Thể loại báo chí điều tra đang bị “xem nhẹ” trong thời công nghệ

HOÀNG LAN
Chia sẻ

(PNTĐ) - Tham gia phiên thảo luận số 6 “Phóng sự điều tra-hành trình làm điều có ích” trong khuôn khổ Diễn đàn Báo chí quốc gia vào sáng ngày 16/3 được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, nhà báo Phùng Công Sưởng, Phó Tổng biên tập báo Tiền Phong đã thẳng thắn nhận định, với sự bùng nổ của công nghệ, thể loại báo chí điều tra đang bị bỏ quên hoặc coi nhẹ. Vậy đâu là nguyên nhân?

Thể loại báo chí điều tra đang bị “xem nhẹ” trong thời công nghệ - ảnh 1
Nhà báo Phùng Công Sưởng, Phó Tổng Biên tập báo Tiền Phong tại phiên thảo luận về đề tài phóng sự điều tra

Theo nhà báo Phùng Công Sưởng, Phó Tổng Biên tập báo Tiền Phong, báo chí điều tra trong quá khứ đã từng rất huy hoàng đặc biệt trong giai đoạn báo chí số chưa phát triển và các nền tảng công nghệ còn chưa tác động nhiều đến hoạt động báo chí. Tuy nhiên sự bùng nổ của công nghệ đã tác động toàn diện và sâu sắc đến  thể loại điều tra tại các cơ quan báo chí. Nhiều cơ quan báo chí đã tham gia vào cuộc đua tốc độ thông tin nên đã bỏ quên hoặc coi nhẹ thể loại điều tra vốn rất sâu, kỹ và chậm chạp dẫn đến sự phát triển thể loại này đang đứng trước rất nhiều thách thức.

4 nguyên nhân khiến thể loại điều tra sút kém

Nhà báo Phùng Công Sưởng đã chỉ ra một số nguyên nhân dẫn đến thực trang trên:

Tâm lý ngại khó, ngại khổ, sợ cô đơn

Để có được một nhà báo điều tra yêu nghề thì cần phải được đào tạo kỹ, bài bản, đa năng trong nhà trường và có một môi trường làm việc thuận lợi để phóng viên phát huy năng lực, hoàn thiện các kỹ năng nghiệp vụ của mình. Tuy nhiên ngay trong trường học, việc đào tạo báo chí nói chung trong đó có đào tạo thể loại điều tra dù có sự chú trọng nhất định nhưng nhìn chung chưa nhận được quan tâm, hào hứng của sinh viên và sau là các phóng viên trẻ, sự tâm huyết truyền nghề của các giảng viên chính quy hay các giảng viên thỉnh giảng có vẻ như giảm sút nhiều phần. Trên thực tế, nhiều sinh viên, phóng viên trẻ thường chạy theo việc học và viết báo theo kiểu “mì ăn liền”, thông tin dựa trên mạng xã hội; share, tổng hợp trên môi trường internet mà thiếu đi nghiên cứu học hỏi tìm tòi, tiếp xúc, phân tích, chứng minh đánh giá, nhận định về một vấn đề… Bản chất của hiện tượng khá phổ biến này có nguyên nhân sâu xa từ việc ngại khó, ngại khổ, ngại tiếp xúc, va đập với cuộc sống ngồn ngộn vấn đề.

Thể loại báo chí điều tra đang bị “xem nhẹ” trong thời công nghệ - ảnh 2
Phiên thảo luận nhận được sự quan tâm của đông đảo đại biểu, công chúng thuộc các lứa tuổi

Nhà báo Phùng Công Sưởng cho rằng, trong thực tế tác nghiệp, để có được loạt bài điều tra chất lượng, nhà báo bỏ ra thời gian hàng tuần, hàng tháng và thậm chí hàng năm; địa bàn tác nghiệp tại nhiều tỉnh thành; đối tượng làm việc, tiếp xúc với đủ giới từ: cơ quan công an, chính quyền, doanh nghiệp, thậm chí cả giới giang hồ, nghiện ngập đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách, thậm chí nguy hiểm…Với quỹ thời gian đó, người làm điều tra cũng tiêu tốn khá nhiều kinh phí cả chính thống và phi chính thống của chính mình. Trong khi đó, với một phóng viên thạo ngoại ngữ, tin học, có chút năng lực tổng hợp có thể ngồi trong phòng máy lạnh và ngày sản xuất 5- 10 tin bài mà không hề mất chút chi phí gì. Điều tra luôn là thể loại chứa đựng nhiều rủi ro và dễ bị “phản công” nhất bởi đối tượng bị bài báo đề cập thường là các tổ chức, cá nhân có “quyền, có tiền, có quan hệ đa dạng” vậy nên họ sẵn sàng “sống chết” với nhà báo. Trong nhiều trường hợp các nhà báo điều tra bị cô đơn (đồng nghiệp, cơ quan không hiểu), thị phi ( lời đồn đoán, dư luận không tốt sau mỗi tác phẩm, sau mỗi lần các đối tượng khiếu nại, khiếu kiện thậm chí tố cáo, vu khống)

