luôn khắc ghi hình ảnh của những người phụ nữ Việt Nam cả ở tiền tuyến và hậu phương, đã góp phần viết nên những trang sử hào hùng bằng tất cả lòng quả cảm, sự hy sinh thầm lặng và tình yêu đất nước mãnh liệt. Họ không chỉ là những chiến sĩ kiên cường nơi tuyến lửa – là y tá, là giao liên, là người lái xe băng qua bom đạn, mở đường, gùi hàng, tải đạn..., mà còn là hậu phương vững chắc cho lớp lớp thế hệ người lính vững vàng chiến đấu nơi tuyến đầu Tổ quốc và cả khi trở về mang theo vết tích chiến tranh trong thân thể.
Mở đầu chương trình là các tiết mục văn nghệ đặc sắc của đến từ các bạn sinh viên Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam biểu diễn, tái hiện lại những trang sử hào hùng của dân tộc, những chiến công oanh liệt của quân và dân ta trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc, đồng thời khơi dậy trách nhiệm và tình yêu quê hương, đất nước trong mỗi chúng ta. Với các tiết mục:
“Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây”. Sáng tác: nhạc sỹ Hoàng Hiệp. Biểu diễn: Song ca Giải 3 Giọng hát hay Hà Nội Ngọc Lâm, Ánh Tuyết.
“Bài ca thống nhất”. Sáng tác: nhạc sỹ Võ Văn Di. Biểu diễn: Đơn ca Đinh Bảo Ngọc
“Đất nước trọn niềm vui”. Sáng tác: nhạc sỹ Hoàng Hà. Biểu diễn: Tam ca - Ngọc Lâm, Ánh Tuyết, Đinh Bảo Ngọc
Các tiết mục đặc sắc tại chương trình. - 24/04/2025 08:40
Tham dự chương trình giao lưu trực tuyến “Huyền thoại Trường Sơn” hôm nay có các đồng chí: Nguyễn Thị Kim Dung, Trưởng Ban Tuyên giáo, Trung ương Hội LHPN Việt Nam; bà Đặng Thị Phương Hoa, Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội; bà Nguyễn Kim Lan, Phó phòng đoàn thể và các Hội, Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành uỷ Hà Nội; ông Kiều Thanh Hùng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo thành phố Hà Nội; bà Hoàng Thị Thanh Thuỷ, Phó trưởng phòng Người có công Sở Nội vụ thành phố Hà Nội, bà Ngô Thị Tuyết, Phó Chủ tịch Hội Trường Sơn đường Hồ Chí Minh thành phố Hà Nội, bà Kim Thị Oanh, Quản lý Kinh doanh khu vực Vùng Hà Nội, công ty Dầu thực vật Trường An.
Bà Lê Kim Anh, Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Thành uỷ viên, Chủ tịch Hội LHPN thành phố Hà Nội.Về phía Hội LHPN Hà Nội có bà Lê Kim Anh, Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Thành uỷ viên, Chủ tịch Hội LHPN thành phố Hà Nội; bà Phạm Thị Thanh Hương, Uỷ viên BCH Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN thành phố Hà Nội; bà Lê Quỳnh Trang, Ủy viên Ban Thường vụ Hội LHPN thành phố Hà Nội, Tổng Biên tập Báo Phụ nữ Thủ đô.
Các đại biểu lãnh đạo Trung ương và Hà Nội tham dự chương trình.Tham dự chương trình còn có các đồng chí đại diện lãnh đạo các ban Hội LHPN Việt Nam; các sở, ngành, MTTQ và tổ chức chính trị - xã hội Thành phố; đại diện lãnh đạo Hội Nhà báo Thành phố, lãnh đạo các cơ quan báo chí của Thành phố; đại diện lãnh đạo các ban, đơn vị trực thuộc Hội LHPN Hà Nội; đại diện nhà tài trợ, đại diện lãnh đạo Hội LHPN một số quận, huyện thành phố Hà Nội...
Các nhân chứng lịch sử là những nữ chiến sĩ lái xe Trường Sơn tham dự chương trình.Đặc biệt, chương trình có sự tham gia của các bác, các cô - những nhân chứng lịch sử: đó là các nữ chiến sĩ thuộc Đại đội nữ lái xe Trường Sơn, các nữ cựu thanh niên xung phong - những người đã từng sống, chiến đấu tại các cung đường Trường Sơn huyền thoại, các bác, các cô là vợ thương binh nặng và cán bộ Hội cơ sở thuộc gia đình chính sách tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
- 24/04/2025 08:50
Đồng chí Lê Kim Anh Ủy viên Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Thành ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội khai mạc chương trình giao lưu.
Khẳng định giá trị lịch sử thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đồng chí Lê Kim Anh nhấn mạnh: Cách đây tròn 50 năm, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã đi đến thắng lợi cuối cùng, miền Nam được hoàn toàn giải phóng, non sông thu về một mối. Ngày 30/4/1975 đã đi vào lịch sử dân tộc, ghi một mốc son huy hoàng, mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do, thống nhất đất nước, vững bước trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Chiến thắng lịch sử 30/4/1975 không chỉ là thành quả của ý chí quật cường, tinh thần chiến đấu quả cảm, anh dũng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, mà còn là biểu tượng của lòng yêu nước bất diệt, trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam; là sự hi sinh to lớn của hàng triệu người dân yêu nước từ Bắc chí Nam, trong đó có những người phụ nữ Việt Nam “Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang”.
