Thành phố Hà Nội dự kiến tổng mức ngân sách hỗ trợ năm học 2022 - 2023 khoảng 1.133 tỷ đồng

NHẬT NAM
Chia sẻ

(PNTĐ) -Chiều 9/9, UBND thành phố Hà Nội tổ chức họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội tháng 8/2022. Chủ trì buổi họp báo có Chánh Văn phòng UBND thành phố Hà Nội Trương Việt Dũng; Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Phạm Thanh Học; Phó Giám đốc phụ trách Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Việt Hùng.

Liên quan đến dự thảo Nghị quyết về Đề án phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền trên địa bàn thành phố, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Lê Văn Quân cho biết, trong 16 năm qua, HĐND thành phố Hà Nội đã ban hành 2 nghị quyết và UBND thành phố ban hành 8 quyết định về phân cấp quản lý nhà nước về kinh tế - xã hội.

Thành phố Hà Nội dự kiến tổng mức ngân sách hỗ trợ năm học 2022 - 2023 khoảng 1.133 tỷ đồng - ảnh 1
Quang cảnh cuộc họp

“Thành phố thực hiện phân cấp, ủy quyền dựa trên nguyên tắc tất cả những gì mà cấp quận, huyện có thể thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn thì sẽ phân cấp cho cấp dưới thực hiện, tránh ôm đồm nội dung chậm trễ hướng đến giải quyết nhanh chóng tất cả việc phân cấp, ủy quyền”, ông Lê Văn Quân cho biết.

Về nội dung trọng tâm của Đề án, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho biết, việc xác định các nội dung trọng tâm về phân cấp, ủy quyền và nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới dựa trên các yếu tố: Tăng tính chủ động cho các quận, huyện, thị xã có nguồn lực tốt, có năng lực tổ chức triển khai; tăng cường ủy quyền triệt để cho cấp huyện để phát huy tính tự chủ trong triển khai nhiệm vụ. Đồng thời, rà soát, bóc tách các nhiệm vụ quản lý nhà nước, thủ tục hành chính để đề xuất phân cấp, ủy quyền một cách triệt để.

Hiện nay, tổng số thủ tục hành chính của toàn thành phố là 1.884 thủ tục hành chính; cấp thành phố là 1.534 thủ tục, cấp huyện là 244 thủ tục, cấp xã là 106 thủ tục. Qua rà soát, tổng hợp, đề xuất dự kiến sẽ phân cấp, ủy quyền đối với 634 thủ tục hành chính, đạt 35,5% thủ tục hành chính cấp thành phố và cấp huyện; 41,65% thủ tục hành chính cấp thành phố.

Thành phố đang chỉ đạo Văn phòng UBND thành phố, các sở, ngành tiếp tục rà soát để đảm bảo việc phân cấp, ủy quyền theo đúng quy định, khả thi. Thành phố tiếp tục xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức, quy trình tổ chức triển khai thực hiện; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với việc thực hiện phân cấp theo ngành, lĩnh vực tại các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã để kịp thời nắm bắt các vướng mắc, khó khăn và xử lý các vi phạm trong quá trình tổ chức thực hiện…

Liên quan đến vấn đề học phí, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn thông tin tại họp báo. Theo đó, mức học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn TP Hà Nội năm học 2022 - 2023, HĐND TP sẽ xem xét tiếp tục hỗ trợ 50% học phí cho cả năm học 2022 - 2023 như mức hỗ trợ năm học 2021 - 2022 và cho rà soát 100% đối tượng, mở rộng thành phần học sinh thuộc diện yếu thế, gia đình chính sách, gia đình khó khăn để thực hiện chính sách hỗ trợ miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập theo quy định.

30 quận, huyện trên địa bàn TP sẽ được chia thành 4 vùng, làm căn cứ để xác định mức học phí với các trường mầm non, phổ thông công lập. Trong đó, 12 quận nội thành và các phường tại thị xã Sơn Tây thuộc vùng 1; các thị trấn thuộc 17 huyện ngoại thành là vùng 2; các xã (trừ xã miền núi) của 18 huyện, thị thuộc vùng 3; các xã miền núi còn lại được xếp vào vùng 4.

Học phí vùng 1 và 2 áp dụng với các trường chưa đảm bảo chi thường xuyên là 155.000 - 300.000 đồng mỗi tháng. Mức này gấp đôi so với năm học trước. Học phí ở hai vùng còn lại thấp hơn, dao động 100.000 - 200.000 đồng (vùng 3) và 50.000 - 100.000 đồng (vùng 4).

Dự kiến tổng mức ngân sách TP hỗ trợ năm học 2022 - 2023 khoảng 1.133 tỷ đồng. Trong quá trình thực hiện, trường hợp Chính phủ quyết định giữ nguyên hoặc miễn giảm mức học phí năm học 2022 - 2023 theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP thì thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về Dự thảo Nghị quyết quy định mức hỗ trợ, động viên đối với công chức, viên chức, lao động hợp đồng lĩnh vực Y tế tại các cơ quan, đơn vị công lập trực thuộc thành phố Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Y tế Vũ Cao Cương cho biết: Ngày 31/8/2022, UBND Thành phố có Tờ trình số 286/TTr-UBND trình Hội đồng nhân dân (HĐND) Thành phố về việc đề nghị ban hành Nghị quyết quy định mức hỗ trợ, động viên đối với công chức, viên chức, lao động hợp đồng lĩnh vực Y tế tại các cơ quan, đơn vị công lập trực thuộc thành phố Hà Nội. Nghị quyết dự kiến được trình HĐND Thành phố thông qua vào kỳ họp thứ chín, ngày 12/9/2022.

