Khai mạc Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ V năm 2023

HẠ THI
Chia sẻ

(PNTĐ) -Ngày 25-26/3/2023, tại thành phố Huế, Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD-ĐT), Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức “Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ V năm 2023” (SV_STARTUP 2023). Sáng ngày 25/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự lễ Khai mạc Ngày hội.

Cùng dự có Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu; lãnh đạo các bộ, ngành, tỉnh, thành phố và đông đảo học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, trung học phổ thông, trung học cơ sở trong cả nước.

Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên (SV_STARTUP) là hoạt động thường niên được Bộ GD-ĐT phối hợp tổ chức nhằm thực hiện đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” theo quyết định số 1665/QĐ-TTg ngày 30/10/2017 của Thủ tướng Chính phủ.

Khai mạc Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ V năm 2023 - ảnh 1
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu thực hiện nghi thức khởi động Ngày hội khởi nghiệp - ản:TTGD

SV_STARTUP nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của học sinh, sinh viên, giúp các em thay đổi tư duy, nhận thức, dám nghĩ, dám làm và có khát vọng lớn để biến ước mơ, ý tưởng thành hiện thực. Đây cũng là cơ hội để tăng cường các hoạt động kết nối, xúc tiến đầu tư đối với các ý tưởng, dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên có tính khả thi cao.

Sự kiện còn là dịp để tôn vinh các cá nhân, tập thể có những ý tưởng sáng tạo, giải pháp kinh doanh mới, phù hợp thực tiễn; cũng như ghi nhận sự đóng góp tích cực của các cơ sở giáo dục và đào tạo, các cơ quan, doanh nghiệp, các cá nhân đã quan tâm, đồng hành và hỗ trợ tích cực cho các hoạt động khởi nghiệp của học sinh, sinh viên.

Sau 4 lần tổ chức, SV_STARTUP đã thu hút hơn 20.000 người tham dự với hơn 2500 ý tưởng, dự án khởi nghiệp đến từ học sinh, sinh viên, 70% các dự án đã có sản phẩm và 30% dự án là ý tưởng hoặc sản phẩm đang ở mức sản xuất thử. Ngoài ra, còn có hơn 40 hội thảo, tọa đàm, diễn đàn truyền cảm hứng đã đươc tổ chức. Ngày hội nhận được sự hưởng ứng của 63/63 Sở GDĐT, hơn 400 trường đại học, 150 đơn vị thông tấn báo chí, hơn 50 doanh nghiệp, quỹ hỗ trợ đồng hành.

Đặc biệt, tỉ lệ sinh viên tham gia khởi nghiệp bằng cách thành lập doanh nghiệp  5 năm qua được duy trì ở mức cao.

Tiếp nối sự thành công của “Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên” những năm trước, SV_STARTUP  lần thứ V mang dấu ấn của nhiều hoạt động thiết thực, sôi nổi và sáng tạo.

Điểm nhấn của SV_STARTUP lần thứ V là cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” được tổ chức trên quy mô toàn quốc với tổng giá trị giải thưởng 710 triệu đồng. Đây là cuộc thi dành cho học sinh, sinh viên trong độ tuổi từ 12 - 24 đang học tại các trường THCS, THPT, trung cấp, cao đẳng, đại học trên cả nước. 

Khai mạc Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ V năm 2023 - ảnh 2
Thủ tướng thăm khôn gian trưng bày sản phẩm khởi nghiệp của HSSV- ảnh: TTGD

Năm nay, cuộc thi được phát động từ tháng 11/2022. Ban Tổ chức đã nhận được 508 dự án thuộc 5 lĩnh vực: Công nghiệp, chế tạo sản phẩm; Nông, lâm, ngư nghiệp; Giáo dục, du lịch, dịch vụ, tài chính; Y tế, chăm sóc sức khỏe, công nghệ làm đẹp; Kinh doanh tạo tác động xã hội.

