Nạn vi phạm bản quyền đã áp đảo những “nhà sản xuất tin tức” chân chính

HOÀNG LAN
Chia sẻ

(PNTĐ) - Tại phiên thảo luận với chủ đề “Bảo vệ bản quyền báo chí trong kỷ nguyên số” trong khuôn khổ Diễn đàn báo chí toàn quốc 2024 diễn ra vào chiều 16/3/2024, ông Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng biên tập báo Thanh Niên đã chỉ ra hậu quả báo chí khi bị vi phạm bản quyền sẽ suy yếu về kinh tế, từ đó phải chạy theo thị hiếu cơ bản của bạn đọc và phụ thuộc thêm vào quảng cáo, dẫn đến giảm nguồn lực đầu tư cho báo chí chất lượng. Hệ quả là hầu hết các cơ quan báo chí đều chạy một hướng dễ dãi.

Báo chí bị vi phạm bản quyền dẫn đến suy yếu về kinh tế

Theo ông Nguyễn Ngọc Toàn, bản quyền báo chí không phải là vấn đề mới. Cùng với sự tăng trưởng, lớn mạnh về lượng và chất của các cơ quan báo chí, những vấn đề gắn liền với sự vận hành của cơ chế kinh tế thị trường như thực thi quyền sở hữu trí tuệ, trong đó có bản quyền, cũng nảy sinh, và khiến người làm báo ý thức được rõ ràng hơn sự thiết thực của việc bảo vệ giá trị sức lao động của mình, nói nôm na là bảo vệ “nồi cơm” của mình. 

Nạn vi phạm bản quyền đã áp đảo những “nhà sản xuất  tin tức” chân chính - ảnh 1
Các đại biểu tham gia phiên thảo luận về bảo vệ bản quyền báo chí trong kỷ nguyên số

Trước những dấu hiệu gia tăng về nạn sao chép tin bài, đặc biệt là những bài viết điều tra, phản ánh chống tiêu cực được thực hiện công phu, chuyên nghiệp tại các toà soạn có danh tiếng, đã có lúc một số cơ quan báo chí có số lượng bạn đọc lớn từng ngồi lại với nhau để ký cam kết bằng văn bản không vi phạm bản quyền của nhau, thống nhất quyết tâm giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật, sự tự trọng, tử tế trước hết trong chính lực lượng những người làm nghề chuyên nghiệp. Đây là một dạng thức “thỏa thuận quân tử” có ý nghĩa về mặt truyền thông và trên thực tế cũng phát huy được hiệu lực giữa các bên ký kết. Tuy nhiên, cũng bởi tính chất và phạm vi giới hạn của thỏa thuận, mức độ lan toả của tinh thần pháp quyền đó rất hạn chế. 

Đặc biệt, kể từ khi báo điện tử, trang tin điện tử ra đời, rồi mạng xã hội bùng nổ, kéo theo sự biến đổi hoàn toàn của bức tranh truyền thông đại chúng, nạn vi phạm bản quyền báo chí gần như đã bành trướng áp đảo những “nhà sản xuất tin tức” chân chính.

Nạn vi phạm bản quyền đã áp đảo những “nhà sản xuất  tin tức” chân chính - ảnh 2
Tổng biên tập báo Thanh Niên Nguyễn Ngọc Toàn chia sẻ tại phiên thảo luận

Theo Tổng biên tập báo Thanh Niên, sự dễ dàng và nhanh chóng trong việc sao chép thông tin từ các nền tảng số là tiền đề, rồi những quy định pháp lý bất cập cho phép các trang tin điện tử (có lúc núp bóng tạp chí điện tử) mọc ra như nấm “trích dẫn nguồn tin” đế kiếm tiền quảng cáo là cú huých hiểm, rồi sự lớn mạnh cấp số nhân của các nền tảng mạng xã hội - trên đó thông tin báo chí miễn phí được chia sẻ tự do - là cú đánh bồi giáng vào báo chí có bản quyền. Và với làn sóng ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đang trỗi dậy liệu sẽ có một ngày những người làm báo mất nốt khả năng “chỉ mặt đặt tên” kẻ ăn trộm công sức lao động của chúng ta bởi sự chiếm đoạt này đã nằm trong các dòng code, câu lệnh của những cỗ máy tự tổng hợp, tự viết, tự đăng?

Ông Nguyễn Ngọc Toàn đánh giá, dù không phải toàn bộ, nhưng hiện tượng này không thể phủ nhận chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự sa sút về doanh thu của các cơ quan báo chí đàng hoàng, nơi hằng ngày phải trả nhuận bút cho phóng viên tương xứng với chất lượng lao động của họ, trả phí bản quyền các bản tin thông tấn trong và ngoài nước, cũng như vô số chi phí khác. Trong khi đó, việc chế tài nạn vi phạm bản quyền còn rất yếu ớt, do những nguyên nhân khách quan và chủ quan. 

Một vòng luẩn quẩn hình thành: Báo chí bị vi phạm bản quyền dẫn đến suy yếu về kinh tế, từ đó phải chạy theo thị hiếu cơ bản của bạn đọc và phụ thuộc thêm vào quảng cáo, dẫn đến giảm nguồn lực đầu tư cho báo chí chất lượng, hệ quả là hầu hết các cơ quan báo chí đều chạy một hướng dễ dãi, dẫn đến nhu cầu bảo vệ bản quyền trở nên “không cần thiết”. Bởi cần gì bản quyền nữa nếu các báo và tạp chí đều cùng cung cấp những tin tức cơ bản một màu như nhau, và hơn kém chỉ là cách giật tít sao cho tăng được view?

Cần phải hình thành liên minh bản quyền

Có thể thấy, bản quyền không chỉ là một vấn đề đơn lẻ, mà nó là một phần của hệ sinh thái báo chí - truyền thông, có quan hệ đến sức mạnh của mọi cơ quan báo chí. Sự suy yếu trong bảo vệ bản quyền báo chí có hậu quả tai hại hơn nữa bởi vào lúc này, các cơ quan báo chí trong nước, những công cụ thông tin - tuyên truyền thiết yếu của Đảng và Nhà nước chưa đủ sức, chưa kịp thời chuyển đổi mô hình kinh doanh để có nguồn doanh thu thay thế báo in (quảng cáo và phát hành).

Trước thực tế này, Tổng biên tập báo Thanh Niên cho rằng, cần phải hình thành được một liên minh bản quyền báo chí? Theo đó, đây phải là một liên minh của tất cả các cơ quan báo chí để hiệu lực thực tế của nó mang tính bao trùm. Đây cũng phải là liên minh giữa các cơ quan báo chí và các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan quản lý báo chí - truyền thông cũng như các doanh nghiệp, tổ chức có lợi ích trong ngành báo chí - truyền thông. 

Nạn vi phạm bản quyền đã áp đảo những “nhà sản xuất  tin tức” chân chính - ảnh 3
Quang cảnh phiên thảo luận

Theo ông Nguyễn Ngọc Toàn, liên minh phải thống nhất được những “luật chơi” có tính bắt buộc với tất cả các bên và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền “bảo chứng” cũng như đứng ra làm “trọng tài” phân xử khi cần đưa ra những quyết định chế tài. Hoạt động của liên minh không chỉ mang tính “hướng nội” giữa các thành viên mà cần bao gồm mục tiêu giáo dục, nâng cao nhận thức và vận động chính sách về bản quyền báo chí. 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

 Kỳ 1: Cùng đất nước vững bước trên con đường đổi mới, hội nhập phát triển

Kỳ 1: Cùng đất nước vững bước trên con đường đổi mới, hội nhập phát triển

(PNTĐ) - Kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024) là dịp chúng ta nhìn lại một chặng đường lịch sử vẻ vang, bước trưởng thành và phát triển để thêm tự hào và trách nhiệm với Hà Nội; chung tay, góp sức đưa Thủ đô vượt qua mọi khó khăn, thách thức, thực hiện thành công Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; cùng đất nước vững bước trên con đường đổi mới, hội nhập và phát triển, tiếp tục lập được những thành tựu mới, xứng đáng hơn nữa với niềm tin của Đảng, Nhà nước và đồng bào cả nước dành cho Thủ đô, để Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội xứng đáng là Thủ đô Anh hùng của dân tộc Việt Nam Anh hùng.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến kiểm tra công tác phòng, chống bão lụt

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến kiểm tra công tác phòng, chống bão lụt

(PNTĐ) - Sáng 16/9, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đã trực tiếp đi kiểm tra công tác phòng, chống bão lụt tại xã An Phú, huyện Mỹ Đức; thăm, tặng quà trẻ em có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của cơn bão số 3. Những phần quà được trao tặng vào đúng dịp Tết Trung thu góp phần động viên, khích lệ tinh thần, đồng thời mang đến những tình cảm yêu thương cho thiếu nhi.
Bí thư Thành ủy Hà Nội cùng người dân Thủ đô tổng vệ sinh môi trường khắc phục hậu quả bão số 3

Bí thư Thành ủy Hà Nội cùng người dân Thủ đô tổng vệ sinh môi trường khắc phục hậu quả bão số 3

(PNTĐ) - Sáng 14/9 Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam Thành phố đã tổ chức Lễ phát động ra quân vệ sinh môi trường khắc phục hậu quả bão số 3. Lễ phát động diễn ra trong bối cảnh những ngày vừa qua, cơn bão số 3 và hoàn lưu sau bão đã gây ra những thiệt hại về cơ sở hạ tầng, cây cối, môi trường, gây ra ngập úng tại một số địa phương, ảnh hưởng lớn đến đời sống Nhân dân trên địa bàn Thủ đô.
Trước ngày 20/9 sẽ thu dọn hết cây xanh gãy, đổ để chuyển sang giai đoạn “cứu” các cây

Trước ngày 20/9 sẽ thu dọn hết cây xanh gãy, đổ để chuyển sang giai đoạn “cứu” các cây

(PNTĐ) - Tổng thiệt hại về cây xanh trên địa bàn thành phố đến nay là hơn 40 nghìn cây, trong đó có cả cây đô thị và các loại cây quý hiếm; khoảng 11.600 cây gãy, đổ. Số liệu này có thể thay đổi trong thời gian tới, bởi hiện vẫn còn 8 quận, huyện chưa có báo cáo cuối cùng gửi về Sở Xây dựng.