Người dân Đông Anh nhớ về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
(PNTĐ) - Sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại muôn vàn tiếc thương với người dân Đông Anh và đồng bào cả nước. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người có nhân cách lớn, Nhà lãnh đạo lỗi lạc, trọn đời vì nước vì dân.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sinh ngày 14/4/1944, tại thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, TP Hà Nội, kinh qua nhiều vị trí công tác trước khi trở thành nhà lãnh đạo tối cao của Đảng. Cho dù ở bất cứ cương vị nào, đồng chí cũng đều thể hiện được sự gương mẫu, nhất quán nói đi đôi với làm, tinh thần làm việc không ngừng nghỉ; sự kiên định trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Với sứ mệnh của người đứng đầu Đảng, đất nước đồng chí đã luôn kiên định với kim chỉ nam phát triển đất nước bằng hai con đường song song “luật pháp và văn hóa”. Cuộc đấu tranh chống tham nhũng do Tổng Bí thư đứng đầu là thể hiện sự nghiêm minh của một Nhà nước, lối sống văn minh của một quốc gia và công cuộc chấn hưng văn hóa là việc xây dựng nhân cách, tư cách của dân tộc.
“Người dân Đông Anh chúng tôi gọi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với một danh từ thân thương “Bác”. Bác là một nhà lý luận xuất sắc của Đảng, là tấm gương sáng, tiêu biểu về đạo đức, tính cần, kiệm, liêm, chính. Bác là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một nhân cách lớn, sống trọn đời vì nước, vì dân, đặc biệt là công cuộc chống tham nhũng, tiêu cực thì Bác là người đi đầu, gương mẫu. Chính vì vậy, đất nước chúng ta có được cơ đồ, vị thế và uy tín quốc tế như ngày hôm nay là có công lao rất lớn của Bác” - ông Nguyễn Văn Nghĩa - Bí thư Chi bộ thôn Cổ Dương, xã Tiên Dương, huyện Đông Anh chia sẻ.
Để đảm bảo cho công tác chuẩn bị lễ tang đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Đảng ủy xã Đông Hội (nơi sinh của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng) Lê Thế Chuyên cho biết, xã đã ngay lập tức chỉ đạo các đơn vị chuyên môn, tổ chức đoàn thể thực hiện công tác tư tưởng, nắm chắc tình hình địa bàn, động viên Nhân dân trước sự ra đi của đồng chí Nguyễn Phú Trọng. Đồng thời khơi dậy niềm tự hào của Cấp ủy, Chính quyền và cả hệ thống chính trị về người con ưu tú, kiệt suất của quê hương; biến đau thương thành động lực đoàn kết, quyết tâm thực hiện xây dựng và phát triển quê hương như những lời căn dặn, mong muốn của đồng chí trong những lần về thăm quê hương.
“Xã đã chỉ đạo lực lượng công an xã phối hợp với cán bộ, đoàn viên, hội viên của các đoàn thể tăng cường công tác đảm bảo an ninh trật tự, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn; tiếp tục thực hiện trật tự văn minh đô thị, vệ sinh môi trường. Tạm dừng các hoạt động vui chơi giải trí, văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, các nhà văn hóa, đình, đền, chùa được chăm sóc, vệ sinh, bố trí người trực. Tại khu vực nhà văn hóa thôn Lại Đà, huyện và xã chuẩn bị cơ sở vật chất, phương án để tổ chức nghi lễ quốc tang khi có sự chỉ đạo của cấp trên” – Bí thư Đảng ủy xã Đông Hội Lê Thế Chuyên cho hay.
Ông Nguyễn Phú Việt (bí thư Chi bộ thôn Lại Đà, cũng là trưởng họ Nguyễn Phú của thôn) kể mới đây thôi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng còn có chuyến về thăm quê, thăm lại ngôi nhà ở đầu làng.
"Tổng Bí thư về thăm dân làng, chúc thọ các cụ cao niên và chuyện trò với hàng xóm, láng giềng trong không khí rất thân tình", ông Việt kể lại.
Trưởng họ Nguyễn Phú nói Tổng Bí thư bận trăm công nghìn việc, nhưng vào dịp lễ Tết vẫn dành thời gian về nhà, thăm hỏi người dân. Quãng thời gian còn lại, ngôi nhà thường xuyên vắng bóng chủ nhân nên cấp ủy, chi bộ và người dân làng Lại Đà thay nhau trông nom, quét dọn để nơi đây luôn được khang trang, sạch đẹp. Lần cuối cùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về thăm quê nhà cách đây tròn 2 tuần, đó là ngày mùng 1 tháng sáu âm lịch.
"Hôm đó, Tổng Bí thư về thắp hương cho tổ tiên. Ngôi nhà mới hoàn thiện sửa sang mái ngói, sân vườn", vị trưởng họ Nguyễn Phú của thôn Lại Đà kể, rươm rướm nước mắt khi lướt sang dòng tin tức được báo chí đăng lúc 18h.
Bà Nguyễn Phước Thu, xã Hải Bối, huyện Đông Anh cũng xúc động cho biết, những lời dặn dò, nhắn nhủ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với nhân dân thật gần gũi, như người anh cả với các em, như người cao tuổi với đàn con cháu.
"Hoàn toàn không có sự quan cách trong con người ông. Đến thăm trường cũ, ông chỉ là một cậu học sinh chăm ngoan. Về thăm quê, ông kính trọng, lắng nghe người cao tuổi, hỏi thăm, động viên các cháu nhỏ. Một lãnh đạo giản dị, khiêm nhường mà tôi vinh dự được gặp", bà Nguyễn Phước Thu chia sẻ.
"Ông luôn nhấn mạnh, hơn lúc nào hết, càng vinh dự, tự hào được làm công dân Thủ đô thì càng phải thấy trách nhiệm của mình để không ngừng tu dưỡng, phấn đấu và rèn luyện về bản lĩnh chính trị, phẩm chất, đạo đức, năng lực công tác để lãnh đạo Đảng bộ cùng nhân dân xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, xứng đáng với lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu và với niềm tin yêu của Nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế. Thấm nhuần lời căn dặn này, chúng tôi, những người dân Đông Anh luôn nỗ lực thực hiện và làm theo", bà Thu bồi hồi xúc động.