Kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2023):

Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn, để Đảng thật sự “là đạo đức, là văn minh”

Nghĩa Nam
Chia sẻ

(PNTĐ) -Những thắng lợi vĩ đại trong 93 năm qua kể từ ngày có Đảng lãnh đạo là minh chứng sinh động nhất về năng lực lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng và sức mạnh to lớn của nhân dân ta. Đảng đã không ngừng tự đổi mới, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trước bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến phức tạp.

Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn, để Đảng thật sự “là đạo đức, là văn minh” - ảnh 1

Xây dựng Đảng “là đạo đức, là văn minh” có ý nghĩa quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng của nước ta. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, một Đảng văn minh là khi “lời nói” và “việc làm” của Đảng phải làm cho nhân dân tin, nhân dân phục, nhân dân yêu. Ngược lại, mất lòng tin của nhân dân là mất tất cả…

Không ngừng đổi mới công tác cán bộ
Năm 2023 là năm thứ hai cả nước triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (Đại hội XIII) với sự đổi mới trong công tác cán bộ để đáp ứng với yêu cầu thực tiễn. Bởi công tác cán bộ là một trong những nhân tố có ý nghĩa quyết định thành công sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Nhiệm vụ trọng tâm đầu tiên của Nghị quyết Đại hội XIII xác định: Xây dựng đội ngũ đảng viên và cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Củng cố lòng tin, sự gắn bó của nhân dân với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa. 

Trong đó, Nghị quyết cũng nhấn mạnh vai trò của công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, đó là: Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị toàn diện, trong sạch, vững mạnh. Đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Xây dựng bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. 

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, năm 2022 đã thi hành kỷ luật 539 đảng viên do tham nhũng, cố ý làm trái. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 47 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý (tăng 15 trường hợp so với năm trước); cho thôi giữ chức Ủy viên Trung ương Đảng (khóa XIII) đối với 5 đồng chí; cho thôi giữ chức vụ đối với 2 Phó Thủ tướng Chính phủ, 3 Thứ trưởng và tương đương, 1 Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam; các địa phương đã cho từ chức, miễn nhiệm 3 Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND tỉnh theo chủ trương sắp xếp, bố trí công tác đối với cán bộ bị xử lý kỷ luật, uy tín giảm sút. Qua thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị xử lý tài chính, thu hồi 82.560 tỷ đồng và 883ha đất; kiến nghị xử lý hành chính 3.530 tập thể và 8.619 cá nhân.

Năm 2022 được xem là một năm có nhiều biến động trong công tác cán bộ với sự đổi mới rõ rệt. Cụ thể nhất là điểm mới tại Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương (BCHTƯ) Đảng khóa XIII, lần đầu tiên BCHTƯ đã tiến hành xem xét, quyết định để cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý thôi tham gia BCHTƯ Đảng khóa XIII theo chủ trương của Bộ Chính trị tại Quy định số 41-QĐ/TƯ ngày 3/11/2021 về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ và Thông báo số 20-TB/TƯ ngày 8/9/2022 về bố trí công tác đối với cán bộ sau khi bị kỷ luật. Theo đó, BCHTƯ cho thôi tham gia Ban Chấp hành đối với 3 ủy viên BCHTƯ Đảng đương nhiệm do bị kỷ luật, cảnh cáo, năng lực hạn chế, uy tín giảm sút.

Hay việc BCHTƯ Đảng biểu quyết thống nhất để ông Phạm Bình Minh thôi giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII và ông Vũ Đức Đam thôi giữ chức Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII tại kỳ họp bất thường ngày 30/12/2022 mà không cần chờ hết nhiệm kỳ hay thời gian bổ nhiệm; việc Trung ương đồng ý để ông Nguyễn Xuân Phúc thôi giữ các chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII, Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng - An ninh nhiệm kỳ 2021-2026, theo nguyện vọng cá nhân… 

Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, việc cho “thôi chức” đối với các cán bộ cấp cao như đã nêu trên là bước tiến lớn góp phần để phương châm “có lên, có xuống, có vào, có ra” trong công tác cán bộ được triển khai sâu rộng đồng bộ từ trung ương đến địa phương. 

