Ký ức không thể quên về những lần được gặp Bác Hồ

HỒNG NHUNG – LÊ THẮM
Chia sẻ

(PNTĐ) - Những ngày tháng 5 lịch sử, khi cả nước đang long trọng tổ chức kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, các cán bộ chiến sĩ, văn sĩ… yêu nước lại nhắc lại kỷ niệm những lần được gặp Bác Hồ. Đó là niềm vinh dự, kỷ niệm quá đỗi linh thiêng và không thể nào quên được...

Chuyện về nữ văn công được Bác Hồ tặng hoa ngọc lan

Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, nhưng mỗi khi nhớ tới kỷ niệm được cùng Bác Hồ xem phim, tặng kẹo và hoa ngọc lan, bà Hoàng Thị Phương Vinh (nguyên cán bộ thuộc đoàn văn công Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam) không khỏi bồi hồi, xúc động.

Bà Vinh là con gái cả trong gia đình có 6 chị em ở vùng quê chè Thanh Ba (Phú Thọ). Năm 1956, bà Phương Vinh nhập ngũ ở tuổi 17, đầu quân cho đoàn văn công Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam. Về đội văn công, bà được biên chế vào đội hát, sau đó chuyển sang làm diễn viên múa.

Một năm sau, bà được đi cùng đoàn đại biểu, biểu diễn ở một số nước: Trung Quốc, Mông Cổ, Triều Tiên, Liên Xô và được dự Liên hoan Thanh niên Sinh viên thế giới lần thứ 6 ở Mạc Tư Khoa (Liên Xô). Thời điểm đoàn văn công diễn ở Bình Nhưỡng (Triều Tiên), bà đã có cơ hội gặp Bác Hồ. Khi đó, Hồ Chủ tịch cũng đang có chuyến thăm các nước xã hội chủ nghĩa. Lúc chụp ảnh, ai cũng cố được đến gần Bác. Thấy bà Phương Vinh nhỏ tuổi nhất đoàn lại chưa được đến gần Bác lần nào nên mấy anh trong đoàn đã nhường bà.

Lần thứ hai bà được gặp Bác Hồ đúng nhân kỷ niệm 15 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1959). Năm đó, bà Vinh cùng bà Tuấn Hồng - hai cô thiếu nữ ngày ấy của đoàn ca múa Tổng cục Chính trị có tiết mục biểu diễn chào mừng Tổng thống Indonesia Sukarno sang thăm Việt Nam.

Ký ức không thể quên về những lần được gặp Bác Hồ - ảnh 1
Bà Hoàng Thị Phương Vinh bên những bức ảnh, kỷ vật thời chiến. Ảnh: Lê Thắm.

Chiều hôm ấy, cấp trên đến giao nhiệm vụ đặc biệt cho hai nữ chiến sĩ nhưng không nói rõ, khiến hai người rất tò mò. Mãi tới khi vào trong Phủ Chủ tịch, gặp ông Vũ Kỳ (thư ký của Bác) mới biết Bác cho gọi vào để xem phim cùng Bác. “Lúc đó tôi với chị Hồng vui sướng tột độ, ôm chầm lấy nhau vì không ngờ có được may mắn gặp riêng Bác như thế”, bà xúc động nói.

Bác mặc quần áo miền Nam, đi đôi dép cao su. Đôi mắt sáng, Bác vừa hiền từ vừa cương nghị. Bác gầy vì lo cho nước, cho dân.  Hai bà đi hai bên Bác. Vì sợ trời mưa nên bà Tuấn Hồng cầm ô, còn bà Vinh cầm khăn để quàng cho Bác đỡ lạnh. Mấy Bác cháu và các cán bộ trong Phủ ngồi trong phòng xem bộ phim “Chung một dòng sông”. Theo dòng ký ức của bà, khi ấy, Bác ân cần hỏi thăm từng người, nghe ông Vũ Kỳ giới thiệu xong, Bác khen: “Các cháu giỏi lắm”. Lời khen của Bác rất ngắn gọn nhưng ai cũng xúc động.

Sau khi xem phim xong, về phòng khách, Bác mời hai cô văn công ăn kẹo. Bác hỏi: “Các cháu đã là đoàn viên chưa?”, bà Phương Vinh trả lời: “Chúng cháu là đoàn viên rồi ạ”. Bác nói: “Thế thì tốt, các cháu phải làm thế nào cho xứng đáng là đoàn viên nhé”. Lần nào cũng vậy, hễ có đồng bào, em nhỏ hay các tầng lớp nhân dân đến thăm, Người cũng đều tặng lại một vài món quà nhỏ đôi khi chỉ là cái kẹo, nhành hoa… Lần gặp hai cô văn công này cũng không ngoại lệ.