Đồng chí Lê Kim Anh, Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội phát biểu khai mạc chương trình giao lưu "Huyền thoại Trường Sơn".Đồng chí Lê Kim Anh cho biết: Chương trình giao lưu “Huyền thoại Trường Sơn là một trong những hoạt động giáo dục truyền thống thiết thực của Hội LHPN Hà Nội chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Chương trình là lời tri ân gửi tới những người phụ nữ đã góp phần làm nên “Huyền thoại Trường Sơn”. Đó là những nữ chiến sĩ thuộc Trung đội nữ lái xe mang tên anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Thị Hạnh (sau là Đại đội nữ lái xe Trường Sơn C13) - đại đội nữ lái xe duy nhất của Quân đội Nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước; là một biểu tượng sống động về tinh thần anh hùng, bất khuất của người phụ nữ Việt Nam, đồng thời cũng là nét độc đáo, sáng tạo của nghệ thuật quân sự Việt Nam.
Đó là những đại biểu nữ cựu thanh niên xung phong - những người con gái Hà Nội mảnh mai năm xưa, sục sôi nhiệt huyết, xếp lại bút nghiên, rời xa gia đình, tình nguyện tham gia các đơn vị thanh niên xung phong của Thủ đô, dấn thân vào “tuyến lửa”, chẳng ngại gian khổ, hi sinh, dâng hiến tuổi xuân, cùng quân và dân “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, đóng góp vào thắng lợi chung của cả dân tộc.
Các đại biểu xúc động tại chương trình giao lưu.Chương trình giao lưu còn xúc động cùng gặp gỡ “Điểm tựa hạnh phúc” của các bác, các chú, các anh thương binh nặng trở về từ các chiến trường. Đó chính là những người vợ kiên cường, mạnh mẽ với những hi sinh thầm lặng, vượt qua biết bao khó khăn, vất vả để chăm sóc, động viên chồng vượt qua nỗi đau, di chứng chiến tranh, cùng nhau xây dựng tổ ấm gia đình, tiếp tục có đóng góp trân quý cho cộng đồng, viết tiếp bản anh hùng ca thầm lặng, tiếp nối tinh thần Trường Sơn trong cuộc sống đời thường
Nhân dịp này, đồng chí Lê Kim Anh Ủy viên Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Thành ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội bày tỏ niềm tự hào và trân trọng gửi lời tri ân các Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, các đồng chí cựu chiến binh, thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với đất nước đã có những cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, cho độc lập, tự do của dân tộc, thống nhất đất nước, đặc biệt là các nữ cựu chiến sĩ Đại đội nữ lái xe Trường Sơn, nữ cựu thanh niên xung phong, các mẹ/vợ liệt sĩ, nữ thương binh, vợ thương binh tham gia chương trình.
Các nữ cựu chiến sĩ Đại đội nữ lái xe Trường Sơn hòa cùng lời ca tại chương trình giao lưu."Noi gương những thế hệ đi trước, các tầng lớp phụ nữ và các cấp Hội phụ nữ Hà Nội đã không ngừng nỗ lực vươn lên trong học tập, lao động, sản xuất và công tác, luôn coi trọng thực hiện tốt các hoạt động đền ơn đáp nghĩa và công tác hậu phương quân đội, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô. Từ dấu mốc 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước hôm nay, các cấp Hội và Phụ nữ toàn Thành phố sẽ tiếp tục rèn luyện, phấn đấu, không ngừng phát huy truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, của Hà Nội anh hùng, hăng hái tham gia xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại, cuộc sống của nhân dân ngày càng phồn vinh, hạnh phúc, đóng góp vào sự phát triển thịnh vượng của đất nước trong kỷ nguyên mới", đồng chí Lê Kim Anh xúc động nhấn mạnh.
- 24/04/2025 09:00
GIAO LƯU VỚI ĐẠI ĐỘI NỮ LÁI XE TRƯỜNG SƠN VÀ NỮ CỰU THANH NIÊN XUNG PHONG
Chương trình bắt đầu giao lưu với: Trung tá Nguyễn Thị Hòa, nguyên chính trị viên Đội lái xe, Trưởng ban liên lạc Đại đội nữ lái xe Trường Sơn; bà Bùi Thị Vân - người từng được ví là Hoa khôi của Đại đội nữ lái xe Trường Sơn huyền thoại: Hoàng Thị Kim Vinh – nữ cựu thanh niên xung phong, vợ liệt sĩ, người đã để lại con thơ để dấn thân vào tuyến lửa.
Đây là những gương mặt tiêu biểu của Đại đội nữ lái xe Trường Sơn huyền thoại – những người từng cầm lái giữa bom đạn, vượt dốc, băng rừng để tiếp lửa cho chiến trường và đại diện một nữ cựu thanh niên xung phong dũng cảm, người đã rời xa mái ấm và con thơ để xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước.
Ba người phụ nữ – ba hành trình khác nhau nhưng cùng viết nên một khúc tráng ca rực rỡ của lòng yêu nước, của khí phách và tình người giữa những năm tháng kháng chiến đầy gian khổ.
