VNPT cần tích cực đóng góp trong xây dựng cơ chế chính sách liên quan đến chuyển đổi số, chính sách số, công dân số
(PNTĐ) - Sáng 16/7, Đảng bộ VNPT Hà Nội tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2025 - 2030. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong dự và phát biểu chỉ đạo tại Đại hội. Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương dự.
Báo cáo chính trị tại Đại hội cho thấy, giai đoạn 2020-2025, dù gặp nhiều khó khăn trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị do sự dịch chuyển nhu cầu sử dụng dịch vụ của khách hàng và tốc độ tăng trưởng của công nghệ, tác động mạnh đến doanh thu và chi phí đầu tư; mạng lưới viễn thông - công nghệ thông tin và mạng lưới kinh doanh dịch vụ trải rộng, chi phí quản lý lớn; cơ cấu tổ chức, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được nhu cầu của quá trình chuyển đổi mô hình hoạt động; sự cạnh tranh gay gắt của nhiều nhà nhà cung cấp dịch vụ trên địa bàn, ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh…
Song bằng sự đoàn kết, năng động, đổi mới, Đảng ủy VNPT Hà Nội đã sắp xếp mô hình tổ chức theo hướng tinh gọn, vận hành thông suốt, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng trưởng lợi nhuận. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các chỉ tiêu nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ trước đạt kết quả nổi bật: hoàn thành 6/7 chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ 2020-2025, trong đó các chỉ tiêu chính về chênh lệch thu – chi, năng suất lao động, thu nhập bình quân người lao động luôn tăng trưởng tốt.
Cụ thể, năng suất lao động toàn địa bàn bình quân tăng 3,44%/năm; các năm 2023 và 2024 năng suất lao động tăng từ 5 - 8%. Thu nhập bình quân người lao động của VNPT Hà Nội tăng 7,41%/năm; thu nhập bình quân người lao động của Trung tâm Kinh doanh VNPT - Hà Nội tăng 13,3%/năm; hoàn thành vượt chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội XV đề ra.
Tỷ lệ phủ sóng di động Vinaphone trên địa bàn đạt 99,99%; tỷ lệ độ hài lòng của khách hàng sau phát triển thuê bao, sau sửa chữa đạt 99,38%, đều vượt chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội XV. Đảng bộ VNPT Hà Nội đã tích cực, chủ động tham gia chương trình chuyển đổi số của TP Hà Nội thông qua việc thực hiện các hệ thống số, dịch vụ số cho chính quyền và doanh nghiệp.
VNPT Hà Nội tích cực tham gia công tác chuyển đổi số của chính quyền TP; phát triển hạ tầng mạng lưới, hạ tầng số thông minh, linh hoạt, đáp ứng nhu cầu cung cấp dịch vụ khác nhau; thích ứng nhanh với định hướng chiến lược VNPT 4.0.
Bên cạnh việc lãnh đạo tốt nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, Đảng ủy cũng chú trọng lãnh đạo công tác xây dựng Đảng. Trung bình hằng năm có 99,62% chi bộ, đảng bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên; 98,16% đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên. Trong nhiệm kỳ đã kết nạp được 200 đảng viên (đạt 100%) và hoàn thành vượt mức mục tiêu của Nghị quyết Đại hội XV.
Phương thức lãnh đạo của các cấp ủy Đảng cũng được đổi mới, phù hợp với mô hình tổ chức sản xuất và nhiệm vụ chính trị ở mỗi thời kỳ; chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức đoàn thể được nâng cao; nội bộ đơn vị duy trì được truyền thống đoàn kết; tư tưởng cán bộ, đảng viên, người lao động ổn định trước những biến động của doanh nghiệp...

Ghi nhận, biểu dương và chúc mừng những kết quả mà Đảng bộ VNPT Hà Nội đã đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong gợi mở, VNPT cần dự báo và xây dựng quy hoạch bám sát định hướng phát triển của TP với những mục tiêu, nhiệm vụ theo từng giai đoạn cụ thể.
Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, là một doanh nghiệp Nhà nước có uy tín, thị phần lớn trên địa bàn Hà Nội, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, doanh nghiệp cần xác định lợi thế của mình là một Đảng bộ trực thuộc Thành ủy, có kinh nghiệm, truyền thống gắn kết với truyền thống của Hà Nội. Với định hướng phát triển này, VNPT phải xác định nhiều nội dung là sở trường, mục tiêu phát triển. Theo đó, ngoài các doanh nghiệp, người dân, khách hàng của VNPT còn phải là hệ thống chính quyền TP.
Với kinh nghiệm, trách nhiệm của mình, VNPT cần tham gia tích cực, đóng góp trong xây dựng cơ chế chính sách liên quan đến chuyển đổi số, chính sách số, công dân số. Đồng thời, chủ động tham mưu với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam cần có cơ chế thu hút, sử dụng đội ngũ nhân lực chất lượng cao, hệ thống chuyên gia để nâng cao năng lực cạnh tranh.

Bên cạnh đó, VNPT tập trung quan tâm đầu tư, nâng cấp hệ thống đường truyền tốc độ cao đến 126 xã, phường mới để phục vụ các cuộc họp trực tuyến với TP. Đồng thời nghiên cứu, thiết kế một phòng họp trực tuyến mẫu để áp dụng cho các xã, phường. “Để phát triển xã hội số, kinh tế số, chính quyền số cần phải có công dân số. Tôi đề nghị VNPT tham gia nâng cao năng lực, kỹ năng số cho đội ngũ cán bộ, đảng viên trong toàn TP từ chi bộ trở lên” - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội lưu ý.
Đứng trước thời cơ thuận lợi, với truyền thống và những kết quả đạt được thời gian qua, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong tin tưởng, thời gian tới, với mong muốn, quyết tâm và khát vọng vươn lên, VNPT Hà Nội thực sự trở thành doanh nghiệp hàng đầu lĩnh vực viễn thông ở Hà Nội và có đóng góp quan trọng với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam.