​ Hà Nội: Góp ý về quản lý, khai thác, sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố

HÀ LINH
Chia sẻ

(PNTĐ) - Ngày 19/2, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo đề án của UBND thành phố Hà Nội về quản lý, khai thác, sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố trên địa bàn thành phố Hà Nội. Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương, cùng đại diện các sở, ngành liên quan và các chuyên gia, nhà khoa học cùng dự hội nghị.

Một số tiêu chí quan trọng của Đề án

Trình bày tờ trình Đề án, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Thế Công cho biết, đối với việc khai thác, sử dụng tạm thời một phần hè phố để trông giữ phương tiện giao thông đường bộ, để kinh doanh, phát triển kinh tế đô thị, du lịch, kinh tế đêm có tiêu chí là hè phố phải có chiều rộng tối thiểu 3m (trừ trường hợp đặc biệt trong khu vực phố cổ). Bề rộng hè phố đảm bảo từ 3m trở lên để đáp ứng cho người đi bộ 1,5m, bố trí hạ tầng kỹ thuật, một phần để kinh doanh và trông giữ phương tiện. Đối với khu phố cổ cho phép hè phố có chiều rộng nhỏ hơn 3m được kinh doanh trong thời gian tổ chức không gian đi bộ hoặc thời gian khác được UBND quận cấp phép.

​  Hà Nội: Góp ý về quản lý, khai thác, sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố - ảnh 1
Quang cảnh hội nghị

Bên cạnh đó, hè phố đủ điều kiện để kinh doanh cần đảm bảo cho nhu cầu đỗ xe của khách. Trong điều kiện hộ kinh doanh không có chỗ đỗ xe cho khách thì có thể xem xét khi đảm bảo một trong các yêu cầu như: Từ địa điểm kinh doanh đến bãi đỗ xe gần nhất không lớn hơn 500m; Hoặc khoảng cách từ địa điểm kinh doanh đến ga, bến xe công cộng gần nhất không lớn hơn 500m; Đối với các vỉa hè có bề rộng lớn hơn 4m mà không tổ chức kinh doanh, UBND cấp huyện có thể cấp phép trông giữ phương tiện xe máy tuỳ theo nhu cầu của từng khu vực, đảm bảo không lấn chiếm vỉa hè dành cho người đi bộ (tối thiểu 1,5m)...

Việc cấp mới, điều chỉnh, thu hồi giấy phép sử dụng tạm thời một phần hè phố để trông giữ phương tiện giao thông đường bộ (xe mô tô 2 bánh, xe đạp điện…) hoặc kinh doanh do Sở Giao thông vận tải, UBND cấp huyện thực hiện theo phân cấp. Nội dung giấy phép phải quy định rõ phạm vi, thời gian, tổ chức, cá nhân được sử dụng một phần hè phố để trông giữ phương tiện giao thông đường bộ hoặc kinh doanh. Phí sử dụng tạm thời một phần hè phố để trông giữ phương tiện giao thông đường bộ (xe mô tô 2 bánh, xe đạp điện…) hoặc kinh doanh được xác định theo Nghị quyết của HĐND thành phố Hà Nội.

​  Hà Nội: Góp ý về quản lý, khai thác, sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố - ảnh 2
Chuyên gia đóng góp ý kiến

Đối với tiêu chí về việc tổ chức trông giữ phương tiện giao thông đường bộ dưới lòng đường, phố, điều kiện cần gồm: Không tổ chức trông giữ phương tiện trên tuyến quốc lộ đi qua đô thị; Không gây cản trở cho các phương tiện giao thông; không gây ảnh hưởng đến sinh hoạt và các hoạt động bình thường của tổ chức, hộ gia đình hai bên đường phố; Đối với đường tổ chức giao thông hai chiều: Mặt cắt ngang lòng đường tối thiểu là 10,5m thì cho phép trông giữ xe một bên; tối thiểu là 14,0m thì cho phép trông giữ xe hai bên; Đối với đường tổ chức giao thông một chiều: Mặt cắt ngang lòng đường tối thiểu là 7,5m thì cho phép trông giữ xe bên phải phần xe chạy;...

