Hà Nội trang trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Đào Duy Tùng

NHẬT NAM
Chia sẻ

(PNTĐ) - Sáng nay (13/5), Thành ủy - Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội trọng thể tổ chức Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Đào Duy Tùng - Nhà lãnh đạo cao cấp của Đảng, người chiến sỹ cộng sản xuất sắc, trung thành, tận tụy, suốt đời chiến đấu vì lý tưởng cách mạng, người con ưu tú của thủ đô Hà Nội, tấm gương sáng để cho cán bộ, đảng viên và các thế hệ thanh niên Việt Nam noi theo.

Đồng chí Đào Duy Tùng sinh ngày 20 tháng 5 năm 1924 trong một gia đình nhà nho yêu nước tại xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội. Truyền thống gia đình, truyền thống cách mạng của quê hương Cổ Loa, Đông Anh đã hun đúc nên phẩm chất cao đẹp, trí tuệ, tài năng của nhà lãnh đạo cấp cao, nhà tư tưởng - lý luận xuất sắc của Đảng ta.

Sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng, người thanh niên Đào Duy Tùng đã hăng hái tham gia các phong trào đấu tranh ngay trên mảnh đất quê hương, luôn kề vai sát cánh cùng đồng chí, đồng đội và quần chúng yêu nước tích cực hoạt động, chuẩn bị tổ chức khởi nghĩa giành chính quyền. Cổ Loa là địa phương đầu tiên phát động khởi nghĩa của tỉnh Phúc Yên và cũng là xã phát động khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi sớm nhất của huyện Đông Anh (ngày 17/8/1945).

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng trải qua nhiều vị trí công tác, đồng chí Đào Duy Tùng luôn thể hiện là người cộng sản hết mực trung thành, tận tụy, một nhà lãnh đạo cấp cao với tư duy đổi mới và tầm nhìn trí tuệ cao, có những đóng góp lớn lao cho sự nghiệp cách mạng của Đảng.

Hà Nội trang trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Đào Duy Tùng - ảnh 1
Thành ủy - Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội trọng thể tổ chức Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Đào Duy Tùng 

 

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, tháng 9 năm 1945 đồng chí Đào Duy Tùng được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, là bí thư chi bộ đầu tiên của xã Cổ Loa, sau đó được huyện cử đi tham gia thành lập chính quyền cách mạng và các đoàn thể quần chúng trong huyện Đông Anh.

Tháng 6 năm 1946, Đồng chí là Thường vụ Huyện uỷ, Chủ nhiệm Việt Minh huyện Kim Anh, tỉnh Phúc Yên. Tháng 2 năm 1947, Đồng chí là Tỉnh ủy viên kiêm Bí thư Huyện ủy Kim Anh, rồi được điều về phụ trách Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Phúc Yên. Tháng 9 năm 1948, Đồng chí là Thường vụ Tỉnh uỷ, Chủ nhiệm Tỉnh bộ Việt Minh tỉnh Phúc Yên. Tháng 7 năm 1949, Đồng chí là Phó Bí thư Tỉnh ủy Phúc Yên.

Tháng 2 năm 1950, Đồng chí được điều về công tác tại Khu ủy Việt Bắc. Thời kỳ Chiến dịch biên giới, Đồng chí được cử giao nhiệm vụ làm Phó trưởng Ban huy động dân công.

Tháng 9 năm 1951, Đồng chí làm Phó Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng. Từ tháng 1 năm 1953, Đồng chí được cử đi học tại Trường lý luận Mác - Lênin ở Trung Quốc, sau đó làm công tác hướng dẫn của nhà trường. Tháng 5 năm 1955, Đồng chí được phân về công tác tại Ban Tuyên huấn Trung ương; tháng 1 năm 1956 là Phó vụ trưởng, rồi Vụ trưởng Vụ Huấn học. Tháng 12 năm 1962, Đồng chí được cử làm Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương[1]. Từ năm 1965 đến năm 1982, Đồng chí kiêm chức Tổng Biên tập Tạp chí Học tập (nay là Tạp chí Cộng sản) - cơ quan nghiên cứu lý luận chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Cũng từ năm 1965 đến năm 1980, Đồng chí kiêm Thường trực Ban nghiên cứu lý luận Trung ương (Trưởng ban lúc đó là đồng chí Trường Chinh).

 Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV (tháng 12 năm 1976), Đồng chí được bầu là Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tháng 11 năm 1980, Đồng chí được cử làm Viện trưởng Viện nghiên cứu chủ nghĩa Mác- Lênin. Tháng 11 năm 1981, Đồng chí được bầu là Uỷ viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V (tháng 3 năm 1982), Đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, phân công làm Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (tháng 12 năm 1986), Đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, phân công phụ trách công tác tư tưởng và khoa giáo. Tháng 5 năm 1988, Đồng chí được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII (tháng 6 năm 1991), Đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Ban Bí thư, phân công là Thường trực Bộ Chính trị - Ban Bí thư cho đến tháng 6 năm 1996.

Đồng chí Đào Duy Tùng là nhà lãnh đạo công tác tư tưởng, lý luận xuất sắc của Đảng giai đoạn trước và trong thời kỳ đổi mới. Suốt quá trình công tác trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận của Đảng (từ năm 1955 đến năm 1998), trong những bước ngoặt của cách mạng, đặc biệt là trước những khó khăn, thử thách lớn của đất nước khi bước vào thời kỳ đổi mới, Đồng chí luôn thể hiện rõ phẩm chất cách mạng, với tư duy đổi mới, sáng tạo, khoa học, trách nhiệm cao với Đảng, với Nhân dân,... Đồng chí cũng là một trong những người trực tiếp tham gia xây dựng đường lối đổi mới từ những năm 1980. Từ các lần “khoán thử” ở Vĩnh Phúc, Hải Phòng, “khoán một trăm” rồi “khoán mười”, đến Cương lĩnh đổi mới năm 1991. Đồng chí đã cùng tập thể lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các nhà khoa học đi sâu nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, dành nhiều thời gian xuống cơ sở, tiếp xúc với Nhân dân, lắng nghe, trân trọng mọi ý kiến đóng góp để chắt lọc cái đúng, cái hay, góp sức vào việc xây dựng và phát triển đường lối, chính sách của Đảng, đặc biệt là đóng góp vào việc hình thành lý luận về đường lối đổi mới của Đảng. Đồng chí đã góp công xây dựng bản “Kết luận của Bộ Chính trị (khóa V) đối với một số vấn đề thuộc quan điểm kinh tế”. Nội dung của bản kết luận này được đưa vào Báo cáo chính trị tại Đại hội VI của Đảng, đánh dấu sự đổi mới rất căn bản về tư duy phát triển kinh tế của Đảng ta. Đồng chí đã dành nhiều công sức cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, góp phần hình thành Nghị quyết từ Đại hội VI đến Đại hội VIII của Đảng và đã để lại nhiều tác phẩm, nhiều bài nói, bài viết có giá trị, tổng kết sâu sắc trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, xây dựng Đảng,...; chú trọng tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, công tác tuyên truyền, giáo dục lý luận chính trị và đường lối, quan điểm của Đảng, đấu tranh sắc bén, nghiêm túc, có hiệu quả chống lại các quan điểm sai trái với đường lối, quan điểm của Đảng.

Hà Nội trang trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Đào Duy Tùng - ảnh 2
Chương trình văn nghệ đặc sắc trong ngày Lễ kỷ niệm

 

Sau Đại hội VI, trên cương vị Ủy viên dự khuyết Bộ chính trị, rồi Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng phụ trách công tác tư tưởng, lý luận và khoa giáo, Đồng chí được giao nhiệm vụ Thường trực Ban soạn thảo Cương lĩnh chính trị và Chiến lược kinh tế - xã hội. Đồng chí đã dồn hết tâm sức cùng tập thể Bộ Chính trị ngày đêm trăn trở, tập hợp trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, tổng kết lý luận, tổng kết thực tiễn góp phần xây dựng dự thảo “Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” được Đại hội VII thông qua.

Từ năm 1992 đến năm 1995, với cương vị Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, đồng chí Đào Duy Tùng đã chỉ đạo hoàn thành việc biên soạn Bộ giáo trình quốc gia các bộ môn: Khoa học Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam,...; trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động tuyên truyền cương lĩnh, đường lối và nghị quyết các kỳ đại hội của Đảng.

Nhiều năm liền trên cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Đồng chí đã dành trọn tâm sức, trí lực của mình cho việc lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, xây dựng các luận cứ khoa học để góp phần hình thành Cương lĩnh, đường lối đổi mới của Đảng.

