Thống nhất 5 nội dung để phối hợp thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4

NHẬT NAM
Chia sẻ

(PNTĐ) -Sáng 5/8, Thường trực Thành ủy Hà Nội làm việc với Thường trực Tỉnh ủy hai tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh về triển khai dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô. Qua thời gian làm việc khẩn trương, nghiêm túc, Hội nghị đã sơ bộ thống nhất được các nội dung để làm cơ sở phối hợp tổ chức triển khai thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô.

Kế hoạch phối hợp triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội do thành phố Hà Nội xây dựng cũng đã nhận được các ý kiến góp ý xác đáng, trách nhiệm của các đồng chí lãnh đạo các tỉnh Hưng Yên và Bắc Ninh. Theo đó, để công tác phối hợp triển khai trong thời gian tiếp theo được chặt chẽ, thống nhất, thay mặt lãnh đạo 03 địa phương, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng thống nhất lại một số nội dung như sau:

Thứ nhất, Dự án đường vành đai 4 – Vùng Thủ đô nằm trên địa bàn 03 tỉnh thành phố (Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh) với các dự án thành phần do UBND thành phố Hà Nội, UBND tỉnh Hưng Yên và UBND tỉnh Bắc Ninh là cơ quan chủ quản/cơ quan có thẩm quyền. Theo đó rất cần thiết thành lập Ban Chỉ đạo vùng triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội và có một Kế hoạch cụ thể với phương châm rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ để các cơ quan chủ quản xác định rõ nhiệm vụ, mục tiêu và phối hợp chặt chẽ với nhau để triển khai một cách đồng bộ, nhịp nhàng. Từ đó mới có thể triển khai dự án đạt được mục tiêu, tiến độ Quốc hội đã thông qua.

Thống nhất 5 nội dung để phối hợp thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - ảnh 1
  Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại buổi làm việc

Bí thư Thành ủy đề nghị UBND thành phố Hà Nội chủ động phối hợp cùng với UBND tỉnh Bắc Ninh và Hưng Yên tiếp thu, hoàn thiện để Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo và ban hành Kế hoạch phối hợp triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội làm cơ sở triển khai thực hiện Dự án. Lưu ý việc hoàn thiện kế hoạch phải được thực hiện đồng thời và thống nhất phù hợp với Nghị quyết của Chính phủ đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình.

Thứ hai, việc đầu tư xây dựng Dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô là việc lớn, quan trọng, tác động trực tiếp đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của 03 tỉnh, thành và các tỉnh trong Vùng Thủ đô; vì vậy, cần quán triệt tinh thần và nhận thức, phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, ngoài kế hoạch phối hợp chung của 03 tỉnh, thành phố, cần thiết phải có kế hoạch riêng của từng tỉnh, thành phố để phân công cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị theo hướng rõ người, rõ việc, rõ tiến độ; kết hợp với tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện. Ban Chỉ đạo của 03 tỉnh, thành phố cần chỉ đạo sâu sát, kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện.

Thứ ba, Dự án vành đai 4 được chia thành các dự án giải phóng mặt bằng, dự án đầu tư xây dựng đường song hành (đường đô thị) trên địa bàn các tỉnh, thành phố và 01 dự án đầu tư xây dựng hệ thống đường cao tốc theo phương thức PPP. Mặc dù hiện nay không có quy định về quy trình, thủ tục đối với dự án giải phóng mặt bằng, về việc này sẽ được Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn sau khi Nghị quyết của Chính phủ được ban hành. Tuy nhiên, chúng ta nên chủ động nghiên cứu tìm hiểu và đề xuất các phương án; nhất là trong phương án xử lý di dời các nghĩa trang, việc giải phóng mặt bằng, di dời, chuyển đổi mục đích sử dụng đất liên quan đến an ninh, quốc phòng, các khu vực xây dựng hạ tầng kỹ thuật, các công trình công cộng… trên cơ sở đó làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân; đảm bảo tránh những khiếu kiện phức tạp có thể xảy ra.

Thống nhất 5 nội dung để phối hợp thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - ảnh 2
 Quang cảnh hội nghị

Trên thực tế thành phố Hà Nội đã giao Ban QLDA chuyên ngành giao thông thành phố lập Báo cáo nghiên cứu khả thi. Theo đó, cũng đề nghị tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh sớm giao đơn vị lập Báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án thành phần mà mình được giao nhiệm vụ làm cơ quan chủ quản để thành phố Hà Nội có thể phối hợp, cập nhật hồ sơ đối với dự án thành phần 3 đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Thứ tư, Dự án đường Vành đai 4 là dự án quan trọng quốc gia, quá trình thực hiện cần triển khai nhiều thủ tục với nhiều cơ chế chính sách đặc biệt, thậm chí có những thủ tục chưa có trong quy định của pháp luật. Theo đó thống nhất đề nghị cơ quan Kiểm toán Nhà nước đưa vào kế hoạch và thực hiện kiểm toán Dự án song song với tiến độ triển khai xây dựng công trình. Giao UBND Thành phố là đầu mối chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên để nghiên cứu đề xuất với Kiểm toán nhà nước.

Thứ năm, trong quá trình triển khai thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc vượt thẩm quyền hoặc phát sinh những vướng mắc liên quan đến nhiều địa phương; đề nghị 03 tỉnh, thành phố cần phối hợp chặt chẽ, thống nhất gửi UBND Thành phố Hà Nội làm đầu mối để tổng hợp, kiến nghị Chính phủ xem xét, tháo gỡ.

Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 có ý nghĩa rất quan trọng đối với các tỉnh, thành trong Vùng Thủ đô nói chung và 03 tỉnh, thành nói riêng. Vì vậy, thành phố Hà Nội rất mong nhận được sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ và sự vào cuộc quyết liệt của cả 03 tỉnh, thành để phấn đấu thực hiện Dự án đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng.

Tin cùng chuyên mục

Hà Nội hỗ trợ 65 tỷ đồng sửa chữa, nâng cấp trường Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ

Hà Nội hỗ trợ 65 tỷ đồng sửa chữa, nâng cấp trường Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ

(PNTĐ) - Với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”, việc hỗ trợ tỉnh Điện Biên đầu tư công trình trường Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ không những thể hiện tấm lòng của Đảng bộ, Chính quyền, nhân dân Thủ đô Hà Nội với đồng bào, nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên, mà còn thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hợp tác của 2 tỉnh, Thành phố trong thời gian tới, nhằm phát huy tốt hơn nữa tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, đóng góp thiết thực vào sự phát triển chung của cả nước…
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp với trọng tâm thảo luận về kinh tế số

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp với trọng tâm thảo luận về kinh tế số

(PNTĐ) - Sáng nay 24/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (Ủy ban), chủ trì phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban, với trọng tâm thảo luận về kinh tế số. Phiên họp kết nối trực tuyến toàn quốc từ trụ sở Chính phủ tới trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tổng Thư ký ASEAN: Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực

Tổng Thư ký ASEAN: Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực

(PNTĐ) - Trong khuôn khổ Diễn đàn Tương lai ASEAN, Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn khẳng định, Việt Nam có tầm nhìn xa, trông rộng và với vị thế là thành viên chủ chốt của ASEAN, Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực, Diễn đàn Tương lai ASEAN có thể phát huy vai trò tiên phong trên nhiều cấp độ.