Điểm để xe phải cách nút giao thông tối thiểu 20m tính từ vị trí tiếp giáp giữa đoạn thẳng với đoạn cong (dự phòng khoảng cách để dừng phương tiện khi lắp đèn chỉ huy tín hiệu giao thông trong đô thị), vị trí để xe phải có vạch kẻ sơn rõ ràng; Xe ô tô phải đỗ thành hàng thuận theo chiều làn đường xe chạy có chứa điểm đỗ xe; không được cắm cọc, chăng dây, rào chắn dưới lòng đường, không cản trở lối đi dành cho người đi bộ tại các vị trí sang đường; Đảm bảo sự công bằng về nhu cầu dừng đỗ xe, trông giữ xe của các cơ quan tổ chức và nhân dân dưới lòng đường hai bên tuyến phố; hai bên mặt đường phố có điều kiện về hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội tương đồng…

Đề án xác định chữ "tạm thời" là rất đúng thực tế

Tại hội nghị, TS Lê Văn Hoạt, nguyên Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội nhận định, việc sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố là cần thiết, phù hợp với yêu cầu thực tiễn, đáp ứng nhu cầu phục vụ trông giữ xe, kinh doanh nhỏ… mà không trái với quy định của Chính phủ.

Việc sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố ở những nơi có điều kiện đã đặt ra từ lâu, nhưng diễn biến khá phức tạp, hiện tại vẫn còn những ý kiến trái chiều. Một số văn bản quy định vấn đề này đã cũ, không phù hợp với thực tiễn. Vì vậy việc nghiên cứu xây dựng đề án là hoàn toàn cần thiết, đúng với chức năng nhiệm vụ thẩm quyền.

​  Hà Nội: Góp ý về quản lý, khai thác, sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố - ảnh 3
 Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương trân trọng cảm ơn những ý kiến sâu sắc, tâm huyết của các chuyên gia

Bản dự thảo đề án công phu, đúng hướng. TS Lê Văn Hoạt cơ bản đồng tình, đánh giá cao công tác chuẩn bị của cơ quan soạn thảo. Tuy nhiên, đây là vấn đề phức tạp, để tiếp tục hoàn thiện đề án để trình UBND phê duyệt, ông đề xuất một số nội dung  như: Bản dự thảo đề án có dung lượng lớn, nên trình bày khái quát, ngắn gọn, rút gọn trọng tâm hơn; cần rà soát, bổ sung các nguyên tắc sử dụng lòng đường, hè phố. Ngoài 2 quan điểm đề ra trong Dự thảo, ông đề nghị bổ sung thêm vấn đề phát huy vai trò của các hộ dân có nhà mặt phố trong việc sử dụng khai thác hiệu quả lòng, hè phố, đảm bảo văn minh đô thị; cần cụ thể hơn những kiến nghị, nội dung đối với Chính phủ; tập trung vào các giải pháp thiết thực có liên quan đến vấn đề sử dụng, khai thác một phần lòng hè phố….

TS KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội QHPT-ĐT Việt Nam cho rằng, không có đô thị nào mà có quy định về hè đường, lòng đường thay đổi liên tục, lúc thì cấm, lúc lại cho phép… Chúng ta đã thay đổi linh hoạt để phù hợp với thực tiễn. Đồng tình với quan điểm của các chuyên gia, TS Nghiêm tán thành với dự thảo của Đề án. Ông cũng đề nghị Đề án này phải xác định phạm vi nghiên cứu, phạm vi áp dụng, có thời gian thí điểm; cần phân cấp kiểm tra xử lý vi phạm; cần nói rõ chi tiết về chiều dài của bãi để xe…

Ông Bạch Thành Định, Phó Chủ nhiệm hội đồng tư vấn công tác tôn giáo, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP cho rằng nên rà soát lại các Luật, quy định nào được thay thế để Dự thảo Đề án ngắn gọn, cần bổ sung thêm Nghị định 168 về Luật Giao thông đường bộ đang có hiệu lực. Dự  thảo sẽ đụng chạm tới toàn diện các vấn đề đời sống đô thị, vì vậy không thể xem xét riêng lẻ. Cần phải căn cứ thực tiễn các tuyến phố, mật độ dân cư liên quan đến hoạt động kinh doanh, khách lưu trú, người nước ngoài đến, thu hút du lịch… gắn với từng thời điểm, từng thời gian, từng mùa có thể kinh doanh được. Vì vậy, đòi hỏi phải khảo sát kỹ để xây dựng căn cứ đúng, phù hợp với thực tiễn, không thể đem một mẫu áp dụng cho toàn Thành phố. Cần làm rõ chủ thể quản lý, phân cấp quản lý, tổ chức quản lý phải kết hợp với Sở Công Thương, kết cấu mặt phố có quy định gì, ai là người kiểm tra giám sát thường xuyên. Người quản lý trực tiếp chính là chính quyền cơ sở, xây dựng hình thức phạt, không sẽ biến Thành phố thành bãi rác. Đây là một dự án hay nhưng để làm được thì phải đặt quy mô cả Thành phố. Trước mắt, nên lựa chọn một số điểm kinh doanh phù hợp để trang trí phù hợp với điểm kinh doanh, mục tiêu  phát triển trở thành điểm cạnh tranh với trong nước, khu vực và ứng dụng chuyển đổi số vào quản lý…

