Trực tiếp Chương trình Giao lưu Phụ nữ Thủ đô thi đua xây dựng thành phố Văn hiến – Văn minh – Hiện đại
(PNTĐ) - Chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024), 25 năm Hà Nội được UNESCO vinh danh “Thành phố vì hòa bình” và kỷ niệm 94 năm thành lập Hội LHPN Việt Nam và Ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10/1930-20/10/2024), sáng ngày 16/10/2024, Báo Phụ nữ Thủ đô phối hợp với Ban Thi đua - Khen thưởng Thành phố Hà Nội tổ chức chương trình giao lưu trực tuyến với chủ đề “Phụ nữ Thủ đô thi đua xây dựng thành phố Hà Nội văn hiến - văn minh - hiện đại”.
Chương trình giao lưu được tường thuật và Livestreams trực tiếp trên báo điện tử Phụ nữ Thủ đô tại địa chỉ: baophunuthudo.vn và fanpage của Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội.
- 16/10/2024 08:30
Mở đầu chương trình giao lưu trực tuyến hôm nay là các tiết mục văn nghệ do các cán bộ, hội viên phụ nữ Hội LHPN quận Đống Đa đã đem đến những tiết mục đặc sắc.
- 16/10/2024 08:40
Đến dự Chương trình giao lưu “Phụ nữ Thủ đô thi đua xây dựng Thành phố Hà Nội văn hiến, văn minh, hiện đại", có Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Hà Minh Hải.
Cùng dự chương trình có các đồng chí: Phó Trưởng ban Thi đua Khen thưởng TP Hà Nội Trần Thị Thu Hà; Trưởng phòng Báo chí – Xuất bản, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Trịnh Thị Lan; Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Thành phố Hà Nội Kiều Thanh Hùng; Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị Nguyễn Thành Lợi; Tổng Biên tập Tạp chí Người Hà Nội Vương Minh Huệ.
Về phía Báo Phụ nữ Thủ đô có đồng chí Lê Quỳnh Trang, Tổng Biên tập Báo Phụ nữ Thủ đô, đồng chí Lê Thị Hồng Minh, Phó Tổng Biên tập Báo Phụ nữ Thủ đô.
Dự chương trình còn có đại diện lãnh đạo các ban của Hội LHPN Hà Nội, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội LHPN các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội.
Cùng theo dõi chương trình giao lưu trực tuyến còn có các cán bộ, hội viên phụ nữ tại các quận, huyện, thị xã và độc giả của Báo Phụ nữ Thủ đô ở trong và ngoài nước.
Đặc biệt, chương trình có sự góp mặt của 6 vị khách mời là đại diện các gương mặt điển hình tiên tiến phụ nữ Thủ đô được Hội LHPN Hà Nội xem xét vinh danh “Phụ nữ Thủ đô tiêu biểu” năm 2024 nhân dịp kỷ niệm 94 năm thành lập Hội LHPN Việt Nam.
- 16/10/2024 08:59
Tổng biên tập Báo Phụ nữ Thủ đô Lê Quỳnh Trang phát biểu khai mạc chương trình giao lưu
Tổng Biên tập Báo Phụ nữ Thủ đô Lê Quỳnh Trang cho biết: Báo Phụ nữ Thủ đô là cơ quan ngôn luận của Hội LHPN Hà Nội. Trong những năm qua, báo đã thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền, cổ vũ các phong trào thi đua yêu nước trong các cấp Hội Phụ nữ nói riêng và phong trào yêu nước của Thành phố, trung ương.Tổng Biên tập Báo Phụ nữ Thủ đô Lê Quỳnh Trang nhấn mạnh: Thủ đô Hà Nội và cả nước đang sống trong những ngày thu tháng 10 hào hùng kỷ niệm sự kiện lịch sử trọng đại 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô – một mốc son chói lọi trong lịch sử của dân tộc, khơi dậy niềm vinh dự, tự hào đối với mỗi người dân Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung. 70 năm sau ngày giải phóng, kế thừa, phát huy các giá trị truyền thống ngàn năm văn hiến, Đảng bộ, nhân dân và các tầng lớp phụ nữ Thủ đô đã và đang quyết tâm xây dựng, phát triển Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, xứng đáng là trái tim của cả nước; để Thủ đô luôn là niềm tự hào, nơi hội tụ, kết tinh và lan tỏa những giá trị cao quý nhất của dân tộc Việt Nam; là Thành phố vì hòa bình, Thành phố sáng được UNESCO vinh danh.
Để xây dựng Thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, sớm trở thành thành phố kết nối toàn cầu, hội nhập sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, Hà Nội không chỉ cần những quyết sách từ Bộ Chính trị, từ lãnh đạo thành phố, mà còn cần sự chung sức, đồng lòng của mỗi người dân Thủ đô.
Phát huy vai trò nòng cốt, dẫn dắt trong phong trào phụ nữ thành phố, Hội LHPN Hà Nội đã tích cực đổi mới nội dung phương thức hoạt động Hội, bám sát nhiệm vụ chính trị của Thành phố, chỉ đạo của trung ương Hội LHPN Việt Nam, phát động và chỉ đạo triển khai nhiều phong trào, cuộc vận động thiết thực gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đa dạng các hình thức tuyên truyền, động viên khích lệ, lôi cuốn đông đảo cán bộ, hội viên, phụ nữ tham gia như: Phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Thủ đô Trung hậu - Sáng tạo - Đảm đang - Thanh lịch”; phong trào “Phụ nữ Thủ đô tích học tập, lao động, sáng tạo, xây dựng gia đình văn minh, hạnh phúc”; cuộc vận động phụ nữ rèn luyện phẩm chất “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”; cuộc vận động “Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp”, “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch; hướng đến 5 có, 3 sạch”; Phụ nữ Thủ đô sáng tạo, khởi nghiệp, chuyển đổi xanh…
Nhiều mô hình cụ thể đã được các cấp Hội xây dựng và nhân rộng mang lại hiệu quả thiết thực cho cộng đồng, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, vì phụ nữ, trẻ em, hỗ trợ sự phát triển toàn diện của phụ nữ; khơi dậy và phát huy tinh thần tương thân tương ái, ý thức tự giác, trách nhiệm với cộng đồng, xã hội của cán bộ và hội viên phụ nữ Thủ đô.
Thấm nhuần lời dạy của Bác “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua” lời dạy ấy đã được Hội LHPN Hà Nội cụ thể hóa thành những phong trào thi đua tiêu biểu với những cách làm sáng tạo, mà điển hình là coi trọng phát động các đợt thi đua cao điểm với nhiều phong trào, cuộc vận động, mô hình thiết thực, nhân văn đã thu hút mọi tầng lớp phụ nữ tham gia hưởng ứng. Trong các cuộc phát động ấy đã xuất hiện những tấm gương phụ nữ điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực và có sức lan tỏa mạnh mẽ tới cộng đồng và xã hội.