Với bà Phương Vinh, lần được Bác tặng hoa và kẹo này là một kỷ niệm khó phai, bởi Bác không chỉ quan tâm tới mình mà còn rất tinh tế gửi thêm một phần quà nữa khi biết cô văn công xinh đẹp đã có người thương. Chàng trai đó chính là Dũng sĩ Đồi Xanh, Anh hùng Lực lượng vũ trang, Đại tá Đặng Đức Song.

Ghi nhớ lời Bác dạy, đến năm 1989, sau khi về hưu, bà Vinh vẫn luôn là ngọn cờ đầu trong các phong trào thi đua tại địa phương, được người dân kính trọng, tin yêu và không ít lần được Thành phố, quận khen thưởng về những cống hiến, đóng góp của mình.

Nhớ mãi kỷ niệm về những lần gặp Bác

Từng tham gia rất nhiều trận đánh lớn, nguy hiểm luôn bủa vây giữa làn mưa bom, bão đạn của địch, nhưng với Đại tá Nguyễn Hữu Tài, nguyên Phó Cục trưởng Cục Quân huấn, Bộ Tổng tham mưu QĐND Việt Nam, vinh dự lớn nhất là những lần được gặp Bác Hồ.

Đại tá Nguyễn Hữu Tài kể, sau khi kết thúc chiến dịch Trung Du năm 1950-1951, Tiểu đoàn 11, Trung đoàn 141, Đại đoàn 312 vừa được tặng thưởng Huân chương Quân công và được Bộ tư lệnh Đại đoàn thông báo: Cán bộ và chiến sĩ Tiểu đoàn 11 có vinh dự được Bác Hồ thưởng một lọ kẹo. Nhận được lọ kẹo của Bác, ai cũng vui mừng, cảm động, nhưng lại suy nghĩ chia kẹo thế nào cho công bằng.

“Tiểu đoàn đã tổ chức một đêm lửa trại liên hoan mừng thắng lợi, và cho đun một nồi nước to có thêm vài cân đường cho ngọt. Sau khi anh em lần lượt xem lọ kẹo của Bác và bớt một phần cho thương binh, Tiểu đoàn trường Hồ Quang Hóa đổ kẹo vào nồi nước sôi giữa tiếng hoan hô reo mừng của bộ đội. Anh em vui vẻ thay nhau múc nước uống rồi hát hò, kể chuyện đánh Tây thâu đêm” - Đại tá Tài xúc động kể.

Ký ức không thể quên về những lần được gặp Bác Hồ - ảnh 2
Đại tá Nguyễn Hữu Tài. Ảnh: Hồng Nhung

Theo Đại tá Tài, sau này, cuộc đời ông còn có nhiều may mắn được một đôi lần gặp Bác, thậm chí đã được ôm hôn Bác. Nhưng dư vị ngọt ngào của buổi “đại tiệc” khao quân ấy vẫn còn đậm đà trong trái tim ông.

Sau chiến dịch Trung Du, Tiểu đoàn 11 về trú quân ở Mẫn Hoá, một làng dân tộc ít người ở Lập Thạch, Vĩnh Phúc, tả ngạn sông Lô. Các chiến sĩ đang tổng kết chiến dịch và chuẩn bị cho chiến dịch mới thì nhận được lệnh tất cả cán bộ tiểu đoàn phải có mặt gấp ở Đại đoàn. Mọi người vượt sông Lô, mải miết phóng xe đạp trên quốc lộ số 2 để có mặt ở trạm đón tiếp của Đại đoàn gần Trạm Thản, một vùng căn cứ lý tưởng của trung du trùng điệp.

“Đến đây, chúng tôi mới biết nhiệm vụ gấp đó là đơn vị sẽ được Bác Hồ đến thăm. Đối với tôi, niềm ao ước được gặp Bác đã nung nấu trong lòng từ lâu…” - Đại tá Tài nói.

Trời xẩm tối, Đại tá Hữu Tài cùng một số đồng chí được lệnh đi đón Bác, nhưng đến nơi, Bác đã trên đường đến địa điểm tập trung. “Tôi chỉ thoáng thấy Ông Cụ chống gây, quần áo nâu và chiếc khăn mặt vắt vai, bước rất nhanh. Trên cánh đồng lúa đã gặt gần rừng, các đơn vị đã tập trung đầy đủ. Tiếng hoan hô lẫn với khẩu hiệu “Bác Hồ muôn năm” vang dậy khi Bác từ cửa rừng đi ra” – ông nói.

