Kỷ niệm 200 năm Thành cổ Sơn Tây

VÂN NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) - Tối 12/11, Thị ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thị xã Sơn Tây tổ chức Lễ kỷ niệm 200 năm Thành cổ Sơn Tây (1822-2022) và xúc tiến đầu tư phát triển du lịch.

Kỷ niệm 200 năm Thành cổ Sơn Tây - ảnh 1

Dự buổi lễ, có các đồng chí: Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến; nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng; Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải.

Kỷ niệm 200 năm Thành cổ Sơn Tây - ảnh 2
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến phát biểu tại buổi lễ

Phát biểu tại buổi lễ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh, hòa trong dòng chảy lịch sử, văn hóa của đất nước và Thủ đô, bao thế hệ người dân Sơn Tây đã không ngừng sáng tạo ra các giá trị văn hóa, mà hiện hữu hôm nay là những di tích lịch sử văn hóa, công trình kiến trúc, nghệ thuật độc đáo gắn với những giá trị văn hóa phi vật thể mang đậm nét của vùng đất Sơn Tây - xứ Đoài; tiêu biểu trong số đó là Thành Sơn Tây, một trong 4 “trọng trấn” quan trọng của đất Thăng Long xưa, được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 3 (1882).

Đây là tòa thành cổ được xây bằng đá ong duy nhất của Việt Nam, là hiện thân cho một giai đoạn trong lịch sử đất nước, minh chứng thuyết phục cho sức mạnh, lòng quyết tâm chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Với tính chất quan trọng về văn hóa, lịch sử cùng vật liệu, kiến trúc xây dựng độc đáo, năm 1994 Thành cổ Sơn Tây đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là “Di tích lịch sử cấp quốc gia”.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cho rằng: Việc bảo tồn, phát huy hiệu quả di tích Thành cổ Sơn Tây đã và đang góp phần khẳng định vị trí, vai trò, giá trị tiêu biểu của công trình này về ý nghĩa lịch sử, đồng thời khơi dậy tiềm năng, xúc tiến phát triển du lịch văn hóa của Thăng Long - Hà Nội, của Sơn Tây - xứ Đoài.

Theo quy hoạch chung phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thị xã Sơn Tây sẽ phát triển theo hướng trở thành đô thị vệ tinh của Hà Nội với chức năng đô thị văn hóa, lịch sử, sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng. Lễ kỷ niệm 200 năm Thành cổ Sơn Tây và Xúc tiến đầu tư phát triển du lịch được tổ chức sẽ là một trong những tiền đề quan trọng nhằm khơi dậy tiềm lực to lớn cho sự phát triển của thị xã trong thời gian tới.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đề nghị Cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân thị xã Sơn Tây tiếp tục nỗ lực, chủ động triển khai, thực hiện tốt các quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển văn hóa.  Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử gắn với di sản văn hóa địa phương.

Tập trung bảo tồn và phát huy các giá trị di sản trên địa bàn Thủ đô và thị xã, đặc biệt khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương để phát triển kinh tế du lịch và công nghiệp văn hóa; đưa thị xã Sơn Tây sớm trở thành trung tâm phát triển kinh tế du lịch, kinh tế đô thị của vùng xứ Đoài, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội khu vực phía Tây của Thủ đô Hà Nội; phấn đấu đến năm 2030, các di tích văn hóa tiêu biểu của Sơn Tây được nâng cấp là “Di tích cấp quốc gia đặc biệt”.

Kỷ niệm 200 năm Thành cổ Sơn Tây - ảnh 3
Bí thư Thị ủy Sơn Tây Trần Anh Tuấn phát biểu

Bí thư Thị ủy Sơn Tây Trần Anh Tuấn cho biết, thời gian qua, thị xã Sơn Tây đã triển khai đồng bộ các giải pháp để phát triển đô thị bền vững gắn với bảo tồn, phát huy giá trị di sản, phát triển du lịch, trong đó chú trọng các mô hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, tâm linh, văn hóa và trải nghiệm trên cơ sở khai thác, phát huy một cách hiệu quả các tiềm năng về điều kiện tự nhiên, văn hóa-xã hội, lịch sử truyền thống và nguồn lực con người.

Đặc biệt, ngày 30/4/2022, thị xã Sơn Tây đã khai mạc Năm Du lịch Sơn Tây - xứ Đoài với chủ đề “Về Sơn Tây, về miền di sản” và khai trương Tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây để bổ sung vào bản đồ du lịch của Thủ đô một sản phẩm du lịch đặc sắc. Sau gần 6 tháng đi vào hoạt động, Tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây đã thực sự trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút đông đảo nhân dân địa phương và du khách gần xa.

Bí thư Thị ủy Sơn Tây Trần Anh Tuấn nhấn mạnh: Với niềm tự hào 200 năm Thành cổ Sơn Tây cùng với nhiều di tích, danh thắng quý như: Chùa Mía, đền Và, đền hai Vua, Làng cổ Đường Lâm, Văn Miếu Sơn Tây, hệ sinh thái hồ Đồng Mô, hồ Xuân Khanh… cán bộ, đảng viên và nhân dân thị xã sẽ tiếp tục nêu cao truyền thống cách mạng, đoàn kết, quyết tâm khơi dậy tiềm năng văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh, phát huy ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển, xây dựng thị xã Sơn Tây ngày càng giầu đẹp, văn minh.

