Giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống, đưa Long Biên trở thành điểm đến hấp dẫn, nơi đáng sống

NHẬT NAM
Chia sẻ

(PNTĐ) -Thành phố sẽ chọn Long Biên là một trong những nơi ưu tiên làm điểm những vấn đề mới của thành phố trên các lĩnh vực, kể cả giao cho quận làm chủ đầu tư những dự án của thành phố trên địa bàn, qua đây tạo sức bật mới cho quận. Đề nghị, quận chú trọng thực hiện nhiệm vụ phân cấp, ủy quyền, nhất là khâu cụ thể hóa; qua đó tham mưu, kiến nghị cụ thể đối với hơn 700 thủ tục hành chính đã phân cấp, ủy quyền và các thủ tục còn lại...

Thông tin trên được đồng chí Đinh Tiến Dũng, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh tại buổi làm việc với quận Long Biên về kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2022, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 và những năm tiếp theo.

Mở đầu chuyến làm việc, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng và đoàn đã tham quan Cụm di tích lịch sử cấp quốc gia Đình - chùa Lệ Mật (phường Việt Hưng). Đây là cụm di tích mang nhiều giá trị văn hóa, lịch sử, kết nối những giá trị làng trong phố đã được bảo tồn, nâng cấp hiệu quả, có sức lan tỏa trong đời sống đô thị.

Giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống, đưa Long Biên trở thành điểm đến hấp dẫn, nơi đáng sống - ảnh 1
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu chỉ đạo và kết luận buổi làm việc.

Báo cáo tại cuộc làm việc, Bí thư Quận ủy Long Biên Đường Hoài Nam cho biết, sau 19 năm xây dựng và phát triển, với tinh thần chủ động, đổi mới, phát huy dân chủ, Đảng bộ quận đã thực hiện đúng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước; các chỉ thị, nghị quyết của thành phố; phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, nguồn lực của địa phương; đoàn kết vượt qua khó khăn, thách thức, xây dựng quận Long Biên từng bước hướng tới đô thị, văn minh, hiện đại.

Trong đó, quận duy trì tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân hằng năm ở mức cao, từ 15-21%/năm. Cơ cấu ngành kinh tế có sự chuyển dịch đúng định hướng, đến hết năm 2022, tỷ trọng ngành thương mại, dịch vụ chiếm 73,4%; lĩnh vực công nghiệp - xây dựng chiếm tỷ trọng 26,5%; sản xuất nông nghiệp giảm còn 0,1%. Quận hiện có hơn 10.150 doanh nghiệp (gấp 15,7 lần so năm 2004). Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn hằng năm đều đạt và vượt so với kế hoạch. Thu nhập bình quân đầu người năm 2022 là 86,9 triệu/người/năm. Quận không còn hộ nghèo.

Quận Long Biên cũng đã cơ bản hoàn thiện hệ thống hạ tầng khung; 100% đường giao thông trên địa bàn được đầu tư, cải tạo, nâng cấp đạt tiêu chuẩn đường đô thị. Công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số của quận là điểm sáng của thành phố.

Năm 2022, quận đã hoàn thành toàn bộ 16/16 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, với 4 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Trong đó, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn đạt 16,7%, gần gấp đôi tốc độ tăng trưởng của thành phố.

Lãnh đạo quận Long Biên đã nêu nhiều kiến nghị với thành phố trên các lĩnh vực, trọng tâm là các dự án đầu tư phát triển hạ tầng trên địa bàn.

Đánh giá cao Long Biên là quận có nhiều cách làm năng động, chủ động, sáng tạo, được thành phố nhân rộng, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn cho rằng, với đặc thù là quận có tốc độ đô thị hóa rất cao, do vậy, Long Biên cần tiếp tục quan tâm, làm tốt công tác quản lý đô thị, chỉnh trang đô thị, gắn với thực hiện hiệu quả Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội (khóa XVII) về "Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021-2025".