Ông Tô Anh Tuấn - nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cho rằng, quan điểm người đi bộ là ưu tiên nhưng không phải là duy nhất. Đó là sự tiến bộ của Đề án. Đề án nghiên cứu khá chi tiết, khảo sát các tuyến phố, đề ra 9 mô hình. Đề án xác định chữ "tạm thời" là rất đúng thực tế, thể hiện có sự thay đổi phù hợp với thực tiễn, vận động xã hội. Khi xã hội phát triển thì sẽ có thay đổi kinh tế vỉa hè. Nhưng cần bổ sung thêm một số vấn đề như: Phương pháp nghiên cứu. Vỉa hè tác động đến tất cả các đối tượng, từ người đi bộ, các công trình xây dựng, tới công sở, người kinh doanh... Không chỉ xem xét đầy đủ các đối tượng mà cần xem xét chi tiết, cụ thể của từng đối tượng mới có quy định phản ánh chung, Đề án mới thực sự đi vào thực tiễn. Thứ nữa, nói đến giao thông, đi bộ phải nói đến lưu lượng trên các tuyến phố,  từ điều tra đó mới có cách sử dụng lòng đường phù hợp. "Nói đến giao thông là cả tuyến đường, không phải một đoạn hay tại vị trí một. Phải liệt kê được một số chức năng của lòng hè đường rồi đưa ra các thứ tự ưu tiên của từng chức năng. Khi thực hiện cần quy định từng tuyến phố định làm thế nào. Nếu đưa ra một quy định cần chú ý đến điều kiện sử dụng chặt chẽ, rõ ràng nếu không sẽ thành "trăm hoa đua nở", gây sự lộn xộn..." - ông Tô Anh Tuấn nói.

Tin cùng chuyên mục

​  Đảng bộ Hà Nội - Tự hào truyền thống vẻ vang, vững bước tiên phong trong kỷ nguyên mới

​ Đảng bộ Hà Nội - Tự hào truyền thống vẻ vang, vững bước tiên phong trong kỷ nguyên mới

(PNTĐ) - 95 năm - một chặng đường vẻ vang của Đảng bộ thành phố Hà Nội, đã hun đúc ý chí kiên cường, bản lĩnh cách mạng và khát vọng vươn lên mạnh mẽ. Từ những năm tháng đấu tranh giành độc lập đến công cuộc đổi mới hôm nay, Đảng bộ và nhân dân Thủ đô luôn đoàn kết, gương mẫu đi đầu, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của đất nước.
Tôn vinh sản phẩm truyền thống, sáng tạo của phụ nữ Thủ đô

Tôn vinh sản phẩm truyền thống, sáng tạo của phụ nữ Thủ đô

(PNTĐ) - Festival "Phụ nữ Thủ đô vì hòa bình, phát triển" năm 2025 diễn ra trong thời gian 2 ngày 15 và 16/3/2025 tại không gian phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội. Điểm nhấn của Festival là không gian trưng bày các sản phẩm truyền thống, sản phẩm sáng tạo từ các làng nghề Hà Nội và một số quốc gia…
33 tác phẩm báo chí được trao Giải báo chí về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị Thành phố Hà Nội lần thứ VII  ​

33 tác phẩm báo chí được trao Giải báo chí về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị Thành phố Hà Nội lần thứ VII ​

(PNTĐ) - Sáng ngày 13/3/2025, Thành ủy Hà Nội tổ chức Lễ trao Giải Báo chí về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị thành phố Hà Nội lần thứ VII - năm 2024. Đây là sự kiện quan trọng, thiết thực chào mừng kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng bộ thành phố Hà Nội (17/3/1930 - 17/3/2025), tôn vinh những tác phẩm báo chí xuất sắc góp phần nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của Thủ đô. Đồng chí Bùi Thị Minh Hoài, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội tới dự và trao giải.