Tổng Biên tập Báo Phụ nữ Thủ đô Lê Quỳnh Trang cho biết: Báo Phụ nữ Thủ đô là cơ quan ngôn luận của Hội LHPN Hà Nội. Trong những năm qua, báo đã thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền, cổ vũ các phong trào thi đua yêu nước trong các cấp Hội Phụ nữ nói riêng và phong trào yêu nước của Thành phố, trung ương. Để góp phần cổ vũ và lan tỏa nhiều hơn những tấm gương điển hình thi đua ái quốc, trong những năm qua, Báo Phụ nữ Thủ đô đã phối hợp với Ban Thi đua khen thưởng Thành phố tổ chức các Chương trình Giao lưu biểu dương gương điển hình tiên tiến, người tốt "Phụ nữ Thủ đô Sáng tạo - Hội nhập - Kết nối thành công" năm 2021, 2022, 2023.
Năm 2024, Báo Phụ nữ Thủ đô tiếp tục phối hợp với Ban Thi đua khen thưởng Thành phố tổ chức Chương trình Giao lưu trực tuyến với chủ đề “Phụ nữ Thủ đô thi đua xây dựng thành phố Văn hiến – Văn minh – Hiện đại” diễn ra vào kịp kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô và 94 năm thành lập Hội LHPN Việt Nam đầy ý nghĩa.
Tại Chương trình, có 6 gương điển hình tiên tiến-người tốt việt tốt là các tấm gương sáng của Phụ nữ Thủ đô trên các lĩnh vực: Nghiên cứu khoa học, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, nữ doanh nhân, lực lượng vũ trang, phụ nữ tiêu biểu các ngành giáo dục, y tế, nữ cán bộ Hội tiêu biểu. Các chị là những tấm gương sáng, có thành tích xuất sắc, nhiều sáng kiến, sáng tạo, nỗ lực vươn lên trong lao động sản xuất, đóng góp cho cộng đồng, xã hội.
Đó là: Nhà giáo Lưu Thị Lập, Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng trường THPT Hoàng Cầu, quận Đống Đa, Hà Nội; Nghệ nhân Bùi Thị Minh, Giám đốc Công ty TNHH Đúc đồng truyền thống Ngũ Xã, Hội viên Chi hội phụ nữ số 3, phường Trúc Bạch, Ba Đình, Hà Nội; bà Phạm Thị Thanh Huyền, Hội viên nông dân xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì, Hà Nội có thành tích trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh;
PGS.TS.BS Nguyễn Minh Hiền, Trưởng khoa Hóa sinh, Chủ tịch Công đoàn Bệnh viện Thanh Nhàn, người có 3 bằng sáng chế; Trung tá Bùi Thị Hạnh, Đội phó Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Ủy viên BCH Hội Phụ nữ Công an quận Đống Đa khắc tinh của tội phạm ma túy; bà Nguyễn Thị Hòe, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm, Hà Nội, nhiều thành tích trong công tác an sinh xã hội, vì cộng đồng.
“Tôi hy vọng những thông điệp từ chương trình sẽ tiếp tục cổ vũ, động viên phong trào thi đua của các cá nhân, các tập thể lên cao hơn nữa. Từ đó lan tỏa những tấm gương sáng trên mọi lĩnh vực, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tu dưỡng, rèn luyện nâng cao phẩm chất đạo đức, lòng nhân hậu của các cán bộ, hội viên, phụ nữ và quần chúng nhân dân trong học tập và làm theo lời Bác”- Nhà báo Lê Quỳnh Trang nhấn mạnh.
- 16/10/2024 09:15
Đến tham dự chương trình, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội đã có những ý kiến phát biểu chỉ đạo.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải bày tỏ xúc động khi tham dự một chương trình ý nghĩa, đầy nhân văn và đặc biệt do Báo Phụ nữ Thủ đô phối hợp Ban Thi đua khen thưởng Hà Nội tổ chức trong chuỗi sự kiện Kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô vừa qua.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải mong các chị em là tấm gương truyền cảm hứng để cùng chính quyền và nhân dân xây dựng Thủ đô thanh bình, thịnh vượng và hạnh phúc.Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải nhắc lại những sự kiện tiêu biểu kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô vừa qua, đồng thời xúc động, tự hào bởi sự hào hùng, khí thế và hào khí được tái hiện trong các chuỗi sự kiện tiêu biểu. Những nhân chứng lịch sử trong ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954 nay tuổi đã cao, nhưng họ vẫn còn nhớ như in những khoảnh khắc lịch sử một thời…
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải nhấn mạnh: Chương trình giao lưu hôm nay là một sự kiện quan trọng, tôn vinh và lan toả những tấm gương sáng trong vườn hoa thi đua Ái quốc, xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại theo Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đồng chí Hà Minh Hải bày tỏ sự ngưỡng mộ với những nỗ lực, cống hiến, hi sinh và quyết tâm của 6 tấm gương phụ nữ Thủ đô tại buổi giao lưu.
Thay mặt UBND TP Hà Nội, đồng chí Hà Minh Hải gửi lời chúc sức khoẻ, lời chúc tốt đẹp nhất, tri ân đến những tấm gương điển hình của Phụ nữ Thủ đô giai đoạn vừa qua, đặc biệt là trong dịp Kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô, kỷ niệm ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải, Hà Nội đã triển khai nhiệm vụ, công việc trong năm 2024 với nhiều việc lớn. Vừa qua, TP Hà Nội vừa triển khai 3 nội dung quan trọng để bước sang thời kỳ mới. Quốc hội vừa thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi), Bộ Chính trị và Quốc hội cũng đã cho ý kiến về 2 Quy hoạch: Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, trong đó xác định tầm nhìn, khát vọng xây dựng Thủ đô phát triển “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, thành phố xanh và hoà bình…
- 16/10/2024 09:40Chương trình giao lưu có sự tham dự của Bà Lê Kim Anh (người thứ hai từ trái qua), Ủy viên Đoàn Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, Thành ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội.
Buổi giao lưu tiếp tục với những chia sẻ của nhà giáo Lưu Thị Lập, Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng trường THPT Hoàng Cầu, quận Đống Đa (Hà Nội).
Bà đã xây dựng thành công mô hình “Lớp học hạnh phúc - Trường học hạnh phúc”, là nữ giáo viên tiêu biểu, tâm huyết trong xây dựng trường học hạnh phúc, đào tạo ra các thế hệ công dân cho Thủ đô hạnh phúc, văn minh, thanh lịch.