Từ 508 dự án, Ban Tổ chức đã lựa chọn ra 80 dự án xuất sắc nhất vào vòng bình chọn và vòng chung kết của cuộc thi. Mỗi lĩnh vực sẽ có 3 dự án tiêu biểu được tham gia thuyết trình tại Ngày hội khởi nghiệp. Sau khi cuộc thi kết thúc, các dự án tiềm năng của khối sinh viên có thể được các cơ sở giáo dục đại học hỗ trợ chuyển giao cho cộng đồng.

Cùng với cuộc thi, các hoạt động đồng hành như Festival Ấm thực Huế, hoạt động giao lưu văn nghệ, không gian trưng bày ý tưởng, dự án khởi nghiệp cũng sẽ được tổ chức. Đặc biệt, hoạt động bình chọn cho các dự án tham dự Ngày hội sẽ được thực hiện trên hệ thống truyền thông của Chương trình.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng khi chứng kiến những gương mặt trẻ, sáng ngời tràn đầy, khí thế, khát vọng của học sinh, sinh viên; tin tưởng khát vọng sẽ là động lực, là hoài bão thôi thúc học sinh, sinh viên tiến lên, chinh phục ước mơ, hướng tới những điều tốt đẹp cho bản thân và xã hội, là ngọn đèn soi sáng trên con đường khởi nghiệp, lập thân, lập nghiệp dù còn nhiều chông gai.

Theo Thủ tướng, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo là một động lực, nguồn lực quan trọng trong phát triển của mỗi quốc gia, đặc biệt trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Những năm qua, Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, đã ban hành và triển khai hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ, khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Phong trào khởi nghiệp đã lan tỏa rộng khắp từ thành phố đến nông thôn và đến tận các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tinh thần doanh nhân, khát vọng khởi nghiệp bắt đầu khởi sắc ở hầu hết các tầng lớp, thế hệ người dân, nhất là trong giới trẻ. 

Khai mạc Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ V năm 2023 - ảnh 3
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại sự kiện 1 - ảnh: TTGD

Đặc biệt, Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên được tổ chức hằng năm thực sự trở thành sân chơi trí tuệ, nơi hình thành các ý tưởng, những nghiên cứu khoa học giá trị nhằm thúc đẩy khát vọng khởi nghiệp của thanh niên. Đồng thời, tạo môi trường thuận lợi để hỗ trợ học sinh, sinh viên hình thành và hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp.

Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tạo môi trường, điều kiện, cơ sở pháp lý thuận lợi để thanh niên khởi nghiệp. Theo đó, rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho khởi nghiệp, nhất là cơ chế khuyến khích, bảo vệ thanh niên trong khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và cơ chế hỗ trợ về vốn, cơ sở hạ tầng, nhân lực, thuế, phí, lệ phí...; có cơ chế để hình thành và phát triển tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo ngay từ cấp học phổ thông; gắn khởi nghiệp trong các trường đại học, trường nghề với việc giải quyết những vấn đề thực tế đặt ra.

Thủ tướng yêu cầu thúc đẩy phát triển các Trung tâm ươm tạo và hỗ trợ khởi nghiệp cho thanh niên; gắn kết các Trung tâm hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp với các Trung tâm khởi nghiệp tại các địa phương; hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia; kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia với mạng lưới chuyên gia, cố vấn khởi nghiệp sáng tạo, nhà đầu tư, quỹ đầu tư trong nước, quốc tế, với phương châm "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ"; có chương trình, kế hoạch cụ thể, đầu tư xứng đáng cho khởi nghiệp; có cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các cơ sở giáo dục, đào tạo nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội các địa phương theo hướng xanh, bền vững; sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định về quỹ đầu tư khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo theo hướng tạo thuận lợi và đơn giản hóa về thủ tục hành chính...

Phát biểu tại Ngày hội, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: Phong trào khởi nghiệp của học sinh, sinh viên tính đến nay dẫu kết quả các hoạt động vẫn còn có phần khiêm tốn nhưng có thể nói nó đã thành một tinh thần, thành một khí thế, thành một xu hướng lớn cho học sinh, sinh viên. Hai tiếng “khởi nghiệp” đã trở nên quen thuộc và thôi thúc đối với thế hệ trẻ.

