Ngành điện xây dựng Đề án cải tiến cơ cấu biểu giá điện

Chia sẻ

Ngày 5/11, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức lấy ý kiến về Đề án Nghiên cứu cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện Việt Nam.

 
Ngành điện xây dựng Đề án cải tiến cơ cấu biểu giá điện - ảnh 1
PGS.TS Bùi Xuân Hồi trình bày tại hội nghị

Rút ngắn biểu giá điện bậc thang
 
Tại hội nghị, đại diện đơn vị tư vấn, PGS.TS Bùi Xuân Hồi- Bộ môn Kinh tế năng lượng, trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã trình bày về nghiên cứu cải tiến cơ cấu giá bán lẻ điện. Theo PGS.TS Bùi Xuân Hồi, Đề án Nghiên cứu cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện Việt Nam được xây dựng trước thực tế biểu giá điện bán lẻ bậc thang đang áp dụng hiện nay có nhiều bất cập còn tồn tại nên mỗi lần điều chỉnh giá điện chưa nhận được sự đồng thuận của nhân dân và người tiêu dùng. Đơn vị tư vấn đã tham khảo kinh nghiệm việc định giá điện của các nước đang phát triển như Malaysia, Thái Lan và các nước phát triển như Pháp, Hàn Quốc, Úc trước khi thực hiện Đề án. 
 
Đơn vị tư vấn đã đưa ra các phương án cải tiến biểu giá bán lẻ điện cho 4 hộ sử dụng điện là sản xuất, kinh doanh, hành chính sự nghiệp, sinh hoạt. Trong đó, giá điện sinh hoạt được quan tâm hơn cả vì tác động trực tiếp đến cuộc sống và “túi tiền” của hàng chục triệu khách hàng của EVN. 
 
Theo đó, nhóm nghiên cứu đưa ra 3 phương án tính giá điện bậc thang cho hộ sử dụng điện sinh hoạt. Các phương án này đều có chung đặc điểm là bậc thang giá điện rút ngắn  so với 6 bậc trong biểu giá đang được áp dụng.
 
 Cụ thể, phương án giá bán lẻ điện 3 bậc có Bậc 1 từ 0-100kWh, giá bán lẻ bằng 95% giá bán lẻ điện bình quân; Bậc 2 từ 101-400 kWh, giá bán bằng 115% giá bán lẻ điện bình quân; Bậc 3 từ 401 kWh trở lên, giá bán lẻ bằng 152% giá bán lẻ điện bình quân.
 
Phương án giá bán lẻ điện 4 bậc có Bậc 1 từ 0-100kWh, giá bán lẻ bằng 95% giá bán lẻ điện bình quân; Bậc 2 từ 101-300 kWh, giá bán lẻ bằng 114% giá bán lẻ điện bình quân; Bậc 3 từ 301-600kWh, giá bán lẻ bằng 135% giá bán điện bình quân; Bậc 4 từ 601kWh trở lên, giá bán bằng 154% giá bán lẻ điện bình quân.
 
Phương án giá bán lẻ điện 5 bậc thang có Bậc 1 từ 0-100kWh, giá bán lẻ vẫn bằng 95% so với giá bán lẻ điện bình quân; Bậc 2 từ 101-200kWh, giá bán lẻ bằng 113% giá bán lẻ điện bình quân; Bậc 3 từ 201-400 kWh bằng 127% giá bán lẻ điện bình quân; Bậc 4 từ 401-700kWh, giá bán lẻ bằng 139% giá bán lẻ điện bình quân và bậc 5 từ 701 kWh trở lên, giá bán lẻ bằng 155% giá bán lẻ điện bình quân.
 
Phân tích về các ưu, nhược điểm của 3 phương án biểu giá điện điều chỉnh, PGS.TS Bùi Xuân Hồi cho biết: cả 3 phương án trên đều không gây tác động nhiều đến hộ tiêu dùng, xã hội và doanh thu của EVN giảm nhẹ. Trong đó, phương án 3 bậc triển khai thực tế sẽ đơn giản hơn 4 bậc và 5 bậc song ở phương án mà hộ từ 101-200 kWh sẽ trả chi phí tăng nhiều nhất. Tuy nhiên, nếu xét về tính hợp lý thì phương án 5 bậc phù hợp hơn cả với các mục tiêu định giá.  Phương án này giữ nguyên bậc thang thứ hai, từ 101-200kWh/tháng, vì tỷ lệ hộ gia đình tiêu dùng điện trong khoảng này cao nhất nên chịu tác động ít nhất trong 3 phương án; Việc chia các bậc thang dùng nhiều điện chi tiết hơn cũng phù hợp hơn với đặc điểm tiêu dùng hiện nay; 5 bậc thang sản lượng cũng phù hợp với 5 bậc thang thu nhập của hộ gia đình.
 
Bên cạnh việc điều chỉnh biểu giá bậc thang, đơn vị tư vấn đề xuất: việc điều chỉnh giá điện nên thực hiện 6 tháng/ lần, vào đầu tháng. Phương án giá điện được đưa ra dựa trên cơ sở về cấp điện áp; giờ cao điểm- thấp điểm; thu nhập của hộ gia đình tiêu dùng điện... 
 
Cần thiết phải Luật hoá thời gian điều chỉnh giá điện 
 
Tham dự hội nghị, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực điện lực và kinh tế đã phát biểu đóng góp nhiều ý kiến phản biện tâm huyết. Đa phần các ý kiến đều tán thành phương án tính giá điện sinh hoạt theo 5 bậc thang thay vì 6 bậc thang như hiện nay. Đặc biệt, các chuyên gia nhấn mạnh sự cần thiết phải Luật hóa thời gian điều chỉnh giá điện hàng năm.
 
GS.Viện sỹ.TS khoa học Trần Đình Long – Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam nhất trí với phương án tính giá điện sinh hoạt theo 5 bậc và đề xuất cần Luật hoá chu kỳ điều chỉnh giá điện. Theo GS.Viện sỹ.TS khoa học Trần Đình Long, giá điện cần phải có quy luật thay đổi để tiệm cận được với thị trường. Hiện nay, Thái Lan đã quy định điều chỉnh giá điện 3 lần/năm. Việc tính toán mức giá điều chỉnh thực hiện theo biến đổi theo tỉ giá, nguyên liệu đầu vào,… Có thể tính toán điều chỉnh giá điện 2 lần/năm. 
 
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Hồng Tịnh cho biết: trước đây chúng ta thu hút đầu tư bằng mọi giá nhưng hiện nay việc này cần phải điều chỉnh. Giá điện dành cho sản xuất thấp để khuyến khích đầu tư nhưng hậu quả là công nghệ lạc hậu tràn vào Việt Nam. Thêm vào đó, đầu tư cho ngành Điện cũng rất “teo tóp” bởi đầu tư vào ngành Điện lỗ, không đảm bảo giá thành. Đó là lí do vì sao các dự án điện lớn đều buộc các đơn vị như EVN, PVN phải đầu tư. Điện cũng đang hướng tới thị trường bán lẻ cạnh tranh nên giá điện cần phải đảm bảo được lợi ích của cả người tiêu dùng, doanh nghiệp và lợi ích cho người ta đầu tư. Cần phải có chính sách tốt, để thu hút đầu tư vào ngành Điện, khắc phục được tình trạng "ngành điện teo tóp, bán dưới giá thành" như hiện nay. 
Về điều chỉnh giá điện, do giá điện tác động đến mọi tầng lớp trong xã hội nên rất nhạy cảm, ông Lê Hồng Tịnh cho rằng nên điều chỉnh giá điện theo chu kỳ, 2 hoặc 4 lần một năm. Việc điều chỉnh như vậy sẽ khiến giá sẽ lên, giảm từ từ,  không gây sốc cho người tiêu dùng vì bị “nén” quá lâu như vừa qua và điều chỉnh tăng giảm phù hợp với thị trường.
 
PGS. TS. Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng ủng hộ phương án tăng giá điện 6 tháng một lần và cho rằng, dù đã có quy định nhưng lâu nay chúng ta vẫn bị động trong việc điều chỉnh giá điện. Do đó, giá điện cần phải luật hóa. “Tôi đồng ý với cách tiếp cận 6 tháng thì điều chỉnh giá và khi điều chỉnh phải công bố rõ ràng. Dù đến thời điểm đó, giá điện không biến động cũng phải công bố để dư luận nắm rõ”.
 
Đức Hạnh
 

Tin cùng chuyên mục

Hà Nội hỗ trợ 65 tỷ đồng sửa chữa, nâng cấp trường Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ

Hà Nội hỗ trợ 65 tỷ đồng sửa chữa, nâng cấp trường Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ

(PNTĐ) - Với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”, việc hỗ trợ tỉnh Điện Biên đầu tư công trình trường Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ không những thể hiện tấm lòng của Đảng bộ, Chính quyền, nhân dân Thủ đô Hà Nội với đồng bào, nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên, mà còn thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hợp tác của 2 tỉnh, Thành phố trong thời gian tới, nhằm phát huy tốt hơn nữa tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, đóng góp thiết thực vào sự phát triển chung của cả nước…
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp với trọng tâm thảo luận về kinh tế số

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp với trọng tâm thảo luận về kinh tế số

(PNTĐ) - Sáng nay 24/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (Ủy ban), chủ trì phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban, với trọng tâm thảo luận về kinh tế số. Phiên họp kết nối trực tuyến toàn quốc từ trụ sở Chính phủ tới trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tổng Thư ký ASEAN: Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực

Tổng Thư ký ASEAN: Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực

(PNTĐ) - Trong khuôn khổ Diễn đàn Tương lai ASEAN, Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn khẳng định, Việt Nam có tầm nhìn xa, trông rộng và với vị thế là thành viên chủ chốt của ASEAN, Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực, Diễn đàn Tương lai ASEAN có thể phát huy vai trò tiên phong trên nhiều cấp độ.