Về vấn đề kỷ luật cán bộ đã có các vi phạm nghiêm trọng về nguyên tắc tập trung dân chủ, về những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu cấp ủy, gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thiệt hại lớn đến tài sản, ngân sách Nhà nước, gây dư luận xấu, làm giảm uy tín của Đảng, trong phần kết luận, bế mạc Hội nghị lần thứ 6 BCHTƯ Đảng khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng: “Đây là sự việc rất đau xót, nhưng vì sự nghiêm minh của kỷ luật Đảng, để giáo dục, ngăn ngừa, cảnh tỉnh, răn đe các trường hợp khác và vì sự lớn mạnh của Đảng buộc chúng ta phải làm. Và đây cũng là bài học đắt giá mà mỗi đồng chí chúng ta cần phải rút kinh nghiệm thật sự sâu sắc; từ đó càng phải gương mẫu, càng phải nêu gương hơn nữa trong việc tu dưỡng và rèn luyện phẩm chất, đạo đức cách mạng, phải thực sự là những tấm gương tiêu biểu để cán bộ, đảng viên, nhân dân tin tưởng và noi theo”.

Không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng 
Về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị, tại Hội nghị lần thứ 6 BCHTƯ Đảng khóa XIII, theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, BCHTƯ thống nhất cao cho rằng: “Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng là một nội dung quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng”. Trong 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa X về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần nâng cao vai trò, hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo của Đảng, đồng thời phát huy tốt hơn vai trò, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước theo quy định của pháp luật; nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, có nhiều đóng góp tích cực vào những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, làm cho đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. 

Thực tế cho thấy, đến nay, công tác xây dựng Đảng đã đạt được những chuyển biến tích cực và kinh nghiệm quan trọng. Bản lĩnh chính trị, trình độ, năng lực lãnh đạo của Đảng ngày càng được nâng lên; Đảng ta luôn vững vàng trước mọi khó khăn, thách thức trong bối cảnh trong nước, khu vực, thế giới có nhiều diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường và có những quyết sách phù hợp để chỉ đạo xử lý kịp thời, hiệu quả. Bản chất, lập trường giai cấp công nhân của Đảng được giữ vững. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt và người đứng đầu các cấp từng bước được nâng lên. Tinh thần tự phê bình và phê bình của cán bộ, đảng viên có tiến bộ; việc ngăn chặn, xử lý tiêu cực, sai phạm, thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí có chuyển biến rõ nét. Niềm tin của cán bộ và các tầng lớp nhân dân đối với Đảng ngày càng được củng cố và nâng cao.

Tuy nhiên, công tác xây dựng Đảng vẫn còn nhiều việc phải làm, nhất là việc đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; tệ tham nhũng, lãng phí, quan liêu, xa dân... Các thế lực thù địch vẫn đang tìm mọi cách phá hoại sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta; chúng ra sức xuyên tạc, vu cáo Đảng, Nhà nước ta, đánh thẳng vào hệ tư tưởng, cương lĩnh, đường lối chính trị của Đảng, kích động, chia rẽ nội bộ Đảng, chia rẽ Đảng, Nhà nước với nhân dân, hòng làm tan rã Đảng ta, chế độ ta từ gốc, từ bên trong, hết sức thâm độc và nguy hiểm.

Theo Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, để Đảng ta thật sự “là đạo đức, là văn minh” thì phải coi trọng xây dựng Đảng về đạo đức. Đó là: Trau dồi ý thức tu dưỡng đạo đức cách mạng suốt đời; nâng cao sức đề kháng trước mọi cám dỗ; thống nhất giữa tư tưởng và hành động, giữa nói và làm; duy trì thường trực ý thức “tự soi”, “tự sửa” trên cơ sở đẩy mạnh tự phê bình và phê bình, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Hoàn thiện chế độ thực hành đạo đức cách mạng tự giác, có nền nếp. Thực hiện nghiêm quy định nêu gương, chức vụ càng cao càng phải gương mẫu, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên BCHTƯ. Tích cực đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, bệnh cơ hội, thực dụng, “lợi ích nhóm”. Xử lý nghiêm các vi phạm chuẩn mực đạo đức cách mạng của đảng viên, đồng thời cổ vũ, biểu dương các tấm gương đạo đức để tạo ảnh hưởng lan tỏa trong Đảng và xã hội.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp với trọng tâm thảo luận về kinh tế số

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp với trọng tâm thảo luận về kinh tế số

(PNTĐ) - Sáng nay 24/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (Ủy ban), chủ trì phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban, với trọng tâm thảo luận về kinh tế số. Phiên họp kết nối trực tuyến toàn quốc từ trụ sở Chính phủ tới trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tổng Thư ký ASEAN: Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực

Tổng Thư ký ASEAN: Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực

(PNTĐ) - Trong khuôn khổ Diễn đàn Tương lai ASEAN, Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn khẳng định, Việt Nam có tầm nhìn xa, trông rộng và với vị thế là thành viên chủ chốt của ASEAN, Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực, Diễn đàn Tương lai ASEAN có thể phát huy vai trò tiên phong trên nhiều cấp độ.