Sửa Luật Thủ đô: Tạo cơ chế đặc thù, đột phá trong phát huy giá trị văn hóa

NHẬT NAM
Chia sẻ

(PNTĐ) - Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) sau khi thảo luận lần đầu tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, đang tiếp tục được chỉnh lý, hoàn thiện để trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV xem xét, thông qua.

Dự Luật được giới chuyên gia đánh giá có tính kế thừa cao, bám sát các chủ trương, chính sách của Trung ương đối với sự phát triển của đất nước nói chung và Thủ đô trong thời gian tới nói riêng. Đồng thời, đã cụ thể hóa tương đối đầy đủ tinh thần của Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 với nhiều điểm mới.

Một trong những nội dung quan trọng của Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này là chính sách phát triển, phát huy giá trị văn hóa Hà Nội. Đây là những quy định góp phần xây dựng văn hóa người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hóa, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam; đưa văn hóa, con người Hà Nội trở thành nguồn lực nội sinh để phát triển bền vững Thủ đô; nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Sửa Luật Thủ đô: Tạo cơ chế đặc thù, đột phá trong phát huy giá trị văn hóa - ảnh 1
Quận Hoàn Kiếm nhìn từ trên cao

Trên cơ sở mục tiêu về phát triển văn hóa được đề ra trong Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là kết hợp hài hòa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại; kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn giữa giữ gìn bản sắc văn hóa với phát triển kinh tế và giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, trong đó văn hóa, con người vừa là mục tiêu, vừa là nền tảng, nguồn lực, động lực để phát triển Thủ đô và trên cơ sở kế thừa quy định tại Điều 11 Luật Thủ đô năm 2012, Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) đã thể chế hóa với một số cơ chế đặc thù mới nhằm giúp Hà Nội có cơ chế vượt trội, để bảo tồn cũng như phát huy được bản sắc, giá trị văn hóa của Thủ đô.

Bà Phạm Thị Lan Anh – Trưởng phòng Quản lý Di sản, Sở VH&TT Hà Nội cho rằng: Mục tiêu của Hà Nội hướng đến phát triển bền vững dựa trên nguồn lực văn hóa mà Hà Nội đã cam kết khi gia nhập Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo. Ngoài đường lối, chủ trương, cơ chế, chính sách Hà Nội tiếp tục đầu tư thỏa đáng cho lĩnh vực văn hóa. Năm 2022, Thành phố đã ban hành Nghị quyết, bổ sung nguồn vốn cho bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, dự kiến trên 14.000 tỷ đồng, trọng tâm là đầu tư cho tu bổ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Với những chủ trương, Nghị quyết và kế hoạch cụ thể sẽ góp phần quan trọng bảo tồn văn hóa di sản nghìn năm của Thăng Long – Hà Nội.

Văn hóa là chính sách trọng tâm, điểm nhấn được đề xuất sửa đổi, bổ sung trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này. Chúng ta tự hào Hà Nội ngàn năm văn hiến, là nơi hội tụ, kết tinh văn hóa tiêu biểu của con người Việt Nam.

Hà Nội đặc biệt quan tâm về văn hóa, đây là thế mạnh của Thủ đô, và Hà Nội phải có sự điều tiết, dẫn dắt văn hóa của đất nước. Khi xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), chúng ta cần có những cơ chế, chính sách vượt trội, phù hợp, ưu đãi để làm nổi bật hơn những đặc trưng này, để văn hóa Thủ đô trở thành ngọn hải đăng dẫn dắt, điều tiết sự phát triển bền vững đất nước.

Hà Nội đã ban hành nhiều Nghị quyết về văn hóa, trong đó nhấn mạnh xây dựng văn hóa người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hóa, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam. Hà Nội cũng là địa phương đầu tiên ban hành Nghị quyết của Thành ủy về phát triển công nghiệp văn hóa.

Quốc hội vừa thảo luận về chương trình mục tiêu quốc gia phát triển văn hóa, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh rằng, chương trình mục tiêu quốc gia phát triển văn hóa phải nhấn mạnh đến công nghiệp văn hóa thì Hà Nội chúng ta đã đi tiên phong trong lĩnh vực này.