Chương trình bắt đầu giao lưu với Trung tá Nguyễn Thị Hòa, nguyên chính trị viên Đội lái xe, Trưởng ban liên lạc Đại đội nữ lái xe Trường Sơn; bà Bùi Thị Vân - người từng được ví là Hoa khôi của Đại đội nữ lái xe Trường Sơn huyền thoại: Hoàng Thị Kim Vinh – nữ cựu thanh niên xung phong, vợ liệt sĩ, người đã để lại con thơ để dấn thân vào tuyến lửa.Học 45 ngày là ra nhận xe lái vào chiến trường
MC: Kính thưa bà Nguyễn Thị Hòa, được biết, từ ngày thành lập cho đến năm 1975, Trung đội “tóc dài” lái xe Trường Sơn đã hoàn thành hàng nghìn chuyến xe – vận chuyển hàng vạn tấn hàng hóa, hàng trăm ngàn lượt bộ đội và thương binh vào Nam, ra Bắc. Trên những chuyến xe đó, các cô vừa là “thợ lái”, vừa là hộ lý, khiêng cáng thương binh,... không quản ngại bất cứ việc gì. Chỉ nghe kể thôi đã thấy các bà thật phi thường. Khi đọc tư liệu, cháu còn được biết các bà ngày ấy không hề “vạm vỡ”, nhiều người thấp nhỏ, không thuận tiện cho việc lái xe, nhưng các bà đã vượt lên mọi sự khó khăn, cản trở đó để hoàn thành nhiệm vụ. Bà có kỷ niệm nào sâu sắc nhất trên những chuyến đi bà có thể chia sẻ với khán giả không ạ?
Bà Nguyễn Thị Hòa, nguyên Chính trị viên Đội lái xe, Trưởng ban liên lạc Đại đội nữ lái xe Trường Sơn.Bà Nguyễn Thị Hòa: Hôm nay, tôi rất cảm động, giờ phút này tôi tự hào biết rằng cả nước biết đến và yêu thương chị em chúng tôi. Tôi nguyên là Bí thư Chi bộ, Chính trị viên Đại đội nữ lái xe Trường Sơn. Ngày đó, cán bộ chính trị rất ít người biết chuyên môn, thời gian đầu tôi chưa biết lái xe, sau này, tôi đã học lái xe từ các chị em.
Những cung đường nào nơi chị em lái xe đến, Bộ Tư lệnh Công binh đánh dấu để có phương án bảo vệ. Trong 45 chị em có 40 lái xe, 5 thợ sửa. Chị em chúng tôi làm nhiệm vụ chỉ học có 45 ngày là ra lái. Thế là từ năm 1968, có đôi bàn tay con gái lái xe vòm. Đến cuối năm 1968, chiến tranh rất ác liệt, chúng tôi bắt đầu tham gia vào chiến dịch. Lái xe, chị nào giỏi thì 1 người 1 xe, chị nào còn yếu thì 2 người 1 xe.
Trên đường đi chiến trận, nam giới đã vất vả, nữ giới thì vất vả đến như thế nào. Ngày nghỉ, đêm đi, đường nhiều hố bom. Chúng tôi phân công nhau, chị em khoẻ thì đi, yếu thì ở nhà làm lốp, làm nhíp.
Trên tuyến đường Trường Sơn, trọng điểm 050 ở Quảng Bình, xe chúng tôi có tiểu đội 4 chị đi trước. Trước khi đi còn làm lễ truy điệu chết trước. Đợt đầu đó ,chúng tôi đã có 2 chuyến xe trót lọt. Các chị em ngày xưa bé bỏng, lực lượng rất mỏng nhưng nhiệt huyết.
Bà Nguyễn Thị Hòa, nguyên Chính trị viên Đội lái xe, Trưởng ban liên lạc Đại đội nữ lái xe Trường Sơn giao lưu tại chương trình.Chúng tôi có nhiều chuyện khi về đời thường. Sau giải phóng, năm 1975, chúng tôi còn có 36 chị, thì 19 chị là thương binh, 1 chị là chất độc da cam, 18 chị lấy chồng, 1 chị lấy chồng không có con, 2 chị đến giờ chưa có chồng. Về xuất ngũ phục viên, chị em không được chế độ hưu nên chị em rất khổ.
Sau này, khi báo chí đưa lên, cả nước biết đến, câu chuyện về Đại đội nữ lái xe Trường Sơn được viết thành sách, được xuất bản song ngữ. Chị em chúng tôi vẫn gắn bó và rất yêu thương nhau.
MC: Xin cảm ơn bà Hòa. Và bây giờ, xin mời quý vị cùng gặp gỡ bà Bùi Thị Vân, người từng được ví là “Hoa khôi” của Trung đội nữ lái xe Trường Sơn.
Thưa bà, trước khi vào đội lái xe, bà đã nổi tiếng là "trốn nhà đi bộ đội" từ năm 16 tuổi. Vậy điều gì khiến cô quyết định dấn thân vào đội nữ lái xe - một nhiệm vụ gian nan và đầy hiểm nguy như vậy? Khi xung phong nhận nhiệm vụ, cô có hình dung được hết những thử thách phía trước không? Và khi bước vào thực tế chiến đấu, những gian khó ấy có vượt xa những gì cô từng nghĩ
Bà Bùi Thị Vân tham gia giao lưu.
Bà Bùi Thị Vân trả lời: Tôi năm nay 80 tuổi. Năm 1965, khi Mỹ đánh phá rất ác liệt, lúc ấy tôi mới tròn 16 tuổi. Tôi nghĩ phải làm gì đó dù nhỏ bé để đánh Mỹ cứu nước. Thế là tôi trốn bố mẹ, tình nguyện đi thanh niên xung phong. Tham gia TNXP, tôi đi làm đường, làm sân bay, san lấp hố bom. Với sự nỗ lực của mình, năm 1966, tôi được kết nạp Đoàn, năm 1967 thì được kết nạp Đảng, năm 1968 trở thành Đảng viên chính thức. 3 năm liền, tôi đều là Chiến sĩ thi đua của đơn vị.