Nơi đón tiếp Bác lúc đó rất đơn sơ: 1 chiếc bàn kê trước một đống củi lớn, lửa cháy rừng rực, với một vòng cán bộ, chiến sĩ quây xung quanh. Tại buổi gặp mặt ngắn ngủi và xúc động, Bác Hồ nói, Bác thay mặt Chính phủ đến thăm Đại đoàn 312. Bác khen ngợi các cán bộ và chiến sĩ đã đánh thắng trong chiến dịch Trung Du và ân cần căn dặn phải đoàn kết, giữ nghiêm kỷ luật, ra sức học tập để nâng cao trình độ, đánh thắng lớn hơn. Bác sẽ khen thưởng đơn vị nào, cán bộ chiến sĩ nào lập công xuất sắc.

Toàn đơn vị nghe như nuốt từng lời và đôi chút sững sờ khi nghe Bác kết thúc lời nói, cho phép hỏi. Sau một vài câu chuyện, Bác chia tay đơn vị. Trước khi chia tay, bác còn ân cần gửi các bộ và chiến sĩ Trung đoàn 141 mỗi người 1 cái hôn vì Trung đoàn 141 không có mặt đầy đủ.

“Tự nhiên, trong đáy lòng tôi trào lên một tình cảm tha thiết và lưu luyến. Tôi muốn ôm hôn Bác quá. Ngồi ở hàng đầu gần Bác, tôi đã ngắm nhìn Bác không chớp mắt. Rồi tôi bật dậy, chaỵ đến bên Bác. Tôi nói: “Thưa bác, cháu rất sung sướng và cảm động thay mặt anh em Trung đoàn 141 xin nhận những cái hôn của Bác”. Rồi tôi ôm chặt lấy Bác và hôn vào hai bên má Bác.” - Đại tá Tài nhớ lại. Năm đó, Đại tá Hữu Tài chưa đầy 21 tuổi.

Sau này, trong những năm tháng hoà bình sau kháng chiến chống Pháp, Đại tá Hữu Tài còn nhiều lần được đến thăm và đứng gần Bác Hồ; được vinh dự chúc thọ Bác trong ngày kỷ niệm 15 năm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam. Nhưng lần đầu được gặp Bác và ôm hôn Bác trong ngày Bác đến thăm Đại đoàn 312 giữa đêm xuân trong cảnh trung điệp của núi rừng vẫn là kỷ niệm đẹp đẽ, đằm thắm nhất trong đời chiến sĩ của ông.

Tin cùng chuyên mục

Gần 3.000 cán bộ, hội viên phụ nữ tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về với đất Mẹ  ​

Gần 3.000 cán bộ, hội viên phụ nữ tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về với đất Mẹ ​

(PNTĐ) - 13 giờ ngày 26/7, Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức trọng thể tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội; Hội trường Thống Nhất, TP.HCM và tại quê nhà xã Đông Hội, huyện Đông Anh, TP Hà Nội. Lễ an táng lúc 15 giờ cùng ngày tại Nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội.
Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

(PNTĐ) - Lễ truy điệu đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức lúc 13 giờ 00 phút ngày 26 tháng 7 năm 2024 tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, thành phố Hà Nội. Lễ viếng, Lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng được tổ chức cùng thời gian trên tại Hội trường Thống Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh và tại quê nhà xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.
Tình cảm của người dân nơi quê nhà Đông Hội gửi tới Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Tình cảm của người dân nơi quê nhà Đông Hội gửi tới Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

(PNTĐ) - Sáng sớm ngày 26/7, tại Nhà văn hóa thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội, dòng người đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn tiếp nối. Những gương mặt trang nghiêm, những đôi mắt hoe đỏ luôn hướng về tấm di ảnh người con ưu tú của mảnh đất Đông Hội, Đông Anh được đặt trang trọng giữa lớp hoa vàng.
Hàng nghìn người tiếp nối nhau thắp nén tâm nhang tiếc thương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong ngày Quốc tang thứ 2

Hàng nghìn người tiếp nối nhau thắp nén tâm nhang tiếc thương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong ngày Quốc tang thứ 2

(PNTĐ) - Sáng ngày 26/7, rất đông người dân đến sớm xếp hàng nghiêm trang theo hướng dẫn để chờ đến lượt viếng. Đầu giờ sáng, Hội trường Thống Nhất, TPHCM, quê nhà Đông Anh của Tổng Bí thư, nhà tang lễ Quốc gia đã chật kín người tới tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.