Hà Nội đang thực hiện thí điểm tự chủ trong các trường học

VÂN NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) - Thảo luận tại tổ đại biểu Hà Nội tại Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV, ngày 24/10, đại biểu Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội bày tỏ quan tâm đến 2 nhóm vấn đề, đó là tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập và phát huy nguồn lực đất đai hiện nay.

Năm học 2023-2024, Hà Nội có 296 đơn vị đăng ký thí điểm

Hà Nội đang thực hiện thí điểm tự chủ trong các trường học - ảnh 1
Đại biểu Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội phát biểu.

Theo đại biểu Đinh Tiến Dũng, Trung ương đã ban hành nghị quyết về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, song đến nay việc triển khai trên thực tế vẫn còn lúng túng. Đặc biệt là việc tự chủ tại các đơn vị sự nghiệp công lập liên quan mật thiết đến cuộc sống của người dân như y tế, giáo dục.

Đại biểu Đinh Tiến Dũng chia sẻ về cách làm sáng tạo, hiệu quả khi triển khai việc tự chủ trong các trường học của Hà Nội, HĐND thành phố Hà Nội ban hành Nghị quyết số 18/NQ-HĐND về việc giao chỉ tiêu lao động hợp đồng đối với đơn vị sự nghiệp công lập. Năm học 2023-2024, Thành phố đã có 296 đơn vị đăng ký thí điểm, trong đó có 118 trường thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo, 178 trường thuộc quận, huyện, thị xã. Mục tiêu quan trọng của nghị quyết thí điểm này là nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo thông qua cơ chế đặt hàng cho các trường, từ đó các trường hướng đến việc tự chủ hoàn toàn.

Về các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Chính phủ, theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, vấn đề tín dụng đang rất khó khăn, các ngân hàng thừa thanh khoản, trong khi doanh nghiệp thiếu tiền do không tiếp cận được. Việc tháo gỡ được vấn đề này sẽ kích thích sản xuất, trong khi lạm phát đang thấp so với kế hoạch.

Hà Nội có 712 dự án chậm triển khai lâu năm, mới đây đã xử lý hủy được hơn 100 dự án, thu lại để đấu thầu, đấu giá được vài nghìn ha. Trong đó có nhiều dự án nằm đấy 10-20 năm rồi khiến người dân bức xúc. Đây là điểm nóng về mất an ninh trật tự nên phải rà soát, xử lý. Nếu tháo gỡ được những khó khăn cho thị trường bất động sản, các vấn đề khác sẽ được khơi thông như thị trường vật liệu xây dựng, tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người lao động.

Đặc biệt, khi giải quyết được điểm nghẽn với bất động sản sẽ giúp ổn định vĩ mô, khơi thông được vấn đề tín dụng ngân hàng, trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Hà Nội đang thực hiện thí điểm tự chủ trong các trường học - ảnh 2
Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội thảo luận tại Tổ

Theo đại biểu Đinh Tiến Dũng, Quốc hội nên sớm có chỉ đạo, chủ trương rà soát tổng thể, ban hành nghị quyết để giải quyết những khó khăn cho lĩnh vực bất động sản, bởi vướng mắc ở đây chủ yếu là liên quan đến Luật Đất đai, Luật Đầu tư.

Với các dự án chậm triển khai cần tính đúng, tính đủ giá đất, phù hợp với quy định hiện hành và thị trường. Đối với chủ đầu tư nào không còn khả năng phải có giải quyết dứt điểm, không để các dự án chậm triển khai kéo dài nhiều năm.

Cần tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ, tài khóa một cách linh hoạt, hiệu quả hơn

Hà Nội đang thực hiện thí điểm tự chủ trong các trường học - ảnh 3
Đại biểu Hoàng Văn Cường phát biểu.

Đại biểu Hoàng Văn Cường đánh giá, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn sau đại dịch Covid-19, nhưng nền kinh tế nước ta vẫn duy trì mức tăng trưởng cao trong khu vực, cho thấy việc điều hành của Chính phủ thực sự hiệu quả và linh hoạt.