Nhà giáo Lưu Thị Lập, Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng trường THPT Hoàng Cầu, quận Đống Đa (Hà Nội) giao lưu tại chương trình.MC: Thưa nhà giáo Lưu Thị Lập, 32 năm kinh nghiệm giảng dạy, 10 năm giữ chức vụ quản lý, bà luôn tâm huyết với việc xây dựng trường học hạnh phúc. Theo bà, trường học hạnh phúc sẽ đem lại điều gì cho các học sinh? Và việc đào tạo ra những thế hệ công dân hạnh phúc sẽ đóng góp như thế nào cho một Thủ đô hòa bình, văn minh”
Nhà giáo Lưu Thị Lập: Tôi rất vinh dự, tự hào và cảm ơn Báo Phụ nữ Thủ đô đã cho tôi có cơ hội ở đây và chia sẻ về mô hình chúng tôi đã thực hiện. Theo tôi, trường học hạnh phúc là một mô hình giáo dục nhằm tạo ra môi trường học tập tích cực, toàn diện, tập trung vào cảm xúc và sự phát triển cá nhân của học sinh. Mục tiêu chính của trường học hạnh phúc là giúp học sinh cảm thấy hạnh phúc trong học tập, từ đó phát triển các kỹ năng sống, tư duy sáng tạo và năng lực xã hội.
Đây là điều kiện vô cùng quan trọng đối với giáo dục Việt Nam nói chung, ngành giáo dục Thủ đô Hà Nội nói riêng nhằm đào tạo ra nhưng công dân khoẻ mạnh về thể chất, tích cực về cảm xúc, phát triển về trí tuệ góp phần xây dựng Thủ đô Hà Nội giàu đẹp, văn minh, hoà bình và tiến bộ.
Trong giai đoạn hướng đến mục tiêu xây dựng trường học hạnh phúc ở ngôi trường THPT Hoàng Cầu, chúng tôi hướng đến 4 giá trị cốt lõi cho giáo viên, học sinh, phụ huynh và cả chính Ban Giám hiệu nhà trường, đó là: Yêu thương, an toàn, tôn trọng và tự hào.Hành trình thay đổi trong nhận thức kéo dài bền bỉ suốt 5 năm đầu (từ năm 2018 - 2023), chúng tôi đã lắng nghe những thông tin phản hồi thông qua nhiều hình thức để phát hiện những điều, những việc chưa làm cho học sinh, giáo viên, phụ huynh hạnh phúc và tìm ra giải pháp khắc phục để họ trở nên hạnh phúc hơn, tích cực hơn.
Chúng tôi đã triển khai chuỗi hội thảo cấp trường như: “Giáo viên chủ nhiệm với kỹ năng xây dựng lớp học hạnh phúc”, “ Tình yêu thương - Nền tảng xây dựng lớp học hạnh phúc, THHP”, “Chia sẻ kỹ năng truyền thông để xây dựng THHP”, “Người thầy truyền cảm hứng trong giờ học hạnh phúc”, “ Kỷ luật tích cực để xây dựng trường học hạnh phúc”, và hàng trăm cuộc hội thảo cấp lớp như: “Chúng em cùng thầy cô xây dựng LHHP” (Khối 10), “Chúng em lan toả hạnh phúc qua công tác truyền thông” (Khối 11), “ Chúng em xây dựng Văn hoá học đường trong lớp học hạnh phúc” (Khối 12) … để giúp họ hiểu về trường học hạnh phúc từ đó thay đổi cách nghĩ, quan điểm về hạnh phúc trong trường học.
Giáo viên dành nhiều thời gian quan tâm đến học sinh nhiều hơn. Họ làm nhiều cách để truyền cảm hứng trong mỗi giờ dạy, họ có phương pháp để tạo bầu không khí lớp học vui vẻ, thoải mái. Còn về phía học sinh, các em hiểu rằng hạnh phúc không chỉ là sự đón nhận mà các em cũng phải biết thay đổi chính mình để có trách nhiệm đồng hành cùng thầy cô.
Những thay đổi đó nhằm hướng đến hệ giá trị cảm xúc tích cực và văn hóa học đường vững bền của trường học hạnh phúc, hình thành phẩm chất và năng lực cho thế hệ trẻ, những công dân Hà Nội thanh lịch, văn minh và hiện đại.
Kế hoạch trong hành trình 5 năm của giai đoạn tiếp theo (2023-2028), bên cạnh việc kiên định giữ gìn và củng cố những giá trị của giai đoạn 1. Chúng tôi đã tận dụng ưu thế của công nghệ 4.0 để đi sâu vào việc nhận diện cảm xúc hàng ngày của mỗi chủ thể trong nhà trường thông qua App Hoàng Cầu- Happy school, từ đó Ban Giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm và cán bộ tư vấn tâm lý học đường có phương án hỗ trợ tâm lý giúp học sinh kịp thời.
Về các giải pháp đã thực hiện: chúng tôi đã kiến tạo một môi trường văn hóa học đường lành mạnh, văn minh và hiện đại; môi trường an toàn về thể chất và tinh thần; tôn trọng sự đa dạng về văn hóa và đặc điểm riêng của mỗi học sinh. Quan hệ giữa học sinh, giáo viên và các lực lượng trong nhà trường ấm áp như một gia đình. Với mô hình trường công lập tự chủ về tài chính tự Nhà trường đã chắt chiu để đầu tư cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị ngày một khang trang, hiện đại, đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Chúng tôi có nhiều biện pháp quản lý hiệu quả nâng cao chất lượng đội ngũ, cổ vũ các nhà giáo tâm huyết sáng tạo: Liên tục 8 năm liền liên tiếp nhà trường đều có giáo viên đạt giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết - sáng tạo”. Có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh.
Điều hạnh phúc nhất trong sự nghiệp "trồng người" của tôi là đào tạo ra những thế hệ học sinh hạnh phúc và thành công biết yêu thương chia sẻ, ứng xử văn minh và có trách nhiệm với cộng đồng. Tôi luôn mong mỏi mỗi trường học của Thủ đô Hà Nội đều trở thành một ngôi trường hạnh phúc để đưa giáo dục Hà Nội vươn xa, xứng đáng với vị thế dẫn đầu cả nước.
- 16/10/2024 09:40
Cán bộ hội tiêu biểu - vượt lên "nghịch cảnh" nuôi con thành tài: Bà Nguyễn Thị Hòe, Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Trâu Quỳ, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học, Phó Chủ tịch Chữ thập đỏ thị trấn, huyện Gia Lâm, Hà Nội.
Vượt lên trên số phận chồng mất khi chị mới 29 tuổi, một mình chị nuôi hai con ăn học đều thành đạt. Năm 2019: Danh hiệu “Người tốt việc tốt” cấp huyện
Năm 2020: Giấy khen của Tổng giám đốc ngân hàng Chính sách xã hội, Giấy khen của UBND huyện trong công tác phòng chống dịch Covid-19; Giấy khen là điển hình tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015-2020.
Năm 2023: Bằng khen Chủ tịch Hội Phụ nữ cơ sở giỏi tiêu biểu thành phố Hà Nội năm 2023; Danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở.
