Khởi công cầu Tứ Liên: Điểm nhấn kiến trúc, xứng tầm và tôn vinh Hà Nội

HÀ LINH
Chia sẻ

(PNTĐ) - Sau khi khởi công cầu Tứ Liên, UBND TP đang tiếp tục chỉ đạo các chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ và tiến hành khởi công 6 cây cầu lớn trong năm 2025.

Thúc đẩy quá trình đô thị hóa, giãn dân số, giảm tải cho các cầu

Sáng 19-5, UBND TP Hà Nội đã tổ chức lễ khởi công cầu Tứ Liên bắc qua sông Hồng. Đây là cây cầu đặc biệt nối huyện Đông Anh và quận Tây Hồ với thiết kế 2 trụ đài dây văng xoắn.

Việc đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và tuyến đường từ cầu Tứ Liên đến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên có vai trò quan trọng để kết nối nhanh khu vực phía Bắc, Đông Bắc sông Hồng, tỉnh Thái Nguyên thông qua đường cao tốc Hà Nội, thúc đẩy quá trình đô thị hóa, giãn dân số, giảm tải cho các cầu Chương Dương, Long Biên, Thăng Long, Vĩnh Tuy và giảm áp lực giao thông trong đô thị lõi, đồng thời từng bước hoàn thiện quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, quy hoạch phát triển giao thông vận tải Hà Nội, đảm bảo an ninh, quốc phòng cho Thủ đô và phát triển không gian đô thị hiện đại hai bên sông Hồng. Bên cạnh đó, Dự án cầu Tứ Liên được xác định là một dự án quan trọng được Lãnh đạo Trung ương Đảng, Chính phủ đặc biệt quan tâm chỉ đạo cần sớm triển khai, phục vụ kết nối với Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia và tuyến đường từ sân bay Gia Bình về Trung tâm Thành phố Hà Nội, góp phần phục vụ phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô thực hiện mục tiêu tăng trưởng 8% năm 2025 và tạo đà tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026 -2030. Công trình cầu Tứ Liên với thiết kế kiến trúc dây văng hai mặt phẳng dây, chiều dài nhịp chính và chiều cao trụ tháp lớn, sơ đồ dây đan chéo trên một mặt phẳng sẽ tạo điểm nhấn kiến trúc, sau khi hoàn thành vào năm 2027 sẽ là một trong những công trình cầu biểu tượng của thành phố Hà Nội.

Khởi công cầu Tứ Liên: Điểm nhấn kiến trúc, xứng tầm và tôn vinh Hà Nội  - ảnh 1
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu khởi công Dự án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên. Ảnh: TTXVN

Theo chủ trương đầu tư dự án được phê duyệt tại Nghị quyết số 10/NQ-HĐND ngày 25/02/2025, Dự án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và đường hai đầu cầu (từ nút giao với đường Nghi Tàm đến nút giao với đường Trường Sa) được phê duyệt gồm 04 Dự án thành phần, trong đó bao gồm 03 Dự án thành phần giải phóng mặt bằng và 01 Dự án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và đường dẫn.

Các Dự án thành phần GPMB trên địa bàn 03 quận, huyện: Tây Hồ, Long Biên, Đông Anh (trên địa bàn 07 phường: Quảng An, Yên Phụ, Tứ Liên, Ngọc Thụy, Xuân Canh, Đông Hội) có tổng mức đầu tư khoảng 4.332 tỷ đồng. Tổng diện tích thu hồi, GPMB khoảng 62,53ha với tổng số dự kiến khoảng 701 trường hợp thu hồi đất (412 trường hợp đất ở, 280 trường hợp đất nông nghiệp và đất của các tổ chức, đất công), trong đó dự kiến tái định cư khoảng 257 trường hợp đất ở và tái định cư chùa Long Đọi.

Dự án thành phần 2: Đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và đường dẫn hai đầu cầu (từ nút giao với đường Nghi Tàm đến nút giao với đường Trường Sa). Chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội. Tổng mức đầu tư khoảng 15.498 tỷ đồng. Đường dẫn đầu cầu phía Nghi Tàm rộng 48m, phía Đông Anh rộng 60m. Đầu tư xây dựng các cầu: cầu chính Tứ Liên dây văng rộng 43m (kết cấu dầm thép nhịp chính 500m, trụ tháp cao 185m), cầu đúc hẫng, cầu thép; 02 nút giao với đường Nghi Tàm và nút giao với đường Trường Sa, hầm chui và các công trình hạ tầng kỹ thuật, hè đường, chiếu sáng, chiếu sáng kiến trúc, cây xanh…

Khởi công cầu Tứ Liên: Điểm nhấn kiến trúc, xứng tầm và tôn vinh Hà Nội  - ảnh 2
Thủ tướng nhấn mạnh dự án cầu Tứ Liên sẽ góp phần giải quyết vấn đề giao thông của Hà Nội, kết nối giữa các khu vực của Hà Nội, kết nối vùng, kết nối quốc tế qua các sân bay Nội Bài và sân bay Gia Bình - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phát biểu tại buổi lễ khởi công, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định: Theo Quy hoạch phát triển giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, cầu Tứ Liên là một trong 18 công trình cầu đường bộ vượt qua sông Hồng, có vai trò quan trọng trong kết nối giao thông, phát triển đô thị hai bên sông và kết nối đồng bộ với Trung tâm Hội chợ triển lãm Quốc gia, Sân bay Gia Bình (tỉnh Bắc Ninh) và các tỉnh, khu vực phía Bắc, Đông Bắc sông Hồng, giảm tải cho các cầu hiện hữu, góp phần phục vụ phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô thực hiện mục tiêu tăng trưởng trên 8% năm 2025 và tăng trưởng hai con số trong những năm tiếp theo.