Tuy nhiên, về những thách thức đối với nền kinh tế sau đại dịch mà nhiều quốc gia gặp phải khi nợ công tăng, nguy cơ vỡ nợ của trái phiếu doanh nghiệp sẽ tác động đến nền kinh tế nước ta. Vì thế, để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6-6,5%, chúng ta cần tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ, tài khóa một cách linh hoạt, hiệu quả hơn nữa.

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, các doanh nghiệp hiện gặp nhiều khó khăn nên chính sách hỗ trợ lãi suất, vốn tín dụng cần được thực hiện hiệu quả hơn nữa để hỗ trợ các doanh nghiệp. Cần tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ 2% lãi suất cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Đặc biệt là tận dụng tốt các cơ hội chuyển dịch đầu tư từ các quốc gia trong khu vực thời kỳ hậu Covid-19, bởi Việt Nam vẫn được xem là điểm hấp dẫn với nhiều nhà đầu tư nước ngoài.

Đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh: “Chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng về mọi mặt để hợp tác với các nhà đầu tư của Mỹ cũng như các đối tác của nền kinh tế số 1 thế giới này sau khi Việt Nam và Mỹ nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện”.

Quốc hội sớm có đợt giám sát về tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại các bệnh viện

Hà Nội đang thực hiện thí điểm tự chủ trong các trường học - ảnh 4
Đại biểu Nguyễn Anh Trí phát biểu.

Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí, tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế chưa được khắc phục triệt để. Hơn 2 năm qua, ngành Y tế tập trung sửa đổi, bổ sung nhiều luật, nghị định, thông tư để tháo gỡ. Thế nhưng, tình trạng này vẫn đang diễn ra nên đề nghị Quốc hội sớm có cuộc giám sát sau khi sửa đổi luật, nghị quyết, thông tư. 

 Đại biểu dẫn thông tin mà những ngày qua báo chí quan tâm, đó là tình trạng nhiều bệnh viện thuộc các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long - nơi bệnh viện được giao cung cấp máu và chế phẩm máu cho cấp cứu và điều trị - thông báo tình hình hạn chế máu và không còn máu cung cấp.

Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí, chữa bệnh không có thuốc, lấy máu không có túi thì thật là vô lý trong bối cảnh hiện nay. Dù Bộ Y tế đã có nhiều cố gắng, nhưng vẫn xảy ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại các bệnh viện. Vì vậy, đại biểu kiến nghị Quốc hội sớm có đợt giám sát về vấn đề này và có ý kiến để Chính phủ chỉ đạo các đơn vị liên quan giải quyết tình trạng cấp thiết này.

Cần sớm có các cơ chế chính sách để các trường đại học tự chủ tài chính

Hà Nội đang thực hiện thí điểm tự chủ trong các trường học - ảnh 5
Đại biểu Lê Quân phát biểu

Đại biểu Lê Quân quan tâm đến vấn đề tự chủ của các trường đại học hiện nay, trong đó có vấn đề tự chủ về tài chính. Thời gian qua các trường đại học tự chủ gặp nhiều khó khăn khi nguồn thu chủ yếu dựa vào học phí; trong khi đó một số quy định về pháp luật chưa đồng bộ, chưa thúc đẩy tự chủ đại học. Tình trạng này còn khó khăn hơn khi chúng ta thực hiện cải cách tiền lương vào năm 2024, bởi nguồn thu của các trường không tăng nhưng chi cho lương và các chi phí khác sẽ tăng theo.

Theo đại biểu Lê Quân, việc tự chủ về chuyên môn học thuật thì rất tốt nhưng tự chủ về tài chính thì gặp khó khăn và còn bị cạnh tranh nguồn nhân lực với khu vực tư nhân rất lớn. Vì vậy, đề nghị quốc hội tính toán lại, các vấn đề về học phí trông vào khó khăn, tăng lương lộ trình, giảm chi thường xuyên nhưng đầu tư chưa đáp ứng. Quốc hội cần sớm có các cơ chế chính sách để các trường đại học tự chủ có thêm nguồn thu khác, không chỉ trông chờ vào tăng học phí. Hơn nữa, giáo dục đại học gặp khó khăn thì không thể nâng cao chất lượng đào tạo, năng suất lao động được.