Bà Nguyễn Thị Hòe, Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Trâu Quỳ, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học, Phó Chủ tịch Chữ thập đỏ thị trấn, huyện Gia Lâm, Hà Nội giao lưa.MC hỏi: Thưa bà, Hội LHPN thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm do bà là Chủ tịch thời gian qua đã triển khai rất thành công nhiều phong trào, mô hình, phần việc qua đó khẳng định vai trò của tổ chức Hội, đặc biệt là vận động cán bộ, hội viên, nhân dân thực hiện nếp sống văn minh thanh lịch, góp phần xây dựng Thủ đô Hà Nội văn hiến, văn minh. Xin bà chia sẻ về hoạt động nổi bật này mà Hội LHPN thị trấn Trâu Quỳ đã đạt được?
Bà Nguyễn Thị Hòe: Trong những năm qua, thực hiện sự chỉ đạo của Hội LHPN huyện Gia Lâm triển khai thực hiện Cuộc vận động phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp và thực hiện khâu đột phá được xác định tại Đại hội đại biểu phụ nữ huyện Gia Lâm lần thứ 21, phát huy vai trò của tổ chức Hội trong xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị và giữ gìn cảnh quan môi trường sáng xanh, sạch, đẹp, đáp ứng yêu cầu thành lập quận thì Hội LHPN thị trấn Trâu Quỳ chúng tôi đã tập trung triển khai thực hiện một số hoạt động. Đến thời điểm này, có thể nói các hoạt động của thị trấn Trâu Quỳ chúng tôi đã đạt hiệu quả thiết thực và được lan tỏa. Cụ thể như:
Mô hình “Đổi rác thải nhựa lấy cây xanh và sản phẩm thân thiện với môi trường”, được Hội LHPN thị trấn thực hiện từ năm 2019, là đơn vị đầu tiên của huyện Gia Lâm thực hiện mô hình này, đến nay 22/22 Hội LHPN xã, thị trấn và 164/164 chi hội phụ nữ trên địa bàn huyện Gia Lâm đều đang triển khai thực hiện mô hình này đều đặn hàng tháng.
Mô hình “Nhà tôi có bình chữa cháy” được Hội thực hiện từ năm 2021, vận động mỗi gia đình hội viên phụ nữ trong nhà có ít nhất 1 bình chữa cháy để phòng trường hợp cháy nổ xảy ra thì các gia đình đều có ngay vật dụng để chữa cháy. Đều đặn cứ 6 tháng 1 lần, chúng tôi cùng các đồng chí Công an khu vực tập huấn kỹ năng phòng cháy, chữa cháy, hướng dẫn cách sử dụng, bảo quản bình chữa cháy cho thành viên của mô hình.
Mô hình này được thực hiện tại tất cả các tổ dân phố trên địa bàn thị trấn. Thời gian vừa qua, thị trấn cũng xảy ra một số vụ cháy nổ nhưng do được trang bị kiến thức, kỹ năng, vật dụng chữa cháy kịp thời nên không xảy ra thiệt hại về con người, tài sản cũng thiệt hại rất ít.
Song song với đó, Hội Phụ nữ thị trấn thành lập 11 tổ phụ nữ trật tự đô thị, đảm nhận thực hiện các nhà văn hóa sáng, xanh, sạch, đẹp, các tuyến đường, tuyến phố tự quản không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, cây xanh, hoa được cắt tỉa thường xuyên, nhiều tuyến đường được vẽ tranh bích họa đẹp mắt tạo điểm nhấn cho các tuyến đường.
Ngoài ra, chúng tôi cũng đã thành lập Câu lạc bộ Nữ chủ nhà trọ, đây là một mô hình mới trong thu hút, tập hợp hội viên. Qua việc thành lập Câu lạc bộ, đã tạo điều kiện cho các thành viên có cơ sở cùng nhau hợp tác hỗ trợ trong việc quản lý, đảm bảo an ninh trật tự khu nhà trọ. Đây cũng là một "kênh" để Hội triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với người thuê trọ và tập hợp, thu hút phụ nữ tham gia vào tổ chức Hội, cùng những hoạt động nhân đạo, từ thiện, mẹ đỡ đầu cũng được Hội LHPN thị trấn chúng tôi làm bằng tất cả sự yêu thương.
MC hỏi: Nhắc đến bà, nhiều cán bộ, hội viên Hội LHPN thị trấn Trâu Quỳ thường nhắc đến một Chủ tịch Hội đã vượt qua nhiều khó khăn riêng khi chồng mất sớm, một mình nuôi các con trưởng thành nhưng vẫn rất nhiệt tình, trách nhiệm với hoạt động Hội. Xin hỏi, lý do nào khiến bà dành nhiều tình cảm cho tổ chức Hội phụ nữ như vậy?
Bà Nguyễn Thị Hòe: Trong quá trình thực hiện bước đầu gặp nhiều khó khăn, lúc đầu chị em khó khăn vì trên địa bàn có nhiều nhà cho thuê trọ, chúng tôi vừa làm vừa vận động, CLB chủ nhà trọ, chúng tôi trao đổi, gặp gỡ các thành viên vận động, quá trình thực hiện rất tốt, công nhân thuê trọ thực hiện rất tốt và tích cực tham gia các phong trào của địa phương.
Năm 2001, chồng bị tai nạn qua đời, 2 con trai 9 tuổi và 4 tuổi, đây là mất mát lớn với gia đình, đặc biệt với bản thân tôi. Được sự quan tâm giúp đỡ của gia đình, chính quyền địa phương, tôi đã vượt qua khó khăn để vươn lên, nuôi dạy con khôn lớn đến nay 2 con đều đỗ đại học.
Tôi rất là tự hào vinh dự mình được là cán bộ hội, khi tham gia vào tổ chức Hội bản thân được tiếp xúc với nhiều chị em phụ nữ như: Phụ nữ cao tuổi, phụ nữ khuyết tật, phụ nữ đơn thân,… được cùng trao đổi, chia sẻ những tâm tư, nguyện vọng của mọi đối tượng và được giúp đỡ họ trong mọi hoàn cảnh để vươn lên trong cuộc sống;các phong trào thi đua, các hoạt động của tổ chức Hội luôn được đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động, được cấp ủy chính quyền các cấp ghi nhận, đánh giá cao, khẳng định vai trò vị thế tổ chức Hội trong môi hoạt động trong xã hội. Từ đó, hình ảnh người cán bộ Hội được cộng đồng người dân yêu mến và được đóng góp xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại.