Dự án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và đường hai đầu cầu (từ nút giao với đường Nghi Tàm đến nút giao với đường Trường Sa) gồm 04 Dự án thành phần (trong đó: 03 Dự án thành phần giải phóng mặt bằng; 01 Dự án đầu tư xây dựng) với tổng mức đầu tư khoảng 20.171 tỷ đồng (giải phóng mặt bằng: 4.332 tỷ đồng; đầu tư xây dựng: 15.839 tỷ đồng), tổng chiều dài Dự án khoảng 5,15km, điểm đầu kết nối với đường Nghi Tàm, quận Tây Hồ điểm cuối kết nối với đường Trường Sa, huyện Đông Anh.

Khởi công cầu Tứ Liên: Điểm nhấn kiến trúc, xứng tầm và tôn vinh Hà Nội  - ảnh 3
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại lễ khởi công Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đồng thời, UBND thành phố Hà Nội đang tiếp tục chỉ đạo các chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ và tiến hành khởi công một loạt 06 công trình cầu lớn, để cũng khởi công trong năm nay, như: cầu Hồng Hà, cầu Mễ Sở (Vành đai 4); cầu Thượng Cát, Ngọc Hồi (Vành đai 3,5); cầu Trần Hưng Đạo và cầu Vân Phúc.

Để Dự án được triển khai hiệu quả, đúng tiến độ, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh đề nghị: Chủ đầu tư và nhà thầu tập trung nguồn lực thi công đảm bảo chất lượng, an toàn, tiến độ. UBND các quận, huyện: Tây Hồ, Long Biên và Đông Anh: Tập trung thực hiện giải phóng mặt bằng đối với phần diện tích còn lại thuộc phạm vi dự án theo quy trình, quy định để sớm bàn giao mặt bằng sạch. Các sở, ngành tham mưu kịp thời tháo gỡ vướng mắc, đảm bảo dự án triển khai thông suốt trong bối cảnh thực hiện mô hình chính quyền mới (áp dụng từ ngày 01/7/2025)

Trong thời gian tới, Thành phố sẽ tiếp tục triển khai các dự án lớn như: Đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, các cầu vượt sông khác, Thành phố mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các Bộ, ban, ngành Trung ương để các dự án được triển khai đồng bộ, hiệu quả.

Thủ tướng mong muốn cây cầu phải là một điểm nhấn kiến trúc

Phát biểu tại buổi lễ khởi công, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng tới dự lễ khởi công trong không khí cả nước đang phấn khởi thi đua chào mừng, kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890 - 19/5/2025), chuẩn bị kỷ niệm 80 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, nối tiếp sự thành công của chuỗi sự kiện khởi công, khánh thành các công trình, dự án trọng điểm quốc gia và các công trình lớn nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025). Đây cũng là sự kiện góp phần khẳng định sự chuyển mình mạnh mẽ, phát triển nhanh và bền vững, phát huy vai trò đầu tàu kinh tế với cả nước của Hà Nội ngàn năm văn hiến, anh hùng, Thủ đô của lương tri, phẩm giá con người, Thành phố vì hòa bình.

Thủ tướng nhấn mạnh dự án cầu Tứ Liên sẽ góp phần giải quyết vấn đề giao thông của Hà Nội, kết nối giữa các khu vực của Hà Nội, kết nối vùng, kết nối quốc tế qua các sân bay Nội Bài và sân bay Gia Bình.

Cùng với đó, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Hà Nội từ 8% trong năm nay như mục tiêu đã đề ra, tạo không gian phát triển mới, gia tăng giá trị đất đai, phát triển kinh tế, nhất là dịch vụ, du lịch, văn hóa, giải trí tại khu vực phía bắc sông Hồng…

Thủ tướng đánh giá cao TP. Hà Nội và các cơ quan liên quan đã làm ngày làm đêm, nỗ lực hoàn thành một khối lượng công việc rất lớn theo đúng cam kết, như phê duyệt chủ trương đầu tư, chuẩn bị đầu tư, thiết kế, lựa chọn nhà thầu, giải phóng mặt bằng.

Tin tưởng Hà Nội sẽ ngày càng có thêm nhiều kinh nghiệm và phát huy trách nhiệm để triển khai các dự án hạ tầng giao thông lớn sắp tới, Thủ tướng đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp của Hà Nội tiếp tục phát huy mạnh mẽ tinh thần chủ động, sáng tạo, tích cực trong triển khai dự án, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để sớm hoàn thành dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng cho dự án, quan tâm tới đời sống người dân, bảo đảm nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ.