"Chúng tôi coi rằng việc rèn luyện những phẩm chất, những năng lực và những kỹ năng cho học sinh, sinh viên, trong đó cần ưu tiên những năng lực, những phẩm chất có liên quan đến hoạt động khởi nghiệp. Coi việc khởi nghiệp là một trong những vấn đề chất lượng của ngành Giáo dục cần phải tạo ra. Coi việc đổi mới giáo dục và đào tạo mà ngành Giáo dục đang triển khai cần phải thực hiện cho được mục tiêu khởi nghiệp, trong đó những việc như nuôi dưỡng khát vọng, rèn luyện ý chí, cung cấp các kỹ năng không gì khác thuộc trách nhiệm của ngành giáo dục và đào tạo"- Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định.

Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, sự kết nối với doanh nghiệp, sư lưu tâm, sự ủng hộ của các Bộ, ngành địa phương để các ý tưởng khởi nghiệp được nuôi dưỡng và ươm mầm từ giai đoạn học tập của sinh viên là việc quan trọng mà ngành giáo dục và đào tạo phải làm.

Đối với các đơn vị đào tạo, SV_STARTUP lần thứ V là cơ hội để thúc đẩy sự thay đổi trong dạy và học, đẩy mạnh áp dụng các thành tựu nghiên cứu để nhanh chóng bắt kịp với xu thế mới. Đồng thời, tăng cường các hoạt động hướng nghiệp, truyền ngọn lửa đam mê, tạo nền tảng vững vàng cho học sinh, sinh viên ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, giúp các em phát triển năng lực, phẩm chất tự tin tạo ra đột phá, đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

SV_STARTUP lần thứ V cũng kỳ vọng thu hút được nhiều doanh nghiệp, quỹ đầu tư quan tâm, kết nối đầu tư đối với các ý tưởng, dự án khởi nghiệp tiềm năng của học sinh, sinh viên.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình triển khai thực hiện Luật dân chủ ở cơ sở

Chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình triển khai thực hiện Luật dân chủ ở cơ sở

(PNTĐ) - Cuộc thi tìm hiểu “Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở” trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2024 giúp cán bộ Mặt trận các cấp thấm nhuần quan điểm tư tưởng của Luật này, nhất là những quan điểm mới, cần có một đợt sinh hoạt chính trị lớn, để từ chỗ nắm vững, cán bộ có thể ứng dụng sáng tạo trong cuộc sống nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Đây cũng là một trong những hoạt động chào mừng thành công của Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp nhiệm kỳ 2024-2029, chào mừng kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô và 94 năm ngày truyền thống MTTQ Việt Nam.
Hà Nội trao tặng Bằng khen 644 tập thể, cá nhân có thành tích trong các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

Hà Nội trao tặng Bằng khen 644 tập thể, cá nhân có thành tích trong các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

(PNTĐ) - Chúng ta vừa trải qua những ngày tháng Mười lịch sử, với chuỗi các hoạt động, sự kiện chính trị, văn hóa, nghệ thuật quan trọng chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024) mà dư âm, ký ức hào hùng về một Thủ đô nghìn năm văn hiến, là trái tim, biểu tượng của lịch sử, văn hóa và phát triển của đất nước Việt Nam vẫn còn đong đầy trong tâm trí người Hà Nội, nhân dân, du khách trong nước và bạn bè quốc tế khi đến với Hà Nội.
"Hành trình xe đạp hữu nghị vì một Hà Nội xanh"

"Hành trình xe đạp hữu nghị vì một Hà Nội xanh"

(PNTĐ) - Sáng 17/11, Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị thành phố Hà Nội phối hợp với quận Hai Bà Trưng tổ chức chương trình "Hành trình xe đạp hữu nghị vì Hà Nội xanh" lần thứ 4. Hoạt động nhằm tăng cường các hoạt động giao lưu hữu nghị, nâng cao nhận thức của người dân cùng bạn bè quốc tế đang sinh sống, làm việc tại Hà Nội về gìn giữ môi trường sống xanh, quảng bá hình ảnh Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, Thành phố vì hòa bình, xanh-sạch-đẹp, khuyến khích sử dụng phương tiện giao thông thân thiện với môi trường.