- 16/10/2024 09:42
Chương trình bắt đầu giao lưu với nữ nghệ nhân tiêu biểu - giữ nghề truyền thống đúc đồng: Bà Bùi Thị Minh, Giám đốc Công ty TNHH Đúc đồng truyền thống Ngũ Xã, Hội viên Chi hội phụ nữ số 3, Hội LHPN phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội
Trải qua 400 năm trong nghề, dòng họ và gia đình bà Bùi Thị Minh đã để lại rất nhiều tác phẩm tinh xảo trên khắp đất nước Việt Nam như: Tượng Huyền Thiên Trấn Vũ - đặt tại Đền Quán Thánh; Tượng Phật A Di Đà nặng 14 tấn tọa lạc tại Chùa Thần Quang - Ngũ Xã; Cửu đỉnh Huế; Yên Tử; Chùa Hương; Tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đặt tại Hội trường Ba Đình lịch sử, Văn phòng Chủ tịch nước, Nhà sàn Bác Hồ, Đài tưởng niệm Định Hóa - Thái Nguyên; Tượng bà Võ Thị Sáu - đặt tại Hội LHPN Việt Nam, bà Bùi Thị Cúc, bà Nguyễn Thị Lợi đặt tại Bảo tàng Công an Thành phố Hà Nội...
Bà Bùi Thị Minh luôn tích cực tham gia các phong trào phụ nữ ở địa phương; công tác của Hội Phụ nữ, đọc báo Hội, công tác nhân đạo từ thiện như: Tham gia chương trình “Tết đoàn viên”, gói bánh chưng xanh tặng cán bộ, hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn; ủng hộ Tuần lễ “Tấm lòng vàng” hàng năm do Hội LHPN quận, phường phát động.
Trong suốt 25 năm qua, bà Minh và gia đình đã đồng hành với các ban ngành của Thành phố, Quận và 2 phường Trúc Bạch và Yên Phụ sẵn sàng giúp đỡ cho những hoàn cảnh khó khăn do thiên tai lũ lụt trên khắp đất nước khi được kêu gọi. Ủng hộ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa giúp đỡ gia đình thương binh, bệnh binh nhiễm chất độc da cam (đioxin). Mỗi khi Tết đến xuân về đều chuẩn bị 50 suất quà trị giá 50 triệu đồng tặng cho những gia đình khó khăn để họ đón Tết vui tươi, đầm ấm.
Ghi nhận những đóng góp cho nghề đúc đồng truyền thống, bà Bùi Thị Minh được UBND thành phố Hà Nội phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Hà Nội” năm 2019.
Năm 2020, bà Minh được nhận giải Nhì trong Cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội do UBND thành phố Hà Nội tổ chức.
Năm 2021, bà Minh có 2 sản phẩm được UBND thành phố Hà Nội đánh giá, phân hạng và quyết định công nhận sản phẩm OCOP 4 sao (Đôi đèn tứ linh và lọ song ngư).
Năm 2023, bà Minh được Hội Người cao tuổi thành phố Hà Nội tặng Giấy chứng nhận Người cao tuổi làm kinh tế giỏi; Hội Chữ thập đỏ thành phố tặng giấy khen trong công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ; UBND quận Ba Đình tặng Giấy khen trong công tác Đền ơn đáp nghĩa…
Bà Bùi Thị Minh, Giám đốc Công ty TNHH Đúc đồng truyền thống Ngũ Xã (người cầm mic) chia sẻ tại chương trình giao lưu.Tâm huyết và tự hào
MC hỏi: Trải qua chiều dài lịch sử, làng nghề Ngũ Xã đã có nhiều kiệt tác cho nghệ thuật đúc đồng Việt Nam, đóng góp vào nền văn hóa Thăng Long - Hà Nội. Đến nay, bà cùng các thành viên trong gia đình vẫn gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật đúc đồng truyền thống. Gia đình bà đã có đến 4 thành viên được công nhận là nghệ nhân. Bà có thể chia sẻ về cách mà các thành viên gìn giữ và nối nghiệp nghề của cha ông?
Bà Bùi Thị Minh: Tôi rất vinh dự được đến giao lưu với chị em phụ nữ Thủ đô. Năm nay tôi 75 tuổi, là con cháu của các cụ làm nghề truyền thống đúc đồng làng Ngũ Xã, Trúc Bạch, Ba Đình, Hà Nội. Tôi cho rằng sản phẩm đúc đồng đã được đưa lên một tầm cao mới, là tác phẩm nghệ thuật.
Nghề đúc đòng đã có lịch sử hơn 400 làm nghề, từ đời cha ông chúng tôi đã tạc lên những bức tượng độc đáo, được đặt ở những nơi tâm linh trên khắp đất nước Việt Nam như: Phật to nhất Đông Dương, tượng Phật ở Chùa Hương, tượng Bác Hồ đặt ở Ba Đình,... tôi luôn tâm huyết và tự hào.
Nói đến nghề đúc đồng Ngũ Xã, vượt qua nhiều thăng trầm của lịch sử, giữ gìn và phát triển đến ngày hôm nay, nghề đã được đi vào thơ ca của lịch sử 400 năm nay: Lĩnh hoa Yên Thái; Đồ gốm Bát Tràng; Thợ vàng Định; Thợ đồng Ngũ Xã".
Con cháu của nghề đúc đồng Ngũ Xã luôn cảm thấy nghề rất đáng trân trọng. Nghề đúc đồng Ngũ Xã không chỉ làm ra sản phẩm mà là tác phẩm nghệ thuật. Mặc dù nghề có rất nhiều khó khăn nhưng chúng tôi cũng rất quyết tâm giữ nghề và truyền cảm hứng cho các con chúng tôi. Các con cháu cũng rất yêu nghề. Gia đình tôi có 4 người yêu nghề và đều được công nhận là nghệ nhân.
Nay tôi tuổi cao rồi rất trăn trở làm sao giữ được nghề, mong muốn có cơ chế chính sách của Nhà nước, được sự giúp đỡ của các ban ngành, giúp chúng tôi mở các lớp dạy nghề, giữ gìn và nghề lưu truyền nghề đáng trân trọng của Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến.
MC hỏi: Chủ đề của chương trình giao lưu của chúng ta hôm nay là Phụ nữ thi đua xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại. Dưới góc độ của một nghệ nhân, một người con của Hà Nội, theo bà, các nghệ nhân, các làng nghề cần làm gì để gìn giữ tinh hoa nghề của Thủ đô ngàn năm văn hiến? Đồng thời, bà có kiến nghị gì với thành phố để có thể làm tốt hơn công tác bảo tồn nghề truyền thống?
Bà Bùi Thị Minh: Để các nghề lưu truyền khó khăn rất nhiều, cần nhờ chính sách, cơ chế của Nhà nước, các cấp ngành, cùng chúng tôi giữ gìn phát triển nghề truyền thống của Hà Nội nói chung và nghề đúc đồng Ngũ Xã nói riêng để không bị mai một và tiếp tục được lưu truyền nghề, phát triển nghề cho thế hệ sau.
- 16/10/2024 09:50
Tiếp theo, chương trình chuyển sang giao lưu với bà Phạm Thị Thanh Huyền - Hội viên nông dân xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì, Hà Nội.