Thủ tướng đề nghị Ban Quản lý dự án phát huy trách nhiệm cao nhất, các nhà thầu nỗ lực rút ngắn thời gian thi công dự án xuống còn 24 tháng, đồng thời nâng cao chất lượng, không đội vốn, bảo đảm kỹ thuật, mỹ thuật, an toàn, vệ sinh môi trường, không để tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, trên cơ sở ứng dụng các công nghệ, máy móc tiên tiến, hiện đại nhất.

Đặc biệt, Thủ tướng mong muốn cây cầu phải là một điểm nhấn kiến trúc, tạo cảnh quan đẹp, xứng tầm và tôn vinh Hà Nội ngàn năm văn hiến, anh hùng, Thủ đô của lương tri, phẩm giá con người, Thành phố vì hòa bình.

Thủ tướng đề nghị các nhà thầu hợp tác chặt chẽ, tăng cường sử dụng nhân lực tại chỗ, nguyên vật liệu tại chỗ và tăng cường chuyển giao công nghệ hiện đại; các đơn vị tư vấn phát huy trách nhiệm, bám sát công trình để thực thi nhiệm vụ. Các bộ, ngành, cơ quan Trung ương vào cuộc cùng Hà Nội khẩn trương xử lý các vấn đề phát sinh; nếu cần gì, vướng gì thì kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

 

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Điều quan trọng nhất trong cuộc cách mạng về bộ máy là chuyển đổi trạng thái sang kiến tạo, chủ động phục vụ người dân

Điều quan trọng nhất trong cuộc cách mạng về bộ máy là chuyển đổi trạng thái sang kiến tạo, chủ động phục vụ người dân

(PNTĐ) - Sáng 14/6, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì, phát biểu tại Hội nghị trực tuyến tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ liên quan đến công tác tổ chức xây dựng Đảng, quản lý nhà nước, tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị ở cấp xã (mới).
Hy vọng Đảng bộ Hội LHPN Thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2025-2030 sẽ có bước phát triển mới, vững chắc hơn

Hy vọng Đảng bộ Hội LHPN Thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2025-2030 sẽ có bước phát triển mới, vững chắc hơn

(PNTĐ) - Chiều ngày 6/6, Đại hội Đảng bộ Hội LHPN thành phố Hà Nội lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2025 - 2030 được tổ chức. Đại hội được tổ chức đúng vào thời điểm cả hệ thống chính trị nỗ lực quyết tâm cao quán triệt, triển khai tư tưởng và định hướng chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm về kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, tiếp tục thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy; đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô phấn khởi thi đua lập thành tích chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước,kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, chào mừng Đại hội thi đua yêu nước các cấp giai đoạn 2025 - 2030, tích cực triển khai thực hiện Luật Thủ đô 2024.
Không xa đâu Trường Sa!

Không xa đâu Trường Sa!

(PNTĐ) - Một tiếng còi tàu hú vang chào đất liền sau những cái nắm tay thật chặt giữa lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam và các thành viên trong đoàn với cán bộ, chiến sĩ Hải quân Vùng 2 ra tận cầu cảng Cát Lái (TP Hồ Chí Minh) tiễn đoàn ra Trường Sa. Tạm biệt đất liền, chúng tôi ra với đảo xa, nơi đầu sóng ngọn gió! Đây là hoạt động vô cùng ý nghĩa của Hội Nhà Nhà báo Việt Nam mở đầu chuỗi hoạt động kỷ niệm cột mốc 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2025).
Hội LHPN huyện Ứng Hòa: Chung tay giảm thiểu rác thải nhựa – Lan tỏa lối sống xanh

Hội LHPN huyện Ứng Hòa: Chung tay giảm thiểu rác thải nhựa – Lan tỏa lối sống xanh

(PNTĐ) - Thiết thực hưởng ứng Tháng hành động vì môi trường, ngày Môi trường Thế giới, sáng ngày 4/6, Ban Thường vụ Hội LHPN huyện Ứng Hòa tổ chức Chương trình phát động hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới 5/6 “Chung tay giảm thiểu rác thải nhựa - Lan tỏa lối sống xanh” và ra quân vệ sinh môi trường.  Tham dự chương trình có đồng chí  Nguyễn Chí Viễn, Phó Bí thư thường trực Huyện ủy - Chủ tịch HĐND huyện, đồng chí Nguyễn Văn Triệu - Giám đốc Trung tâm công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Thành phố, cùng đại diện lãnh đạo các phòng ban và đông đảo hội viên phụ nữ các xã huyện Ứng Hòa.
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh gửi thư chúc mừng giới báo chí cả nước

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh gửi thư chúc mừng giới báo chí cả nước

(PNTĐ) - Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh nhấn mạnh, báo chí cách mạng Việt Nam khi bước vào dấu mốc 100 năm, bên cạnh việc giữ vững tính định hướng, lập trường một lòng theo Đảng phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước, ngoài việc phải “gọn” và “tinh”, còn phải cấp thiết đổi mới sáng tạo, đổi mới sáng tạo liên tục, mạnh mẽ hơn nữa, để chinh phục độc giả trên những nền tảng mới.