Hà Nội khắc phục những tồn tại trong công tác y tế cơ sở, y tế dự phòng

VÂN NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) - Chiều 6/3, đoàn giám sát của Quốc hội khóa XV do Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Trưởng đoàn giám sát dẫn đầu đã làm việc với UBND thành phố Hà Nội về "Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”.

Hà Nội khắc phục những tồn tại trong công tác y tế cơ sở, y tế dự phòng - ảnh 1
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại buổi làm việc.

Tham gia đoàn giám sát còn có các Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh; Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình; đại diện lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội, đại biểu Quốc hội là thành viên đoàn giám sát và các bộ, ngành.

Đại biểu thành phố Hà Nội có các đồng chí: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà; Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Phạm Thị Thanh Mai...

Nguồn nhân lực y tế công chảy sang khu vực tư nhân

Báo cáo tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cho biết, nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 từ ngân sách thành phố năm 2020 đến năm 2022 là hơn 3.076 tỷ đồng; cấp quận, huyện, thị xã là hơn 4.988 tỷ đồng. Thành phố đã thực hiện cắt giảm chi thường xuyên, thu hồi các khoản kinh phí thường xuyên chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai thuộc dự toán của các đơn vị thuộc ngân sách thành phố để bổ sung nguồn dự phòng ngân sách thành phố năm 2020 với tổng số tiền hơn 2.897 tỷ đồng, năm 2021 với tổng số tiền hơn 2.223 tỷ đồng.

Tổng nguồn lực xã hội hóa bằng tiền và tương đương tiền huy động thông qua Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội từ năm 2020 đến năm 2022 là hơn 1.965 tỷ đồng; thông qua Sở Y tế là hơn 2.245 tỷ đồng.

Căn cứ quy định, chỉ đạo của Trung ương, thành phố đã chủ động, linh hoạt bám sát tình hình dịch bệnh, ban hành kịp thời các cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp với tình hình thực tế tại thành phố, bảo đảm đúng thẩm quyền theo quy định, như: Chính sách hỗ trợ thêm 70% cho các lực lượng tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch; chế độ chi đặc thù và chính sách hỗ trợ động viên đối với công chức, viên chức, lao động hợp đồng trong lĩnh vực y tế tại các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc thành phố…

Hà Nội khắc phục những tồn tại trong công tác y tế cơ sở, y tế dự phòng - ảnh 2
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương báo cáo tại buổi làm việc

Về việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, toàn ngành Y tế Hà Nội hiện có 13 bệnh viện đa khoa huyện, 30 trung tâm y tế quận, huyện, thị xã và 13.903 cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập. Về nhân lực y tế tại y tế cơ sở, nhân lực tuyến xã năm 2022 là 4.723 người, trong đó, tỷ lệ trạm y tế xã/phường/thị trấn có bác sĩ làm việc là 100%; tỷ lệ trạm y tế xã/phường/thị trấn có bác sĩ làm việc cơ hữu là 88,6%... Hệ thống tổ chức về y tế dự phòng của ngành Y tế Hà Nội cũng chính là lực lượng cán bộ của các trung tâm y tế thực hiện đa chức năng.

Thành phố Hà Nội cho rằng, chế độ đãi ngộ, điều kiện, môi trường làm việc, cơ hội phát triển nghề nghiệp, thăng tiến vừa là những điểm tồn tại, vừa là nguyên nhân dẫn đến khó khăn trong thu hút, tuyển dụng, sử dụng, giữ chân nhân lực tại y tế cơ sở, nhất là lực lượng bác sĩ, dược sĩ, kỹ thuật y. Khi dịch bệnh xảy ra, mức thu nhập không tương xứng với công sức mà nhân viên y tế đã bỏ ra để thực hiện nhiệm vụ; do đó, nguồn nhân lực cũng chảy sang khu vực tư nhân nhiều hơn. Việc thực hiện thu giá dịch vụ y tế theo các mức giá thu chưa được tính đủ các yếu tố chi phí dẫn đến nguồn thu của các đơn vị gặp nhiều khó khăn trong công tác tự chủ chi hoạt động thường xuyên.

Hà Nội luôn đi trước một bước trong công tác phòng, chống dịch Covid-19

Xem xét báo cáo và kiến nghị của UBND thành phố Hà Nội, các thành viên đoàn giám sát của Quốc hội đánh giá cao công tác phòng, chống dịch Covid-19 và công tác y tế cơ sở, y tế dự phòng của thành phố. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Phạm Thúy Chinh cho rằng, trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, Hà Nội nhận ít hơn là cho đi. Điều đó thể hiện nét đẹp văn hóa của Hà Nội, nhận được sự trân trọng của các tỉnh, thành phố và bạn bè quốc tế.