Bà Phạm Thị Thanh Huyền (áo dài xanh) - Hội viên nông dân xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì, Hà Nội giao lưu tại chương trình.MC: Thưa bà, trong số 10 phụ nữ Thủ đô tiêu biểu năm 2024 được Hội LHPN Hà Nội đề xuất vinh danh, bà là gương phụ nữ đại diện cho nữ nông dân dám nghĩ, dám làm, dám sáng tạo khởi nghiệp, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Từ 20 năm trước, bà đã bắt đầu gây dựng cơ nghiệp bằng việc đầu tư máy móc thu gom và chế biến sữa. Đến năm 2019, tiếp tục đầu tư máy móc với số tiền lên đến 4 tỷ đồng. Đến nay, cơ sở của bà đã giúp cho hàng chục lao động ở địa bàn miền núi có nhiều khó khăn như xã Tản Linh, huyện Ba Vì có việc làm và thu nhập ổn định. Xin được hỏi, vì sao bà lại có quyết định từng được cho là táo bạo này?
Bà Phạm Thị Thanh Huyền: Tôi vốn là một công nhân của Trung tâm nghiên cứu bò và đồng cỏ Ba Vì. Nhìn thấy những lợi thế sẵn có của địa phương, với một khát khao thay đổi cuộc sống, năm 2002, tôi quyết định xin nghỉ ở nhà chăn nuôi bò sữa. Ban đầu tôi bán cho trạm thu gom, năm 2004, tôi mạnh dạn quyết định đăng ký hộ kinh doanh sản xuất sữa và mở cửa hàng bán cho khách du lịch ở khu vực Ba Vì.
Thời gian đầu, mọi công đoạn đều làm thủ công nên năng suất lao động chưa cao, sản lượng chưa được như mong muốn. Sau khi suy nghĩ kỹ, tôi quyết định bán đất do ông bà để lại để đầu tư vào máy móc chế biến sữa. Tôi biết đó là một quyết định rất rủi ro nhưng nếu mình không “dám” thì có thể sẽ bỏ lỡ một cơ hội rất lớn để đổi đời.
Cùng với đó, hành trình khởi nghiệp còn gặp rất nhiều rào cản như thiếu vốn, không có kinh nghiệm quản lý. Không nản lòng, tôi kiên trì học hỏi, tìm tòi kiến thức cải thiện quy trình sản xuất sữa đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tình hình kinh doanh đang có tiến triển tích cực thì tới năm 2008 liên tiếp các sự việc không may xảy ra ảnh hưởng lớn tới ngành sữa và xưởng sản xuất của gia đình tôi. Năm đó, thông tin sữa nhiễm melamine đã làm mất đi niềm tin của người tiêu dùng đối với chất lượng và độ an toàn của tất cả các sản phẩm sữa. Cùng thời điểm đó, trận lụt lịch sử mà Hà Nội và các tỉnh phía Bắc đã phải hứng chịu cũng ảnh hưởng không nhỏ tới ngành du lịch địa phương. Sữa chúng tôi thu mua của nông hộ phải cô đặc và để vào kho lạnh thậm chí là đổ bỏ. Sóng gió rồi cũng qua, hộ kinh doanh của tôi đã sớm phục hồi và đi vào quỹ đạo ổn định. Tới tháng 10/2019, thực hiện theo chủ trương của UBND thành phố Hà Nội về khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển đổi từ Cơ sở SXKD thành lập doanh nghiệp và doanh nghiệp của chúng tôi mang tên Công ty cổ phần sữa Chị Vàng Ba Vì được thành lập.
Hiện nay, Công ty nhận thu gom sữa trực tiếp của hàng trăm hộ dân trong khu vực và tạo việc làm cho 40 lao động trên địa bàn có thu nhập ổn định, chủ yếu là lao động nữ. Công ty đã có 20 sản phẩm sữa đạt OCOP 3 - 4 sao.
Để trở thành một chủ doanh nghiệp như bây giờ, thách thức lớn nhất đối với tôi là sự thiếu hụt về kiến thức, những định kiến về bất bình đẳng giới, xong với sự hỗ trợ nhiệt tình từ gia đình cùng với sự học hỏi vươn lên, cuộc đời tôi đã thay đổi, tôi cũng góp phần cải thiện kinh tế của các hộ chăn nuôi và công nhân của tôi trên địa bàn huyện Ba Vì, góp phần nhỏ trong công cuộc xây dựng Thủ đô. Một điều đặc biệt tôi đã mua lại được chính mảnh đất của ông cha mà mình đã phải bán đi năm đó để làm vốn sản xuất.
MC: Thời điểm chị có quyết định "liều" như thế, gia đình đã phản ứng như thế nào?
Bà Phạm Thị Thanh Huyền: 2 vợ chồng tôi đều từng là công nhân ở Trung tâm nghiên cứu bò. Vì kinh tế khó khăn quá, một người phải xin nghỉ. Khi tôi nói muốn có vốn mở rộng làm ăn, chồng ủng hộ hoàn toàn. Vợ chồng tôi khi ấy đã vận động mẹ chồng cho bán miếng đất của ông bà, đưa bà về ở với chúng tôi tại đất nông trường. Bà đồng ý ngay vì tin tưởng các con. Tôi rất may mắn vì luôn có gia đình đồng thuận.
MC: Thời gian qua, TP. Hà Nội đã có nhiều chính sách hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, Hội LHPN Hà Nội cũng đang triển khai Đề án Hỗ trợ phụ nữ Thủ đô khởi nghiệp. Từ góc độ của một nữ nông dân đang nỗ lực khởi nghiệp, bà có thể chia sẻ về những sự hỗ trợ bà nhận được từ thành phố nói chung, Hội LHPN Hà Nội nói riêng cũng như đề xuất của bà về các chính sách để hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp tốt hơn?
Bà Phạm Thị Thanh Huyền: Khi còn là công nhân, tôi đã được hỗ trợ rất nhiều từ Trung ương Hội LHPN Việt Nam, đã giao cho tôi 1 con Bò quận chúa đầu tiên, sau đó nhân lên tổng đàn 10 con. Không chỉ hỗ trợ về con giống, chúng tôi được hỗ trợ kinh nghiệm và kỹ thuật. Đến khi mở hộ kinh doanh, tôi đã được hỗ trợ rất nhiều từ hội phụ nữ và chính quyền các cấp như: Tham gia tập huấn kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm, đào tạo về công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Đi cùng với sự thành công của tôi ngày hôm nay chính là những hỗ trợ tích cực từ phía thành phố Hà Nội nói chung và hội LHPN Hà Nội nói riêng.
Trong thời gian tới, tôi rất mong muốn được tiếp tục nhận được sự quan tâm và hỗ trợ của thành phố cũng như của Hội LHPN Hà Nội để có thể phát triển mô hình sản xuất sữa của mình và góp phần cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho người tiêu dùng.