Từ Đại hội VI đến Đại hội VII và những ngày chuẩn bị Đại hội VIII, nhất là khi được giao giữ chức Thường trực Bộ Chính trị - Ban Bí thư, đồng chí Đào Duy Tùng đã dành nhiều thời gian tham gia tổng kết sự phát triển đổi mới tư duy của Đảng, vừa góp phần xây dựng văn kiện, vừa góp phần truyền đạt tư tưởng đổi mới cho hệ thống giáo dục cán bộ, đảng viên của Đảng.

Từ tổng kết thực tiễn, Đồng chí đã viết nhiều công trình có giá trị lý luận sâu sắc như: “Bản chất cách mạng và khoa học của Đảng ta”, “Một số vấn đề công tác tư tưởng của Đảng”, “Sự lãnh đạo của Đảng trong lĩnh vực kinh tế”, “Quá trình hình thành con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”,...

Những cuốn sách cũng như tư tưởng, lý luận của đồng chí Đào Duy Tùng thể hiện rõ 3 nội dung, đó là: (1) Nắm vững lý luận và phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng sáng tạo vào thực tiễn đổi mới, với tinh thần độc lập, tự chủ, biện chứng, sáng tạo; (2) Luận chứng khoa học về tính tất yếu đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam; mục tiêu của cách mạng Việt Nam là độc lập dân tộc gắn liền chủ nghĩa xã hội; (3) Góp phần làm sáng tỏ lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đây là nguồn tư liệu quý giá phục vụ tổng kết 20 năm đổi mới (1986 - 2006), 30 năm (1986 - 2016) và hiện nay phục vụ cho tổng kết 40 năm, qua đó Đảng ta tiếp tục hoàn thiện đường lối đổi mới của Đảng; đồng thời góp phần phục vụ công tác lãnh đạo của Đảng, trong đó công tác tư tưởng - lý luận của Đảng tiếp tục được đổi mới, phát triển, đáp ứng yêu cầu bối cảnh tình hình mới.

Đồng chí Đào Duy Tùng là một nhà lãnh đạo công tác báo chí tài năng, đồng thời là nhà báo lớn của Đảng. Với 17 năm (từ năm 1965 đến năm 1982) làm Tổng Biên tập Tạp chí Học tập, nay là Tạp chí Cộng sản - Cơ quan lý luận và chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Đồng chí đã có công đưa tạp chí lý luận của Đảng có những bước phát triển vượt bậc và toàn diện, trở thành ngọn cờ lý luận và chính trị tiên phong của Đảng.

Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Đào Duy Tùng, Tạp chí Học tập luôn theo sát thực tiễn đời sống, kịp thời phát hiện, cổ vũ nhân tố mới, cái tốt, kiên quyết phê phán những hiện tượng tiêu cực; đẩy mạnh công tác tổng kết thực tiễn, khái quát thành lý luận, trực tiếp góp phần xây dựng cơ sở lý luận và thực tiễn trong việc hình thành, phát triển và hoàn thiện chủ trương, đường lối đổi mới của Đảng; định hướng dư luận xã hội theo đúng quan điểm của Đảng trước các sự kiện, hiện tượng trong nước và quốc tế,...

Là một nhà báo lớn với ngòi bút sắc sảo, vốn tri thức uyên bác, bản lĩnh chính trị vững vàng, đồng chí Đào Duy Tùng đã viết hàng trăm tác phẩm báo chí chính luận có giá trị lớn đối với thực tiễn. Mỗi bài viết đều có lý luận chặt chẽ, văn phong ngắn gọn, trong sáng, có phong cách đặc sắc, riêng biệt; nội dung bài viết sâu sắc, có tính giáo dục, thuyết phục, đề cập đến nhiều vấn đề thiết thực, luôn tìm cái mới, phát hiện cái mới và trân trọng cái mới; được truyền bá sâu rộng, góp phần định hướng tư tưởng trong Đảng và trong xã hội...

