Góp những viên gạch hồng trong lịch sử 100 năm báo chí cách mạng Việt Nam

Thu Hà
Chia sẻ

(PNTĐ) - Trong lịch sử gần 100 năm hình thành và phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam, Báo Phụ nữ Thủ đô đã có 38 năm đóng góp vào sự nghiệp báo chí vẻ vang, trở thành nguồn nội lực phát triển mạnh mẽ đất nước, dân tộc. Trong suốt hành trình 38 năm phát triển đó, Báo Phụ nữ Thủ đô đã không ngừng đổi mới để lớn mạnh, khẳng định vị thế trong hệ thống báo chí nước nhà, cũng như trong lòng bạn đọc.

Góp những viên gạch hồng trong lịch sử 100 năm báo chí cách mạng Việt Nam - ảnh 1
Đoàn công tác Hội Nhà báo TP Hà Nội và Câu lạc bộ Nhà báo nữ Hà Nội, Câu lạc bộ Nhà báo nữ Việt Nam thăm  khu di tích ATK Định Hóa trong hoạt động Về nguồn hướng tới kỷ niệm 100 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. Ảnh:  Hằng Hương

Đổi mới, nâng tầm để thực hiện tốt hơn sứ mệnh

Ra đời trong thời điểm cả đất nước bước vào công cuộc đổi mới, Báo Phụ nữ Thủ đô đã xác định rõ vai trò, trách nhiệm và sứ mệnh của mình. Là cơ quan ngôn luận của Hội LHPN Hà Nội, Báo Phụ nữ Thủ đô có nhiệm vụ tuyên truyền hoạt động của các cấp Hội, của phong trào phụ nữ, góp phần tích cực bồi dưỡng tri thức mọi mặt về xã hội và gia đình cho phụ nữ. Đồng thời tham gia bảo vệ quyền lợi chính đáng của phụ nữ và trẻ em. Cùng với đó, Báo cũng xác định vai trò, sứ mệnh đối với sự phát triển chung của báo chí cách mạng Việt Nam, đó là xây dựng nền báo chí truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại; thúc đẩy và góp phần tạo nên sự đồng tâm, đồng thuận xã hội - sức mạnh tổng hợp to lớn cho đất nước.

38 năm phát triển, Báo Phụ nữ Thủ đô đang bước vào kỷ nguyên báo chí đa phương tiện với bước chuyển đổi số mạnh mẽ. Để vững vàng hội nhập phát triển, Báo đã kịp thời có những định hướng phát triển mới. Xuất phát từ cái Tầm đổi mới của những thế hệ đặt nền móng đầu tiên với cơ chế tự chủ tài chính và phấn đấu trở thành một tờ báo giới phụng sự bạn đọc tốt nhất, Báo Phụ nữ Thủ đô không ngừng cải tiến, đổi mới để đáp ứng nhiệm vụ tuyên truyền và nhu cầu thông tin của bạn đọc. Trong từng giai đoạn, Hội LHPN Hà Nội đã chỉ đạo Báo Phụ nữ Thủ đô lập các đề án, kế hoạch phát triển phù hợp với xu hướng báo chí hiện đại.  

Góp những viên gạch hồng trong lịch sử 100 năm báo chí cách mạng Việt Nam - ảnh 2
Báo Phụ nữ Thủ đô đã tạo sức bật mới cho sự phát triển trong công cuộc chuyển đổi số bằng việc ra báo điện tử vào ngày 1/11/2021.

Chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu đối với báo chí. Lần đầu tiên, lĩnh vực báo chí có một chiến lược được Thủ tướng Chính phủ ban hành. Đó là Chiến lược Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 348/QĐ-TTg ngày 06/04/2023. Đây là cơ sở quan trọng để nâng cao nhận thức cho các cơ quan chủ quản báo chí, người đứng đầu cơ quan báo chí về chuyển đổi số; đưa ra định hướng lớn để báo chí đổi mới công nghệ, phát triển thị trường người đọc, nghe, xem, đảm bảo mục tiêu tuyên truyền. Báo Phụ nữ Thủ đô cũng không nằm ngoài guồng phát triển đó. 