Trên thực tế, những quan điểm chỉ đạo của Hà Nội về văn hóa đã giúp lĩnh vực gặt hái được nhiều thành quả. Hà Nội đã tham gia vào thành viên Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO năm 2019, tham gia vào các không gian sáng tạo, các sự kiện công nghiệp văn hóa, chứng minh sự quan tâm của Thành ủy, UBND đối với văn hóa, tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển văn hóa…

PGS. TS Bùi Hoài Sơn – Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội khóa XV cho biết: Đầu tiên phải xuất phát từ mục đích chúng ta xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này, từ đó mới hiểu sâu về câu chuyện văn hóa nằm trong này như thế nào. Luật Thủ đô (sửa đổi) của chúng ta rất đặc biệt, đặc biệt vì Thủ đô chỉ có là Hà Nội, nên chúng ta có luật riêng. TP Hồ Chí Minh hay những địa phương khác chỉ có Nghị quyết đặc thù.

Luật đã có nhưng có nhiều lý do khiến cho chúng ta phải sửa đổi. Sau khi chúng ta ban hành luật, một loạt các luật khác ban hành sau có nhiều quy định vượt trội, và luật ban hành trước của chúng ta có khá nhiều điều khoản chung chung.

Khi ban hành Luật Thủ đô, chúng ta mong muốn phân cấp phân quyền nhiều hơn cho Thủ đô, có những cơ chế, chính sách vượt trội nhiều hơn cho Thủ đô.

Trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có nhiều điểm mới, tiến bộ. Chúng ta dành riêng Điều 2 cho lĩnh vực văn hóa thể thao. Không chỉ Điều 21, chúng ta còn thấy ở trong Điều 39, 41, 43 có những ưu đãi về văn hóa thể thao. Điều này thể hiện Hà Nội quan tâm đến nhiều hơn các vấn đề văn hóa, và mong muốn cụ thể hóa các điều khoản văn hóa, trên cơ sở đó tạo thuận lợi hơn cho sự phát triển văn hóa.

Trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã dành riêng Điều 21 riêng về văn hóa thể thao. Trong Điều 39 về đầu tư theo đối tác công tư. Điều 41 về quản lý tài sản công và khai thác hạ tầng, cũng đưa vấn đề văn hóa vào. Trên thực tế những vấn đề đang đặt ra với các thiết chế văn hóa Hà Nội, như bảo tàng, thư viện... đang có những vướng mắc về quản lý tài sản công. Cụ thể, Nghị định 151 về quản lý tài sản công khiến cho nhiều đơn vị có tiềm năng nhưng bị bó buộc, không thoát khỏi "vòng kim cô" của luật pháp.

Hay như quy định về ưu đãi đầu tư trong Điều 43. Chúng ta sẽ có những ưu đãi dành cho những lịch vực đột phá, không chỉ cho Thủ đô mà còn cả nước, như trong lĩnh vực văn hóa. Trong Luật Đầu tư chỉ quan tâm đến một vài lĩnh vực, thì lần này chúng ta mở rộng cho cả 12 lĩnh vực của ngành công nghiệp văn hóa. Chúng ta cố gắng tháo gỡ các rào cản pháp lý để từ đó phát triển văn hóa. Từ phát triển văn hóa lan tỏa sáng sự phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô.

Chúng ta đã chứng kiến trào lưu này rất nhiều trong thời gian qua. Như sự kiện Black Pink biểu diễn tại Hà Nội đã lan tỏa, ước tính đem về 600 tỷ đồng cho Hà Nội vào năm ngoái. Hay trường hợp Taylor Swift lưu diễn 6 đêm ở Singapore đã đem lại lợi nhuận hơn 8 ngàn tỷ đồng cho đất nước này.

Hà Nội có đầy đủ các lợi thế, nhưng chúng ta đang bị các rào cản pháp lý khiến chưa "bung tỏa", phát triển được. Trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này có nhiều điểm mới, tiến bộ, chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng khi Luật được ban hành sẽ có những cơ hội mới, điều kiện mới để phát triển bền vững Thủ đô trong thời gian sắp tới.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tổng Bí thư Tô Lâm: Tin tưởng, kỳ vọng, Hà Nội sẽ tiếp tục phát triển ổn định, ngày càng xanh, sạch, đẹp, văn minh

Tổng Bí thư Tô Lâm: Tin tưởng, kỳ vọng, Hà Nội sẽ tiếp tục phát triển ổn định, ngày càng xanh, sạch, đẹp, văn minh

(PNTĐ) - Ghi nhận những kết quả vượt bậc của Hà Nội trong công tác phát triển y tế, giáo dục, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của nhân dân, Tổng Bí thư Tô Lâm mong muốn, thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục làm tốt hơn việc chăm lo sức khỏe phục vụ nhân dân để học sinh được học tập trong những trường học thông minh, hiện đại; người dân được chăm sóc y tế với chất lượng ngày càng cao.