Cần thay đổi tư duy về công nghiệp văn hoá

Hà Nội đang thực hiện thí điểm tự chủ trong các trường học - ảnh 6
Đại biểu Bùi Hoài Sơn phát biểu

Đại biểu Bùi Hoài Sơn cho rằng, cần phải có cách nhìn công bằng, mong mọi người dành sự quan tâm, động viên tinh thần cho anh em nghệ sĩ, khuyến khích sự sáng tạo, để họ có sự nhiệt tâm khai thác giá trị lịch sử trong làm phim.

Hiện nay, Luật Điện ảnh đã được ban hành, tuy nhiên tư duy vẫn chưa theo được với tinh thần của luật đề ra. Ví dụ như trong năm 2023, Việt Nam có 2 phim đặt hàng của nhà nước đó là "Đào, phở và Piano" và "Hồng Hà nữ sĩ". 2 sản phẩm này được đầu tư khá nhiều tiền nhưng đến với thị trường rất khó khăn. Tương tự, nhiều phim khác, sản phẩm văn hóa, nghệ thuật khác do Nhà nước sản xuất khó đến với thị trường. Do chúng ta chưa có tư duy kết nối giữa sản xuất, phát hành với nhu cầu thị trường trong làm phim.

Theo Bùi Hoài Sơn, để phát hành phim, đầu tiên nhà sản xuất phải trả phí phát hành là 1 tỷ đồng mà chưa biết "thắng thua" thế nào. Trong khi đó, về chia sẻ lợi nhuận, nếu phim có lợi nhuận thì 50% nhà sản xuất phải chuyển về Nhà nước, 50% rạp phim. Nhà sản xuất thì thắng cũng không được đồng nào thì không nhà làm phim nào tận tâm.

Vì vậy, đại biểu Bùi Hoài Sơn cho rằng: cần thay đổi tư duy về công nghiệp văn hoá, tạo ra thị trường ủng hộ cho sản phẩm văn hoá nghệ thuật của người Việt Nam, từ đó lan toả các lĩnh vực khác phát triển.

 

Tin cùng chuyên mục

Gần 3.000 cán bộ, hội viên phụ nữ tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về với đất Mẹ  ​

Gần 3.000 cán bộ, hội viên phụ nữ tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về với đất Mẹ ​

(PNTĐ) - 13 giờ ngày 26/7, Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức trọng thể tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội; Hội trường Thống Nhất, TP.HCM và tại quê nhà xã Đông Hội, huyện Đông Anh, TP Hà Nội. Lễ an táng lúc 15 giờ cùng ngày tại Nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội.
Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

(PNTĐ) - Lễ truy điệu đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức lúc 13 giờ 00 phút ngày 26 tháng 7 năm 2024 tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, thành phố Hà Nội. Lễ viếng, Lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng được tổ chức cùng thời gian trên tại Hội trường Thống Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh và tại quê nhà xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.
Tình cảm của người dân nơi quê nhà Đông Hội gửi tới Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Tình cảm của người dân nơi quê nhà Đông Hội gửi tới Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

(PNTĐ) - Sáng sớm ngày 26/7, tại Nhà văn hóa thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội, dòng người đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn tiếp nối. Những gương mặt trang nghiêm, những đôi mắt hoe đỏ luôn hướng về tấm di ảnh người con ưu tú của mảnh đất Đông Hội, Đông Anh được đặt trang trọng giữa lớp hoa vàng.
Hàng nghìn người tiếp nối nhau thắp nén tâm nhang tiếc thương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong ngày Quốc tang thứ 2

Hàng nghìn người tiếp nối nhau thắp nén tâm nhang tiếc thương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong ngày Quốc tang thứ 2

(PNTĐ) - Sáng ngày 26/7, rất đông người dân đến sớm xếp hàng nghiêm trang theo hướng dẫn để chờ đến lượt viếng. Đầu giờ sáng, Hội trường Thống Nhất, TPHCM, quê nhà Đông Anh của Tổng Bí thư, nhà tang lễ Quốc gia đã chật kín người tới tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.