Những năm phấn đấu ở thanh niên xung phong, năm 1968, đơn vị chuyển chúng tôi sang bộ đội. Vào đến trạm 12, trực thuộc Bộ Tư lệnh 559 thì được lệnh chọn một số nữ có sức khỏe, nhanh nhẹn sang lái xe. Tôi biết tin mà rất phấn khởi, tình nguyện ở lại học lái xe. Binh trạm chọn một số anh có tay lái vững, đưa chúng tôi ra sân bay Nam đàn, Nghệ an học. Chị em chúng tôi, người thì bé, xe thì to, ngồi lọt thỏm trong xe, ban đầu cùng sợ. Nhưng rồi cũng tìm ra ngay được cách khắc phục, gấp cái chăn ngồi xuống dưới, lấy cái can xăng 20 lít để dựa vào sau.
Sau 45 ngày học vất vả, chủ yếu chúng tôi học tay lái và sửa chữa, còn luật thì tự học. Học xong 45 ngày, mỗi chị em được cấp một giấy phép lái xe tạm thời. Sau đó về binh trạm, binh trạm đặt cho chị em cái tên đơn vị nữ lái xe Nguyễn Thị Hạnh. Đi vào hoạt động, chúng tôi chở hàng hóa vào chiến trường, đưa thương bệnh binh ra Bắc chữa trị.
Nhận nhiệm vụ, ngoài việc lái xe, chúng tôi còn là người bốc vác. Rồi khi chở thương binh thì chúng tôi làm hộ lý dịu hiền để đưa các anh về trạm điều dưỡng. Năm tháng vất vả, nhưng chị em đều quyết tâm và nỗ lực, chúng tôi thường nói công việc này của nam giới nhưng chị em quyết tâm thì cũng gánh vác, cũng làm được.
MC: Thưa bà, bà cũng là một trong những nữ chiến sĩ đã gặp được ý trung nhân của mình trên chặng đường chiến đấu, trên những chuyến xe mà cô vững tay lái. Tuy nhiên, hồi đó, quân đội có kỷ luật phải: Khoan yêu, khoan lấy; khoan sinh con, cô đã kể là cô chấp hành rất nghiêm, mãi sau này khi thấy chú quyết tâm, kiên trì nhiều lần đạp xe mấy chục cây số tới đơn vị thăm cô, cô mới cảm động và nhận lời yêu rồi cưới. Bà chưa dám đón nhận tình cảm của chú ngay bởi các bà từng phải làm lễ truy điệu sống trước ngày ra trận, chẳng thể lường trước được tương lai phải không ạ?. Bà có thể nói nhiều hơn cho chúng cháu về tình yêu, sự hy sinh trong tình yêu thời chiến được không, có phải rất đẹp như những đóa hoa rừng mà các bà thường hái để trên cabin đi giữa bão lửa chiến tranh?
Bà Bùi Thị Vân trả lời: Một hôm, tôi chở thương binh thì gặp anh. Khi chở thương binh thì chúng tôi thường cõng và khênh vác các anh lên xe. Tôi cũng cõng anh lên xe rồi đưa về trạm điều dưỡng. Anh để ý tôi nhưng lúc này chúng tôi đang chấp hành “3 khoan”. Vì chấp hành tốt nên cả đơn vị chưa có chị em nào không chấp hành cả. Về trạm, anh viết thư cho tôi nhưng không dám đề tên thật, lại đề tên người khác. Tôi biết là anh, nhưng tôi không trả lời vì như đã nói, tôi còn chấp hành nghiêm túc “3 khoan”
Hôm sau tôi đến trạm điều dưỡng thì lại gặp anh. Anh hỏi tôi, “em có nhận được lá thư mà anh bạn của anh viết cho em không?”. Tôi bật cười, bảo không thấy. Rồi tôi bảo, yêu mà không dám nói, tôi sắp sửa xây dựng gia đình rồi đấy!
Lúc đó, anh mới vội vàng nhận đấy là anh. Rồi chúng tôi quen nhau, nhưng chưa ý định yêu đương gì. Sau 1 năm,chân anh đi được rồi. Anh ở Đông Anh, cứ chiều đến là đạp xe xuống Thường Tín thăm tôi. Có những hôm mưa rét anh cũng đến. Tôi đi làm về thấy anh đứng ở cổng, không dám vào. Thấy anh nỗ lực như vậy, tôi động lòng.
Về xin phép gia đình, gia đình cũng lăn tăn, rằng lấy cô lái xe đi đường xóc thì sao sinh con đẻ cái được. Nhưng chúng tôi quyết tâm. Năm 1975, hai chúng tôi nên vợ chồng, sinh được 5 cháu, 2 trai 3 gái. Bây giờ, chúng tôi đã có 11 cháu nội ngoại.
Chương trình tiếp tục giao lưu với bà Hoàng Thị Kim Vinh
MC: Thưa bà Kim Vinh, ngày ấy, chồng đang ở chiến trận,bà – một người mẹ có con nhỏ mới lên hai – đã tình nguyện gửi con cho ông bà, khoác ba lô gia nhập lực lượng Thanh niên xung phong. Điều gì đã thôi thúc bà đưa ra quyết định dũng cảm ấy? Và trong những năm tháng ở chiến trường miền Trung khốc liệt, khi vừa mang trong mình nỗi nhớ con, vừa đối mặt với bom đạn, điều gì đã giúp bà vượt lên để tiếp tục cống hiến, tiếp tục tin vào lựa chọn của mình?