Bà Lê Quỳnh Trang, Tổng Biên tập Báo Phụ nữ Thủ đô cho biết, Báo đã tạo sức bật mới cho sự phát triển trong công cuộc chuyển đổi số bằng việc ra báo điện tử vào ngày 1/11/2021. Với giao diện đẹp về hình thức, phong phú về nội dung, sau gần 5 năm nâng tầm phát triển, đến nay, Báo điện tử Phụ nữ Thủ đô đã thu hút được hàng triệu lượt truy cập. Nhiều diễn đàn, giao lưu trực tuyến đã được tổ chức trên báo điện tử, để lại nhiều ấn tượng cho độc giả, được Thành phố và các sở, ban, ngành đánh giá cao. 

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 bùng nổ, sự phát triển của mạng xã hội, các đối tượng bạn đọc theo đó cũng đa dạng và sự tiếp cận thông tin trên môi trường số ngày càng gia tăng. Để đáp ứng yêu cầu phát triển cũng như phục vụ mọi đối tượng bạn đọc trên môi trường số, Báo Phụ nữ Thủ đô đã phát triển thêm 2 chuyên trang điện tử là chuyên trang Đời sống gia đình với tên miền: doisonggiadinh.baophunuthudo.vn. (Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép số 83/GP-CBC ngày 30/12/2021) và chuyên trang Phụ nữ số với tên miền: phunuso.baophunuthudo.vn. (Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép số 02/GP-CBC ngày 16/3/2022). Đến nay, Báo Phụ nữ Thủ đô đã có 5 ấn phẩm các loại gồm 2 ấn phẩm báo in và 3 ấn phẩm điện tử đáp ứng nhu cầu thông tin của mọi đối tượng độc giả, đặc biệt là độc giả nữ.

Xây dựng cơ quan báo chí văn hóa, đáp ứng yêu cầu thời kỳ mới
Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí, trọng tâm là xây dựng cơ quan báo chí văn hóa, người làm báo văn hóa là một yêu cầu cấp thiết đối với quá trình xây dựng và phát triển nền báo chí cách mạng Việt Nam trong bối cảnh mới. Đây cũng là vấn đề nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đúng với tinh thần mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021: “Trọng tâm xây dựng và phát triển văn hóa là xây dựng con người có nhân cách và xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh…”.

Góp những viên gạch hồng trong lịch sử 100 năm báo chí cách mạng Việt Nam - ảnh 3
Nhiều diễn đàn, tạ đàm, giao lưu trực tuyến đã được tổ chức trên báo điện tử Phụ nữ Thủ đô, để lại nhiều ấn tượng cho độc giả, được Thành phố và các sở, ban, ngành đánh giá cao. 

Do đó, ngày 21/6/2022, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, Báo Nhân Dân đã phối hợp tổ chức Lễ phát động phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí” hướng tới kỷ niệm 100 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2025), nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan báo chí, người làm báo về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển đất nước, cũng như sự phát triển của mỗi cơ quan báo chí.

Tại lễ phát động, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh, mỗi người làm báo cần xác định rõ trách nhiệm của mình trong việc giữ gìn, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; thắp lên ngọn lửa tri thức và lòng nhân ái trong toàn xã hội. Mỗi cơ quan báo chí phải là một tấm gương đi đầu trong xây dựng văn hóa công sở và văn hóa cơ quan… Tích cực xây dựng các sản phẩm báo chí giàu chất văn hóa, có sức lan tỏa để mỗi sản phẩm báo chí đưa đến công chúng bảo đảm yếu tố thẩm mỹ, giáo dục, trở thành hình mẫu trong giao tiếp, ứng xử văn hóa trong cộng đồng…

Việc thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí” đối với Báo Phụ nữ Thủ đô còn được xác định để xây dựng môi trường cơ quan báo chí văn hóa, người làm báo văn hóa thời kỳ mới. 

Góp những viên gạch hồng trong lịch sử 100 năm báo chí cách mạng Việt Nam - ảnh 4
Báo Phụ nữ Thủ đô đã tổ chức nhiều cuộc thi viết dài hơn trên báo, thu hút được nhiều bạn đọc tham dự, trong đó có cuộc thi viết về các gia đình thời nay tổ chức trên Báo liên tục 13 năm. 