Theo Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh, quận Long Biên cần phân tích, đánh giá sâu hơn về bài học kinh nghiệm, về nguyên nhân đạt được những kết quả trên. Đồng chí gợi mở, phải chăng đó là sự nhất quán, xuyên suốt từ đầu trong công tác quy hoạch; sự vững mạnh của hệ thống chính trị từ quận tới cơ sở.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đánh giá cao quận Long Biên luôn chủ động, tích cực, đăng ký làm điểm đối với các nhiệm vụ công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của thành phố. Đồng chí đề nghị, quận kế thừa, phát huy những kết quả đạt được, tiếp tục quan tâm và triển khai hiệu quả các lĩnh vực công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.

Thay mặt Thường trực Thành ủy kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhìn nhận, mặc dù mới thành lập được 20 năm, nhưng quận Long Biên đã có bước phát triển toàn diện, ấn tượng, nhiều lĩnh vực đi đầu, là điểm sáng của thành phố. Nguyên nhân hàng đầu là nhờ Đảng bộ quận luôn đoàn kết, có quyết tâm và hoài bão phát triển, có nhiều đổi mới trong lãnh đạo, chỉ đạo, dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với khó khăn, thách thức.

Lưu ý bên cạnh những kết quả đạt được, quận Long Biên còn một số hạn chế tồn tại cần tập trung khắc phục trong thời gian tới, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện trong năm 2023 và những năm tới.

Trong đó, đồng chí Đinh Tiến Dũng chỉ đạo quận tiếp tục tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tạo đồng thuận trong Đảng, trong nhân dân làm cơ sở huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân thực hiện các nghị quyết của Đảng, các nhiệm vụ chính trị được giao. Đây là mấu chốt đem lại thắng lợi.

Đối với công tác xây dựng Đảng, Bí thư Thành ủy yêu cầu, tiếp tục nắm chắc tình hình, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng; đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII, XIII); kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”...

“Đề nghị các đồng chí tiếp tục đổi mới tư duy, phương thức lãnh đạo của cấp ủy tổ chức Đảng; thống nhất ý chí, quyết tâm hành động; phát huy hơn nữa tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm xây dựng quận Long Biên văn minh, thanh lịch, hiện đại, đáng sống”, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng chỉ đạo.

Cũng theo chỉ đạo của Bí thư Thành ủy, quận Long Biên cần tiếp tục rà soát đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị ngày càng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; nâng cao năng lực quản lý, điều hành, quan tâm thực hiện việc thí điểm mô hình chính quyền đô thị; làm tốt hơn nữa công tác quy hoạch phát triển đô thị, quản lý đất đai, trật tự xây dựng và môi trường; cập nhật những chủ trương mới như công nghiệp văn hóa vào chương trình, kế hoạch công tác, tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng; giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống, đưa Long Biên trở thành điểm đến hấp dẫn, nơi đáng sống...

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

​  Cần phải “đi tắt, đón đầu” trong chuyển đổi số

​ Cần phải “đi tắt, đón đầu” trong chuyển đổi số

(PNTĐ) - Chuyển đổi số là hướng đi đúng, mang tính đột phá nhất, hiệu quả nhất, do đó, cần phải “đi tắt, đón đầu” trong chuyển đổi số. Làm sao để chuyển đổi số phải thẩm thấu vào từng công việc, từng con người. Cùng với việc đưa ra các dịch vụ công trực tuyến, cần hướng dẫn, tuyên truyền để người dân tham gia, thụ hưởng và cảm nhận được các tiện ích, lợi ích của chuyển đổi số.
Hà Nội chốt 3 môn thi vào lớp 10 năm học 2024-2025

Hà Nội chốt 3 môn thi vào lớp 10 năm học 2024-2025

(PNTĐ) - Để chuẩn bị triển khai công tác tuyển sinh lớp 10 năm học 2024-2025, Sở  Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã xây dựng tờ trình UBND thành phố Hà Nội về phương án thi và được UBND Thành phố chấp thuận. Theo đó, năm học 2024-2025, Hà Nội tổ chức tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập với ba môn gồm Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ.