Nhiều trẻ nhập viện vì uống nhầm thuốc… độc
PNTĐ-Gần đây, tại các bệnh viện như Bạch Mai, Nhi T.Ư… tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ em bị ngộ độc do uống nhầm phải chất tẩy rửa, dầu luyn, thuốc diệt côn trùng (mối, muỗi, chuột)…
Những tai nạn thương tâm
Cuối tuần qua, ngày 19/6, Trung tâm Chống độc (Trung tâm) - BV Bạch Mai đã tiếp nhận bệnh nhi tên Nguyễn Hồ T.A, (8 tuổi, ở Q. Long Biên, Hà Nội) trong tình trạng nôn, đau bụng, mệt lả người vì ngộ độc thuốc diệt mối. Theo anh Nguyễn Ngọc Sơn – bố cháu bé, T.A bị ho khan kéo dài nên gia đình mua thuốc ho. Tuy nhiên, do sơ xuất người ông của bé (72 tuổi) đã lấy nhầm lọ thuốc diệt mối cho cháu uống. Ngay sau khi phát hiện có sự nhầm lẫn, gia đình đã đưa cháu đến cấp cứu tại BV Vinmec, rồi tiếp tục chuyển đến Trung tâm. Tại đây, các bác sĩ đã tiến hành cấp cứu, xử lý cho cháu T.A như một ca ngộ độc thuốc độc (phopho hữu cơ).
![]() |
BS Nguyễn Kim Sơn đang điều trị cho bệnh nhân T.A (Ảnh: Hồng Nhung) |
Trường hợp bị ngộ độc hóa chất do nhầm lẫn với các loại thực phẩm, thuốc uống như của cháu bé T.A không phải hiếm gặp. Mới đây, BV đa khoa Hà Đông cũng điều trị cho cả gia đình gồm 2 người lớn và 2 trẻ nhỏ ở Hoài Đức, Hà Nội bị ngộ độc thuốc diệt muỗi. Trong lúc nấu cơm, anh N.T.B đã tưởng nhầm gói thuốc diệt muỗi là gói gia vị mỳ tôm nên đã cho cả gói thuốc vào nồi canh. Sau khi ăn 1 giờ, cả gia đình đều bị đau bụng dữ dội, nôn nhiều, bác sĩ phải tiến hành rửa dạ dày và cho uống than hoạt tính, truyền dịch, giải độc.
Trước đó, tại BV Nhi T.Ư cũng cấp cứu cho một bé 13 tháng tuổi ở Tuyên Quang, bị ngộ độc dầu luyn với biểu hiện sốt cao, suy hô hấp, da tái, nhiễm trùng nặng, dẫn đến viêm phổi nặng. Nguyên nhân vì người lớn chứa dầu trong vỏ chai nước ngọt khiến trẻ uống nhầm. Hay như trường hợp của bé N.N.M (3 tuổi rưỡi, ở Nam Định) cấp cứu tại khoa Nhi (BV Bạch Mai) đã uống nhầm dung dịch axít đựng trong chai để ngay dưới gầm bàn uống nước...
Tuy nhiên, không phải bệnh nhi nào cũng may mắn được cứu sống sau khi ngộ độc. Khoa Nhi BV Bạch Mai từng cấp cứu cho 2 chị em ruột là Đ.T.K.N (3 tuổi) và Đ.T.H.H (4 tuổi) ở Bắc Kạn bị ngộ độc thuốc trừ sâu do người mẹ bất cẩn để chai thuốc trừ sâu sau khi phun gần nơi trẻ đang chơi. Dù được phát hiện sớm và đưa đến BV cấp cứu nhưng do uống quá nhiều thuốc trừ sâu, một cháu đã tử vong.
BS Nguyễn Kim Sơn – PGĐ Trung tâm cho biết, nhiều trẻ em bị ngộ độc hóa chất do sự bất cẩn của người lớn, nhất là vào mùa hè. Các loại hóa chất thường gây nên ngộ độc cho trẻ như thuốc diệt côn trùng (muỗi, gián, mối…), thuốc cọ sàn, thông tắc nhà vệ sinh, dầu hỏa, luyn, xăng…, thậm chí cả thuốc chữa bệnh.
Nhầm lẫn không đáng có
Nhầm lẫn không đáng có
Tại phòng lưu mẫu của Trung tâm, BS Sơn đã cho chúng tôi xem lọ thuốc diệt mối mà bệnh nhân nhi T.A uống nhầm, bề ngoài của lọ thuốc này không khác biệt nhiều so với lọ thuốc ho siro thường dùng cho trẻ nhỏ. Lọ thuốc diệt mối này, không hề có sự cảnh báo nào. Điều này lý giải vì sao, ông của T.A đã lấy nhầm thuốc cho cháu uống. “Nhà sản xuất các loại hóa chất độc hại cần có cảnh báo bằng hình ảnh nguy hiểm và in chữ to bằng tiếng Việt cho người sử dụng dễ dàng nhận biết và phân biệt” – BS Sơn khuyến nghị.
Người dân có thói quen rất nguy hiểm là hay tận dụng những chai lọ đựng thực phẩm, chai nước ngọt, trà xanh, nước suối để chứa các hóa chất như dầu hỏa, axít, thuốc trừ sâu, chất tẩy rửa… Trẻ nhỏ vốn hiếu động, lại trong mùa nóng bức nên khi nhìn thấy, các cháu cứ nghĩ là nước ngọt và thường uống ngay - BS Đào Hữu Nam, khoa Điều trị tích cực, BV Nhi T.Ư lo ngại. Đáng nói, khác với hóa chất, ngộ độc dầu luyn, xăng, dầu hỏa khi vào phổi sẽ ngấm vào các nhánh phế quản và nhu mô phổi do tan trong mỡ, khiến việc điều trị càng khó khăn.
Vì thế, BS Sơn khuyến cáo: Tất cả loại thuốc và hóa chất phải để xa tầm tay trẻ. Tuyệt đối không để chung thuốc điều trị với các loại chất độc như thuốc diệt côn trùng, dầu hỏa… Trước khi sử dụng thuốc, người sử dụng nên kiểm tra kỹ tên loại thuốc, liều lượng, thời hạn sử dụng, nhất là thuốc sử dụng cho trẻ em. Không để người già (nhất là người mắt kém) cho trẻ uống thuốc để tránh gây nhầm lẫn.
BS Sơn hướng dẫn, khi trẻ bị ngộ độc, cần cho trẻ uống nhiều nước hoặc sữa, sau đó gây nôn cho trẻ. Tuy nhiên, đối với trường hợp ngộ độc do axit hoặc chất kiềm, thì không gây nôn để tránh làm thủng đường tiêu hóa. Sau đó, đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.
Tâm Thanh