- 16/10/2024 10:10
Chương trình tiếp tục giao lưu với 3 tấm gương Phụ nữ Thủ đô tiêu biểu năm 2024, các chị có nhiều đóng góp cho cộng đồng, xây dựng Thủ đô an toàn, văn minh, hiện đại. Đó là: PGS.TS Nguyễn Minh Hiền, Trưởng khoa Hóa sinh, Chủ tịch Công đoàn, Bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội; Trung tá Bùi Thị Hạnh, Đội phó Đội Cảnh sát Điều tra tội phạm về Ma túy, Ủy Ban chấp hành Hội Phụ nữ Công an quận Đống Đa; chị Nguyễn Thị Hòe; Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội.
Các đại biểu giao lưu tại chương trình.Tiếp theo là phần giao lưu với PGS.TS Nguyễn Minh Hiền, Trưởng khoa Hóa sinh, Chủ tịch Công đoàn, Bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội.
PGS.TS Nguyễn Minh Hiền (áo vàng), Trưởng khoa Hóa sinh, Chủ tịch Công đoàn, Bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội.MC: Với nhiệm vụ là Trưởng khoa Hóa sinh, bệnh viện Thanh Nhàn, chị đã vận động thực hiện hệ thống xét nghiệm của khoa đạt công nhận ISO 15189-2012 từ năm 2019. Đồng thời, đưa khoa Hóa sinh trở thành đơn vị tiên phong ứng dụng khoa học, công nghệ mới của thế giới vào Việt Nam hỗ trợ giúp bác sỹ trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh nhân. Thưa chị, việc tiên phong ứng dụng công nghệ đã đạt được kết quả như thế nào trong ứng dụng vào điều trị cho các bệnh nhân?
PGS.TS Nguyễn Minh Hiền: Cảm ơn ban tổ chức đã cho tôi có buổi gặp mặt ngày hôm nay để giới thiệu về khoa Hóa sinh bệnh viện Thanh Nhàn, đơn vị được sở Y tế lựa chọn là đầu ngành xét nghiệm, hỗ trợ và giám sát chất lương xét nghiệm cho 85 bệnh viện công lập và từ nhân của thành phố Hà Nội.
Được làm việc tại cơ sở như vậy, tôi thiết nghĩ nâng cao trình độ chuyên môn, ứng dụng công nghệ mới và nghiên cứu tìm ra những kỹ thuật mới để áp dụng cho điều trị bệnh nhân và hỗ trợ các đơn vị trong ngành là cần thiết. Khoa Hóa sinh hiện tại đã làm chủ các kỹ thuật tiên tiến kỹ thuật sinh học phân tử như giải trình tự gen, PCR và Realtime PCR, khoa đã thiết lập hệ thống chuyển mẫu tự động hoàn toàn nhờ đó có thể giảm được những sai sót trong công tác xét nghiệm.
Ngành Y tế là ngành đặc thù, đòi hỏi hội ngũ bác sỹ không những học tập .Được làm việc tại khoa Hóa sinh bệnh viện Thanh Nhàn trong 10 năm qua, tôi đã hoàn thành 3 đề tài cấp thành phố, 1 đề tài cấp bộ, được cấp 2 bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích, đăng nhiều bài báo quốc tế.hướng dẫn các kíp kỹ thuật của khoa đạt 3 giải Nhất, 2 giải Nhì hội thi sáng tạo tuổi trẻ ngành y tế.
MC: Không chỉ là nữ bác sĩ tận tâm với nghề, tích cực nghiên cứu, ứng dụng khoa học vào điều trị bệnh, chị còn là nhưng cũng là người vợ người mẹ trong gia đình, chị đã sắp xếp, điều tiết công việc và gia đình như thế nào để vừa “giỏi việc nước, đảm việc nhà” như danh hiệu cấp Ngành mà chị đã được nhận năm 2023?
PGS.TS Nguyễn Minh Hiền: Tôi vừa làm Chủ tịch công đoàn, vừa làm Trưởng khoa, vừa là Phó trưởng bộ môn, vừa tham gia các nghiên cứu, vừa đi tuyến, vừa hướng dẫn học viên vừa soạn bài giảng, tham gia các hội đồng đánh giá… Để hoàn thành tốt các công việc, tôi nhận được sự hỗ trợ của gia đình người thân và đồng nghiệp. Trong xã hội hiện nay còn có nhiều phụ nữ giỏi hơn tôi. Để có được thành công trong công việc tôi thiết nghĩ mọi người nên thay đổi suy nghĩ đó là "Đối với công việc đừng dùng từ " Phải", mà là "Được" làm , được nghiên cứu khoa học... Đó chính niềm vui, là hạnh phúc giúp chúng ta có động lực say mê công hiến trong công việc hơn.
- 16/10/2024 10:22
Nữ chiến sĩ cảnh sát khắc tinh của tội phạm ma túy: Trung tá Bùi Thị Hạnh, Đội phó Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý, Công an quận Đống Đa, Uỷ viên Ban Chấp hành Hội Phụ nữ Công an quận Đống Đa.
Trung tá Bùi Thị Hạnh giao lưu.Với vai trò là Đội phó Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý, Công an quận Đống Đa, Trung tá Bùi Thị Hạnh, Uỷ viên Ban Chấp hành Hội Phụ nữ Công an quận Đống Đa đã cùng Ban chỉ huy Đội chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ điều tra khám phá, tiếp nhận thụ lý: 345 vụ/491 đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật về ma túy; đấu tranh triệt phá 17 chuyên án mua bán trái phép chất ma túy trên địa bàn.
Điển hình như vụ bắt quả tang đối tượng Tưởng Duy Thành (SN 1959, ở Ngõ Chợ Khâm Thiên, phường Trung Phụng, Đống Đa, Hà Nội) có hành vi mua bán trái phép chất ma tuý năm 2022, tang vật thu được là 2 bánh heroin, khối lượng 652,017 gam heroin cùng nhiều tang tài vật khác...
Với những thành tích đã đạt được, Trung tá Bùi Thị Hạnh vinh dự nhận được Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Bộ Công an, UBND TP Hà Nội.
MC: Với vai trò là Đội phó CSĐTTP về Ma tuý, Trung tá Bùi Thị Hạnh đã cùng Ban chỉ huy Đội chỉ đạo cán bộ chiến sĩ điều tra khám phá, tiếp nhận thụ lý: 345 vụ/491 đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật về ma túy, đấu tranh triệt phá 17 chuyên án mua bán trái phép chất ma túy trên địa bàn. Chị có thể chia sẻ một số chuyên án nổi bật mà mình đã tham gia?
Trung tá Bùi Thị Hạnh: Trong những năm vừa qua, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy vẫn đang phức tạp. Trên địa bàn quận Đống Đa mặc dù tội phạm ma tuý đã được kiềm chế nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ và diễn biến phức tạp. Các đối tượng phạm tội có sự câu kết chặt chẽ, hình thành đường dây, ổ nhóm mua bán, vận chuyển ma túy với số lượng lớn; tính chất hoạt động ngày càng tinh vi, manh động, liều lĩnh, sẵn sàng sử dụng vũ khí nóng chống trả cơ quan công an.