Bà Hoàng Thị Kim Vinh, nữ cựu Thanh niên xung phong thuộc Đội TNXP Thủ đô – người đã gửi lại cả tuổi xuân trên những cung đường kháng chiến.Bà Kim Vinh trả lời: Năm đó,tôi 25 tuổi, đã có con 2 tuổi. Năm 1965, Hà Nội sơ tán, mẹ tôi bế cháu đi sơ tán hết bên nội đến ngoại. Tôi ở nhà đi làm, ở với bố cùng các em. Các em đứa thì đi học, đứa thì đi bộ đội. Lúc bấy giờ, tôi là Bí thư chi đoàn. Hà Nội phát động phong trào thanh niên 3 sẵn sàng. Tôi là Bí thư chi đoàn nên về vận động thanh niên chi đoàn mình viết đơn tình nguyện tham gia. Tôi cũng viết đơn. Thành đoàn tưởng tôi gương mẫu thôi vì còn con nhỏ. Nhưng với tôi, phong trào 3 sẵn sàng, chống Mỹ cứu nước đều hừng hực như các thanh niên khác. Thế là tôi gửi con ở lại cho ông bà ngoại và đi thanh niên xung phong.
Vào ngày 13/7/1965, chúng tôi tập trung ở sân nhà văn hóa thiếu nhi (Cung thiếu nhi ở Lý Thái Tổ bây giờ). Học tập xong, đơn vị chia làm các A, từ A1 đến A6, tôi làm trưởng A6. Xong xuôi, mọi người được về nhà chuẩn bị, rồi hôm sau tập trung ở Quận Đoàn Hoàn Kiếm đi ô tô sang Cổ Loa học 1 tuần. Đến ngày 17/7, về tập trung ở nhà hát Nhân Dân. Một số anh em trốn về thăm nhà, bảo mẹ tôi: “Bà ơi bà bế cháu ra tiễn chị Vinh ở Nhà hát Nhân dân”. Mẹ tôi bế cháu đi xích lô ra. 4h chiều chuẩn bị lên tàu. Tôi làm A trưởng được đứng đầu, thấy mẹ bế cháu ra. Tôi chạy lại bế cháu, đại đội trưởng hô “Nghiêm!” làm cháu giật mình, tôi ôm chặt con trong lòng. Kỷ niệm ấy, khoảnh khắc ấy tôi nhớ mãi.
Rồi chúng tôi hành quân ra ga Hàng Cỏ. Ba lô của tôi được người ta xách hộ để được bế con thêm chút nữa. Lên tàu, tôi làm nhiệm vụ sắp xếp vị trí. Khi ổn định, tàu chuyển bánh, tôi ngó ra thấy hai bà cháu đứng dưới vẫy tay. Bùi ngùi lắm, xúc động lắm.
Chúng tôi đến Ninh Bình, nghỉ qua đêm ở 1 quả đồi. Sau 5 ngày đêm, cứ ngày nghỉ đêm đi, chúng tôi hành quân vào đến Nghệ An. Cứ 40-50 cây số thì lại vào nhà dân nghỉ ở 1 làng nào đó, nhà rộng thì nghỉ trong nhà còn không thì rải nilon ra hè nằm. Vào đến Thanh Chương, Nghệ An, chúng tôi mở đường 15a từ Thanh Chương đến Hà Tĩnh.
Lúc tôi vào thì chồng tôi ra, anh cũng là bộ đội từ Vĩnh Linh ra để gặp gia đình nội ngoại. Nhưng 2 vợ chồng không gặp nhau, anh ra khoảng 10 hôm thì vào Nghệ An. Anh vào hỏi thăm đơn vị Hoàn Kiếm có thanh niên xung phong là tôi không, vợ chồng gặp nhau được 2 hôm thì anh đi vào Quảng Trị và bắt đầu hành quân vào miền nam, năm 1968 thì anh hy sinh. Chúng tôi thì vẫn đi làm đường từ đoạn Nghệ Tĩnh, Quảng Bình, rồi quay ra đến năm 1968 được đơn vị cho đi học Trung cấp Giao thông. Sau đó tôi về đơn vị TNXP đóng quân ở Hà Nội. Không còn chiến tranh phá hoại nữa, chúng tôi trở thành TNXP kiến thiết Thủ đô, phá những hầm bê tông, đào hồ, lấp hầm, có lần thì được làm bên ngoài của Lăng Bác.
Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Hội LHPN Việt Nam tặng hoa Trung tá Nguyễn Thị Hòa, bà Bùi Thị Vân, và bà Hoàng Kim Vinh. - 24/04/2025 10:30
CHƯƠNG TRÌNH GIAO LƯU VỚI VỢ THƯƠNG BINH, VỢ CHỒNG THƯƠNG BINH VÀ NHÀ VĂN
Tôn vinh những ngọn lửa âm thầm nơi hậu phương kháng chiến
Chiến tranh không chỉ hiện hữu nơi mặt trận. Sau những chiến công, sau khói lửa, còn có những mất mát lặng thầm – nơi hậu phương vẫn có những con người âm thầm gánh vác phần gian khó không kém gì tiền tuyến. Nếu chiến trường là nơi bão lửa, nơi người lính giữ vững tay súng bảo vệ từng tấc đất quê hương... thì hậu phương chính là nơi gìn giữ những ngọn lửa âm thầm – lửa của yêu thương, chờ đợi và hy sinh.
Chiến tranh lùi xa, nhưng có những người phụ nữ vẫn mang trong mình những vết thương không hình hài – vết thương của sự mất mát, của tháng năm tảo tần, lặng lẽ chờ đợi, hy sinh vì một mái nhà, vì một người chồng đã trở về không còn nguyên vẹn – hoặc không bao giờ trở về nữa.