Nhân dịp này, Sơn Tây tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư, các đơn vị, hiệp hội, các trung tâm xúc tiến, trung tâm lữ hành tăng cường đầu tư, hợp tác, giao lưu trao đổi hàng hóa, dịch vụ, phối hợp điều hành đưa đón khách tham quan du lịch đến với Sơn Tây, để ngành kinh tế du lịch, dịch vụ của thị xã ngày càng phát triển, góp phần vào sự phát triển kinh tế chung của Thủ đô.

Kỷ niệm 200 năm Thành cổ Sơn Tây - ảnh 4
Thành cổ Sơn Tây được hình thành từ năm Minh Mạng thứ ba (1822) triều Nguyễn

Thành cổ Sơn Tây được hình thành từ năm Minh Mạng thứ ba (1822) triều Nguyễn để làm trọng trấn cho cả khu vực phía Tây thành Hà Nội. Thành được xây đắp hoàn toàn bằng đá ong - loại vật liệu đặc trưng của xứ Đoài, đáp ứng được yêu cầu bền chắc của một công trình phòng thủ.

Thành vốn là thủ phủ, nơi đóng trị sở của quan Tổng đốc vùng Tam tuyên (Sơn - Hưng - Tuyên), quản lý cả ba tỉnh Sơn Tây, Hưng Hóa và Tuyên Quang thời nhà Nguyễn.

Tại đây, vương triều Nguyễn đã xây dựng và củng cố một phức hợp hoàn chỉnh và chặt chẽ các công trình có giá trị phòng ngự cao, bao gồm hào nước, lũy bán nguyệt, bờ đất ngoài thành, cổng thành, tường thành, kỳ đài... với lực lượng phòng vệ đông đảo và trang bị vũ khí quy mô lớn. Không chỉ mang trong mình dấu ấn lịch sử, văn hóa của dân tộc, Thành cổ còn ấn tượng bởi vẻ đẹp cổ kính của công trình kiến trúc cổ độc đáo và tinh tế.

Với vai trò là một trong “tứ trấn” thành bảo vệ kinh thành Thăng Long xưa, là di tích trọng điểm trong chuỗi các di sản nổi tiếng của vùng đất Sơn Tây - xứ Đoài, Thành cổ Sơn Tây đã trở thành một trong những biểu tượng của thị xã Sơn Tây nói riêng và vùng đất xứ Đoài nói chung.

Đến nay, trải qua 200 năm thăng trầm, nhiều hạng mục công trình của Thành cổ vẫn được bảo tồn gần như nguyên vẹn, đó là: khuôn viên Thành cổ, hào nước, cổng Tây và cổng Nam của Thành… Trong những năm qua, thị xã đã phục dựng một số hạng mục, như Vọng cung, Kỳ đài, Đoan môn, giếng nước và một số đoạn tường thành…

Bên cạnh những dấu ấn đậm nét về hệ thống các công trình kiến trúc, nghệ thuật, quần thể cây xanh trong Thành cổ cũng là điểm nhấn, tạo nên một hệ sinh thái vô cùng độc đáo, một không gian xanh giữa lòng đô thị, tạo nét cổ kính, trầm mặc và lãng mạn của di tích, điểm đến lý tưởng cho du khách hoài cổ, yêu thiên nhiên.

Kỷ niệm 200 năm Thành cổ Sơn Tây - ảnh 5
Thành cổ Sơn Tây nhìn từ trên cao

Hơn nữa, Thành cổ Sơn Tây còn có vị thế đặc biệt trong khu vực trung tâm di sản với mật độ di tích lịch sử, văn hóa đậm đặc, là điều kiện thuận lợi cho quy hoạch phát triển du lịch, tạo ra điểm nhấn hội tụ cho văn hóa Xứ Đoài. Năm tháng trôi qua nhưng thời gian không thể xóa nhòa dấu tích lịch sử. Thành cổ vẫn còn đó uy nghiêm, cổ kính, thể hiện uy thế một thời kỳ lịch sử hào hùng của dân tộc.

Với tính chất quan trọng về văn hóa, lịch sử cùng kỹ thuật xây dựng thành độc đáo, năm 1994, được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích lịch sử và kiến trúc cấp quốc gia.

Lễ kỷ niệm 200 năm Thành cổ Sơn Tây (1822-2022) và xúc tiến đầu tư phát triển du lịch mở ra nhiều hoạt động triển lãm, trưng bày, hội thi, trình diễn, giao lưu văn hóa hấp dẫn trên địa bàn, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân địa phương và du khách đồng thời tăng sức hút cho các điểm đến du lịch di sản. 

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

​  Cần phải “đi tắt, đón đầu” trong chuyển đổi số

​ Cần phải “đi tắt, đón đầu” trong chuyển đổi số

(PNTĐ) - Chuyển đổi số là hướng đi đúng, mang tính đột phá nhất, hiệu quả nhất, do đó, cần phải “đi tắt, đón đầu” trong chuyển đổi số. Làm sao để chuyển đổi số phải thẩm thấu vào từng công việc, từng con người. Cùng với việc đưa ra các dịch vụ công trực tuyến, cần hướng dẫn, tuyên truyền để người dân tham gia, thụ hưởng và cảm nhận được các tiện ích, lợi ích của chuyển đổi số.
Hà Nội chốt 3 môn thi vào lớp 10 năm học 2024-2025

Hà Nội chốt 3 môn thi vào lớp 10 năm học 2024-2025

(PNTĐ) - Để chuẩn bị triển khai công tác tuyển sinh lớp 10 năm học 2024-2025, Sở  Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã xây dựng tờ trình UBND thành phố Hà Nội về phương án thi và được UBND Thành phố chấp thuận. Theo đó, năm học 2024-2025, Hà Nội tổ chức tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập với ba môn gồm Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ.