Sửa đổi, bổ sung 11/41 điều của Luật MTTQ Việt Nam
(PNTĐ) - Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 (Dự thảo) đặc biệt tập trung vào hai trụ cột quan trọng: Vị thế, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) trong hệ thống chính trị đổi mới và việc tái cấu trúc mô hình tổ chức chính quyền địa phương.
Dự thảo luật đã sửa đổi, bổ sung các quy định về vị trí, vai trò, nguyên tắc tổ chức, hoạt động và tổ chức bộ máy của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; quy định về tổ chức Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở cấp tỉnh, cấp xã, không tổ chức ở cấp huyện để đồng bộ với việc sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của MTTQ Việt Nam trong tiếp xúc cử tri, cử bào chữa viên Nhân dân, bầu hội thẩm Nhân dân, trong chủ trì và thống nhất với các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện hoạt động giám sát, phản biện xã hội.
Thay mặt cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần quy định cụ thể hơn đối với hoạt động giám sát, phản biện của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam trong Luật MTTQ Việt Nam để bảo đảm tính “độc lập tương đối”; đồng thời làm rõ và quy định thống nhất về đối tượng, nội dung, thẩm quyền giám sát, phản biện xã hội tại Điều 26 và Điều 33 Luật MTTQ Việt Nam để bảo đảm phù hợp với vị trí, vai trò của các tổ chức thành viên trực thuộc MTTQ Việt Nam.
Khái quát và làm rõ hơn vai trò của MTTQ Việt Nam
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng: Trong bối cảnh hiện nay, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 là cần thiết, hợp lý và cấp bách. Tôi thống nhất với dự thảo tập trung sửa các điều: 9, 10, 84, 110, 111, 112, 114 và 115.
Về tổ chức thực hiện (hiệu lực từ ngày 1-7-2025) đã nêu nguyên tắc chung, song trong kế hoạch tổ chức theo chính quyền 2 cấp cần có hướng dẫn cụ thể và đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh 2 Nghị quyết đã ban hành (Nghị quyết 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25-5-2016 về phân loại đô thị và Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25-5-2016 về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính). Việc này sẽ tạo hiệu lực, hiệu quả để các điều sửa đổi, bổ sung của Hiến pháp lần này đi vào thực tiễn.
Về Điều 9, nội dung sửa đổi đã khái quát và làm rõ hơn vai trò của MTTQ Việt Nam so với Điều 9 Hiến pháp 2013; về diễn đạt trong biên soạn, đề nghị xem lại khái niệm “bộ phận”: Dự thảo nêu MTTQ Việt Nam là bộ phận của hệ thống chính trị... trong khi phần đầu đã xác định là tổ chức liên minh chính trị... Đề nghị bỏ cụm từ là “bộ phận” và sửa là tổ chức liên minh của hệ thống chính trị... để có tính khoa học hơn.
Về sửa đổi Điều 110, 111 của Hiến pháp năm 2013, đây là đột phá đổi mới để phù hợp với yêu cầu phát triển giai đoạn tới.
“Tôi thống nhất cao các đơn vị hành chính chỉ gồm 2 cấp, song diễn đạt “đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương” còn chung chung, mang tính nguyên lý, chưa bám sát công tác tổ chức đổi mới đang triển khai. Tôi đề nghị sửa lại là: Đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bao gồm phường, xã, thị xã do Quốc hội quy định”, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nhận định.

Bà Nguyễn Xuân Diệp - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Hai Bà Trưng cho rằng, tác động tích cực của Điều 10 là bảo đảm sự kế thừa hợp lý của các bản Hiến pháp trước đó và phù hợp với tổ chức Công đoàn sau khi được sắp xếp. Quy định cũng làm rõ vai trò đại diện của Công đoàn trong bối cảnh mới trực thuộc MTTQ Việt Nam và khẳng định vai trò, vị trí, tính chính danh của Công đoàn Việt Nam trong quan hệ lao động quốc tế.
Điều này góp phần giữ vững bản chất "đội tiên phong của giai cấp nông dân, công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc" của Đảng; bảo vệ nền tảng "liên minh giai cấp công nhân - nông dân - đội ngũ trí thức" của Nhà nước ta; có sự logic và thống nhất với các điều khác của Hiến pháp.
Song theo bà, điểm cần cân nhắc là việc bỏ nội dung "được thành lập trên cơ sở tự nguyện" vì chưa được giải thích rõ trong bản thuyết minh có thể gây khó hiểu. Bà đề nghị Ủy ban dự thảo nên giải thích rõ việc bỏ nội dung này vì trong Điều lệ Công đoàn đã 6 lần khẳng định tính "tự nguyện" tham gia công đoàn của người lao động. Mặt khác, nếu dự thảo giữ nội dung này cũng không mâu thuẫn với các nội dung còn lại.
Việc trực thuộc MTTQ Việt Nam hay dưới sự lãnh đạo của Đảng đều không mâu thuẫn hoặc làm mất đi tinh thần của việc "được thành lập trên cơ sở tự nguyện" của tổ chức Công đoàn Việt Nam. Vì vậy, nếu bỏ đi thì nên có thuyết minh để dễ hiểu hơn.
Phù hợp chủ trương, tinh gọn bộ máy, khắc phục sự chồng chéo
Góp ý vào khoản 3, Điều 110 quy định "Việc xác định các loại ĐVHC dưới tỉnh, TP trực thuộc T.Ư và trình tự, thủ tục thành lập, giải thể, nhập, chia ĐVHC, điều chỉnh địa giới ĐVHC do Quốc hội quy định”, TS Đinh Hạnh - Chủ tịch Hội đồng Kinh tế (Ủy ban MTTQ Việt Nam TP) đề nghị giữ quy định "phải lấy ý kiến Nhân dân địa phương" như Hiến pháp 2013.

Bên cạnh đó, một số ý kiến băn khoăn về việc các tổ chức chính trị - xã hội “trực thuộc” MTTQ. Bà Trịnh Huyền Thái - nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hà Nội cho rằng, tại Điều 9 của dự thảo, MTTQ Việt Nam được bổ sung là bộ phận của hệ thống chính trị của nước CHXHCN Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo đã nâng tầm vai trò, vị trí, trước tiên về thể chế khẳng định thực quyền của MTTQ Việt Nam.
Dự thảo quy định các tổ chức chính trị - xã hội lớn, trực thuộc MTTQ Việt Nam, hoạt động thống nhất và phối hợp dưới sự chủ trì của Mặt trận là một thay đổi căn bản, phù hợp chủ trương, tinh gọn bộ máy, khắc phục sự chồng chéo… Điều này không chỉ là khẳng định của MTTQ Việt Nam mà cần làm rõ hơn chức năng, nhiệm vụ cốt lõi là tập hợp đoàn kết, đại diện, bảo vệ quyền lợi Nhân dân; thực hiện dân chủ, giám sát và phản biện xã hội, xây dựng Đảng, Nhà nước…
Tuy nhiên, để phát huy tối đa sức mạnh, không làm mất tính chủ động đặc thù của từng tổ chức thành viên thì cơ chế chủ trì cần được cụ thể hóa. Đồng thời, cần có cơ chế pháp lý bảo đảm hiệu quả hơn chức năng giám sát, phản biện xã hội, khắc phục tình trạng né tránh, hình thức sau giám sát phản biện. Vì vậy, đại biểu này đề nghị sửa đổi tiếp theo trong Luật MTTQ Việt Nam và các văn bản hướng dẫn quy chế phối hợp giữa Ban Thường trực MTTQ Việt Nam và các tổ chức cùng cấp.