Thủ tướng Chính phủ: Phấn đấu tăng trưởng kinh tế năm 2025 từ 8,3-8,5%

Chinhphu.vn
Chia sẻ

(PNTĐ) - Sáng 16/7, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương về kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025 và các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2025.

Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Bí thư Đảng ủy Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương, lãnh đạo các ngân hàng thương mại, tập đoàn, tổng công ty Nhà nước.

Hội nghị được kết nối trực tuyến đến 34 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các xã, phường, đặc khu.

Thủ tướng Chính phủ: Phấn đấu tăng trưởng kinh tế năm 2025 từ 8,3-8,5% - ảnh 1
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương về kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025 và các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2025 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Chính phủ tổ chức hội nghị để đánh giá, thảo luận tình hình phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, phấn đấu quyết liệt để hoàn thành cao nhất mục tiêu tăng trưởng trên 8% như Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ đã xác định, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ đạo.

Thủ tướng nêu rõ, từ đầu năm đến nay, chúng ta đã và đang thực hiện rất nhiều nhiệm vụ mang tính đột phá, chiến lược, cơ bản cả trước mắt và lâu dài, như thực hiện cuộc cách mạng sắp xếp tổ chức bộ máy, sắp xếp lại giang sơn; trình Bộ Chính trị ban hành và tổ chức thực hiện 4 nghị quyết quan trọng (bộ tứ trụ cột); đang xây dựng để trình cấp thẩm quyền các nghị quyết liên quan giáo dục đào tạo, y tế, văn hoá. Đây là những định hướng lớn để bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Theo Thủ tướng, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đất nước ta đã trải qua nhiều khó khăn, thách thức to lớn, như đại dịch COVID-19, xung đột, chiến tranh, cạnh tranh địa chính trị, cạnh tranh thương mại, đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất gây khó khăn cho sản xuất trong nước; thiên tai khốc liệt, biến đổi khí hậu phức tạp…

Thủ tướng Chính phủ: Phấn đấu tăng trưởng kinh tế năm 2025 từ 8,3-8,5% - ảnh 2
Thủ tướng mong các đại biểu nghiên cứu kỹ, đóng góp ý kiến để sau cuộc họp này, Chính phủ sẽ có một nghị quyết mới về giao chỉ tiêu tăng trưởng, điều hành kịch bản tăng trưởng thống nhất - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng, thường xuyên, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư, chúng ta đã giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; đời sống nhân dân được nâng lên, năm sau cao hơn năm trước… cơ bản thực hiện được các mục tiêu đã đề ra.

Riêng về mục tiêu tăng trưởng GDP, Trung ương, Quốc hội, Chính phủ đã xác định năm nay phải đạt mức tăng trưởng từ 8% trở lên. Vừa qua, dưới sự nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp, 6 tháng đầu năm, kinh tế đã đạt mức tăng trưởng 7,52%.

Từ nay đến cuối năm còn nhiều khó khăn, thách thức, nhất là khó khăn từ nội tại nền kinh tế, do đó chúng ta phải phân tích, thảo luận, đánh giá để tìm ra giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tìm ra cơ cấu, mô hình tối ưu nhất trong bối cảnh quốc tế hiện nay cũng như điều kiện Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, quy mô còn khiêm tốn, độ mở lớn. Để đạt mục tiêu tăng trưởng đã đề ra, cần làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống như tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số…

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, tại hội nghị này, Chính phủ đưa ra con số cụ thể là cả nước cần đạt mức tăng trưởng năm 2025 khoảng 8,3-8,5%, tạo đà, tạo lực, tạo khí thế, tạo nền tảng vững chắc để đạt tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn 2026-2030, qua đó đạt 2 mục tiêu chiến lược phát triển 100 năm.

Thủ tướng yêu cầu các đại biểu thảo luận đánh giá về khả năng đạt mức tăng trưởng 8,3-8,5% trong năm 2025; muốn đạt được mục tiêu này thì phải làm gì; từ đó phải xác định các trụ cột tăng trưởng, các động lực tăng trưởng, các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị tập đoàn kinh tế, các thành phần kinh tế đều phải nỗ lực, đều phải tiến lên.

Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung phân tích, đánh giá bối cảnh thế giới để có giải pháp phù hợp; các giải pháp trước mắt và lâu dài để cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo tinh thần mới, tình hình mới; cởi nút thắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông các nguồn lực, thúc đẩy các động lực tăng trưởng.

Nhấn mạnh cả hệ thống chính trị phải hành động, nếu không hành động, không đồng bộ, không chuyên nghiệp, không cùng một hướng thì không có sức mạnh tổng hợp, với yêu cầu cần đồng lòng, quyết trí, đồng tâm, thống nhất nhận thức, hành động để bảo đảm mục tiêu mà Đảng, Quốc hội đã đề ra, Thủ tướng mong các đại biểu nghiên cứu kỹ, đóng góp ý kiến để sau cuộc họp này, Chính phủ sẽ có một nghị quyết mới về giao chỉ tiêu tăng trưởng, điều hành kịch bản tăng trưởng thống nhất.

Khẳng định hội nghị có tính hành động, tính chiến đấu, tính cụ thể, Thủ tướng yêu cầu các đại biểu, lãnh đạo các bộ ngành, địa phương, đơn vị cần nêu rõ các chỉ tiêu, mục tiêu, giải pháp của bộ ngành, lĩnh vực, địa phương, đơn vị mình, với lộ trình, bước đi, giải pháp cụ thể.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

​Sau 15 ngày vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp: Kiến nghị hoàn thiện thể chế cho hoạt động của mô hình mới

​Sau 15 ngày vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp: Kiến nghị hoàn thiện thể chế cho hoạt động của mô hình mới

(PNTĐ) - Sau 15 ngày đầu chính thức vận hành chính quyền địa phương 2 cấp, cả hệ thống chính trị từ TP đến cơ sở đã thể hiện quyết tâm chính trị cao và sự đồng lòng với tinh thần chủ động, quyết liệt và sự chuẩn bị kỹ lưỡng, bài bản, khoa học. Công tác chuẩn bị không chỉ tập trung vào việc kiện toàn bộ máy, đảm bảo nguồn lực mà còn gắn liền với việc đẩy mạnh chuyển đổi số, phân cấp, phân quyền nhằm mục tiêu cao nhất là nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.
VNPT cần tích cực đóng góp trong xây dựng cơ chế chính sách liên quan đến chuyển đổi số, chính sách số, công dân số

VNPT cần tích cực đóng góp trong xây dựng cơ chế chính sách liên quan đến chuyển đổi số, chính sách số, công dân số

(PNTĐ) - Sáng 16/7, Đảng bộ VNPT Hà Nội tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2025 - 2030. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong dự và phát biểu chỉ đạo tại Đại hội. Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương dự.
MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội ban hành kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ  ​

MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội ban hành kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ ​

(PNTĐ) - Nhằm thiết thực tri ân những người có công với cách mạng, phát huy truyền thống "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch tuyên truyền và tổ chức các hoạt động kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2025) trên địa bàn Thành phố.