Hà Nội khắc phục những tồn tại trong công tác y tế cơ sở, y tế dự phòng - ảnh 3
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí, thành viên đoàn giám sát phát biểu

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí, thành viên đoàn giám sát cũng đánh giá, Hà Nội luôn đi trước một bước trong công tác phòng, chống dịch Covid-19; đồng thời, đã huy động được cả hệ thống chính trị, toàn dân vào công tác phòng, chống dịch, từng bước phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Bày tỏ quan tâm đến lĩnh vực y tế cơ sở, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Hữu Toàn nhận định, việc Hà Nội xác định khu vực y tế cơ sở bao gồm cả cơ sở công lập và tư nhân là quan điểm đúng đắn, từ đó, để thực hiện tốt công tác y tế cơ sở, cần đầu tư cho cơ sở công lập, đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ sở tư nhân cùng thực hiện công tác y tế toàn dân.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai đề nghị, thành phố phân tích rõ quan điểm cho rằng trung tâm y tế cấp huyện trực thuộc Sở sẽ bảo đảm công tác y tế cơ sở được thực hiện tốt hơn, trong khi thành phố Hồ Chí Minh lại cho rằng, trung tâm y tế cấp huyện trực thuộc địa phương sẽ tốt hơn, khi mà cả hai thành phố đều là đô thị lớn, có nhiều điểm tương đồng về kinh tế - xã hội…

Hà Nội khắc phục những tồn tại trong công tác y tế cơ sở, y tế dự phòng - ảnh 4
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định kết luận buổi làm việc

Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đánh giá cao sự chuẩn bị báo cáo của thành phố Hà Nội, đồng thời, đánh giá rất cao công tác phòng, chống dịch Covid-19; bên cạnh đó, thành phố đã hỗ trợ rất nhiều cho các địa phương và bạn bè quốc tế trong công tác phòng, chống dịch.

Đồng chí Nguyễn Khắc Định khẳng định: “Đây là đóng góp hết sức thiết thực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô trong công tác phòng, chống dịch”.

Về việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng trong thời gian qua, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, thành phố Hà Nội luôn đứng đầu cả nước về công tác này, góp phần thực hiện tốt công tác y tế, chăm sóc sức khỏe toàn dân.

Bên cạnh những thành quả đạt được, công tác huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19 và công tác y tế cơ sở, y tế dự phòng của thành phố cũng đã bộc bộ nhiều khó khăn, hạn chế, thiếu sót. Do đó, đồng chí Nguyễn Khắc Định đề nghị, thành phố khắc phục ngay những tồn tại, không đợi kết quả Nghị quyết giám sát mới thực hiện. Những kết quả, bài học kinh nghiệm, kiến nghị của thành phố đã cung cấp thông tin quan trọng để đoàn giám sát xem xét, đánh giá kết quả thực hiện và xây dựng báo cáo kết quả giám sát trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội.

Hà Nội khắc phục những tồn tại trong công tác y tế cơ sở, y tế dự phòng - ảnh 5
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh tiếp thu ý kiến của đoàn giám sát.

Tiếp thu ý kiến, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh giao các đơn vị có liên quan tổng hợp các ý kiến của các thành viên đoàn giám sát để hoàn thiện báo cáo; đồng thời, mong muốn Quốc hội tiếp tục có các cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 cũng như y tế cơ sở, y tế dự phòng trên địa bàn Thủ đô.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tổng Bí thư Trần Phú - Chiến sĩ Cộng sản kiên trung, bất khuất, ưu tú của dân tộc Việt Nam

Tổng Bí thư Trần Phú - Chiến sĩ Cộng sản kiên trung, bất khuất, ưu tú của dân tộc Việt Nam

(PNTĐ) - Nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh của Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024), tại thành phố Hà Tĩnh, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương và Tỉnh ủy Hà Tĩnh vừa tổ chức Hội thảo khoa học “Tổng Bí thư Trần Phú - Chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam”.
Đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng

Đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng

(PNTĐ) - Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Trần Phú ngời sáng một nhân cách lớn, một tấm gương chiến đấu và hy sinh trọn đời cho đất nước và nhân dân. Nhân cách ấy được hình thành và hun đúc nên từ một gia đình yêu nước, một quê hương giàu truyền thống cách mạng, một dân tộc anh hùng. Chính từ truyền thống của quê hương, gia đình và thời đại lịch sử đã tạo nên Trần Phú - Người chiến sỹ cách mạng, lãnh tụ vẻ vang của Đảng và dân tộc.
Không khí linh thiêng ngày chính lễ Giỗ Tổ Hùng Vương

Không khí linh thiêng ngày chính lễ Giỗ Tổ Hùng Vương

(PNTĐ) - Sáng sớm 18/4, mặc dù trời mưa lớn nhưng từ khắp các ngả đường, dòng người đông đúc tiến về Khu di tích lịch sử đặc biệt Quốc gia Đền Hùng, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ để dự Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng, mùng 10/3 âm lịch.
Tăng cường tần suất công tác thông tin, tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

Tăng cường tần suất công tác thông tin, tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

(PNTĐ) - Việc triển khai các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô được thực hiện với tinh thần chủ động, đổi mới, sáng tạo. Các hoạt động hướng về cơ sở, bắt đầu từ cơ sở, làm tốt công tác chăm lo đời sống, văn hóa tinh thần của người dân, chăm lo cơ sở vật chất đối với người có công, đặc biệt là các gia đình khó khăn về nhà ở. Bên cạnh đó, các cơ quan, địa phương tập trung bảo đảm an sinh, xã hội, đầu tư cơ sở hạ tầng (giáo dục, y tế, giao thông, văn hóa…).