Bạn đọc ngày một kén tác phẩm

Sản phẩm báo chí luôn đến thị trường- bạn đọc. Do sự bùng nổ thông tin, bùng nổ công nghệ tiếp cận tin tức dẫn đến bạn đọc ngày nay đã thay đổi rất nhiều cách thức tiếp cận thông tin và thưởng thức chúng. Xu hướng chung là: Từ tiếp cận đơn kênh sang đa kênh; từ đọc sang nghe, nhìn; từ nhâm nhi kỹ sang lướt nhanh gọn…Vì vậy mỗi tác phẩm điều tra thường dài, nhiều kỳ, cơ bản diễn giải bằng text hoặc bằng lời nhiều con số, nhiều thuật ngữ chuyên môn sâu mà thiếu hình ảnh sống động, dẫn đến tác phẩm khó hấp dẫn bạn đọc nhất là bạn đọc trẻ.

Đây là thách thức ghê gớm đối với thể loại này, đặc biệt trong môi trường báo chí số. Thực tế chứng minh nhiều tác phẩm báo chí điều tra có chất lượng cao được đăng trên báo in được những người làm chuyên môn đánh giá cao, tuy nhiên khi đưa lên báo điện tử lại không nhận được sự quan tâm của độc giả như mong đợi. Điều này đặt ra, nếu như tác phẩm điều tra không thực sự đặc sắc,  mới lạ, cách thức thể hiện không đổi mới, hấp dẫn thì khó nhận được sự quan tâm của độc giả, khó lấy được cảm xúc và thời gian của độc giả.

Thể loại báo chí điều tra đang bị “xem nhẹ” trong thời công nghệ - ảnh 3
Theo nhà báo Phùng Công Sưởng, nhiều tác phẩm báo chí điều tra được đăng trên báo in được những người làm chuyên môn đánh giá cao, tuy nhiên khi đưa lên báo điện tử lại không nhận được sự quan tâm của độc giả

Thiếu sự quan tâm của lãnh đạo cơ quan báo chí

Sự phát triển công nghệ tác động đến những người làm báo và nền báo chí. Nhiều cơ quan báo chí  có thể vẫn muốn phát triển thể loại này nhưng để làm được thì bản thân mỗi cơ quan báo chí luôn phải trả lời được nhiều câu hỏi búa bổ: Có phóng viên sẵn sàng làm hay không? Có cơ chế chính sách đủ mạnh để khuyến khích, phát triển thể loại không?  Tác phẩm điều tra đầu tư nhiều có được bạn đọc quan tâm không? Có cách nào giải quyết các rủi ro với tác giả và ngay cả tờ báo nếu gặp phải các sự cố trong tác nghiệp. Và hầu như các cơ quan báo chí hoặc không hoặc chỉ trả lời được một, hai câu hỏi mà khó có các câu trả lời đầy đủ toàn diện về các vấn đề nêu trên. Bên cạnh đó nhiều cơ quan báo chí lựa chọn cách làm “ thực dụng” là ưu tiên đầu tư, phát triển cho nhà báo, cho các tác phẩm mang lại lượng đọc/ truy cập/ xem nhiều phù hợp với năng lực tài chính và chất lượng đội ngũ hiện có. Không mạnh dạn đầu tư cho đội ngũ phóng viên làm điều tra, cho các tác phẩm điều tra công phu đề cập đến những vấn đề lớn của ngành, lĩnh vực, địa phương và đất nước.