Các nhân chứng chia sẻ tại chương trình.Trong phần giao lưu về những câu chuyện thời hậu chiến, có các nhân chứng: Bà Đào Thị Thạc, vợ thương binh Lê Đức Thuận đã mất 81% sức khỏe; vợ chồng bà Phan Thị Kim Song và ông Cao Văn Thành - thương binh nặng tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước; Nhà văn, Đại tá Vũ Thị Hồng - nguyên phóng viên Tạp chí Văn nghệ quân giải phóng Trung Trung Bộ thời kháng chiến chống Mỹ, Nguyên Trưởng ban Công tác phụ nữ quân đội đầu tiên, người đã đi qua Trường Sơn không chỉ bằng đôi chân, mà còn bằng trái tim thấm đẫm chất lính, để rồi lưu giữ ký ức ấy bằng trang viết đầy nhân văn.
Vợ chồng bà Phan Thị Kim Song và ông Cao Văn Thành - thương binh nặng tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Bà Song đã chờ đợi ông Thành suốt những tháng năm chiến tranh đến khi chồng trở về thì bị thương nặng, mù hai mắt, nhưng bà Song vẫn ở bên cạnh cùng chồng đắp xây cuộc sống hạnh phúc bền bỉ. Sự hy sinh của bà Song không ồn ào nhưng lại là chất keo bền chặt gắn kết quá khứ với hiện tại, là phần âm thầm nhưng vô giá trong bản hùng ca của dân tộc.
Vợ chồng bà Phan Thị Kim Song và ông Cao Văn Thành - thương binh nặng tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước.MC: Thưa bà Kim Song, khi ông Thành trở về từ chiến trường với đôi mắt mù lòa, cơ thể mang đầy thương tích, cuộc sống hẳn đã bước sang một ngã rẽ rất khác. Làm mẹ, làm vợ trong hoàn cảnh như vậy chắc chắn không hề dễ dàng. Điều gì đã khiến bà quyết định ở lại, cùng chú đi tiếp hành trình đầy thử thách ấy? Bà đã vượt qua sự vất vả của cuộc sống là người “trụ cột gia đình” trong hoàn cảnh sức khỏe chồng như vậy và một con của bà cũng bị di chứng chiến tranh như thế nào?
Bà Phan Thị Kim Song xúc động chia sẻ: Tôi rất vui và xúc động khi tham gia chương trình hôm nay. Đây là chồng tôi, thương binh ¼, có vết thương đặc biệt là mù hai mắt, trong cơ thể có rất nhiều mảnh đạn. Vợ chồng tôi năm nay 75 tuổi, có sự trùng hợp là sinh cùng ngày cùng tháng cùng năm mà đến khi đăng ký kết hôn mới biết. Chúng tôi học cùng lớp, cùng trường ĐH Bách Khoa Hà Nội. Khi đất nước chiến tranh ác liệt, anh Thành theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, lên đường nhập ngũ.
Tôi - cũng như bao người phụ nữ lúc bấy giờ trong lúc tiễn người yêu lên đường nhập ngũ đều hứa hẹn: “Các anh cứ yên tâm chiến đấu, khi đất nước giải phóng hết sạch quân thù, trở về quê hương, đã có chúng em chờ đợi…”.
Anh Thành lên đường huấn luyện khẩn cấp, được chuyển vào Nam chiến đấu. Thời kỳ ấy, anh Thành vẫn viết thư về động viên tôi, kể chuyện chiến trường, những đêm anh cầm súng đứng gác, những cuộc chiến ác liệt... Còn tôi kể chuyện học tập ở trường… Rồi một hôm, tôi nhận được một bức thư chỉ vài dòng nguệch ngoạc, không giống chữ anh thường ngày: “Song, anh bị thương, anh chuyển ra Bắc điều trị. Em cứ yên tâm học tập”.
Chỉ vỏn vẹn vậy, tôi đã cố gắng tìm địa chỉ nơi anh điều trị, là bệnh viện 108. Tôi vào thăm anh, nhìn thấy anh toàn thân băng bó, mắt và đầu đều băng bó. Nghe người bạn cùng phòng nói có người đến thăm, anh hỏi: “Ai đến?”. Mọi người bảo: “Song”. Anh nhỏm dậy: “Các đồng chí đừng lừa tôi, Song đang học, cô ấy còn không biết địa chỉ…”.
Tôi nghẹn ngào: “Anh không nhận ra em à, em là Song đây”. Tiếng nói của tôi lạc trong nước mắt…
Anh khóc, nước mắt tuôn trào qua những lớp băng. Tôi động viên anh cố gắng lên, em ở đây với anh…
Những ngày ở bệnh viện, tôi tranh thủ đến thăm anh, xin y tá hộ lý được chăm sóc anh. Họ bảo đó là việc của y tá, tôi phải xin phép, họ mới đồng ý. Hàng ngày, tôi thay rửa vết thương, bón cháo, cho anh uống thuốc… Anh buồn vì mất mát quá lớn. Tôi cứ động viên anh, cứ yên tâm điều trị, đừng khóc mà ảnh hưởng vết thương.
Rồi chúng tôi tổ chức đám cưới… Chúng tôi có ba con, 1 trai 2 gái. Cháu đầu lòng bị nhiễm chất độc hoá học. Trong cuộc sống hiện tại, dù còn rất vất vả, nhưng chúng tôi đã vượt qua tất cả, động viên anh để vượt lên chính mình, tham gia công tác xã hội. Anh Thành nguyên là UV MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hội người mù Việt Nam. Ngoài công tác ở cơ quan, tôi về nhà chăm sóc chồng con, rất bận rộn, nhưng anh luôn động viên tôi.
Câu chuyện của chúng tôi là một phần trong muôn vàn câu chuyện của phu nữ Việt Nam bấy giờ, là câu chuyện của tình yêu, tình thương, nhưng đó cũng là trách nhiệm của người phụ nữ Việt Nam đối với đất nước khi có bạn đời, người yêu tham gia kháng chiến.