Tổng Biên tập Báo Phụ nữ Thủ đô Lê Quỳnh Trang, đồng thời là Thư ký Chi hội nhà báo Báo Phụ nữ Thủ đô cho biết, từng năm, Chi hội đều tổng kết, đánh giá việc triển khai phong trào thi đua; quán triệt việc thực hiện Bộ Tiêu chí cơ quan báo chí văn hoá và văn hoá của người làm báo Việt Nam do Hội Nhà báo Việt Nam ban hành. Các ban chuyên môn xây dựng kế hoạch, thảo luận thống nhất tiêu chí thực hiện trong ban của mình. Đồng thời, quán triệt nội dung và tinh thần của phong trào thi đua, tổ chức Lễ kí giao ước thi đua giữa các ban tòa soạn; đưa Bộ Tiêu chí vào nội dung hoạt động và quy trình tác nghiệp của các ban và của từng phóng viên; vào các buổi sinh hoạt, hội nghị sơ kết giữa năm, tổng kết cuối năm của tòa soạn, đưa vào tiêu chuẩn xếp loại, bình xét khen thưởng hằng năm đối với cán bộ, phóng viên của Báo. 

Nhờ đó, trong thời gian qua, đội ngũ nhà báo, phóng viên của Báo Phụ nữ Thủ đô luôn giữ vững đạo đức nghề nghiệp, không vi phạm pháp luật, giữ đúng chuẩn mực của người làm báo cách mạng. Qua đó, tòa soạn đã thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo, chú trọng xây dựng môi trường văn hoá trong cơ quan báo chí và văn hoá người làm báo; xây dựng môi trường làm việc tích cực, năng động, sáng tạo; nâng cao ý thức, trách nhiệm của đội ngũ đảng viên và hội viên nhà báo; giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp cho hội viên, người làm báo. Tòa soạn cũng đã phát huy vai trò người làm báo trong xây dựng nền nếp làm việc khoa học, trật tự, kỉ cương, phong cách ứng xử chuẩn mực, góp phần nâng cao hiệu quả và chất lượng hoạt động của cơ quan báo chí, hướng tới xây dựng cơ quan báo chí trở thành đơn vị kiểu mẫu về văn hoá.

Nhìn lại 38 năm phát triển, với bề dày thành tích được Đảng và Nhà nước, Hội Nhà báo Việt Nam, Thành phố Hà Nội ghi nhận bằng những Huân chương Lao động, Bằng khen, các giải thưởng báo chí hàng năm…, Báo Phụ nữ Thủ đô tự hào đã góp những viên gạch hồng trong lịch sử gần 100 năm xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam, vừa hồng, vừa chuyên. Tin tưởng rằng, trong chặng đường phát triển của báo chí cách mạng thời kỳ mới, Báo Phụ nữ Thủ đô vẫn tiếp tục đóng góp sức mình bằng sự sáng tạo, đổi mới, tâm huyết, trách nhiệm, dấn thân để xây dựng nền báo chí truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại, đồng hành cùng đất nước phát triển hùng cường.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Kỳ cuối: Tuổi trẻ Thủ đô tự hào truyền thống, tiếp bước cha anh  ​

Kỳ cuối: Tuổi trẻ Thủ đô tự hào truyền thống, tiếp bước cha anh ​

(PNTĐ) - Việt Nam là một trong những quốc gia có dân số trẻ nhất thế giới, đang ở thời kỳ dân số vàng với hơn 24 triệu thanh niên. Tầng lớp thanh niên đang và sẽ hưởng thụ những thành quả cách mạng của cha ông. Chính vì vậy, thanh niên luôn là tấm gương tiên phong đi đầu trong mọi phong trào, xây dựng quê hương, Thủ đô, đất nước hùng cường.
 Hà Nội vinh danh “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2024

Hà Nội vinh danh “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2024

(PNTĐ) - UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 273/KH-UBND (ngày 17/9/2024) về tổ chức Hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt; vinh danh “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2024. Hội nghị dự kiến được tổ chức vào sáng 7/10/2024, tại Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt Xô.
Kỳ 2: Dấu ấn của những “sắc màu” trong bức tranh tổng thể

Kỳ 2: Dấu ấn của những “sắc màu” trong bức tranh tổng thể

(PNTĐ) - Trải qua 70 năm xây dựng và phát triển, nhiều quận, huyện trên địa bàn Hà Nội đã đạt được những thành tựu quan trọng. 70 năm qua và những kết quả nổi bật trong những năm gần đây cho thấy Đảng bộ, chính quyền các quận, huyện luôn bám sát và vận dụng, cụ thể hóa chủ trương sự chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố. Qua đó đã tạo được sự đoàn kết thống nhất trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị trong từng thời kỳ, từng giai đoạn; các nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội luôn có nhiều giải pháp đồng bộ tạo được sự đồng thuận rộng rãi của nhân dân và phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong thực hiện.