Hành lang pháp lý đủ mạnh bảo vệ nhà báo điều tra

Lâu nay, ngoài những trường hợp nhà báo vi phạm pháp luật (cưỡng đoạt, tống tiền…) bị xử lý  hình sự theo quy định của pháp luật thì nhóm đối tượng các nhà báo bị xử lý hành chính/ hình sự / bị hành hung, đe doạ khủng bố… nhiều nhất rơi vào nhóm các nhà báo điều tra tại các cơ quan báo chí. Một số tình huống pháp lý mà các nhà báo điều tra thường hay gặp rủi ro như sử dụng những tài liệu chưa được giải mật; Thông tin về những vấn đề đang trong qúa trình điều tra theo quy trình tố tụng, nhưng sau khi khi kết luận thì thông tin không như báo nêu; Tiếp cận thông tin từ các nguồn chưa được kiểm chứng; người cung cấp thông tin không phải là người đúng thẩm quyền; thông tin trên mặt báo những thông tin về nhân thân đối tượng, nhưng loại thông tin này được pháp luật bảo vệ; nhập vai trong quá trình tác nghiệp vượt giới hạn cho phép dẫn đến vi phạm pháp luật, thậm chí bị đe doạ và bị hành hung; trong nhiều trường hợp các nhà báo bị xâm phạm đến tài sản, sức khoẻ, tính mạng trong hoạt động báo chí nhưng lại không được thừa nhận là người “ thi hành công vụ” dẫn đến hành lang bảo vệ chưa đủ mạnh.

Thể loại báo chí điều tra đang bị “xem nhẹ” trong thời công nghệ - ảnh 4
Quang cảnh phiên thảo luận

Cần “giữ lửa” cho thể loại điều tra

Vì vậy, nhà báo Phùng Công Sưởng cho rằng, để phát triển thể loại điều tra trong giai đoạn hiện nay, cần tiếp tục có chương trình, giáo trình, có đội ngũ nhân sự để đào tạo các phóng viên điều tra ngay từ khi các em còn học đại học; Tại các cơ quan báo chí nhất là các cơ quan báo chí lớn, tuỳ điều kiện khôi phục lại nhóm/ tổ/ phòng ban chuyên về thể loại điều tra; trên các số báo; giao diện; chương trình của các cơ quan báo chí nên duy trì những chuyên mục, mục, chương trình với tên gọi gắn với thể loại nhằm “giữ lửa” cho thể loại và và giữ chân độc giả yêu thích thể loại này đồng thời lôi kéo phát triển các nhóm độc giả mới. Ngoài ra cần có cơ chế chính sách phù hợp về điều kiện làm việc, thu nhập, nhằm khuyến khích những cây viết lĩnh vực này yên tâm công tác, có thu nhập khá, có sự đảm bảo khi gặp rủi ro, sự cố. Cần thiết có thể thành lập “Quỹ phòng ngừa rủi ro” và cuối cùng là cần nhìn nhận toàn diện, khoa học về sự phát triển thể loại báo chí điều tra ở nước ta thời gian qua. Đồng thời các cơ quan báo chí cũng đưa ra các kiến nghị hợp lý nhằm sửa các quy định của pháp luật theo hướng khi nhà báo tác nghiệp báo chí ở một số mảng, một số lĩnh vực được coi xem như người  “thi hành công vụ”, giúp các nhà báo vững tin khi tác nghiệp.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Cử hành trọng thể Lễ truy điệu và an táng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Cử hành trọng thể Lễ truy điệu và an táng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

(PNTĐ) - Chiều ngày 26/7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và gia đình đã tổ chức trọng thể Lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, theo nghi thức Quốc tang tại Nhà Tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội); Hội trường Thống Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh) và tại quê nhà Nhà Văn hóa, thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.
Gần 3.000 cán bộ, hội viên phụ nữ tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về với đất Mẹ  ​

Gần 3.000 cán bộ, hội viên phụ nữ tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về với đất Mẹ ​

(PNTĐ) - 13 giờ ngày 26/7, Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức trọng thể tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội; Hội trường Thống Nhất, TP.HCM và tại quê nhà xã Đông Hội, huyện Đông Anh, TP Hà Nội. Lễ an táng lúc 15 giờ cùng ngày tại Nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội.
Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

(PNTĐ) - Lễ truy điệu đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức lúc 13 giờ 00 phút ngày 26 tháng 7 năm 2024 tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, thành phố Hà Nội. Lễ viếng, Lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng được tổ chức cùng thời gian trên tại Hội trường Thống Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh và tại quê nhà xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.
Tình cảm của người dân nơi quê nhà Đông Hội gửi tới Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Tình cảm của người dân nơi quê nhà Đông Hội gửi tới Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

(PNTĐ) - Sáng sớm ngày 26/7, tại Nhà văn hóa thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội, dòng người đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn tiếp nối. Những gương mặt trang nghiêm, những đôi mắt hoe đỏ luôn hướng về tấm di ảnh người con ưu tú của mảnh đất Đông Hội, Đông Anh được đặt trang trọng giữa lớp hoa vàng.