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Vũ Cao Cương, Nghị quyết quy định đối tượng áp dụng là công chức, viên chức, lao động hợp đồng đang làm việc tại thời điểm Nghị quyết có hiệu lực thi hành, đồng thời đã tham gia đóng bảo hiểm xã hội tại các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Y tế Hà Nội, Phòng y tế thuộc UBND các quận, huyện, thị xã thuộc thành phố Hà Nội.

Cùng với đó là viên chức, lao động hợp đồng có chuyên môn y tế đang làm công tác y tế tại thời điểm Nghị quyết có hiệu lực thi hành, đồng thời đã tham gia đóng bảo hiểm xã hội tại Trung tâm nuôi dưỡng và điều dưỡng Người có công số II, Trung tâm Chăm sóc nuôi dưỡng và Điều trị nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin thành phố Hà Nội, các cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở cai nghiện ma túy trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội…

Nghị quyết quy định mức hỗ trợ, động viên đối với công chức, viên chức, lao động hợp đồng ngành Y tế Thủ đô là chính sách mới, đặc thù của Thành phố nhằm động viên kịp thời đối với công chức, viên chức, lao động hợp đồng lĩnh vực Y tế tại các cơ quan, đơn vị công lập trực thuộc thành phố Hà Nội

Trong đó, Liên Sở Y tế - Tài chính - Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất tham khảo trên một số mức chi hỗ trợ một lần tại thành phố Hồ Chí Minh và ý kiến góp ý của các Sở, các Ban HĐND Thành phố, ý kiến chỉ đạo của UBND Thành phố tại cuộc họp ngày 28/7/2022, trên cơ sở ý kiến góp ý bằng văn bản của các Sở, ban ngành Thành phố… với tổng dự kiến kinh phí hỗ trợ là 257.859 triệu đồng. Các mức hỗ trợ được đề xuất theo mức độ công việc và cho từng vị trí trực tiếp làm chuyên môn Y tế và không trực tiếp làm chuyên môn y tế bao gồm: Mức 1 là 10 triệu đồng/người; mức 2 là 7 triệu đồng/người; mức 3 là 5 triệu đồng/người.

Cụ thể, các bệnh viện, trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã, trung tâm kiểm soát bệnh tật Thành phố, Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội, Trung tâm kiểm nghiệm thuốc, dược phẩm, thực phẩm gồm: Người trực tiếp làm chuyên môn Y tế (lâm sàng, cận lâm sàng và dược, chuyên môn, xét nghiệm) được hưởng mức hỗ trợ 10 triệu đồng/người.

Người không trực tiếp làm chuyên môn Y tế (quản lý, hành chính) được nhận mức hỗ trợ 7 triệu đồng/người. Trung tâm giám định y khoa, Trung tâm pháp y, Trung tâm Tư vấn dân số kế hoạch hóa gia đình, Chi cục dân số Kế hoạch hóa gia đình, Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm gồm: Người trực tiếp làm chuyên môn Y tế (lâm sàng, cận lâm sàng và dược, chuyên môn, xét nghiệm) được nhận mức hỗ trợ 7 triệu đồng/người; người không trực tiếp làm chuyên môn Y tế (quản lý, hành chính) được nhận mức hỗ trợ 5 triệu đồng/người...

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Hà Nội hỗ trợ 65 tỷ đồng sửa chữa, nâng cấp trường Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ

Hà Nội hỗ trợ 65 tỷ đồng sửa chữa, nâng cấp trường Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ

(PNTĐ) - Với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”, việc hỗ trợ tỉnh Điện Biên đầu tư công trình trường Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ không những thể hiện tấm lòng của Đảng bộ, Chính quyền, nhân dân Thủ đô Hà Nội với đồng bào, nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên, mà còn thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hợp tác của 2 tỉnh, Thành phố trong thời gian tới, nhằm phát huy tốt hơn nữa tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, đóng góp thiết thực vào sự phát triển chung của cả nước…
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp với trọng tâm thảo luận về kinh tế số

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp với trọng tâm thảo luận về kinh tế số

(PNTĐ) - Sáng nay 24/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (Ủy ban), chủ trì phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban, với trọng tâm thảo luận về kinh tế số. Phiên họp kết nối trực tuyến toàn quốc từ trụ sở Chính phủ tới trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tổng Thư ký ASEAN: Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực

Tổng Thư ký ASEAN: Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực

(PNTĐ) - Trong khuôn khổ Diễn đàn Tương lai ASEAN, Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn khẳng định, Việt Nam có tầm nhìn xa, trông rộng và với vị thế là thành viên chủ chốt của ASEAN, Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực, Diễn đàn Tương lai ASEAN có thể phát huy vai trò tiên phong trên nhiều cấp độ.