MC: Thưa ông Cao Văn Thành, có lẽ với mỗi người lính trở về trong hình hài không còn nguyên vẹn, điều quý giá nhất chính là có một người phụ nữ đã chờ đợi chung thủy, lặng lẽ ở bên, chăm sóc và đồng hành suốt cả cuộc đời. Khi nghĩ về người phụ nữ đã hy sinh thầm lặng để làm đôi mắt, làm đôi tay cho mình suốt bao năm tháng – điều gì khiến ông xúc động và ghi nhớ nhất? Và ông đã – hoặc luôn cố gắng – đền đáp lại tình nghĩa ấy của bà thế nào trong suốt hành trình làm chồng, làm cha?
Ông Cao Văn Thành chia sẻ: Trong chiến tranh, người phụ nữ là thiệt thòi nhất. Tôi may mắn khi tôi đi bộ đội thì Song nhận lời yêu tôi. Năm 1972 chiến trường ác liệt, tôi chiến đấu ở Quảng Trị. Chúng tôi liên lạc với nhau qua những cánh thư. Giữa cái sống cái chết, chúng tôi nhận được thư của hậu phương thì hạnh phúc lắm.
Thương binh Cao Văn Thành chia sẻ tại chương trình.Khi tôi bị thương thì Song viết thư động viên và khẳng định: “Dù anh có bị thương hay như thế nào thì em vẫn mãi luôn ở bên anh”.
Khi bị thương hỏng 2 mắt, tôi chuyển ra Bắc điều trị. Lúc tôi cảm thấy cay đắng nhất thì Song đến thăm dù đang phải làm đồ án tốt nghiệp. Tôi vừa hạnh phúc vừa thương Song. Dù ngoài miệng dù từ chối tình cảm vì thấy mình tàn tật khó mang lại hạnh phúc cho người yêu khi, song trong lòng lại lộ sợ mất người mình yêu. Tình yêu chung thủy của Song làm lòng tôi se lại, tiếp thêm động lực để tôi vượt lên cuộc sống. Tôi đã nỗ lực lực vươn lên học tập, công tác với sự đồng hành của người vợ yêu thương mình.
Tôi tham gia công tác xã hội, nguyên là UV MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hội người mù Việt Nam. Song hỗ trợ tôi tham gia các hoạt động xã hội, từ việc thành lập Hội người mù Việt Nam, đến giúp các hội viên học chữ nổi… Con gái đầu của chúng tôi nhiễm chất độc da cam, không nói, không nghe được, vợ tôi đứng ra làm phiên dịch cho cả bố và con. Vượt qua tất cả, vợ tôi vừa làm kỹ sư, với mức lương vừa ra trường còn thấp, vừa nuôi chồng con, chịu thương chịu khó…
Tôi cảm thấy may mắn và biết ơn "đôi mắt" của người vợ hiền tảo tần mang lại hạnh phúc cho gia đình tôi.
Chương trình tiếp tục giao lưu với bà Đào Thị Thạc, vợ thương binh nặng 1/4 Lê Đức Thuận (Chú Thuận từ chiến trường trở về mất 81% sức khỏe), hiện bà Thạc là Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Bà Đào Thị Thạc chia sẻ tại chương trình.MC: Thưa bà Thạc, trong cuộc sống, không phải ai cũng đủ dũng cảm để lựa chọn đồng hành cùng một người thương binh nặng, gắn bó với những vết thương không chỉ trên cơ thể mà cả trong tâm hồn. Vậy điều gì đã khiến bà quyết định lựa chọn ông Thuận – một người lính trở để yêu thương và chăm sóc suốt đời như thế? Bà có thể chia sẻ cảm xúc và câu chuyện của mình?
Bà Đào Thị Thạc: Tôi rất vinh dự và cảm động khi được tham gia chương trình, được gặp các nữ thương binh, nữ lái xe trường sơn huyền thoại của lịch sử nước ta. Câu chuyện của tôi có khác một chút so với câu chuyện của gia đình bà Phan Thị Kim Song và ông Cao Văn Thành vừa chia sẻ tại chương trình.
Thời bấy giờ, tôi đã tình cờ gặp anh Thuận, được nghe câu chuyện về gia đình của anh, tôi càng thấy thương anh hơn. Anh là người con trai duy của gia đình, anh mất bố từ hồi mới 3 tháng tuổi. Đến năm 18 tuổi anh xung phong lên đường nhập ngũ ra chiến trường và bị thương nặng... Cảm thương với anh, năm 1975, chúng tôi đã quyết định cưới nhau. Chúng tôi đã sinh được 4 người con, 2 trai, 2 gái và đều đã có cuộc sống ổn định. Chúng tôi vượt qua mọi khó khăn, thương yêu nhau và xây dựng một gia đình hạnh phúc.
Hiện nay, tôi còn tham gia công tác xã hội làm Tổ phó dân phố, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ phường Kim Giang, Thanh Xuân đã thực hiện tốt nhiều phong trào cộng đồng thiết thực, đặc biệt là dành cho các gia đình chính sách, thương bệnh binh...
"Tôi nghĩ rằng mỗi người phụ nữ học và làm theo bác "Anh hùng, Bất khuất, Trung hậu, Đảm đang" mỗi người làm chúng ta làm công việc nhỏ bé nhất giúp cho cuộc sống thêm phần ý nghĩa và lam tỏa tình yêu thương tới cộng đồng.
MC: Câu chuyện của bà Phan Thị Kim Song và bà Trần Thị Thạc cũng như của ông Cao Văn Thành đã tái hiện rõ nét về hình ảnh người phụ nữ Việt Nam đã dành cả cuộc đời mình để lặng lẽ đứng phía sau, làm chỗ dựa vững chắc cho những người lính trở về không còn nguyên vẹn sau chiến tranh.