Đồng chí Đào Duy Tùng là tấm gương đạo đức cách mạng cao đẹp, phong cách làm việc dân chủ, khoa học. Cả cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Đào Duy Tùng gắn liền với chặng đường đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đầy gian khổ, hy sinh nhưng rất vẻ vang, hào hùng của Đảng ta, Nhân dân ta. Hơn nửa thế kỷ hoạt động cách mạng, lần lượt qua các cương vị lãnh đạo từ cơ sở, huyện, tỉnh đến lãnh đạo cấp cao của Đảng là Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Bộ Chính trị - Ban Bí thư, trong bất kỳ hoàn cảnh và cương vị công tác nào đồng chí Đào Duy Tùng cũng luôn giữ gìn phẩm chất của người cộng sản, cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, trung thực, khiêm nhường, làm hết mình, sống giản dị, nghĩa tình và gần gũi mọi người, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng và Nhân dân giao phó.

Đặc biệt, Đồng chí thể hiện là một chiến sĩ xuất sắc trên mặt trận tư tưởng, một nhà lãnh đạo tài năng của Đảng trong công tác tư tưởng, lý luận. Đồng chí đã có những cống hiến to lớn trên nhiều mặt, từ hoạt động tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, góp phần hình thành các quyết định quan trọng của Đảng đến công tác tuyên truyền, phổ biến đường lối, các nghị quyết, văn kiện của Đảng; từ công tác bồi dưỡng, đào tạo cán bộ đến công tác nghiên cứu dư luận xã hội và báo chí,...

Trong “Lời tựa” cho lần xuất bản cuốn sách “Công tác tư tưởng trong thời kỳ đổi mới” của đồng chí Đào Duy Tùng, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trân trọng viết: “Trong hơn 50 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Đào Duy Tùng đã có hơn 30 năm làm công tác tư tưởng - lý luận. Đây là một lĩnh vực rất khó khăn và phức tạp, nhưng chính ở lĩnh vực này, đồng chí Đào Duy Tùng đã có những đóng góp lớn lao và để lại nhiều ấn tượng rất tốt đẹp và sâu sắc. Chúng tôi, những thế hệ đi sau, lớp học trò của đồng chí Đào Duy Tùng, đã học tập được rất nhiều điều tốt đẹp từ đồng chí Đào Duy Tùng...”.

Với công lao to lớn đối với cách mạng, đặc biệt là trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận của Đảng, đồng chí Đào Duy Tùng đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Hồ Chí Minh, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng và nhiều huân chương, huy chương cao quý khác.

Đồng chí Đào Duy Tùng - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, tận tụy, suốt đời phấn đấu, đã dành cả cuộc đời phấn đấu vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng - là tấm gương sáng, mẫu mực cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân Thủ đô noi theo. Đảng bộ và Nhân dân Hà Nội rất đỗi tự hào vì có đồng chí Đào Duy Tùng, một trong số những người con ưu tú của Thủ đô “ngàn năm văn hiến” và anh hùng.



 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Cử hành trọng thể Lễ truy điệu và an táng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Cử hành trọng thể Lễ truy điệu và an táng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

(PNTĐ) - Chiều ngày 26/7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và gia đình đã tổ chức trọng thể Lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, theo nghi thức Quốc tang tại Nhà Tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội); Hội trường Thống Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh) và tại quê nhà Nhà Văn hóa, thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.
Gần 3.000 cán bộ, hội viên phụ nữ tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về với đất Mẹ  ​

Gần 3.000 cán bộ, hội viên phụ nữ tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về với đất Mẹ ​

(PNTĐ) - 13 giờ ngày 26/7, Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức trọng thể tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội; Hội trường Thống Nhất, TP.HCM và tại quê nhà xã Đông Hội, huyện Đông Anh, TP Hà Nội. Lễ an táng lúc 15 giờ cùng ngày tại Nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội.
Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

(PNTĐ) - Lễ truy điệu đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức lúc 13 giờ 00 phút ngày 26 tháng 7 năm 2024 tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, thành phố Hà Nội. Lễ viếng, Lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng được tổ chức cùng thời gian trên tại Hội trường Thống Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh và tại quê nhà xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.
Tình cảm của người dân nơi quê nhà Đông Hội gửi tới Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Tình cảm của người dân nơi quê nhà Đông Hội gửi tới Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

(PNTĐ) - Sáng sớm ngày 26/7, tại Nhà văn hóa thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội, dòng người đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn tiếp nối. Những gương mặt trang nghiêm, những đôi mắt hoe đỏ luôn hướng về tấm di ảnh người con ưu tú của mảnh đất Đông Hội, Đông Anh được đặt trang trọng giữa lớp hoa vàng.