Trước tình hình trên, tôi đã tham mưu cho Ban chỉ huy Công an quận xây dựng nhiều chương trình kế hoạch phòng ngừa và tổ chức đấu tranh có hiệu quả với tội phạm ma túy, qua đó triệt phá được nhiều đường dây, ổ nhóm tàng trữ trái phép chất ma tuý, thu được lượng tang vật lớn. Trong các chuyên án ma tuý, lực lượng nữ cảnh sát đóng vai trò rất quan trọng, chúng tôi không quản nắng mưa, bám sát địa bàn để theo dõi đói tượng phạm tội về ma tuý.
Với các chuyên án chúng tôi tham gia đều cố gắng vượt qua mọi thách thức để hoàn thành nhiệm vụ. Những năm gần đây, tôi cũng tham gia nhiều chuyên án, trong đó vụ án để lại cho tôi nhiều cảm xúc nhất là vụ án mua bán, vận chuyển trái phép 5.000 viên ma túy tổng hợp từ Quảng Ninh về Hà Nội để tiêu thụ, bắt quả tang 02 đối tượng, mở rộng điều tra vụ án bắt giữ thêm 01 đối tượng nữ giới tên Hằng là người cung cấp nguồn hàng cho 02 đối tượng nêu trên.
Tại cơ quan điều tra, đối tượng Hằng kiên quyết không khai nhận hành vi phạm tội. Tôi được ban chuyên án chọn, phân công đấu tranh với đối tượng Hằng để buộc đối tượng phải khai nhận hành vi phạm tội. Qua tài liệu điều tra thu thập được, bản thân đối tượng Hằng bị nhiễm HIV, có mẹ vừa bị bắt về hành vi mua bán trái phép chất ma túy, anh trai là người nghiện ma túy, bị nhiễm HIV, hiện Hằng đang nuôi 03 đứa con của Hằng và 03 đứa con của anh trai. Bản thân Hằng có suy nghi tiêu cực, nếu Hằng khai nhận hành vi phạm tội sẽ đối diện với mức án tù chung thân hoặc tử hình, nên đối tượng rất hoang mang, quanh co, không khai nhận tội.
Khi nhận nhiệm vụ, bản thân tôi vừa là chiến sỹ công an, cũng vừa là người phụ nữ, người mẹ, trước hoàn cảnh của đối tượng Hằng, tôi cũng có một phút chạnh lòng, nghĩ thương 6 đưa con của Hằng nếu như Hằng bị khởi tố, điều tra và xét xử. Tuy nhiên, sau một phút yếu lòng, tôi đã quyết tâm đấu tranh với đối tượng. Quá trình đấu tranh, tôi đã nghiên cứu, nắm bắt rất kỹ tâm lý đối tượng, đã áp dụng nhiều chiến thuật hỏi cung, từ cương đến nhu, cuối cùng sau 4 tiếng đấu tranh với đối tượng thì đối tượng cũng phải cúi đầu khai nhận hành vi phạm tội. Chuyên án được khám phá thành công.
Trong quá trình tham gia các vụ án, chuyên án, lực lượng ma túy nói chung và cán bộ nữ của lực lượng ma túy nói riêng gặp rất nhiều khó khăn. Đối tượng đều là những đối tượng có tiền án, tiền sự, hoạt động manh động liều lĩnh, cán bộ nữ xuyên phải đi đêm, không kể nắng mưa để bám sát địa bàn về hôm nhiều lúc không làm tròn được vai trò người vợ, người mẹ. Bên cạnh đó, các đối tượng ma tuý thì là đối tượng nghiện, rất manh động. Nhưng vượt quá mọi khó khăn, thách thức, chị em phụ nữ lực lượng ma túy luôn quyết tâm hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
MC: Thưa chị, năm 2024, Thủ đô Hà Nội chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng, 25 năm Hà Nội được Tổ chức Giáo dục – Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh là “Thành phố Vì hòa bình”. Chị có thể chia sẻ cảm xúc của mình khi chị cũng đang được cùng các đồng đội góp sức dựng thành phố hòa bình, an ninh, an toàn, điểm đến thân thiện của bạn bè thế giới?
Trung tá Bùi Thị Hạnh: Bản thân tôi cũng như các đồng đội của tôi rất vinh dự và tự hào khi được góp một phần công sức để xây dựng Thủ đô vì Hòa bình, an ninh, an toàn, điểm đến thân thiện của bạn bè thế giới. Thời gian tới, tôi cũng như các đồng đội tôi sẽ luôn vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp một phần công sức để bảo đảm an ninh an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, vì một Thủ đô hòa bình.
- 16/10/2024 10:59
Chương trình kết thúc 10h45. Lãnh đạo Thành phố và lãnh đạo Hội LHPN Hà Nội tặng hoa các tấm gương phụ nữ Thủ đô tiêu biểu năm 2024.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải tặng hoa các nhân vật tham gia chương trình giao lưuCác đồng chí lãnh đạo chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu tham gia chương trình giao lưu.
Chương trình giao lưu với 6 gương điển hình tiên tiến-người tốt việt tốt, là những tấm gương được UBND Thành phố tặng Bằng khen.
Các chị là những cá nhân tiêu biểu, có nhiều sáng kiến, sáng tạo, nỗ lực vươn lên trong lao động sản xuất, đóng góp cho cộng đồng, xã hội trong các lĩnh vực: Nghiên cứu khoa học, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, nữ doanh nhân, lực lượng vũ trang, y tế, giáo dục, nữ cán bộ Hội tiêu biểu.
Đó là: PGS.TS.BS Nguyễn Minh Hiền- Trưởng khoa Hóa sinh, Chủ tịch Công đoàn Bệnh viện Thanh Nhàn- Nữ bác sỹ tiêu biểu; Trung tá Bùi Thị Hạnh - Đội phó Đội CS ĐTTP về Ma túy, Ủy viên BCH HPN Công an quận Đống Đa- Nữ lực lượng vũ trang tiêu biểu; Nhà giáo Lưu Thị Lập - Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Cầu, quận Đống Đa- Nhà giáo tiêu biểu; Nghệ nhân đúc đồng Ngũ Xã Bùi Thị Minh - Hội viên Chi hội phụ nữ số 3, Hội LHPN phường Trúc Bạch, Ba Đình, Hà Nội- nghệ nhân tiêu biểu; Bà Phạm Thị Thanh Huyền - Hội viên nông dân xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì, Hà Nội- Nông dân tiêu biểu; Bà Nguyễn Thị Hòe - Chủ tịch Hội LHPN, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học, Phó Chủ tịch Chữ thập đỏ thị trấn Trâu Quỳ- Cán bộ Hội tiêu biểu.