Các bà không chỉ là người vợ, người mẹ, mà còn là biểu tượng đẹp đẽ cho đức hy sinh, cho lòng chung thủy và sự kiên cường của người phụ nữ Việt Nam. Bằng trái tim yêu thương và nghị lực phi thường. Những người mẹ, người vợ ấy đã viết tiếp bản hùng ca thầm lặng – tiếp nối tinh thần Trường Sơn không chỉ trên mặt trận chiến đấu, mà còn trong chính câu chuyện hậu phương đời thường.
Tất cả những sự hy sinh đó đều đã được ghi lại trong lịch sử dân tộc. Tham gia chương trình có sự hiện diện của Nhà văn, Đại tá Vũ Thị Hồng, người đã ghi lại những năm tháng chiến đấu của mình và đồng đội qua rất nhiều trang viết chân thực và sống động như thế.
Nhà văn, Đại tá Vũ Thị Hồng (ngoài cùng bên phải) tham gia giao lưu.MC: Thưa Nhà văn, Đại tá Vũ Thị Hồng, những ký ức về chiến tranh là những chuyện chẳng thể nào kể hết. Năm 2024, cô cho ra mắt tập truyện ký “Chạm vào ký ức”, tựa một cuốn nhật ký chiến trường với tâm ý để trả nợ cuộc đời, trả nợ những đồng đội đã anh dũng hy sinh, trả nợ đồng bào thân thương đã đùm bọc che chở vượt qua những giây phút sinh tử. Tập truyện ký gây xúc động mạnh, được đánh giá cao khi viết về muôn mặt của những người phụ nữ nơi chiến trường. Điều cô thấy ấn tượng nhất với những người phụ nữ trong chiến tranh mà cô đồng hành cùng họ là gì?
Nhà văn, Đại tá Vũ Thị Hồng: Tôi học Đại học Tổng hợp chưa tốt nghiệp thì lên đường đi chiến trường. Gần 1.500 ngày đêm sống ở chiến trường miền Nam, tôi là phóng viên mặt trận ghi lại những sự hi sinh mất mát của cán bộ chiến sĩ và nhân dân ở các vùng đi qua. Các tác phẩm của tôi đều viết về bộ đội, về nhân dân, đây là hành trang quý báu mà tôi chưa trả hết nợ cho các đồng đội đã từng gắn bó ở các chiến trường Quảng Trị, Quảng Nam… Tôi vẫn còn đau đáu về sự khốc liệt của chiến trường, thì ở hậu phương, người vợ, người mẹ chờ chồng, chờ cha ở chiến trường như thế nào.
Tôi là một nhà báo, nhà văn nên hay được phân công kiểm tra di vật của người đã hi sinh để lại. Hành trang của người lính nghèo lắm, chỉ có một cái bút máy, một tấm ảnh của người vợ, người mẹ mà sự hi sinh của họ thì quá lớn lao. Tôi chưa bao giờ viết được hết về sự hi sinh đó. Còn với người dân ở vùng chiến, có những vùng chỉ còn là màu trắng mênh mông của cát, người dân bị lùa hết vào ấp chiến lược. Nhân dân vẫn một lòng thuỷ chung dành cho bộ đội, dành từng hạt thóc, củ khoai cho bộ đội dù các bà, các mẹ, các chị sống kham khổ lắm. Khi bị dồn hết vào ấp, cấp uỷ họp rồi đưa những gia đình về bám trụ, lại bị càn quét cho sạch bay luôn. Nhưng người dân vẫn bám trụ… Với hai bàn tay không đã làm quân thù khiếp sợ.
Tôi từng chứng kiến rất nhiều sự hi sinh và tôi tự tay đi chôn rất nhiều người. Trung đội Nguyễn Thị Hạnh này từng được xem là khét tiếng đối với giặc. Đại đội nữ lái xe Trường Sơn rất tuyệt vời…
Chương trình kết thúc phần giao lưu với các nhân vật.
Cuộc giao lưu hôm nay đã đưa chúng ta trở về với những tháng ngày gian khổ mà hào hùng của dân tộc. Ở đó, có những người phụ nữ đã không ngần ngại hiểm nguy, lặng lẽ bước vào cuộc chiến với tinh thần dũng cảm và trái tim đầy yêu thương. Sự hiện diện của các cô trong chương trình giao lưu không chỉ khơi nguồn niềm tự hào, xúc động, mà còn là lời nhắc nhở thế hệ hôm nay về một thời đã qua – thời của lòng yêu nước, của hy sinh thầm lặng mà lớn lao.
Để tri ân những con người bình dị mà phi thường trong chiến đấu, góp phần vào chiến thắng vĩ đại giải phóng miền Nam thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam, Hội LHPN TP Hà Nội xin gửi tới các bác, các cô những phần quà tri ân, gửi gắm tình cảm của cán bộ, hội viên phụ nữ Thủ đô.
Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội Lê Kim Anh tặng quà các bác Đại đội nữ lái xe Trường Sơn.Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương và Tổng Biên tập Báo Phụ nữ Thủ đô Lê Quỳnh Trang tặng quà các bác nữ cựu TNXP, thương binh, vợ thương binh nặng.Bà Nguyễn Thị Kim Dung- Trưởng ban Tuyên giáo Hội LHPN Việt Nam tặng quà các bác Đại đội nữ lái xe Trường Sơn.Bà Lê Quỳnh Trang, Tổng Biên tập trao quà cho các nữ cựu TNXP, thương binh, vợ thương binh nặng tham gia chương trình giao lưu.